Saturday, July 24, 2010

PHAO NHÂN QUYỀN TRÊN BIỂN ĐÔNG

Phao nhân quyền trên Biển Đông

Lê Duy Nhân

Friday, July 23, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116384&z=97

Không ít người Việt trong và ngoài nước kỳ vọng ‘Diễn Đàn ASEAN – ARF’ tại Hà Nội sẽ mang lại một giải pháp ổn định lâu dài cho Biển Đông nói chung và cho Việt Nam nói riêng.

Năm nay Việt Nam còn được ngồi trên ghế chủ tịch (luân phiên) nên ta còn có ly do để hy vọng Việt Nam sẽ tạo được sự ủng hộ của các nước thành viên trong khối ASEAN và các nước tham dự ARF (Asean Regional Forum) trong đó có cả sự tham dự của Hoa Kỳ , Ấn Độ, Úc và Liên Bang Nga chống lại đe dọa cưỡng chiếm Biển Đông của Trung Quốc.


Cái tôn chỉ của ARF “Khuyếch trương hòa bình và an ninh trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương qua đối thoại và hợp tác” đã bị Trung Quốc ném vào thùng rác và tiếp tục cao ngạo công bố “Chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, tiếp tục tăng cường lực lượng hải quân ở Nam Hải, đặt Biển Đông vào tình thế báo động với các nước sử dụng Biển Đông như huyết mạch giao thông trên vùng biển này.


Cũng vì “lợi ích cốt lõi” của mình trên Biển Đông, Hoa Kỳ không thể khoanh tay nhìn Trung Quốc tước đoạt quyền sử dụng chính đáng trên vùng biển huyết mạch kinh tế và thương mại của mình.


Mặc dầu không muốn công khai đương đầu với Trung Quốc bằng vũ lực nhưng Hoa Kỳ không thể không cảnh báo Trung Quốc rằng Hoa Kỳ sẽ không thúc thủ: “Chúng tôi phản đối việc sử dụng hay đe dọa vũ lực bởi bất cứ bên nào” (Tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2010)


Trung Quốc tuy không đáp ứng tuyên bố của bà Hillary Clinton, nhưng ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nhắc lại quan điểm “trước sau như một” của Bắc Kinh là không chấp nhận việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Có nghĩa là Bắc Kinh không chấp nhận bất cứ can thiệp quốc tế nào vào độc quyền sử dụng Biển Đông của Trung Quốc. Trong lịch sử thế giới thái đô trịch thượng này chỉ xuất phát từ những chính quyền “Xô-vanh” nước lớn trước khi mở đầu cuộc xâm lăng .


Mặc dầu Tổng Thư Ký ASEAN, Surin Pitsuwan, tuyên bố ASEAN đang thương lượng với Bắc Kinh về một thỏa thuận “hành xử” trên Biển Đông nhưng ít ai tin tưởng Trung Quốc từ bỏ mộng bá chủ Biển Đông dưới bất cứ áp lực ngoại giao nào.


Vậy thì ngoài Hoa Kỳ, Việt Nam còn biết trông cậy ai thành lập một liên minh với ASEAN nhằm bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông. Việt Nam cần Hoa Kỳ bao nhiêu thì Hoa Kỳ cũng cần Việt Nam bấy nhiêu. Cho nên những chỉ trích mạnh mẽ của ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội về các vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam không hẳn là gây áp lực ngoại giao buộc Hà Nội nới rộng quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam mà là xảo thuật chính trị nhằm tăng “uy tín dân chủ” của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á và xoa dịu dư luận công phẫn trong nước Mỹ về các hành động đàn áp tôn giáo, đàn áp các quyền tự do thông tin, đàn áp phong trào dân chủ bất bạo đông.

Cùng lúc bà Hillary Clinton kêu gọi Việt Nam nới rộng dân chủ thì một số dân biểu Hoa Kỳ họp báo trước trụ sở Quốc Hội lên án chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo và giam cầm những người tranh đầu trong hòa bình cho các quyền tự do của nhân dân.


Để mở đường cho những quan hệ mang tính cách chiến lược vế kinh tế và quốc phòng với Việt Nam, Hoa Kỳ phải thuyết phục được Quốc Hội tức nhân dân Hoa Kỳ rằng Việt Nam sẽ tiến dần đến một chế độ dân chủ.


Hoa Kỳ sẽ không vì Dân Chủ cho Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào khác mà hy sinh quyền lợi dù chì là một nhúm nhỏ. Chả vậy mà khi ở Bắc Kinh bà Hillary Clinton không hề nói động đến các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.


Việt Nam cũng biết thế nên Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm mới có thái độ bình thản trong khi bà Hillary Clinton chỉ trích chính quyền của mình vi phạm nhân quyền.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng không buồn phản pháo mạnh mẽ như mỗi khi có ai đụng đến “nỗi đau nhân quyền “ Việt Nam. Đây chỉ là một kịch bản diễn trên sân khấu trong khi trong hậu trường các tác giả đang bận bịu với vở tuồng quan hệ Việt-Mỹ mới.


Vì không tin tưởng một giải pháp hòa bình cho Biển Đông nên Việt Nam mới bỏ ra $400 triệu để mua thêm 12 chiến đấu cơ tối tân Su-30 của Nga và cũng vì không muốn nhả miếng mồi Biển Đông nên Trung Quốc mới tăng ngân sách quốc phòng lên 17 tỷ dollars (trong năm 2009).


Việt Nam có thực tâm liên kết với Hoa Kỳtrong nỗ lực bảo vệ Biển Đông hay không còn phải chờ sau Đại Hội Đảng khóa 11 vào năm tới, khi cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa hai phe đã ngã ngũ ‘ai thắng ai.’

Trong lúc ở Saigon bà Hillary Clinton cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hân hoan kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt Mỹ thì ở Hà Nội, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và “đồng chí” Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Dương Khiết Trì hồ hởi kỷ niệm 60 năm “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước ‘anh em.’


Trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước có ‘lợi ích cốt lõi’ ở Biển Đông thì đoàn kết là yêu cầu bức thiết nhất để chống lại kẻ thù . Cho nên việc bà Clinton đòi chính quyền Việt Nam nới rộng các quyền tư do dân chủ cho Việt Nam chỉ là cái phao trên Biển Đông cho những người Việt Nam vừa khao khát toàn vẹn lãnh thổ vừa khao khát dân chủ vì toàn vẹn lãnh thổ và dân chủ là hai phạm trù có quan hệ hữu cơ với nhau.


‘Nước mất thì nhà tan’ là chân lý ngàn đời. Chỉ có những kẻ mãi quốc cầu vinh mới tin rằng ‘mất nước mà nhà không tan.’ Do đó , để giữ nước và xây dựng một đất nước phồn thịnh, Việt Nam không còn một lựa chọn nào khác là thực thi dân chủ , giải phóng các năng lực dân tộc đang bị kìm hãm bởi guồng máy chuyên quyền, tham nhũng và bất lực.

.

.

.

No comments: