Thursday, July 8, 2010

NHỮNG CÂU CHUYỆN TRÊN ĐẤT MỸ (Võ Đắc Danh)

Những câu chuyện trên đất Mỹ

Kỳ 1: Điểm hẹn của Jack London

Võ Đắc Danh

Ngày 23.06.2010, 11:40 (GMT+7

http://sgtt.com.vn/Giai-tri/124546/Ky-1-Diem-hen-cua-Jack-London.html

SGTT - LTS. Theo lời mời của ông Nguyễn Thế Khải – giám đốc công ty du lịch Hoàn Mỹ – đầu tháng tư qua, nhà văn kiêm đạo diễn phim tài liệu Võ Đắc Danh – phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị – đã sang Mỹ thực hiện một loạt phim tài liệu về văn hoá Mỹ.

.

Bức tượng Jack London trên bến cảng Oakland.

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=107916

.

Tuy nhiên, theo Võ Đắc Danh thì với thời gian gần hai tháng hành trình qua bảy tiểu bang, ống kính camera chỉ có thể ghi nhận được những gì thuộc bề nổi của tảng băng văn hoá 300 năm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Những gì ống kính không thể ghi nhận được lại chính là những điều anh tâm đắc nhất. Và đó chính là những câu chuyện anh kể với chúng ta trong loạt ký sự sau đây.

.

Cách nay khoảng bốn năm, tôi có nghe GS.BS Nguyễn Chấn Hùng say sưa kể về một chuyến đi Mỹ, rằng ông không thể kiềm chế được cảm xúc khi đến quảng trường Jack London trên bến cảng Oakland, bất ngờ gặp bức tượng của chính nhà văn mà ông từng ngưỡng mộ cùng với tượng con chó Buck, nhân vật chính trong tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã, một tác phẩm mà ông đã mê từ thuở thiếu thời.

Cho nên, trước khi lên đường, tôi nói với anh Khải rằng, bằng mọi giá, phải có những đoạn phim tư liệu về quảng trường Jack London.

.

Căn chòi của một đại văn hào

Từ San Jose chúng tôi đến cảng Oakland, trời mưa tầm tã. Đây rồi, quảng trường Jack London, bức tượng của ông đứng nghiêng người về phía trước với tư thế vừa đi vừa chịu đựng dưới mưa giông, sau lưng ông là vịnh Oakland, tấp nập du thuyền, trước mặt ông là con chó Buck với tư thế lầm lì, nhẫn nhục. Cả hai bức tượng đều mang nét sần sùi, sần sùi như chính cuộc đời bôn ba của họ, sần sùi bởi mưa nắng của thời gian.

Bên cạnh con chó là một căn chòi gỗ cổ xưa, căn chòi chỉ chừng vài chục mét vuông, cỏ phủ trên mái gỗ và một thảm cỏ mọc trước sân. Anh Khải nói đây là căn chòi của Jack London được chuyển về từ thành phố Dawson, thuộc lãnh thổ Canada, vào năm 1968. Jack London đã sống hai năm trong căn chòi này với công việc tìm vàng và sáng tác. Phải chăng chính những năm tháng nghiệt ngã ở đây đã cho ông chất liệu độc đáo trong truyện ngắn Tình yêu cuộc sống và những tác phẩm liên quan đến thân phận của người đi đào vàng?

Phía trước căn chòi có tấm bảng cho biết: năm 1968, Russ Kingman, một doanh nhân ở Oakland với lòng ngưỡng mộ Jack London đã dẫn đầu một đoàn thám hiểm đến miền Alaska hoang dã để xác thực về một căn chòi nhỏ được khám phá trong rừng trên ngã ba phía bắc của Henderson Creek. Kingman mang theo Ralph Godfrey, một chuyên gia về chữ viết tay từ “Bộ phận quan sát chi tiết giả mạo” của sở cảnh sát Oakland, họ cùng nhau xác minh chữ ký của Jack London đã bị xoá bỏ trên trần nhà.

Sau đó, căn chòi được chính phủ cho phép tháo rời, đóng gói vận chuyển khỏi khu rừng và được chia làm đôi: một nửa đến thành phố Dawson, Canada và một nửa được mang về cảng Oakland. Hai căn chòi được nhân rộng từ chất liệu của bản gốc và bây giờ cả hai thành phố đều có hai căn chòi của Jack London giống hệt nhau, ngay cả phần vật dụng trong chòi như bếp lò, dây thừng, da thú... cũng được chia đôi. Người ta đã công bố đây chính là di sản của Jack London và được rao bán đấu giá 260.000 USD với điều kiện người mua không được dời nó đi nơi khác.

Tình cờ, chúng tôi kéo nhau vào trú mưa trong một cái quán nhỏ có tên Heinold’s, phía trên có dòng chữ Jack London’s Rendez-vous (Điểm hẹn của Jack London), bên cạnh căn chòi của Jack London, dưới chân một toà cao ốc. Cái quán bằng gỗ xưa, ánh sáng lờ mờ, nền nghiêng về một phía, lại vừa chật hẹp đủ cho ba chiếc bàn, một quầy bar. Trong quán trưng bày ngổn ngang đồ cổ: bếp dầu, máy chiếu phim, máy nghe nhạc, đồng hồ, các vật dụng trang sức cổ...

Người chủ quán cho biết, anh là cháu đời thứ tư của người sáng lập quán rượu J.M. Heinold’s lịch sử có một không hai trên thế giới này, cách nay đã 127 năm. Thoạt tiên, vào năm 1880, nó là nhà nghỉ trưa của công nhân, được xây dựng từ gỗ của một con tàu đánh cá voi. Ba năm sau, tức năm 1883, ông Johnny Heinold mua lại với giá 100 USD và thuê thợ mộc sửa thành quán rượu phục vụ thuỷ thủ.

Những năm đầu của thế kỷ 20, có một chuyến phà chạy từ Alameda sang Oakland và đậu gần quán Heinold’s nên nó trở thành điểm dừng chân của đông đảo khách qua phà. Những năm tiếp theo, Heinold’s trở thành điểm thư giãn của các nhà văn, nhà chính trị, nhà thám hiểm và những du khách hạng sang của Hoa Kỳ, trong đó có luật sư William Howard Taft, tổng thống thứ 27 của nước Mỹ.

.

Hàng ngàn tờ giấy bạc vẫn nằm im trên vách gỗ.

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=107917

.

Nhưng, có lẽ dấu ấn lịch sử của Heinold’s vẫn là sự có mặt của văn hào Jack London. Thời niên thiếu, Jack London từng tâm sự với Johnny Heinold rằng ông khát khao được vào đại học California và trở thành nhà văn. Johnny đã cho London vay tiền đóng học phí, nhưng chưa hết năm thứ nhất thì ông bỏ học và trở lại quán Heinold’s.

Tại đây, Jack London tiếp cận với những câu chuyện của giới thuỷ thủ, những công nhân bốc vác, những bi kịch và lòng dũng cảm của những con người luôn đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đối mặt với cái thiện và ác đã cho ông những chất liệu văn học vô giá.

Theo người chủ quán thì tại Heinold’s, Jack London đã cho ra đời ít nhất 17 tác phẩm, trong đó có Tiếng gọi nơi hoang dãSói biển. Trong tiểu thuyết Sói biển, Jack London đã “lấy mẫu” từ một con người có thật mà ông từng tiếp cận trong quán này, đó là thuyền trưởng Alexander Melean, một người độc ác đến nỗi các thuỷ thủ đặt tên cho con tàu của ông ta là con-tàu-địa-ngục!

.

Những người lính thuỷ không trở lại

Người chủ quán không cho chúng tôi biết Jack London rời khỏi quán từ năm nào. Cái chết của Jack London năm 1916 mang nhiều bí ẩn sau khi ông đã thoát khỏi kiếp nghèo bằng chính những tác phẩm của mình. Cuộc đời ngắn ngủi kết thúc ở tuổi 40, nhưng sự nghiệp của Jack London thì không ai bì được với hơn 50 tác phẩm gây ám ảnh cho nhân loại về cái thiện, cái ác, ngồn ngộn những thân phận con người.

Nhưng dẫu sao, Jack London ra đi và đã trở về cùng với con chó Buck và ngôi nhà cổ để nơi đây mãi mãi là Điểm hẹn của Jack London. Còn hàng ngàn người khác đã đến Heinold’s và đã hẹn trở về? Người chủ quán cho biết, khi thế chiến thứ hai bùng nổ, những người lính hải quân Mỹ trước khi rời Oakland để xuống tàu đi Trân Châu Cảng, họ đã dừng chân ở đây, uống rượu và gởi lại tờ giấy bạc có chữ ký của mình với lời hẹn ngày trở về sẽ có sẵn tiền mua rượu uống tiếp. Nhưng đến nay, đã sáu thập niên trôi qua, hàng ngàn tờ giấy bạc ấy vẫn nằm im lìm trên vách ván: họ đã không về!

*

*

Những câu chuyện trên đất Mỹ:

Kỳ 2: 14 con chích choè lửa và 20 năm tù giam

Võ Đắc Danh

Ngày 25.06.2010, 11:00 (GMT+7

http://sgtt.com.vn/Thoi-su/Phong-su-Ky-su/124679/Ky-2-14-con-chich-choe-lua-va-20-nam-tu-giam.html

SGTT - Giữa thành phố Los Angeles có một nghĩa địa dành cho... chó. Nó giống như những nghĩa địa dành cho người ở Mỹ, nghĩa là không có mộ mà chỉ có bia. Hàng ngàn tấm bia đá thẳng tắp, trên mỗi tấm có khắc tên, năm sinh và năm... từ trần của chó. Có nhiều ngôi mộ cắm hoa tươi và có hình, thậm chí có cả bức tượng của con chó.

.

Sướng như chó

Một người Mỹ mới quen, chị Jacqueline cho biết, người Mỹ vĩnh biệt con chó cũng xúc động như vĩnh biệt một con người. Nhà chị Jacqueline nuôi năm con chó, mấy năm trước có một con bị ung thư máu, theo tập quán của người Mỹ thì họ có thể mang đến bệnh viện thú y nhờ tiễn nó đi bằng một liều thuốc, nhưng vợ chồng chị không nỡ nên phải thay máu cho nó hết 10.000 USD.

Chúng tôi vào một trung tâm thương mại dành riêng cho chó rộng hàng mấy hecta – gọi là petsmart – ở đây họ bán hàng trăm mặt hàng từ thức ăn đến đồ chơi và các vật dụng phục vụ cho chó như nhà ở, giường ngủ, chăn, nệm..., có cả phòng mạch, thẩm mỹ viện, nhà trẻ và khách sạn dành cho chó. Nếu cả gia đình đi du lịch, người ta sẽ đưa chó vào gởi cho khách sạn với giá từ 50 USD một con trong vòng 24 giờ. Trong petsmart còn có một nơi gọi là viện mồ côi chó. Chị Jacqueline giải thích, ở Mỹ, hầu như nhà nào cũng nuôi chó, nhưng khi người ta mất việc làm thì cũng có nghĩa là bị mất nhà, nhất là trong những năm gần đây, khi kinh tế Mỹ suy thoái thì tình trạng gia chủ bị ngân hàng thu hồi nhà xảy ra như cơm bữa. Và dĩ nhiên, chó cũng mất nhà và mất luôn cả chủ! Chính phủ quy định không để xảy ra tình trạng chó vô chủ lang thang ngoài đường nên xe bắt chó có nhiệm vụ đi gom chúng vào viện mồ côi, ở đó chúng được chăm sóc chu đáo cho đến khi ai đó có nhu cầu nuôi chó thì đến làm thủ tục xin nhận về. Và, chị Jacqueline cho biết, trong năm con chó nhà chị chỉ có một con là phải tốn tiền mua, bốn con còn lại chị xin từ viện mồ côi.

.

Vui như chim

Ở thành phố El Monte thuộc quận Cam có một khu vực được gọi là “thế giới của loài công”. Trên các đường phố, hàng ngàn con công nhảy múa, ca hát, kêu la inh ỏi giữa khu dân cư. Anh Trường, người quen lái xe đưa chúng tôi dạo chơi cho biết: “Chúng cứ kêu la cả ngày lẫn đêm như thế, ai không chịu được thì dời nhà đi nơi khác chớ không được quyền đụng đến chúng, vì đây là thế giới riêng của chúng, luật đã quy định như thế. Chúng có thể vào tận nhà anh, hoặc leo trèo lên cây, hoặc ngủ, hoặc múa, hoặc hát trước hành lang. Nhưng nếu anh vì bực mình mà xâm phạm đến chúng là cảnh sát tới tóm anh ngay. Thậm chí anh không được quyền ném thức ăn cho chúng, người ta sẽ nghi ngờ anh bỏ thuốc độc hoặc thức ăn của anh không bảo đảm “an toàn vệ sinh thực phẩm cho chim công”. Việc ăn uống, phòng bệnh, chữa bệnh cho chúng đã có nhân viên chính phủ chăm sóc mỗi ngày”.

Ở Mỹ, chim với người sống thân thiện với nhau đến mức hầu như không còn khoảng cách. Loài quạ đen ở nước ta gần như tiệt chủng, nhưng ở Mỹ chúng có mặt khắp mọi nơi, từ bờ biển, đồng quê đến trung tâm các thành phố lớn. Còn loài vịt trời quê tôi thường làm ổ đẻ trứng giữa đồng năng vào khoảng tháng sáu âm lịch, mỗi ổ trên 20 trứng, to như trứng gà. Đã mấy chục năm rồi, loài chim này đã bị lãng quên trong ký ức, không phải do thời gian mà do chúng đã vắng bóng trên đồng ruộng quê mình. Bất ngờ tôi gặp lại chúng sau hơn ba mươi năm với khoảng cách không gian bằng nửa vòng trái đất, trước Nhà Trắng, giữa thủ đô Washington. Hàng trăm con bơi lội, lặn hụp, tung bay trên mặt hồ xanh biếc, chúng thản nhiên hoà quyện với hàng ngàn du khách mà chẳng chút sợ hãi như những chú le le từng bị tôi rượt đuổi thuở thiếu thời.

Đi vào một chợ chim, thấy tôi trầm trồ ngạc nhiên với giá một con chim két lên đến 5.000 USD, Trường nói có gì lạ đâu, nếu anh mang được con chích choè lửa sang đây anh sẽ bán được giá 4.000 USD. Tôi lại ngạc nhiên: giá một con chích choè lửa ở Sài Gòn cao lắm cũng chỉ bốn triệu đồng.

Rồi như một sự trùng hợp tình cờ, mấy ngày sau tờ nhật báo Việt Herald đưa tin: một người Mỹ gốc Việt tên Sony Đông vừa bị toà án California tuyên phạt 20 năm tù giam về tội nhập lậu 14 con chim chích choè lửa từ Việt Nam. Ông Đông đã dùng vải quấn 14 con chim và cột nó trong ống quần, mỗi bên bảy con và anh đã bị nhân viên hải quan phát hiện khi vừa xuống phi trường Los Angeles.

Người ta hay nói nước Mỹ là biểu tượng của thế giới tự do, nhưng vì sao tội nhập lậu 14 con chim lại bị xử phạt tương đương với tội giết người? Anh Trường giải thích, 14 con chim ấy có thể mang mầm bệnh cúm từ châu Á, nó có thể làm tuyệt chủng các loài chim ở Mỹ, nơi tội phá hoại môi trường được xếp ngang với tội giết người. Theo luật của liên bang, muốn mang động vật hoang dã vào Mỹ phải xin giấy phép trước, con vật phải được cơ quan y tế xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận an toàn. Tất nhiên là chi phí cho quy trình thủ tục này rất lớn. Và ông Đông có thể không kiếm được tiền lời nếu phải làm đúng thủ tục cho 14 con chích choè lửa kia.

.

Quyền của thú

Tình cờ tôi quen với anh Võ Hùng Danh – một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học – Danh lái xe chở tôi từ Ohio đi West Virginia xuyên qua những con đường rừng, thỉnh thoảng gặp biển báo giao thông với hình con nai đang chồm tới, có nghĩa là tài xế hãy cẩn thận với khu vực có thú rừng qua đường, thế nhưng trên đường lại la liệt nào nai, heo rừng, nào chồn, cheo, nào dúi... bị xe cán chết. Danh nói có khi xe đang chạy, một con nai to lao ra, sừng cắm vào kính xe, đâm thẳng vào ngực tài xế. Cô Hồng Vân, một sinh viên cùng đi với chúng tôi kể, có lần cũng trên con đường này, một đoàn xe bị kẹt nối dài chỉ vì chờ một con rùa bò qua đường. Tôi hỏi sao tài xế không xuống xe hốt nó ném vô rừng mà phải chờ, Vân nói làm vậy là xâm phạm đến quyền của nó, tức là phạm luật! Tôi hỏi những con thú bị xe cán chết thì sao? Vân nói đó là trường hợp bất khả kháng, coi như không phạm luật, thậm chí anh có thể đem những con thú tử nạn về ăn thịt cũng không sao, nhưng nếu anh xẻ thịt nó mang đi bán thì anh bị phạt, thậm chí bị bỏ tù.

Danh nói ở Mỹ mỗi năm người ta được phép săn nai từ tháng 10 đến giữa tháng 11, tức vào thời kỳ nai không sinh sản. Nhưng người đi săn phải có giấy phép và phải tuân thủ các quy định của pháp luật, ví dụ như tuần lễ đầu anh chỉ được săn bằng cung tên (lúc ấy nai đi thành đàn, dễ săn), tuần thứ hai được săn bằng súng bắn tên, tuần thứ ba bằng súng trường, thời gian còn lại anh mới được phép bắn đạn chài.

*

*

Những câu chuyện trên đất Mỹ

Kỳ 3: Di sản thiên nhiên và tổng thống cao bồi

Võ Đắc Danh

Ngày 28.06.2010, 09:29 (GMT+7)

http://sgtt.com.vn/Thoi-su/124800/Ky-3-Di-san-thien-nhien-va-tong-thong-cao-boi.html

SGTT - Người Mỹ có cách làm du lịch rất lạ, là họ không làm gì cả, không cần bỏ tiền ra để đầu tư cho các dự án khu du lịch sinh thái mà chỉ cần giữ gìn những gì đã có do thiên nhiên ban tặng. Đó chính là du lịch sinh thái.

Cách thành phố San Francisco khoảng 20km về phía bắc, bên kia cầu Golden Gate có một khu rừng mà du khách Việt Nam gọi là rừng Gỗ Đỏ, còn các tài liệu của người Mỹ thì gọi là rừng Muir, tên một kỹ sư người châu Âu có công bảo vệ các di sản thiên nhiên trên đất Mỹ. Thành phố San Francisco có 800.000 dân, mỗi năm tiếp đón 16 triệu du khách thì trong đó hơn 10 triệu người đến với rừng Muir.

.

Tên tuổi của một dòng họ

Không có nhà hàng, khách sạn, cũng không có khu vui chơi giải trí, chỉ duy nhất một cửa tiệm nước giải khát và quà lưu niệm trước cổng, còn lại là một con đường nhỏ len lỏi giữa rừng. Một khu rừng thông đỏ hàng trăm hecta với những cây thông đã 3.000 năm tuổi, chu vi có thể ba người ôm với chiều cao mà đứng dưới gốc, phải ưỡn người ra mới thấy được ngọn của chúng.

Chị Lan Hương – một người Việt sống ở San Francisco, lái xe đưa chúng tôi vào khu rừng này – cho biết, rừng Muir được xem là di sản quốc gia của Mỹ do Tổng thống Theodore Roosevelt – tổng thống thứ 26 của nước Mỹ – công bố quyết định thành lập năm 1908, nghĩa là cách nay hơn trăm năm. Trước đó ba năm, tức năm 1905, vợ chồng hạ nghị sĩ William Kent và bà Elizabeth Thacher Kent vì muốn bảo vệ tài nguyên quốc gia nên đã mua lại khu rừng 559 mẫu Anh này với giá 45.000 USD để tặng cho chính phủ. Khi ký quyết định thành lập di sản quốc gia, Tổng thống Theodore Roosevelt đặt tên cho khu rừng này là rừng Kent để ghi công người trao tặng, nhưng ông bà Kent kiên quyết từ chối.

Trong một bức thư gởi cho Tổng thống Theodore Roosevelt, ông Kent viết: “Tôi có năm người con trai vạm vỡ, nếu chúng nó không giữ được tên của dòng họ Kent thì tôi sẵn lòng cho nó được quên đi”. Tổng thống Theodore Roosevelt đã viết thư phúc đáp: “Tốt cho bạn và cho năm người con trai sẽ giữ cho tên của Kent sống mãi, tôi có bốn người con và tôi hy vọng sẽ làm được điều tương tự cho bảng tên Roosevelt”. Cuối cùng, cả hai nhất trí đặt tên là rừng Muir để bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ đối với John Muir, một nhà bảo tồn học, nhà thám hiểm, nhà văn đã có nhiều công lao trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên trên đất Mỹ. Chính John Muir đã cùng Tổng thống Theodore Roosevelt đi thám hiểm vùng Yosemite vào năm 1903 và đóng vai trò quan trọng cho một dự luật tại Quốc hội Mỹ để biến vùng Yosemite thành công viên quốc gia.

Đầu năm 1945, rừng Muir đã chứng kiến một sự kiện lịch sử của nước Mỹ: hàng trăm đại biểu của 50 quốc gia họp tại San Francisco để thảo luận và ký kết hiến chương Liên hiệp quốc. Không may, trước giờ khai mạc hội nghị thì ông Franklin Delano Roosevelt – tổng thống thứ 32 của nước Mỹ đột ngột qua đời, các đại biểu của hội nghị đã long trọng làm lễ tưởng niệm ông tại rừng Muir, ghi thêm một dấu ấn lịch sử cho khu rừng độc nhất vô nhị này.

Khi chúng tôi đến hẻm núi lớn Grand Canyon – mà người Việt quen gọi là Đại vực – thuộc tiểu bang Arizona thì được biết thêm rằng, đây cũng là nơi Tổng thống Theodore Roosevelt đề xuất với Quốc hội Mỹ thành lập công viên quốc gia Grand Canyon – một trong những công viên quốc gia đầu tiên của nước Mỹ – sau khi ông đơn phương ký quyết định công nhận rừng Muir thành di sản quốc gia. Ở đây cũng xin nói thêm rằng, theo Hiến pháp nước Mỹ thì để công nhận một công viên quốc gia phải thông qua quốc hội biểu quyết, còn di sản quốc gia thì thuộc quyền hạn của tổng thống, và đương nhiên, công viên quốc gia được ưu đãi hơn về ngân sách bảo tồn.

.

Tổng thống cao bồi

Vì sao rừng Muir, công viên Yosemite và Đại vực – những khu du lịch nổi tiếng thế giới này lại có một lịch sử gắn liền với tên tuổi Tổng thống Theodore Roosevelt? Con người này có một tính cách rất đặc biệt. Theo Từ điển bách khoa toàn thư mở thì Theodore Roosevelt là nhà sử học, nhà tự nhiên học, nhà phát minh, tác gia và quân nhân.

Roosevelt còn nổi tiếng bởi tính cách của mình: nghị lực, những mối quan tâm và thành tựu rộng lớn của ông, mẫu người đầy nam tính và rất “cao bồi”. Đúng vậy, theo tiểu sử thì ông xuất thân là một chàng chăn bò, một võ sĩ quyền Anh ở Dakota và cũng là một nhà thám hiểm, một thợ săn dã thú nổi tiếng. Người ta kể rằng lúc còn đương nhiệm tổng thống, ông từng đấu quyền Anh với một sĩ quan, và viên sĩ quan này đã thoi vào mắt trái của ông làm đứt nhiều mạch máu đến không chữa được, nhưng ông đã giấu kín mọi người.

Mặc dù ông được nhận giải Nobel Hoà bình năm 1906 vì đã có công trong Hiệp ước Portsmouth chấm dứt chiến tranh Nga – Nhật năm 1905, nhưng trong sự ngưỡng mộ của công chúng Mỹ, ông vẫn là một nhà bảo tồn thiên nhiên vĩ đại.

Năm 1903, trong một chuyến đi săn báo và sư tử ở Grand Canyon, Tổng thống Theodore Roosevelt đã phải bàng hoàng: “Thung lũng khiến tôi vô cùng cảm phục, khó có thể so sánh và hình dung trên thế gian rộng lớn này lại hiện diện nơi có một không hai này”. Theo đề xuất của ông, Quốc hội Mỹ đã thành lập khu bảo vệ quốc gia Colorado và tách đoạn sâu nhất của thung lũng Colorado thành công viên quốc gia Grand Canyon với chiều dài 170km, chiều rộng từ 0,4 – 24 km, diện tích khoảng 4.900km2.

Người ta gọi nó là Đại vực bởi Grand Canyon có chiều sâu đến 1.600m, như một vết nứt khổng lồ của trái đất được hình thành cách đây hàng tỉ năm. Chưa có nhà khoa học nào – dù đã có nhiều công trình nghiên cứu – giải thích được vì sao những mảng đá ở đây luôn đổi màu theo sự di chuyển của mặt trời, khi thì chuyển từ đỏ tươi sang đỏ sẫm, lúc lại hoá nâu, khi thì đen bóng...

Chúng tôi thuê trực thăng bay vòng vèo trong Đại vực rồi sau đó xuống thuyền đi ngược dòng Colorado để nhìn đá, nhìn sông, nhìn những cây xương rồng cao, to chưa từng thấy và nghe một người phụ nữ da đỏ hát bài Dòng sông mẹ. Chị hát say sưa bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, chúng tôi không hiểu được lời nhưng nhìn ánh mắt của chị, những giai điệu trầm buồn như những âm vang huyền thoại về một dòng sông...

*

*

NHỮNG CÂU CHUYỆN TRÊN ĐẤT MỸ

Kỳ 4: Nụ hôn bất ngờ trở thành bất tử

Võ Đắc Danh

Ngày 30.06.2010, 11:18 (GMT+7)

http://sgtt.com.vn/Thoi-su/Phong-su-Ky-su/124920/Ky-4-Nu-hon-bat-ngo-tro-thanh-bat-tu.html

SGTT - Căn cứ hải quân San Diego là một trong những căn cứ hải quân lớn nhất Hoa Kỳ. Ở đây có một viện bảo tàng hàng không mẫu hạm, người ta gọi nó là viện bảo tàng khổng lồ trên biển.

Nghệ thuật phi chính trị

.

Bức tượng Đầu hàng vô điều kiện ở căn cứ hải quân San Diego. Ảnh: Võ Đắc Danh

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=108434

.

Đó chính là chiếc hạm thứ 41 trong Đệ thất hạm đội của Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam được mang tên USS Midway. Và cũng chính USS Midway chở hơn 3.000 người Việt di tản vào ngày 30.4.1975. Nó có sức chứa 4.500 người và gần 100 phi cơ. Từ thế chiến thứ hai đến kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, USS Midway đã chở biết bao thân phận con người, và dường như tất cả còn lưu lại trong hàng ngàn phòng ngủ, hàng trăm phòng làm việc với những bức ảnh, những bức tượng, những hiện vật buồn vui, tử biệt – sinh ly của những cuộc đời chinh chiến.
Đứng ở tầng trên cùng của USS Midway nhìn lên bến, bất chợt tôi thấy một tượng đài sừng sững cao chừng bảy mét, bức tượng người lính hải quân ôm hôn cô y tá, nồng nàn và đắm đuối.

Sau khi quay phim xong, ngồi ngắm bức tượng, tôi nói người Mỹ làm tượng đài rất nhân bản, người lính đâu chỉ có cầm súng xông lên như tượng đài nhiều nơi mà tôi đã thấy. Người bạn Mỹ gốc Việt giải thích: “Bức tượng này có tên là Đầu hàng vô điều kiện, của nhà điêu khắc lừng danh thế giới J.Steward Johnson”. Tôi càng ngạc nhiên: tượng đài người lính, biểu tượng cho một binh chủng quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh lại mang một cái tên chiến bại? Anh bạn giải thích tiếp: “Nghệ thuật của người Mỹ không mang ý nghĩa chính trị gì cả. “Đầu hàng vô điều kiện” ở đây có nghĩa là cô gái ấy đã đầu hàng nụ hôn táo bạo của người lính hải quân. Chỉ vậy thôi”.

.

Bức ảnh Nụ hôn ở quảng trường Thời Đại. Ảnh: tư liệu

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=108433

.

Tôi chợt nhớ, thì ra đây là bức tượng phiên bản của bức ảnh Nụ hôn ở quảng trường Thời Đại của nhà nhiếp ảnh Alfred Eisenstaedt đã một thời làm xôn xao dư luận khi nó xuất hiện trên tạp chí Life. Bức ảnh này còn có tên Victory over Japan Day in Time square (Ngày chiến thắng Nhật Bản trên quảng trường Thời Đại), tức ngày 14.8.1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, hầu hết các thành phố trên nước Mỹ đều tổ chức lễ mừng chiến thắng. Tại thành phố New York, trước quảng trường Thời Đại, người ta đổ xô đi dự lễ và những người lính hải quân tung tăng trên đường phố, họ hôn nhau và hôn tất cả mọi người.

Trong cuốn sách The eye of Eisenstaedt, nhà nhiếp ảnh Alfred Eisenstaedt kể lại: “Trên quảng trường Thời Đại vào ngày V-J đó, tôi đã nhìn thấy một người lính thuỷ chạy dọc con phố và ôm chầm bất kỳ người phụ nữ nào anh ta nhìn thấy, bất kể già trẻ, béo gầy… Tôi chạy trước anh ta với chiếc máy ảnh Leica của mình và quay lại để chụp anh ta nhưng không tấm nào khiến tôi ưng ý cả. Bất chợt trong giây lát, tôi nhìn thấy anh ta ôm lấy cái gì đó màu trắng. Tôi quay lại và bấm máy ngay khi người lính thuỷ hôn cô y tá. Giờ đây tôi nghĩ, nếu cô ta mặc đồ tối màu, hay anh lính thuỷ mặc đồng phục trắng, thì chắc tôi chẳng bao giờ chụp bức ảnh đó. Tôi đã bấm máy chính xác là bốn kiểu, vỏn vẹn trong có vài giây. Tuy nhiên chỉ có đúng một kiểu thực sự tuyệt vời... Mọi người nói với tôi rằng khi tôi đã ở trên thiên đường, họ vẫn nhớ tới bức ảnh của tôi”.

Nụ hôn của hoà bình

Alfred Eisenstaedt – cũng như hàng triệu công chúng ngưỡng mộ bức ảnh – không hề biết hai nhân vật trong bức ảnh ấy là ai. Đến cuối năm 1970, bà Edith Shain viết một bức thư gởi cho Alfred Eisenstaedt nói rằng mình chính là nữ y tá trong bức ảnh. Bà kể: “Hồi ấy tôi đang làm việc tại bệnh viện Doctors Hospital ở New York, khi nghe tin chiến tranh kết thúc, tôi cùng bạn bè tới quảng trường Thời Đại để ăn mừng. Khi tôi ra khỏi tàu điện ngầm và đi được một đoạn trên phố thì bất ngờ một người lính thuỷ ôm lấy và hôn tôi, cảm giác của tôi lúc đó là cứ để anh ta hôn vì nghĩ rằng anh ta đã chiến đấu cho mình...”

.

Nữ y tá Edith Shain kể lại nụ hôn của 62 năm trước trong ngày khánh thành tượng đài. Ảnh: tư liệu

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=108432

.

Đến tháng 10.1980, tức 35 năm sau khi bức ảnh ra đời, tạp chí Life công bố đã có 11 người đàn ông và ba phụ nữ tự nhận là nhân vật trong bức ảnh. Sau bà Edith Shain, mãi đến năm 2007 người ta mới xác định được nhân vật thứ hai là ông Glenn McDuffie, khi ấy đã là cụ già 80 tuổi. Ông Glenn McDuffie kể lại: “Ngày 14.8.1945, tôi đang đi tàu điện ngầm tới Brooklyn để thăm bạn gái. Khi ra khỏi tàu điện ngầm ở quảng trường Thời Đại cũng là lúc mọi người đang ăn mừng trên các con phố. Tôi cảm thấy rất phấn khích vì em trai tôi đang là tù binh ở Nhật sẽ được thả. Tôi bắt đầu hò reo và nhảy nhót. Một nữ y tá ở gần đó nhìn thấy tôi và giang rộng vòng tay về phía tôi. Tôi đi về phía cô ấy, ôm hôn cô ấy và nhìn thấy một người đàn ông cũng chạy về phía chúng tôi… Tôi đã nghĩ đó là chồng hay bạn trai cô ta đang ghen và chuẩn bị cho tôi ăn đấm. Nhưng khi thấy anh ta chụp ảnh mình, tôi đã hôn cô ấy thật lâu để anh ta tha hồ chụp…”

.

Chàng lính thuỷ Glenn McDuffie trong lần sinh nhật thứ 81. Ảnh: tư liệu

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=108431

.

Ngày 10.2.2007, bà Edith Shain là khách mời vinh dự trong lễ khánh thành tượng đài Đầu hàng vô điều kiện tại San Diego. Hôm ấy có rất nhiều cựu chiến binh là thành viên của hiệp hội Những người sống sót Trân Châu Cảng, chỉ tiếc rằng không có ông Glenn McDuffie bởi hơn nửa năm sau đó người ta mới xác định được ông là nhân vật thứ hai trong bức ảnh. Nhiều người đặt câu hỏi: chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông có mặt trong ngày hôm ấy? Nhất là khi ông nghe bà Edith Shain phát biểu trước công chúng rằng: “Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ nụ hôn hôm ấy, mặc dù nó xảy ra rất nhanh, thậm chí tôi không nhìn rõ mặt anh ấy, bởi tôi nhắm mắt lại để được hưởng những giây phút hạnh phúc như bất kỳ người phụ nữ nào. Giờ nhìn lại mình qua bức tượng, tôi thấy có quá nhiều sự lãng mạn. Bức tượng cũng gợi cho người xem một niềm hy vọng, một niềm khát khao tự do và thanh bình, khát khao tình yêu và hạnh phúc...”? Không có câu trả lời, vì mãi mãi họ không còn có thể gặp lại nhau: bà Edith Shain vừa qua đời hôm 20.6 tại Los Angeles vì bệnh ung thư, thọ 91 tuổi.

*

*

Những câu chuyện trên đất Mỹ

Kỳ cuối: Đi thăm người Amish

Võ Đắc Danh

Ngày 02.07.2010, 12:02 (GMT+7)

http://sgtt.com.vn/Thoi-su/125085/Ky-cuoi-Di-tham-nguoi-Amish.html

SGTT - Khi tôi nhờ ông Sam Hershberger cho thêm một khúc gỗ vào lò củi đang cháy để quay một đoạn phim, ông đồng ý với điều kiện chỉ quay cận cảnh bàn tay và khúc gỗ chớ không được quay khuôn mặt. Ông là một người Amish.

.

Từ chối nền văn minh

Người Amish không tự phô bày trước ống kính, vì làm như vậy khác nào so sánh người này đẹp hơn người kia, trong khi cái đẹp của họ là những gì ẩn chứa bên trong tâm hồn và nhân cách.

Gia đình ông Sam Hershberger thuộc trường phái cựu trật tự, nghĩa là ông từ chối tất cả những gì thuộc về văn minh, chẳng hạn dù lưới điện quốc gia kéo ngang qua nhà nhưng ông không dùng mà chỉ đốt đèn dầu, dùng củi nấu bếp, ngay cả nước sinh hoạt ông cũng bơm bằng quạt gió. Nhà ông không có tivi, không tủ lạnh, không internet, và thức ăn đều tự chế bằng phương pháp thủ công. Gia đình ông Sam có một trang trại nhỏ khoảng vài chục mẫu Anh, dùng để trồng lúa mạch, bắp, trồng cỏ để nuôi bò và ngựa, ngoài ra, ông còn có một xưởng sản xuất hàng mỹ nghệ và các mặt hàng lưu niệm bằng gỗ.

Tôi nhìn ra đồng thấy đứa bé hơn mười tuổi đang điều khiển bốn con ngựa kéo cày, Sam bảo đó là con trai thứ hai của ông, nó đã biết làm ruộng từ khi còn rất bé, năm nay 14 tuổi, nó đã thành thạo việc dùng ngựa để làm mọi việc đồng áng như cày, bừa, tỉa hạt, thu hoạch lúa mạch, hái bắp và cắt cỏ. Hỏi chuyện học hành của trẻ, Sam Hershberger nói trẻ con Amish chỉ học đến lớp tám là nghỉ để quán xuyến ruộng đồng. Các thế hệ người Amish đều nối tiếp nhau như thế.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Aaron Coblenteg, thuộc phái tân trật tự. Hỏi tân trật tự và cựu trật tự khác nhau thế nào, Aaron cho biết, từ năm 1969, do nhu cầu truyền đạo cho trẻ con và nhu cầu giao lưu, một số họ đạo quyết định cải tiến mức sống, gọi là tân trật tự. Tuy nhiên, việc cải tiến mức sống như thế nào, đến đâu phải do mục sư quản xứ đặt ra và được giáo dân bỏ phiếu tán thành. Như vậy, so với phái cựu trật tự thì phái tân trật tự có vài điểm khác biệt như trẻ con được học giáo lý ngay từ nhỏ chớ không phải chờ đến tuổi rửa tội – tức 18 tuổi – và được ứng dụng một phần kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: gắn thêm một động cơ hỗ trợ cho ngựa trong việc cày bừa, được thắp sáng bằng gas hoặc ắcquy, được dùng máy phát điện để vắt sữa bò, được quyền thuê ôtô đi lại hoặc thuê ôtô chở ngựa đi đóng móng – tất nhiên là không được quyền sở hữu ôtô!

Khi xem ông Aaron vắt sữa bò bằng nguồn điện từ máy phát, tôi hỏi ông rằng như thế thì ông cũng xài điện, vậy sao không kéo điện công cộng vào xài cho tiện, ông nói người Amish không chống lại năng lượng nhưng không lấy nguồn năng lượng từ xã hội bên ngoài, dùng máy phát vắt sữa bò xong thì tắt máy đi, còn dùng điện công cộng thì sẽ có hàng loạt phương tiện văn minh khác kéo theo như tivi, tủ lạnh, máy giặt, internet... mà nếu không kềm chế được những thứ đó thì người Amish sẽ không còn nghĩ đến Chúa, không còn nghĩ đến nhau, cuối cùng không còn là người Amish nữa.

.

Một định nghĩa khác của hạnh phúc

Chúng tôi hỏi bà Aaron và hai cô con gái rằng, có bao giờ họ khát khao một cuộc sống đầy đủ những tiện nghi hiện đại không, họ bảo không, bởi đó là sự lựa chọn theo ý Chúa. Ông Aaron buồn rầu cho biết, thỉnh thoảng cũng có những thanh niên từ bỏ cộng đồng Amish để chạy theo đời sống văn minh; trước những trường hợp như thế, cả cộng đồng cảm thấy thất vọng vì những người ấy không còn cơ hội để sống tốt nữa.

Trang trại của ông Aaron rộng hơn 40 mẫu Anh cùng với 47 con bò sữa, ông cho biết thu hoạch hàng năm khoảng 75.000 USD. Ông chỉ về phía trang trại nuôi chó bên cạnh và nói rằng đó là trại nuôi chó của con trai ông đã ra riêng, mỗi năm nó bán khoảng 200 con chó kiểng, thu nhập trên 80.000 USD. Giáo sư Trần Hữu Dũng, người đưa chúng tôi đến thăm thị trấn này cho biết, với mức thu nhập như vậy và với mức sống giản dị như người Amish thì gia đình ông Aaron thuộc hạng giàu có.

Hôm ấy, gia đình ông Aaron mời chúng tôi dùng bữa ăn chiều, rất thịnh soạn: sandwich, hamburger, thịt bò băm, mì ống, xốt cà, đậu que, mứt... tất cả đều do vợ con ông tự chế. Trong bữa tiệc, vợ và hai cô con gái ông Aaron chỉ lo phục vụ, họ nói chiều nay họ đã hẹn đi ăn tiệc cưới. Và sau khi dọn dẹp xong, bà Aaron và hai cô con gái từ giã khách, mặc đồng phục nâu sẫm bước lên xe ngựa, thong dong theo con đường làng quanh co dưới chân đồi, tôi có cảm giác như mình đang xem một đoạn phim thời Trung cổ.

Chị Phương Mai, vợ của giáo sư Trần Hữu Dũng, cho biết, theo quyển sách Amish Society của học giả John A. Hostetler thì người Amish có nguồn gốc từ Đức và Thuỵ Sĩ, theo Thiên Chúa giáo. Những năm đầu thế kỷ 18, xã hội châu Âu có những cuộc cải tổ về tôn giáo dẫn đến bất hoà, xung đột. Người Amish thuộc giáo phái Anabaptists, họ kiên quyết chống lại việc làm lễ rửa tội cho trẻ con vì cho rằng chúng chưa có ý thức nên chưa có tội. Lập tức, họ bị xem là nổi loạn nên bị bắt bớ và tra tấn, phải di cư sang Mỹ và Canada. Cộng đồng Amish hiện có khoảng 300.000 người, riêng Ohio có khoảng 50.000, được xem là cộng đồng lớn nhất; họ đặt tên cho thị trấn này là thị trấn Berlin để tưởng nhớ nhóm người đầu tiên từ Berlin đến đây định cư.

Người Amish sống dung dị, hiền lành và đôn hậu. Chúng ta hãy hình dung cả một làng quê với 10.000 hộ gia đình, mỗi nhà hai ba chiếc xe ngựa, cả năm vạn người với một màu đồng phục, áo vải quần thô, hàng chục ngàn chiếc xe ngựa ngược xuôi trên các nẻo đường đến nhà thờ vào các ngày chủ nhật. Một bản sắc độc đáo chỉ có ở người Amish.

Nhìn họ, tôi tự nghĩ, giữa họ với ta chưa biết ai là người hạnh phúc, chưa biết ai có nhiều bi kịch hơn ai.

Võ Đắc Danh

Chân thành cảm ơn công ty du lịch Hoàn Mỹ đã giúp chúng tôi thực hiện loạt ký sự này.

.

.

Những câu chuyện trên đất Mỹ:

Kỳ 1: Điểm hẹn của Jack London
Kỳ 2: 14 con chích choè lửa và 20 năm tù giam
Kỳ 3: Di sản thiên nhiên và tổng thống cao bồi
Kỳ 4: Nụ hôn bất ngờ trở thành bất tử

Kỳ cuối: Đi thăm người Amish

.

.

.

No comments: