Thursday, July 8, 2010

MIỆNG QUAN TRÔN TRẺ

Miệng quan- trôn trẻ

Giấc Mơ Xanh

Tháng Bảy 9, 2010

http://freelecongdinh.wordpress.com/2010/07/09/mieng-quan-tron-tre/

Đảng ta có vẻ giống như con tắc kè hoa mà tôi được học trong môn Sinh vật hồi cấp hai quá. Con tắc kè này muốn tồn tại thì phải luôn luôn biến đổi màu sắc theo môi trường bên ngoài, đến nỗi kẻ thù và ngay cả đồng loại cũng khó nhận ra. Nhưng dù có biến đổi màu sắc tài tình đến đâu đi nữa, thì cái bản chất là một động vật cấp thấp của loài bò sát này chắc chắn không bao giờ thay đổi…

.

Đọc bài phỏng vấn ông Thạch Như Sỹ – Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội- mà tôi cứ buồn cười. Ông này phát biểu, các ngã tư ở Hà Nội nên “vừa mở, vừa bịt”, nghĩa là ban ngày đông người đi thì bịt lại, đêm vắng người thì mở ra. Chà, thật chí lý, chí lý!!!

Lại còn kết luận rằng vấn đề này rất khó nên giải pháp nào chỉ cần có một người đồng tình thì đã là thành công rồi! Thế thì mấy triệu người dân Hà Nội còn lại, ông ta vứt đi đâu?

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng lần này có vẻ thận trọng hơn khi trả lời báo chí, chẳng dám nhận xét giải pháp nào hay, giải pháp nào dở, thôi thì cứ trả lời chung chung rằng “vấn đề này cần nghiên cứu kỹ”. Ối giời, sao ông ta không nghiên cứu kỹ từ lúc chưa nhận chức Bộ trưởng ấy?

Thấy chuyện xử lý giao thông cứ rối tung như canh hẹ, nên tốt nhất mấy vị quan chức đùn đẩy trách nhiệm bằng cách “trưng cầu dân ý”. Chắc lại bắt chước ông chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo đây. Ông này bắt cậy hết gạch đang còn tốt xung quanh hồ Gươm để lát đá xanh. Chẳng hiểu thợ làm thế nào mà sau khi đá được lát, nước cứ đọng thành vũng và đá lại đẹp quá, trơn quá nên dân ta đi hay bị “vồ ếch” suốt. Bị phản đối gay gắt, ông này bèn nghĩ ra cái chiêu “trưng cầu dân ý” để vờ xin ý kiến dân xem có nên lát đá tiếp hay không.

.

Tôi lấy làm lạ rằng các vị quan chức giở chiêu này khi đã tự ý thực hiện chán chê rồi. Việc bịt ngã tư và tắt hết đèn xanh đèn đỏ đã được tiến hành cách đây hơn một năm. Tôi còn nhớ hồi đó giải pháp này được báo, đài ca ngợi ghê lắm, nào là “sáng kiến”, kết quả của bao nhiêu “chất xám”, nào là “trí tuệ của tập thể”… giờ đây gặp bế tắc thì lại đổ cho ý dân.

Xem ra biện pháp “trưng cầu dân ý” lợi hại thật! Cái gì làm không xong thì “trưng cầu dân ý”, chuyện chẳng đâu ra đâu cũng “trưng cầu dân ý”. Tại sao những chuyện lớn, quyết định vận mệnh của cả đất nước mà có bao giờ thấy “trưng cầu dân ý” đâu? Quyết định mở rộng Thủ đô- trái tim của cả nước- sao không thấy đem ra “trưng cầu dân ý”? Hiệp định Bắc Bộ ký với Trung Quốc chi tiết như thế nào dân cũng chẳng được biết. Rồi dự án Bauxit, cho thuê rừng đầu nguồn không thấy ai hỏi ý kiến của dân cả. Một việc tày đình như vấn đề đa nguyên, từ xưa đến nay thử hỏi dân đã bao giờ được phát biểu ý kiến? Thế mà ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ngang nhiên tuyên bố với báo chí rằng “Hiện nay chưa đến lúc thấy có nhu cầu phải đa đảng”. Không hiểu ông ta lấy cái nhu cầu ấy ở đâu ra? Từ số liệu nào? Nghiên cứu nào, thăm dò nào nói vậy? Hay đó chỉ là nhu cầu của cá nhân ông ta và cái Đảng của ông ta mà thôi? Với cương vị là Chủ tịch Quốc hội, ông ta cũng chẳng bao giờ đưa vấn đề này ra xin ý kiến Quốc hội chứ chưa nói gì đến xin ý kiến người dân.

Đáng thương cho ông Thạch Như Sỹ, ông này than thở “Thành phố Hà Nội nay phát triển về phía Đông, mai lại phát triển về phía Tây”, đâm ra các vị quan chức chẳng biết thế nào mà lần. Cho nên cả ông ta lẫn ngài Bộ trưởng Giao thông Vận tải chỉ còn biết kêu trời bởi giải pháp giao thông nào cũng chỉ là “giải pháp tình thế” mà thôi.

Ngẫm lại, không riêng gì Giao thông, mọi chuyện ở nước ta từ trước đến nay cũng đều theo cái kiểu “giải pháp tình thế” cả. Nghĩa là, người ta chỉ có thể giải quyết vấn đề ở cái ngọn chứ không triệt để từ gốc của vấn đề. Vì sao? Vì nhìn lại sự phát triển đất nước mấy chục năm nay, có cái gì là bền vững đâu? Ngay như ngành Giáo dục, một ngành được coi là “trăm năm trồng người”, mà cứ vài năm người ta lại thay đổi chương trình học phổ thông và sách giáo khoa xoành xoạch không thương tiếc. Trong phát triển Kinh tế, người ta hết từ chỗ chống tư sản mại bản, gọi tất cả bọn họ một cách miệt thị là “con phe”, “con buôn”, thì đến nay lại tung hô, ca ngợi là “Nhà Doanh nghiệp”, đến mức còn tổ chức ra những giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt” cho giới doanh nhân mà tôi vẫn gọi đùa là “Sao Tiền Đất Việt” bởi chỉ cần có tiền đút lót cho Ban tổ chức là sẽ được lọt vào danh sách và lên Truyền hình vênh mặt với đời. Nghe đâu, người ta còn sáng tác ra cả Ngày Doanh nghiệp, sánh ngang với Ngày Nhà giáo, Ngày quốc tế Phụ nữ, Ngày Thầy thuốc, Ngày Thương binh liệt sỹ… nữa.

.

Nước ta hết từ một nền kinh tế theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, dân ta phải xếp hàng dài dằng dặc từ sáng đến tối để đổi mấy cái mẩu tem phiếu lấy chút gạo hẩm hay bo bo, rồi lâu lâu lại bị nhà nước đổi tiền, làm mất sạch bao nhiêu của nả tích cóp được. Đến khi kinh tế được “mở cửa”, đi theo “kinh tế thị trường”, thì vẫn những người dân ấy, giờ lại được coi “khách hàng là thượng đế”. Ấy vậy mà vẫn chưa yên, được vài năm, Đảng ta lại tung ra khẩu hiệu “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chẳng hiểu “định hướng xã hội chủ nghĩa” ra làm sao nhưng “thượng đế” thì muôn năm vẫn chỉ là khái niệm rỗng tuyếch vì “thượng đế” có bao giờ được tự quyết định cái gì đâu? Đảng cho gì ăn nấy, bảo sao thì biết vậy thôi mà!

.

Cả một quá trình mấy chục năm, Đảng giải thích sự thay đổi này bằng câu “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” hay “Việt Nam là nước đang phát triển”. Dân ta chỉ còn biết ngậm ngùi, oán trách ông trời sao để đất nước “quá độ” lâu đến vậy? Cái Chủ nghĩa xã hội “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” mãi sao chẳng thấy, mà Việt Nam còn “phát triển” đến đâu nữa trong khi cả thế giới sắp già hết rồi?

.

Đó là đối nội, còn đối ngoại thì sao?

Thử nhìn vào quan hệ với phương Bắc, Đảng ta khi cần viện trợ sức lực, tiền bạc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì gọi họ là “các đồng chí Trung Quốc anh em”, “môi hở răng lạnh”. Đến khi lấy được chính quyền, thống nhất đất nước xong lại quay ra coi Trung Quốc là kẻ thù số một trong Hiến pháp. Hồi đó, chính tai tôi được nghe đài hàng ngày cứ ra rả “Trung Quốc có chăng chỉ viện trợ cho chúng ta gió mùa đông bắc mà thôi”. Giờ đây, không rõ cơ duyên nào làm Đảng ta thay đổi 180 độ, lại ngọt ngào gọi Trung Quốc là “Láng giềng hữu nghị” để rồi “hợp tác toàn diện”.

Còn với Mỹ, từ chỗ Đảng ta hằm hè “Đế quốc không đội trời chung”, dần dần ám chỉ tế nhị hơn “Thế lực thù địch”, và rồi mon men thân thiện “xoá bỏ quá khứ, hướng tới tương lai”. Nếu chú Sam mà không rủng rỉnh đô la trong túi thì chắc Đảng ta chẳng thay đổi khẩu hiệu nhanh như vậy nhỉ?

.

Lại còn chuyện “lấy dân làm gốc” nữa chứ. Lúc bắt đầu gây dựng phong trào Cách mạng, Đảng nhắm vào “Bần cố nông” vì họ vốn liều mạng bởi chẳng có gì để mất, “chỉ mất xích xiềng nô lệ”. Đến khi thấy đội ngũ công nhân phát triển mạnh mẽ, Đảng tự phong cho mình là Đảng của giai cấp “Công- Nông”. Thời đại khoa học kỹ thuật, sức mạnh của tri thức có thể làm thay đổi cục diện trong tương quan lực lượng với các bác nông dân “cổ cày, vai bừa”, thì Đảng ta sáng suốt thay đổi chiến thuật, trở thành Đảng của “Công- Nông- Trí“. Khi cơn lốc toàn cầu hoá đến Việt Nam, mọi xã hội và các nền kinh tế đều có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, Đảng ta nhận thấy sức mạnh của đồng tiền đi liền với quyền lực chính trị nhưng chẳng lẽ cứ kéo dài khẩu hiệu ra mãi, nên tốt nhất tự ca ngợi mình là “Đảng của toàn thể nhân dân lao động”. Thế là xong!

.

Đảng ta có vẻ giống như con tắc kè hoa mà tôi được học trong môn Sinh vật hồi cấp hai quá. Con tắc kè này muốn tồn tại thì phải luôn luôn biến đổi màu sắc theo môi trường bên ngoài, đến nỗi kẻ thù và ngay cả đồng loại cũng khó nhận ra. Nhưng dù có biến đổi màu sắc tài tình đến đâu đi nữa, thì cái bản chất là một động vật cấp thấp của loài bò sát này chắc chắn không bao giờ thay đổi.

---------------------------------------

Bài phỏng vấn ông Thạch Như Sỹ:

http://dantri.com.vn/c20/s20-407648/ha-noi-ap-dung-giai-phap-giao-thong-nua-mo-nua-bit.htm

.

.

.

No comments: