Friday, July 9, 2010

PHILIPPINES: BƯỚC ĐẦU VÀO TRẬN CHỐNG THAM NHŨNG

Bước đầu vào trận chống tham nhũng

Haydanhthoigian

Tháng Bảy 9, 2010

http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/07/09/b%c6%b0%e1%bb%9bc-d%e1%ba%a7u-vao-tr%e1%ba%adn-ch%e1%bb%91ng-tham-nhung/#more-7013

Cơ quan quyền lực cao nhất của nước láng giềng Phillippines đã có một quyết định được cho là khá mới mẻ và đáng cho chúng ta học hỏi trên con đường chống tham nhũng. Quần chúng nhân dân là sức mạnh, tiếp cận thông tin dựa vào người dân trong việc phòng chống tham nhũng là số một. Vấn đề là cách tiếp cận như thế nào để đạt được mục đích. Họ đã dùng mạng xã hội Facebook và Twitter để khai thác điều đó.

X.Hạnh

---------------------------------------

Với quyết tâm chống tham nhũng và xây dựng một chính quyền có hệ thống hành chính nhạy bén trước các vấn đề bức xúc của người dân, chính phủ của tân Tổng thống Benigno Noynoy Aquino đã có bước đi đầu tiên.

Ngày 6-7, Tòa án tối cao Philippines thông báo cơ quan quyền lực này đã gia nhập hai trang mạng xã hội Facebook và Twitter để giúp công chúng tiếp xúc nhiều hơn với họ, đồng thời thông báo một cách nhanh chóng các phán quyết, những tin tức, sự kiện khác liên quan đến tòa, cũng như trả lời những thắc mắc hay chất vấn của người dân. Công chúng cũng có thể đưa lên mạng những bình phẩm hoặc than phiền về tòa án mà nhiều người cho rằng đây là một trong những cơ quan quyền lực khó tiếp cận nhất. Ông Jose Midas Marqiez, người phát ngôn của tòa án cho biết Chủ tịch tối cao Pháp viện Renato Corona sẽ góp mặt vào các trang mạng này.

Trong 2 ngày đầu sau khi thông báo sự kiện trên, Tòa án tối cao Philippines đã ra 2 quyết định quan trọng trên mạng xã hội Facebook và Twitter (http://twitter.com/KorteSuprema). Đó là phán quyết giữ nguyên kết quả cuộc bầu cử Tỉnh trưởng tỉnh Palawan được tổ chức trong tháng qua và duy trì hiệu lực của thỏa thuận cho phép Công ty Phát triển Fontana tiếp tục hoạt động casino bên trong Đặc khu Khu kinh tế Clark.

Sự kiện cơ quan tư pháp đại diện Chính phủ Philippines gia nhập 2 mạng xã hội Facebook và Twitter, ngoài mục tiêu tăng cường sự hợp tác của công chúng với các chính sách của chính phủ, còn nhằm một mục đích có ý nghĩa quan trọng khác. Đó là tìm cách tăng thu nhập quốc gia thông qua chiến dịch ngăn chặn những vụ gian lận thuế từ những thông tin trao đổi trên mạng. Đây là một trong những mục tiêu chống tham nhũng mà Tổng thống Aquino đeo đuổi trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Ông Aquino ước tính khoảng 6 tỷ USD ngân sách nhà nước sẽ được thu hồi nếu không có tham nhũng, trong đó có nạn gian lận thuế.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 7-7, Kim Henares, Ủy viên Cơ quan thuế Quốc nội Philippines cho biết chính phủ lên phương án sử dụng thông tin mà người dân tải lên các trang mạng xã hội để giúp tìm ra dấu vết các vụ gian lận thuế, nhằm tăng các khoản thu thuế sau khi tổng thu thuế quốc gia giảm 12,8% so với GDP trong năm 2009 (mức kỷ lục là 17% trong năm 1997). Mục tiêu của chiến lược này nhằm tăng mức thu thuế lên 15% GDP trong vòng một năm mà không cần phải tăng thuế.

Jonathan Ravelas, nhà chiến lược thị trường của Ngân hàng Banco de Oro Unibank Inc. có trụ sở tại thủ đô Manila cho rằng: “Điều này sẽ không tác động tức thời nhưng sẽ có tác dụng về lâu về dài”. Còn Bộ trưởng Tài chính Cesar Purisima và Bộ trượng Năng lượng Rene Almendras cho biết các quan chức hy vọng việc chính phủ sử dụng các trang mạng xã hội sẽ trở nên phổ biến ở đất nước này, nơi có khoảng 14,6 triệu người sử dụng Facebook, là thị trường đứng thứ 8 về số người sử dụng các trang mạng xã hội trên thế giới.

Theo đánh giá của Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, Philippines là đất nước có hệ thống thuế kém thứ tư trong số hơn 100 quốc gia trên thế giới, sau Guatemala, CH Dominica và Costa Rica. Andrew Colquhnoun, người đứng đầu cơ quan này cho biết : “ Đây là điểm yếu của Philippines”. Hiện Philippines xếp hạng thứ 139 trong số 180 nước có chỉ số tham nhũng cao nhất do Cơ quan Minh bạch quốc tế đánh giá.

—————————

.

Tân Tổng thống Philippines và cuộc cách mạng mới

Tổng thống Philippines Benigno “Noynoy” Aquino (ảnh) nhậm chức trong bối cảnh Philippines cần một cuộc cách mạng mới để chống tham nhũng và đưa nước này thoát khỏi tình trạng trì trệ về kinh tế. Đây sẽ là những thách thức lớn của tân Tổng thống Aquino giữa lúc kỳ vọng của cử tri đặt vào ông quá nhiều.

.

Tiếng vọng

Lễ nhậm chức của Tổng thống Aquino hôm 30-6 không giống như các lễ nhậm chức thông thường, nó mang màu sắc và thời khắc đỉnh điểm của một cuộc cách mạng. Ông Benigno Aquino tuyên thệ nhậm chức tổng thống Philippines trước một thẩm phán tối cao pháp viện tại một khu nghỉ mát ven biển của Manila. Hàng trăm ngàn người, nhiều người mặc áo vàng (màu ông đã dùng trong cuộc vận động tranh cử) tham dự buổi lễ. Ông Benigno Aquino đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 10-5 vừa qua, bỏ xa đối thủ là cựu tổng thống Joseph Estrada. Ông là tổng thống còn độc thân đầu tiên ở Philippines, là nước mà đệ nhất phu nhân thường có vai trò quan trọng.

Phát biểu bằng tiếng Tagalog, ông Aquino hứa sẽ chống tham nhũng và cam kết sẽ đem lại một kỷ nguyên mới về chính quyền tốt đẹp, với những cải cách mạnh mẽ và một hệ thống hành chính nhạy bén trước các vấn đề của người dân. Những đám đông lớn đồng loạt hô vang “Noynoy! Noynoy!”. Nó làm người ta nhớ lại cuộc cách mạng quyền lực nhân dân năm 1986 khi mẹ của ông Aquino, bà Corazon “Cory” Aquino nhậm chức tổng thống cũng được đám đông hô vang với những từ “Cory! Cory!”.

Người dân Philippines tôn kính bà Aquino bởi vì bà đã lật đổ nhà độc tài tham nhũng Ferdinand Marcos và phục hồi nền dân chủ Philippines. Vụ ám sát chồng bà, ông Benigno “Ninoy” Aquino, đối thủ của Tổng thống Ferdinand Marcos cũng đã dẫn đến sự sụp đổ của nhà độc tài này. Tại buổi lễ nhậm chức, ông Aquino nói: “Cha mẹ tôi không tìm kiếm gì khác hơn dân chủ và chết cũng không gì khác hơn vì dân chủ, hòa bình và thịnh vượng”.

Tiếng vọng về từ năm 1986 rõ ràng là có chủ đích. Tổng thống Aquino tự mô tả mình là người nhận trọng trách của nhân dân làm thay đổi thể chế mà ông gọi là “đầy rẫy tham nhũng” của người tiền nhiệm Gloria Macapagal Arroyo. Vì vậy, xuyên suốt chiến dịch tranh cử của ông khẩu hiệu là “Nếu không có tham nhũng, sẽ không có đói nghèo”. Ông cam kết chấm dứt một thời kỳ lãnh đạo kéo dài “vô cảm với nỗi đau của người dân”.

Thế nhưng sự kỳ vọng của cử tri quá lớn vào ông Aquino cũng nhắc người dân nhớ đến sự kỳ vọng tương tự vào nữ Tổng thống Aquino. Sau những năm cầm quyền, bà Aquino vẫn thất bại trong việc giải quyết các vấn đề lớn của Philippines như kinh tế tăng trưởng thấp, đói nghèo gia tăng cùng với dân số. Văn hóa chính trị vẫn chứa đựng nhiều bất ổn và thường xảy ra bạo lực. Các nhóm Hồi giáo ly khai và nổi dậy vẫn đang gây bất ổn và lực lượng an ninh thường gây ra nhiều vụ lạm dụng quyền lực. Người dân Philippines cũng đã từng kỳ vọng với Tổng thống Arroyo sau khi bà lên cầm quyền thay “triều đại” Joseph Estrada đầy tham nhũng. Hết nhiệm kỳ, mức tín nhiệm dành cho bà Arroyo có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ thời kỳ Marcos. Hiện giờ, tại Philippines, 1/3 dân số sống với thu nhập chưa tới 1 USD/ ngày.

Vấn đề thứ hai cũng khó khăn không kém đối với ông Aquino là cách giải quyết với tình trạng xung đột tôn giáo và ly khai ở miền Nam. Theo cố vấn hòa bình của Tổng thống Aquino, bà Teresita Quintos Deles, Chính phủ Philippines sẽ nối lại các cuộc đàm phán với những nhóm du kích và ly khai Hồi giáo để mong chấm dứt tình trạng bạo lực. Theo bà, ổn định chính trị thông qua đàm phán là cách duy nhất để mang lại hòa bình cho miền Nam Philippines. Philippines có thể mời các nước Đông Nam Á làm trung gian hòa giải.

.

Thách thức lớn

Mẹ của ông, bà Aquino, sau khi đắc cử tổng thống đã thành lập ủy ban nhằm trưng thu lại số tài sản khổng lồ bất hợp pháp của Marcos. Cũng như mẹ, sau khi đắc cử, ông Aquino cho biết sẽ thành lập “ủy ban sự thật” để điều tra tham nhũng trong suốt 9 năm cầm quyền của Tổng thống Arroyo. Bà Gloria Macapagal Arroyo bị cáo buộc tiếm quyền trước những lần phe đối lập đòi truất nhiệm vì những cáo buộc gian lận phiếu, tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Theo học giả Dewi Fortuna Anwar thuộc Viện Khoa học Indonesia, trong số những cam kết của tân Tổng thống Aquino, việc đưa cựu Tổng thống Arroyo ra trước tòa án sẽ là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Người ta cho rằng bà Arroyo hiện vẫn là nghị sĩ nên được quyền miễn trừ và không thể ra tòa. Hơn nữa, nếu làm mạnh tay, ủy ban điều tra của ông Aquino sẽ đụng chạm tới cả những thành viên chính phủ cũ hiện vẫn đang tại chức trong chính phủ mới.

Trong số các vụ đình đám nhất sẽ là cáo buộc bà Arroyo gian lận phiếu bầu trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2004. Chồng bà cũng bị cáo buộc nhận 330 triệu USD tiền “lại quả” cho vụ cấp hợp đồng với một công ty nước ngoài. Về phần bà Arroyo, với tư cách là nghị sĩ, bà đã đệ trình một hồ sơ kêu gọi sửa đổi nhiều điều khoản của Hiến pháp Philippines, theo đó đưa Philippines theo thể chế dân chủ nghị viện và có thể bà sẽ tranh cử chức thủ tướng. Bà cho rằng thể chế dân chủ nghị viện có thể đáp ứng nhu cầu của cử tri nhiều hơn so với thể chế tổng thống hiện nay. Mục đích là nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống.

Nhiều nhà kinh tế thế giới lo ngại, Tổng thống Aquino sẽ lập lại con đường giống người mẹ của ông. Tổng thống Corazon Aquino từng đặt ưu tiên chống tham nhũng trên cả cải cách tài chính. Điều này là nguyên nhân khiến Philippines tụt lại đằng sau so với các nền kinh tế láng giềng Đông Nam Á tăng trưởng mạnh. Nhà kinh tế Frederic Neumann thuộc Ngân hàng HSBC tại Hồng Công nhận định: Dĩ nhiên các mục tiêu tăng cường sự trong sạch của chính phủ là cần thiết nhưng cũng cần có mối quan hệ tốt với các nhà làm luật, kể cả họ là đồng minh của bà Arroyo.

Ông đề nghị Tổng thống Aquino nên theo cách tiếp cận dần dần như cách của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Ông đã khôn ngoan xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư bằng cách điều tra tham nhũng dạng cuốn chiếu trong những năm qua, tránh ảnh hưởng đến xáo trộn chính trường. Nền kinh tế Philippines trong năm 2009 so với các nền kinh tế trong khu vực ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế hơn do Philippines ít dựa vào xuất khẩu. Nhưng ngược lại, đầu tư nước ngoài thấp so với toàn bộ châu Á cũng khiến kinh tế Philippines chịu nhiều thiệt thòi.

Những người ủng hộ Tổng thống Aquino cho rằng bằng chủ trương tấn công mạnh mẽ tham nhũng, sẽ có nhiều lợi ích hơn hàng loạt các cải cách khác.

Để thể hiện lời hứa của mình, sau khi nhậm chức, Tổng thống Philippines Aquino đã cam kết thúc đẩy cải cách thu thuế, nâng mức từ 13% GDP lên 15% GDP trong năm nay. Bên cạnh đó, ông sẽ áp dụng nhiều chương trình hướng tới người nghèo.

Nguồn: SGGP

.

.

.

No comments: