Tái cơ cấu Vinashin hay là hành động “đốt hóa đơn chứng từ”
Vi Toàn Nghĩa
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vừa rồi, Phó chủ tịch Văn phòng Chính phủ Phạm viết Muôn cho biết: Trên thế giới việc tái cơ cấu kinh tế một tập đoàn lớn là chuyện bình thường, tái cơ cấu để tập đoàn phát triển mạnh hơn.
Đúng là trên thế giới đấy là chuyện bình thường! Nhưng trường hợp VINASHIN quyết không phải là bình thường.
Không bình thường ở những điểm sau:
- Số nợ của VINASHIN là quá lớn 80.000 tỷ đồng và đều là ngân sách nhà nước.
- VINASHIN chưa nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước, cũng chưa có danh sách những người phải chịu trách nhiệm.
- Ai vẫn tiếp tục cấp vốn cho VINASHIN sau khi đã có rất nhiều lời cảnh báo ”VINASHIN là cái thùng rỗng” (thậm chí cả trong QH). Ai đã tác động để trì hoãn thanh tra và kiểm toán VINASHIN?
Cơ cấu lại VINASHIN vội vã như vậy không có lý do nào khác ngoài những lý do sau đây:
- Chia nhỏ, hợp lý hóa số tiền và số nợ “không minh bạch” của VINASHIN.
- Chia nhỏ trách nhiệm để không phải giải trình trước dân - người chủ của những đồng tiền thất thoát.
- Tìm cách làm “chìm xuồng ” vụ này càng nhanh càng tốt.
*
*
Vấn đề Vinashin – nhìn từ nhiều phía
Cập nhật lúc: 7/6/2010 12:21:36 AM (GMT+7)
http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=694
Các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam, theo quy định của Chính phủ, đột nhiên phải thu gom hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp con. Các doanh nghiệp này từ trước đến giờ “không quen biết” gì nhau, nằm ở rải rác khắp nơi, nay cùng “chui” vào một “rọ quản lý” của tập đoàn.
PGS TS Vũ Trọng Khải
Mấy ngày nay, sau “cái nóng” của dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, được “làm mát” nhờ quyết định phủ quyết của Quốc hội, cả nước lại nóng lên hầm hập vì vấn để Vinashin. Xin có đôi điều lạm bàn như sau:
1. Xét trên góc độ pháp lý
Vinashin là một doanh nghiệp có một chủ sở hữu là nhà nước. Từ 30/6/2010 trở về trước, nó hoạt động theo luật Doanh nghiệp nhà nước. Do đó, tuy không thể hiện trên văn bản, nhưng trên thực tế, Vinashin là doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn.
Theo đó, ngân sách nhà nước và ngân sách doanh nghiệp là “hai bình thông nhau”. Điều đó có nghĩa là khi doanh nghiệp thiếu vốn, ngân sách nhà nước “tự động” cung ứng, dưới dạng cấp vốn hay cho vay theo quyết định của chủ sở hữu, mà ở đây là Chính phủ hay người đứng đầu Chính phủ. Cho nên dù hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ nặng, Vinashin vẫn chưa rơi vào tình trạng phá sản bởi, theo luật phá sản, chỉ khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì mới bị coi là lâm vào tình trạng phá sản.
Nhưng ở trường hợp này, chủ nợ lớn nhất của Vinashin là Chính phủ, chứ không phải là nhà cung ứng vật tư, tín dụng cho Vinashin. Ở đây, Chính phủ cùng một lúc đóng ba vai trò: (1) Chính phủ quản lý doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng theo pháp luật ; (2) Chính phủ là chủ sở hữu vốn; (3) Chính phủ là chủ nợ. Chính phủ với tư cách là chủ nợ không những không đòi lại các khoản nợ đến hạn mà còn cấp thêm vốn hay bảo lãnh cho vay, cho vay tiếp thì đến bao giờ Vinashin mới lâm vào tình trạng phá sản theo luật định?
Từ 01/7/2010 các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải chuyển sang hoạt động theo luật doanh nghiệp dưới dạng công ty TNHH một thành viên đã xóa bỏ trách nhiệm vô hạn của doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước.
Nhưng thực tế lại không diễn ra như luật doanh nghiệp mong muốn. Bởi Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ cùng một lúc đóng ba vai trò như nêu ở trên, nên có đủ thẩm quyền ra quyết định chia Vinashin thành 3, như ta đã thấy. Khi phần lớn các doanh nghiệp con của Vinashin được chuyển sang PetroVietNam và Vinaline, chắc chắn, hai tập đoàn doanh nghiệp này sẽ phải dùng ngân sách của mình để tiếp tục cung cấp vốn cho các doanh nghiệp con vừa tiếp nhận từ Vinashin.
Điều đó có nghĩa là, thay vì phần lợi nhuận của hai tập đoàn này sẽ phải nộp vào ngân sách Nhà nước, thì nay phải trích ra một khoản không nhỏ để cung ứng vốn cho các doanh nghiệp con vừa tiếp nhận từ Vinashin. Vì thế, về thực chất, ngân sách nhà nước vẫn tiếp tục cung ứng thêm vốn cho Vinashin, nhưng được “che đậy” bằng cách như nêu ở trên.
Cái “van” tuy được lắp đặt giữa “hai bình thông nhau” – ngân sách Nhà nước và ngân sách doanh nghiệp, nhưng Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ có quyền “mở van” bất kỳ lúc nào. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn là doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn, chứ không phải TNHH.
2. Xét trên khía cạnh quản lý
Những ngày đầu làm ăn "xuôi chèo mát mái", nhiều lãnh đạo tập đoàn đã lớn tiếng tuyên bố trong một thập kỷ nữa sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia đóng tàu nằm trong "top 5" thế giới.
Nhưng ngay trong những ngày làm ăn thuận lợi nhất, khi cái tên Vinashin quá lớn, toả ra và trùm xuống che mắt nhiều người thì các chuyên gia kinh tế vẫn lo lắng việc trao quá nhiều tiền vào tay một tập đoàn non trẻ, còn thiếu kinh nghiệm quản lý như Vinashin. Quy mô của Vinashin là quá lớn so với năng lực quản lý với hơn 200 doanh nghiệp thành viên, hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn kinh doanh, trải trên địa bàn rộng suốt từ Bắc đến Nam.
Nhưng tại sao Vinashin lại “to” lên đến mức như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm? Bởi Vinashin ra đời theo một quyết định hành chính của Thủ tướng Chính phủ, không theo quy luật tích tụ và tập trung tư bản của kinh tế thị trường.
Một tập đoàn kinh tế là kết quả của quá trình tích tụ và tập trung tư bản, lớn dần theo năng lực quản lý của chính nó. Một doanh nghiệp ăn nên làm ra, thì lợi nhuận, sau khi đã dành một phần cho sở hữu chủ sử dụng, sẽ được sở hữu chủ quyết định tái đầu tư. Nhưng đầu tư vào chính nó thì sẽ gặp các nguy cơ: (1) quy mô kinh doanh quá lớn so với năng lực quản lý của một doanh nghiệp; (2) tăng khả năng rủi ro vì “tất cả các quả trứng đều được để vào trong một giỏ”; (3) cung – cầu về mặt hàng mà doanh nghiệp đang kinh doanh sẽ bão hòa hay cung lớn hơn cầu.
Vì thế, để tránh ba nguy cơ trên, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được đầu tư vào những lĩnh vực khác, ở những vùng kinh tế khác, bằng cách lập các doanh nghiệp mới với tư cách là doanh nghiệp con. Doanh nghiệp đầu tư vốn đóng vai trò chi phối trở thành doanh nghiệp mẹ và các doanh nghiệp con vẫn là một thực thể pháp lý, hoạt động tự chủ trên thương trường theo luật pháp và quyết định của chủ sở hữu vốn.
Do vậy, cả công ty mẹ và công ty con cũng phát triển theo quá trình tăng vốn và năng lực quản lý của cả tập đoàn doanh nghiệp nên không rơi vào tình trạng “quá tải” trong quản lý. Và do đó, tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải là một thực thể pháp lý, không có ai ra quyết định thành lập, không có “ngày sinh tháng đẻ”.
Còn các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam, theo quy định của Chính phủ, đột nhiên phải thu gom hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp con. Các doanh nghiệp này từ trước đến giờ “không quen biết” gì nhau, nằm ở rải rác khắp nơi, nay cùng “chui” vào một “rọ quản lý” của tập đoàn. Chuỗi quản lý hành chính kéo dài vô lý với 5 – 6 cấp trung gian, nên tình trạng quan liêu, “quá tải” trong quản lý đương nhiên xảy ra phổ biến.
.
.
.
No comments:
Post a Comment