Tuesday, July 6, 2010

TẠI SAO CÔNG NHÂN VN Ở NUEOECS NGOÀI KHÔNG ĐƯỢC BẢO VỆ ?

Tại Sao Công Nhân Việt Nam Ở Nước Ngoài Không Được Bảo Vệ

Dam Van Tieu
July 6, 2010

http://www.vietthuc.org/?p=7180

Sau khi thăm Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý cho Công Nhân và Cô Dâu Việt của Lm Nguyễn Văn Hùng, vào cuối tháng 4.2010, để được tai nghe mắt thấy cảnh khốn cùng của các em nạn nhân Việt Nam tại Đài Loan (*), nhân trở lại Hồng Kông chúng tôi tìm hiểu về bối cảnh của các công nhân nước ngoài đang làm việc tại đó, thì thấy Hồng Kông là thị trường có nhu cầu lớn, với sự đãi ngộ rất tử tế đối với những người giúp việc nhà, nhưng lại không thấy bóng dáng của một người Việt Nam nào đến nhận việc ở Hồng Kông, trong khi vẫn đổ xô đến những quốc gia khác, nơi luôn phải cắn răng chịu đựng sư ngược đãi.

Hiện ở Hồng Kông có tới mấy trăm ngàn người giúp việc nhà, đến từ các nước lân bang, nhiều nhất là từ Phi Luật Tân với gần 200 ngàn người và thứ đến là từ Nam-Dương với gần một trăm ngàn người.

Một đạo quân giúp việc nhà lớn như vậy, mà dư luận chưa một lần phải đặt vấn đề họ bị chủ nhân đàn áp bóc lột, vì người Hồng Kông có cái căn bản tôn trọng nhân phẩm, đối với cả những người ngoại quốc đến Hông-Kông, để đảm nhận một công việc khá thấp trong xã-hội…

Cái căn bản này người Hồng Kông vẫn quyết tâm, dựa vào những ràng buộc quốc tế, để bảo vệ những giá trị thực tiễn về dân chủ nhân quyền và quyền tự quyết của mình.

Không một khẩu hiệu tuyên truyền rỗng tuếch, hay là một biểu tượng nào của bác và đảng cộng sản TQ, được trương lên ở nơi công cộng.

Nơi học đường họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng, những giá trị nhân bản cho lớp tuổi trẻ, để đào tạo họ thành những người hữu ích trong xã hội khi trưởng thành.

Chúng tôi thường theo người giúp việc đến trường đón cháu, nên gặp một ông lão cũng đón đứa cháu nội học cùng lớp với cháu chúng tôi.

Ông ta là một phi công hồi hưu, nên những câu chuyện giữa chúng tôi có vẻ hợp ý về nghề nghiệp, vì tôi từng làm trong ngành không lưu và hợp ý nhau cả về quãng đời còn lại với những ước mơ cho con cháu…

Có lần ông ta chỉ vào tấm bảng nhỏ ghi Châm ngôn (Motto) Quyết đạt tới mục tiêu về đạo đức (virtue) và theo đuổi sự thật (truth). Căn bản giáo dục của nhà trường là phối hợp giữa sở thích và chuyên nghiệp, giữa văn hóa Đông và Tây, giữa gia đình và học đường, giữa học đường với xã hội.

Rồi nói là ông ta rất hài lòng, vì thế hệ thanh thiếu niên Hồng Kông ngày nay vẫn được hưởng một nền giáo dục, với những yếu tố căn bản như thế, mặc dù Bắc Kinh vẫn muốn thay đổi hết những truyền thống cũ, từ chính trị đến xã hội và văn-hóa giáo-dục của người Hồng Kông.

(Vì là trường song ngữ Anh-Hoa nên tấm bảng trên được ghi bằng tiếng Anh)

Khi kể về quê hương gốc của nhau: Gia đình ông đã may mắn, sớm bỏ Hoa Lục xuống Hồng Kông lập nghiệp, với cùng một lý do mà gia đình chúng tôi đã bỏ Miền Bắc cộng sản, xuống Miền Nam Việt Nam vậy.

Lần duy nhất về thăm quê ở Hoa-Lục đã khiến ông thật đau lòng… Ông nói là tôi chưa về thăm quê Việt Nam là điều may mắn và sau này không nên về, nếu không muốn có những cảm giác đau lòng như ông ta.

Ông có lý do để nói điều đó, vì ông đã có nhiều dịp đến Việt Nam, bằng những chuyến bay đặc biệt dành riêng cho các quan chức cao cấp trong chính phủ Trung Quốc, nên ông nhìn thấy là Việt Nam không có cơ hội để phát triển, vì hai vấn nạn chính:

- Về đối nội thì nạn tham nhũng và bóc lột tràn lan, nó không được diệt trừ, mà còn được bao che bởi những người nắm trọn quyền thế trong tay, người dân thì lại không có quyền lựa chọn, để thay đổi cấp lãnh dạo đất nước của mình, nên chỉ thiểu số cầm quyền cùng thân nhân họ được hưởng đặc quyền, về mọi đầu mối kiếm lợi lộc, còn đại đa số dân chúng thì ngèo khổ, chen chúc trong một thế giới ngày một thêm tụt hậu.

- Về đối ngoại thì cộng-sản Việt Nam cứ tự tạo ra cái thế ràng buộc bấp bênh nguy hiểm, vì không có đường lối dứt khoát về những quan hệ quốc tế.

Lúc thì gắn bó với khối cộng sản còn sót lại, rồi chợt thấy những ràng buộc với mớ lý thyết CS lỗi thời không thể phát triển, nên lật đật chuyển hướng thân thiết với khối phi cộng sản để có cơ hội phát triển, nhưng lại bị buộc phải tôn trọng dân chủ nhân quyền đối với dân chúng, sự ràng buộc này chắc chắn sẽ làm mất đi cái thế độc quyền độc đảng, nên sợ và lại vội vã đổi chiều.

Cái đổi chiều như chong chóng ấy thật nguy hại, vì mỗi lần đổi chiều, nó lại lòi ra những sơ hở để cho ngoại bang lợi dụng, cứ hết dịp này đến dịp khác, tựu chung chỉ tổ làm khổ dân và hại nước…

Trong nhiều lần qua lại trên những khu phố người đông như kiến và vội vã như nước chảy, chúng tôi thường thấy người phụ nữ, với chiếc loa phóng thanh đứng một mình bên mấy tấm biểu ngữ…Đó là bà Audrey Eu, một luật sư lỗi lạc, chủ tịch của Civic Party. Bà hiện là cái gai mà nhà cầm quyền Bắc Kinh muốn nhổ.

Bà Autrey Eu vác loa và biểu ngữ đến từng khu phố, để lên tiếng phản đối chính sách bầu cử thiếu dân chủ mà Bắc Kinh muốn áp đặt cho Hồng Kông, là chỉ có một nửa số ghế trong hội đồng lập pháp của Hồng Kông, được do dân bầu cử trực tiếp, còn lại là do các nhóm đặc quyền lựa chọn, đa số là những nhóm ủng hộ Bắc Kinh.

Bà kêu gọi dân chúng tham gia cuộc bầu cử bổ túc vào ngày 16 tháng 5 năm 2010, để ủng hộ cho 5 đại-bểu trong hội đồng lập pháp Hồng Kông, là Albert Chan, Tanya Chan, Leung Kwok-hung Alan Lee, và Wong Yukman, đã nhất loạt từ chức vào 27 tháng giêng 2010, rồi sau đó tái tranh cử ở ngay những đơn vị họ vừa từ chức, để biểu lộ quyết tâm đòi lại quyền dân chủ tự quyết cho Hồng Kông, lấy kết quả cuộc bầu cử bổ túc này làm một thử thách, cho cuộc bầu cử trực tiếp toàn bộ của Hồng Kông trong tương lai.

Chúng tôi rời Hồng Kông trước ngày bầu cử, với cảm nghĩ là bà Audrey Eu đang cô đơn, làm công việc giống như những người Việt Nam ở Hải Ngoại và các nhà đấu tranh cho dân chủ trong nước, đang nhiệt tình và can đảm đứng lên đòi hỏi chế độ độc tài CSVN, phải tôn trọng dân chủ và nhân quyền.

Chính vì vậy chúng tôi không quên theo dõi cuộc bầu cử vào ngày 16 tháng 5 của Hồng Kông.

Kết quả cuộc bầu cử là cả 5 Ứng-cử-viên trên đều được tái đắc cử. Kết quả này đã làm chúng tôi bỏ cái cảm nghĩ về một bà Audrey Eu cô đơn, vì người dân Hồng Kông đã lắng nghe và đứng về phía bà cùng 5 Vị đại biểu, để tỏ thái độ quyết tâm đòi quyền tự quyết của họ, dù Bắc Kinh đã tìm mọi cách để cản trở và phe thân Bắc Kinh ở Hồng Kông cũng tìm mọi cách để tẩy chay cuộc bầu cử bổ túc này…

Và tôi nhìn ra, đây là một bài học để những người Việt Nam đừng sợ mình cô đơn trong đấu tranh, vì chính nghĩa không bao giờ cô đơn. Tiếng nói chính nghĩa sẽ được người dân trong nước lắng nghe, để tự đứng lên đạp đổ mọi bất công.

Hồng Kông luôn là nơi làm nhức nhối cho CS Bắc kinh về dân chủ nhân quyền, không một quết định thiếu dân chủ nào Bắc Kinh muốn áp đặt cho Hồng Kông mà không bị phản đối mãnh liệt.

Ngay cả những hành động đàn áp dã man của Bắc Kinh ở trong Hoa-Lục, như giết hại những tín đồ Pháp Luân Công để lấy các bộ phận trong cơ thể đem bán, được công khai vạch ra trên những đường phố đông người qua lại ở Hồng Kông để phản đối.

Không năm nào mà người Hồng Kông không xưống đường, thắp nến tưởng niệm đến các nạn nhân, trong vụ nhà cầm quyền Trung Cộng đã đàn áp đẫm máu, các sinh viên biểu tình đòi dân chủ, ở quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Điều này luôn làm cho giới chức Trung Cộng lo sợ, vì bất cứ đợt kỷ niệm nào về vụ đàn áp này, cũng có thể đặt ra các thách thức cho đảng Cộng sản cầm quyền.…

.

Những chương trình TV phát sóng từ Hoa Lục tiếp vận vào Hồng Kông, vẫn không được vui vẻ đón nhận, vì người Hồng Kông nhìn ra, cái tính cách tuyên truyền một chiều và thiếu trung thực.

Hình ảnh một binh sĩ hay một cảnh sát mang sắc phục của Trung Cộng xuất hiện trên đường phố hay nơi công cộng ở Hồng Kông, vẫn là điều không được phép và chính phủ Bắc Kinh phải chiều theo. Chứng tỏ lòng dân chưa chấp nhận sự hiện diện, dù chỉ là một biểu tượng nhỏ của chế độ độc đoán với bạo lực.

Những sự việc kể trên chứng tỏ cộng sản chỉ có thể áp đặt hay phô trương được bạo lực, khi họ thành công trong chính sách ngu dân hay là đã kiểm soát được cái bao tử của người dân bằng chính sách hộ khẩu, giống như CSVN đã tức khắc áp đặt ở Miền Nam Việt Nam năm 1975.

Bóc lột và đàn áp vẫn chưa có chỗ đứng ở Hồng Kông, ngược lại với vô số những người Hoa Lục xuống làm việc chính thức hay làm lậu làm chui ở Hồng Kông, lại đem về những ao ước về dân chủ nhân quyền, ao ước cho Hoa Lục sớm thoát khỏi cảnh đàn áp bóc lột để được no ấm và sớm có quyền tự quyết giống như ở Hồng Kông.

Những ao ước này một khi được trải rộng khắp Hoa-Lục, thì hẳn lúc đó chế độ độc tài đảng trị CSTQ cũng sẽ không còn.

.

Nếu so sánh giữa người công nhân Việt ở Đài Loan và các công nhân ở Hồng Kông: Chúng tôi đã đọc những bản hợp đồng của người giúp việc nhà ở Hồng Kông, nhưng chưa được thấy bản hợp đồng nào của các công nhân Việt tại Đài Loan, những hợp đồng mà chính người công nhân Việt Nam có khi chỉ được ký vội trước khi lên máy bay, có khi đến nhận việc làm ở Đài Loan rồi, cũng chưa rõ là mình đã ký thuận những điều khoản ra sao trong hợp đồng…theo chính các em nạn nhân kể lại.

Nhưng xét cho cùng thì các điều khoản có minh bạch cách mấy, muốn được cả hai bên tôn trọng vẫn cần có luật pháp với những cơ quan có trách nhiệm bảo vệ, một cách chính thức và công khai.

Công việc của một đạo quân hùng hậu tới mấy trăm ngàn người giúp việc nhà ở Hồng Kông, là từ dọn dẹp nhà cửa, chợ búa nấu ăn, giặt giũ quần áo và quan trọng nhất là việc nuôi dưỡng người già, baby sister và đưa rước trẻ em đến trường… Bằng đó công việc, nên trên mọi đường phố và chợ búa không thiếu bóng họ. Họ đứng chật đến phải chen chân ở các cổng trường tiểu học, để đưa đón và bảo vệ an toàn cho trẻ em trên đoạn đường từ nhà đến trường. Họ rất dễ dàng nhận diện với tay xách vai mang túi và giỏ đựng sách vở hay dụng cụ thể thao và đi kèm sát với các em học sinh.

Vào những ngày nghỉ duy nhất trong tuần, thường là vào Chúa Nhật. Những người Nam Dương tụ tập kín đền thờ “Kowloon Mosque” ở góc đường Nathan-Haiphong road, tràn ra tới Cowloon Park để nhóm bạn ăn uống vui chơi, ca hát hay tụ lại để đọc kinh Coran.

Những người Phi Luật Tân thì sau giờ Thánh-Lễ ở các thánh đường Thiên Chúa Giáo, họ theo các đường xe điện ngầm đến trạm Central và trạm Hồng Kông, đổ ra các công viên hay ngồi chật trên cầu hành lang dẫn tới bến cảng, có người với xe đẩy xe kéo những kiện hàng, đến giao cho những đoàn xe tải chờ sẵn bên vệ đường để chuyển về nước cho gia đình.

Khi hỏi chuyện về cảm nghĩ của họ trong công việc, họ tỏ ra hài lòng với những điều khoản trong hợp đồng được tôn trọng và luật pháp bảo vệ, hài lòng về cuộc sống có bảo hiểm và lương-bổng được thực hiện đúng đắn với sự đãi ngộ tử tế của chủ nhân… Khiến họ thêm tận tình và vui vẻ trong công việc, dù có đôi lúc nhớ cha mẹ hay nhớ chồng con ở quê nhà đến rơi lệ.

Những người công nhân Việt Nam làm việc ở nước ngoài, không thể có được cái hài lòng như thế vì chính quê hương Việt Nam bỏ rơi họ.

Cụ thể một vụ việc ở Đài Loan, khi bị chủ nhân đàn áp và bóc lột, công nhân mình đã cầu khẩn những người có trách nhiệm, là đại diện lãnh sự quán đến can thiệp, nhưng dù đại diện Lãnh sự quán Việt Nam tại Đài Loan có đến, thì trong suốt buổi họp mấy tiếng đồng hồ với chính quyền địa phương và phía chủ nhân, ông ta cũng chỉ ngậm miệng không nói được một câu, mà chính ông ta có bổn phận bênh vực cho lẽ phải và quyền lợi của chính các công nhân Việt Nam mình, đang bị chủ nhân bóc lột và hành hạ.

.

Người dân trong chế độ dân chủ thì khác, dù cũng vì nghèo khổ mà phải tha phương cầu thực, nhưng những người đại diện cho quê hương họ, luôn bảo vệ và che chở họ chứ không bỏ rơi những người đang miệt mài đi kiếm ngoại tệ, để đem về nuôi sống gia đình và xây dựng đất nước.

Mặt khác nữa là quyền tự quyết dân chủ của họ bằng những lá phiếu vẫn được tôn trọng.

Con số hàng trăm ngàn lá phiếu của họ là khá lớn và có thể quyết định thắng bại trong cuộc bầu cử dân chủ ở các cấp, nên các Ứng-cử-viên dù tổng thống hay thủ tướng vẫn đưa các đại diện, đến tận Hồng kông để vận động.

Những địa điểm bầu cử được mở ra, để những người công nhân đang làm việc ở Hồng Kông, thực thi các quyền dân chủ tự quyết của mình cho quê hương mà họ chỉ tạm xa vắng.

Riêng khía cạnh này, dù lấy thí điểm ở Đài Loan, Hàn quốc hay Mã Lai, mấy trăm ngàn công nhân Việt Nam có bị bỏ rơi dễ dàng cũng là chuyện dễ hiểu, vì chế độ độc tài CSVN không cần người dân, người dân không có quyền tự quyết bằng lá phiếu, để chọn người lãnh đạo cho đất nước của mình.

Bầu cử ở Việt Nam chỉ là bề ngoài lừa bịp dư luận theo kiểu đảng chọn dân bầu.

Hơn 80 triệu dân trong nước còn chưa có tự do bầu cử, huống chi mấy trăm ngàn công nhân làm việc ở nước ngoài, nên họ không được ngó ngàng tới là lẽ thường, vì không có điều gì cần nơi họ, ngoại trừ việc các giới chức nhà nước CSVN toa rập với các công ty môi giới và chủ nhân, lấy họ ra làm cái cớ để tiếp tay cho lừa đảo bóc lột và đàn áp mà kiếm thêm lợi lộc cá nhân.

.

Điều lạ là Hồng Kông là thị trường có nhu cầu lớn, với sự đãi ngộ rất tử tế đối với những người giúp việc nhà, nhưng lại không thấy bóng dáng của một người Việt Nam nào đến nhận việc ở Hồng Kông, trong khi vẫn đổ xô đến những quốc gia khác, nơi luôn phải cô đơn cắn răng để chịu đựng sự ngược đãi, hãm hiếp và đánh đập…

Chúng tôi đặt câu hỏi về trường hợp này với một người Việt sống lâu năm ở Hồng Kông và luôn có người giúp việc trong nhà, câu trả lời chỉ là những gì có lẽ:

- Có lẽ vì yêu cầu người giúp việc nhà ở Hồng Kông phải biết tiếng Anh và tiếng Hoa, mà một người Việt khi có khả năng về ngoại ngữ như thế, họ không cần phải ra nước ngoài làm công việc giúp việc nhà để kiếm sống.

- Có lẽ là các công ty môi giới công nhân Việt Nam có những lối làm ăn mang tính bóc lột, không minh bạch đối với các công nhân, nên không thích hợp để hoạt động ở nơi nhân phẩm nhân quyền được tôn trọng như ở Hồng Kông,…

Đàm Văn Tiếu
München tháng 6-2010

GHI CHÚ (*) coi bài: VĂN PHÒNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO CÔNG NHÂN VÀ CÔ DÂU VIỆT TẠI ĐÀI LOAN

.

.

.

No comments: