Tuesday, July 13, 2010

LÍNH BẮC VIỆT GIẢI QUYẾT "SEX" NHƯ THẾ NÀO ?

SEX VỚI LÍNH TRÁNG CÁNH BẮC KONTUM

Tô Hoàng

Thứ hai ngày 12/7/2010

http://trannhuong.com/news_detail/5397/SEX-V%25E1%25BB%259AI-L%25C3%258DNH-TR%25C3%2581NG-C%25C3%2581NH-B%25E1%25BA%25AEC-KONTUM

(Viết nhân Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7)

Các bạn trẻ bây giờ sướng thật! Ảnh khỏa thân, tạp chí “ Playboy”, phim con heo hiện tại đã là “đồ bỏ”. Không cấm đoán, không kiêng cữ cũng chẳng cô cậu nào thèm đoái hòai để mắt tới. Tuổi 14, 15 “đầu mày cuối mắt” đã trở thành chuyện bình thường. Mê nhau tí tị là đã có thể ôm choàng lấy nhau, ve vuốt, hôn hít cả ở chỗ vắng người lẫn nơi thanh thiên bạch nhật. Nẩy sinh nhu cầu muốn “nghiến” nhau, cô cậu sẵn sàng kéo nhau về nhà riêng lúc cha mẹ bận sấp ngửa làm ăn nơi lòng đường, hè phố hoặc bận giao tiếp, tiệc tùng săn đón những hợp đồng béo bở. Còn nếu cha mẹ ở nhà thì tìm tới khách sạn, nhà hàng. Vào cửa không ai hỏi chứng minh thư, giấy hôn thú. Ở bên nhau một giờ, có giá một giờ; hai, ba giờ có giá hai, ba giờ… Rẻ hều! Ve vuốt, hôn hít, va chạm, quần thảo nhau - những cử chỉ, hành động như thế bây giờ thiên hạ gọi bằng chữ SEX. Mấy năm trở lại đây báo chí còn mở ra những cuộc tranh luận quanh đề tài bạn trẻ có nên sống thử, có nên SEX nông và SEX sâu trước hôn nhân hay không? Xem ra thiên hạ công khai ủng hộ họat động tình dục trước hôn nhân. Chỉ có điều cần truyền giảng cho các cô các cậu hiểu thế nào là an tòan, là vệ sinh trong chuyện SEX mà thôi.
Thương quá, tội nghiệp quá các dồng đội chết trẻ của tôi ơi! Ngày xưa ấy nào như bây giờ ?
Ba, bốn chục năm trước chúng ta có biết tới từ SEX là gì đâu! SEX với chả SIẾC! Nghe vừa không sướng tai, vừa không cụ hình, cụ tượng chút nào. Cái hoạt động âu yếm, ve vuốt, hôn hít, chung đụng anh ả kia chả biết thằng cha tinh ma, quỷ quái nào ở mặt trận cánh Bắc Kontum chúng tôi gọi tên bằng hai tiếng LÍCH CHÍCH. Cả về phương diện âm học lẫn phương diện hình tượng đều mê ly. Lích chích gợi lên hình ảnh con chim trống xun xoe, lăng xăng bên con chim mái dụ khị ả bằng tiếng kêu… Lích chích. Khi con chim mái đã chịu nằm ép xuống để con chim trống trèo lên lưng, Lích chích là tiếng riu riu, siu siu trong rên rỉ, sung sướng vào thời khắc con chim mái bỗng ưỡn cái đít dậy để chú chim trống ngóc đầu lên, rịn cái đít xuống. Lích chích cũng có thể là tiếng vằng ra trong bóng tối ở góc bếp, dưới chân giường bạn nằm của đôi chuột nhắt đang tán tỉnh nhau hoặc lúc đã hân hoan, mãn nguyện thực hiện được chuyện “động trời”. Để phòng ngừa máy bay trực thăng Mỹ, Ngụy sạt thấp, thả bọn biệt kích, ở Bắc Kontum có những trạm quan sát đặt tít giữa tàng cây trên những ngọn cổ thụ cao chót vót. Lên xuống bằng chiếc thang bện giây rừng. Nước uống, thức ăn tiếp tế từ hậu cứ được kéo lên cũng bằng giây rừng. Bọn lính trinh sát sống ở các trạm quan sát này quả là sướng hơn tiên. Được ở trên cao, hưởng ngọn gió trong sạch, mát lành, được phóng tầm mắt ra ngút ngát, chúng nói thánh nói tướng như trạng. Chúng kể, voi khi hợp cẩn cũng phát ra âm thanh… Lích chích… Lích chích. Lẽ dĩ nhiên lúc phát dục chàng voi đực không rủ rê mấy nàng voi cái bằng mấy tiếng Lích chích. Trước tiên chúng rống lên vang động cả mấy cánh rừng. Nàng voi cái nào bị mê hoặc bởi tiếng rống oai hùng, đầy nam tính ấy liền bị chú voi đực đưa đến một ngọn đồi. Bảo voi cái đứng đợi ở đó, chàng voi đực lần xuống sườn đồi tìm cho ra một gốc cây cổ thụ thật chắc, thật khỏe. Tìm được rồi, voi đực dẫn voi cái tới đó. Và như một bản năng trời phú, thấy gốc cây, nàng voi cái liền quỳ gối xuống, trán tỳ vào gốc cây kia như tìm ra một điểm tựa, mông chổng về phía đỉnh đồi chờ đợi. Từ trên cao, voi đực ầm ầm lao dốc. Phập!! Chốt ngập sâu vào mộng trong lần đầu, lần thứ hai – đôi voi ấy thật diễm phúc! Có khi, sức mạnh cuốn bão giông kia đánh bật cái gốc cổ thụ. Cả chàng, cả nàng đều lăn như hai trái bóng xuống tít chân đồi. Thế là phải hì hụi, hổn hển leo ngược dốc làm lại, làm lại. Bọn trinh sát trên ngọn cây kể rằng, khi mộng mẹo của đôi voi tình nhân đã khớp khao đâu đấy, suối bỗng ngưng chẩy, thác bỗng ngừng reo, ắng lặng tuyệt đối bỗng ngữ trị. Và tít từ khoảng đồi dưới thung sâu kia, lẫn trong cơn gió thoảng, bọn trinh sát nghe rõ đôi voi rên lên… Lích chích… Lích chích!
Sử sách, các công trình tổng kết, phim ảnh... đọc cả, xem cả rồi, nhưng chưa thấy đâu nêu ra hai cái khổ, hai loại thử thách thuộc loại đặc thù của lính tráng phía Bắc Kontum: Đó là CÁI ĐÓI và NHỮNG CƠN THÈM ĐÀN BÀ. 1,5 lạng gạo chia làm ba bữa, thiếu đâu đã có măng rừng, rau môn thục bù vào - cái đói thì đã rõ. Nhưng cung cách vắng bóng chị em, vắng bóng những mớ tóc dài, những bờ vai tròn lẳn thì không một mặt trận nào có thể so sánh được với Cánh Bắc Kon tum thuở đó. Có thể đếm được mấy rúm con gái ở nơi này. Đó là các cô y tá, chị nuôi, cấp dưỡng.. .bỗng một ngày kia được tập trung về ai đó dạy cho một vài bài hát, một vài động tác múa và trở thành nữ diễn viên trong một đoàn văn nghệ không chuyên. Đó còn là các cô hộ lý, ý tá, y sỹ phục vụ tại Viện Quân y 211. Con gái xấu đẹp cũng đều quý hiếm như mật gấu, mì chính cánh! Nhưng để có cơ hội năm thỉnh bẩy thoảng được xem các em văn nghệ nghiệp dư biểu diễn đã khó; có cơ hội tới được Viện quân y 211 càng khó hơn. Bởi muốn được ngắm nghía mấy em y sỹ, hộ lý kia đứt khoát phải có một cẳng chân hoại tử cần cưa, phải cần một bên xương quai hàm đã vỡ nát vì mảnh bom, mảnh pháo cần đục bỏ. Không một nơi nào khác bói ra đàn bà, con gái nữa. Hàng vạn lính đấy, đủ các quân binh chủng hợp thành đấy, ráo rạo đều là đực rựa. Toàn đực đến nỗi xẩy ra nhiều chuyện tức cười. Hai thằng lính không đồng hương, đồng khói, không quen biết nhau trước ngày nhập ngũ. Vào tới nơi đây bỗng thành bạn thân. Không có tấm ảnh của người yêu thời ngồi chung ghế trường cấp 3, cũng không có hình ảnh một người con gái nào hai đứa cùng quen, thằng A bực bội vì không thể diễn tả để thằng B hình dung ra người yêu của mình mảnh mai ra sao, cao chừng nào, ánh mắt, hàm răng tuyệt vời cỡ nào… Cực chẳng đã, bèn lấy lão anh nuôi của đơn vị làm vật trung gian so sánh với câu bẳn gắt : “nhưng nàng của tao không hôi nách, không trọc lóc, không phẳng lỳ trước, sau như gã anh nuôi đâu nhé!”. Thiếu chị em, thành thử có cái cớ nào, có cơ hội nào liên tưởng được bóng dáng của phái yếu lính ta như vớ được vàng. Đêm đưa cỗ pháo 130 ly nặng cả chục tấn thép vào công sự, vừa mệt phờ phạc, vừa buồn ngủ, bỗng tỉnh như sáo, bỗng nhộn nhạo hẳn lên khi xúm vào đẩy hai cái càng pháo ra xa nhau, đua nhau réo vang theo lời hô của khẩu đội trưởng: “Dạng càng! Dạng càng!”. Tiếp tới là thao tác dùng búa ghìm hai càng pháo xuống lại la hét vui sướng như động rồ: “Đóng cọc! Đóng cọc!”. Cơ may hiếm hoi lắm nếu ở mỗi khẩu đội, mỗi tiểu đội bỗng được bổ xung một bác, một chú lính tái ngũ ở tuổi tam tuần, tứ tuần - tức ở cái tuổi đã biết thế nào là dạng càng, đóng cọc. Giữa đêm đông rét mướt, lính trẻ chuẩn bị sẵn chừng chục bi đông nước suối lạnh ngăn ngắt, bắt lính già tường thuật lại đã ăn nằm với vợ lần đầu như thế nào. Oai oái phân trần rằng tao lấy vợ tảo hôn; rằng buồng vợ chồng tao ở ngay cạnh buồng cha mẹ, giường tre cọt kẹt một chút là nghe tiếng tằng hắng của hai cụ liền; rằng thuở xưa đàn bà mặc quần thắt giải dút, đâu luồn giây thun như thời nay, tao loay hoay gỡ được cái giải dút buộc rối thì gà đã te te gáy sáng rồi; rằng đêm ấy đâu dám thắp đèn nên mô tê có thấy gì đâu… Không khai thật à, không chịu diễn tả tỉ mỉ, cụ thể sao? Chịu được một hay hai, hay ba bi đông nước suối tưới lên mình đây? Nhớ có một lần 4 chiếc Zin Khơ chở gạo từ Binh trạm 47 trên tuyến đường Trường Sơn vào giúp mặt trận cứu đói số thương binh tồn đọng. Tin đâu lan truyền rất nhanh, lái xe là 4 chiến sỹ gái. Xôn xao, nhộn nhạo cả lên yêu cầu của lính được cho ra đường thồ xem mặt chị em. Đại đội không giải quyết nổi yêu cầu của lính, đành chuyển lên Tiểu đoàn. Tiểu đoàn chuyển lên tận Trung đoàn. Vị Chính ủy Trung đoàn khá tâm lý chiến sỹ liền cử người ra thương lượng với đoàn xe cho bốc gạo ở một khúc cua hai bên có thành ta-nuy cao. Lính ta phải đứng trên bờ ta-nuy nhìn xuống mà chiêm ngưỡng bốn cô gái. Vị Chính ủy còn ra lệnh tỷ mỉ mỗi đơn vị chỉ được cử một phần tư quân số thay nhau ra ngắm chị em để bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và mỗi chiến sỹ cũng chỉ được ngắm đúng nửa tiếng thôi rồi về để người khác đi. Nghe đâu vì chuyện đó, Phòng Chính trị mặt trận đã gọi Chính ủy lên bắt làm kiểm điểm.
Nhiều vị Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng khác cũng thương lính và thích cùng lính tán chuyện Lích chích…Lích chích. Nghĩ cũng tội. Mang cấp bậc, chức vụ cao thôi, mới trong ngoài bốn mươi cả. Thế mà vào đây, phải xa bà vợ ngoài Bắc, quên lãng chuyện Lích chích cả chục năm ròng. Có một vị Trung đoàn trưởng pháo binh, nghe đâu dân tú tài thời Tây, đi đài quan sát phía trước, đêm pháo bắn rát quá, không ngủ được, bèn gọi tốp trinh sát pháo tới, chiêu đãi trà Nam Vang, thuốc lá Cotab sợi thả ga. Sau đó lấy bàn đạc và bút tác nghiệp ra, Trung đoàn trưởng vẽ những đường đồ thị Parabon giải thích cho lính trẻ hiểu hưng phấn của đàn ông khác đàn bà như thế nào. Hưng phấn đàn bà lên chầm chậm, ở anh đàn ông vọt lên nhanh, phải quay ma-ni-ven từ từ thôi, làm sao cho đỉnh điểm hai đường Parabon trùng nhau, cô vợ mới đạt tuyệt đỉnh khoái cảm, mới nhẹ nhàng bước vào giấc điệp mơ màng. Đám trinh sát vỗ tay sung sướng, la rầm rầm, thủ trưởng có ba cô con gái, hãy nhắn các cô, chờ ngày chiến thắng, nếu còn sống trở về, chúng con nhất định sẽ trở thành những đứa con rể lý tưởng của bố. Chuyện buổi tối vui ở đài quan sát ấy không hiểu sao đến tai cấp trên. Vị Trung đoàn trưởng Pháo cũng phải viết bản kiểm điểm gửi lên Phòng Chính trị.
Những đêm mùa mưa đói mòn đói mỏi, không ngủ được, thức dậy gầy bếp lửa, đặt cóng nước lên bếp, nghe nước sôi lóc bóc, lóc bóc cơn đói càng vật vã tợn. Vào những lúc như thế, chỉ kể chuyện về các món bánh đa, bánh dúc, bún riêu cua, bún ốc … ở quê nhà; chẳng thằng nào hơi sức đâu nhắc tới chuyện Lích chích… Lích chích. Còn những bữa được no cơm, hoặc săn bắn được con thú gì có miếng thịt tươi bỏ miệng… y như rằng chuyện Lích chích…Lích chích bung nở như vắt nhú sau mưa. Nhiều thằng tài bịa đặt. Nhiều đứa kể rất có duyên. Có nút thắt, nút mở, có kịch tính, có khoảng dừng như trong âm nhạc đàng hoàng. Trợn tròn mắt, thót tim, khô đắng cả cổ họng mà nghe. Để đêm đó lăn qua lăn lại trên sạp lồ ô. Để sáng sớm hôm sau, thằng nọ lấm lét nhìn thằng kia - mười thằng thì cả mười - tháo màn mang xuống suối giặt. Chả thế mà ở mặt trận chúng tôi lan truyền câu nói sau: “Lính tráng cánh ta đái vào gốc tre, gốc tre cũng mang bầu!”. Khiếp chưa !
Phòng Chính trị Mặt trận chỗ Đại tá Hà dĩ nhiên là đã chú tâm tới chuyện Lích chích…Lích chích. Nhỡ quá tưởng tượng, quá thèm muốn Lích chích, lính đảo ngũ, trốn lẩn về Bắc thì sao? Số chiến sỹ “B quay” mấy tháng mùa mưa năm nay tăng vọt lên. Lý do gì đây? Không chừng vì thèm Lích chích? Tai hại nhỡn tiền của Lích chích là ỡ chỗ, bị ám ảnh về chuyện này để rồi đêm đêm vòi phun nước của bọn trẻ cứ phun bừa bải, tứ tung sao? Để sáng hôm sau cậu nào cậu nấy mặt mày xanh rớt, đi đứng run rẩy, giọng nói trở nên yếu ớt, thều thào. Hỏi còn tìm đâu ra sức mà vác gạo, khênh pháo vượt qua các đỉnh Chư Mon ray, Ngọc Tinh tong, Ngọc Biêng… còn sức đâu mà đánh lên tuyến phòng thủ vỏ cứng của địch? Thế là biện pháp, lệnh lạp chống đối, ngăn ngừa Lích chích được nghĩ ra khá kỹ lưỡng, khá công phu và nhiều trường hợp cũng khá … quái đản.
Bộ phim tài liệu “Một ngày Hà nội” do Xưởng phim quân đội quay, đã được Tổng Cục Chính trị duyệt kỹ. Trong phim có cảnh một nữ tự vệ trẻ Hà Nội kéo khẩu súng trung liên lên gác thượng khu Cao-Xà-Lá nhắm bắn máy bay Mỹ. Cô gái xinh tươi kia có cặp “Gờ-La-Vu” kích cỡ hơi bất bình thường. Đã thế, anh quay phim còn quỳ xuống, ngước ống kính lên quay nhằm ca ngợi khí phách hiên ngang của người Hà nội thời chống Mỹ. Lính tráng xem đoạn phim này sẽ ra sao đây? Duyệt phim, Phòng Chính trị quyết định cắt bỏ ngay cảnh này. Tại sao khi Đội văn nghệ Mặt trận diễn vở múa hát “ Tiếng chày trên sóc Bom Bo” cứ đến khúc các em gái Tây nguyên nhún nhẩy đâm chày tay vào cối gạo, lính tráng đang xem bỗng đứt phắt dạy vung tay khuỳnh chân gào lên: “… Người Bombo sẵn có cối chày to”? Lệnh: xà rông của nữ diễn viên phải may rộng hơn, không được bó sát người. Khi làm động tác giã gạo chày tay phải giảm năm mươi phần trăm động tác đẩy mông ra phía sau, ưỡn “cái ấy” về phía trước.
Mùa hạ năm 1970, lần đầu tiên lính Bắc Kontum chiếm được thị trấn Tân Cảnh. Chị em gái điếm Sài gòn không kịp chạy về Pleiku. Nghe đâu số chị em mắc bệnh lậu, bệnh giang mai không được quan hệ với đàn ông là ngứa ngáy, khó chịu lắm, bệnh nặng lên liền. Lính ta từ trong rừng ùa ra, ào ngay vào dám chị em quần chẽn phô bắp chân trần căng tròn; áo pul để hở cả mảng bụng trắng hêu hếu. Sau một hai tuần, Ban quân y báo cáo ở các đơn vị đã xuất hiện căn bệnh xưa nay chưa từng có: vỡ ống khói. Phòng Chính trị phối hợp với Viện 211 thiết lập ngay một Nhà hát … Phẫu thuật. Lính tráng đặt tên vậy quả không ngoa! Một căn hầm rộng được công binh thiết kế gấp, từ dưới cao dần lên, cả bốn phía, là những hàng bậc đất, có lát những khúc lồ ô chẻ đôi, úp sấp mặt làm ghế ngồi cho khán giả. Phía dưới cùng là bàn mổ, chiếu sáng bằng mấy bóng điện đi-na-mô xe đạp. Mỗi trung đội được cử một chiến sỹ tới Nhà hát. Quang cảnh chiều hôm ấy hệt giống những sân khấu thời Hy-La cổ đại - đám lính Hà nội nói thế. Đèn sáng được chừng mươi phút, một tốp người áo trắng khênh một chú lính trẻ đặt lên bàn mổ. “Con mồi” còn chưa biết chuyện gì sẽ xẩy tới, vẫn nhoẻn cười tứ phía chào người xem. Lột truồng. Làm sạch lông lá. Mân mê cho thằng bé ngóc cứng lên. Và cứ thế, không mê, không tê, dao phẫu thuật bén ngọt bổ của quý ra làm 4 phần, như ta chẻ một cọng rau muống. Càng kêu thét, càng gào khóc càng gây ấn tượng mạnh. Tiếp tới là những panh-sô đẫm thuốc sát trùng I-ốt ngoáy rửa nhiều lần. Tiếp tới là khâu sống lại. Lính tráng có mặt chiều hôm đó tím tái, mồ hôi ướt dọc sống lưng, về tới đơn vị kể lại điều mắt thấy tai nghe giọng còn run run và từ nay xin vĩnh biệt đám chị em quần chẽn, áo pul…
Nhưng không phải lúc nào những biện pháp, những lệnh lạp chống Lích chích cũng hiệu quả. Chuyện dưới đây xẩy ra vào những ngày sau Tết âm lịch năm 1972, trước khi đại quân nổ súng đánh chiếm thành phố Kontum. Sáng hôm ấy, một chiếc máy bay L.19 lượn nhiều vòng trên những cánh rừng các đơn vị đang ém quân, phụt ra phía đuôi những đàn bươm bướm trắng lóa. Lại truyền đơn bốn gã Việt cộng trèo không gẫy cây đu đủ đây! Lại những lời chiêu hồi gợi lính ta nhớ miền Bắc với những câu thơ đại loại “những nàng thiếu nữ khăn to hó. Môi quết trầu thơm, mắt ngóng ai?’ chứ gì! Ngồi ru rú ở Sài gòn, mấy cha nội tâm lý chiến ăn đồ Mỹ cho béo mầm để không hiểu tẻo teo nào chị em “Ba đảm đang” ở ngoài quê chúng ta. Ô, nhưng vừa nhặt sấp truyền đơn lên tay, lính tráng đã trố mắt sững sờ: cả một sấp ảnh mầu thật đẹp, thật rực rỡ chụp các cô gái Mỹ trần truồng phô đùi, phô ngực, phô mông… mà sau này chúng tôi mới hay tên gọi là tạp chí “Play- boy”. Truyền tay nhau xem, kháo nhau xem. Xem dấu diếm. Xem kín hở. Quả là hy hữu tâm lý Mỹ mới chơi một quả “độc” như thế này. Dĩ nhiên là xem xong, ngay tối ấy các vòi phun nước hoạt động ráo riết. Chỉ qua một, hai đêm dáng lính đi lại đã có phần khật khừ, liêu siêu Sang ngày thứ ba, chuông điện thoại bắt đầu réo vang. Mặt trận gọi xuống các Sư đoàn. Các Sư gọi xuống các Trung đoàn. Từ các Trung đoàn lệnh truyền gấp xuống các Tiểu đoàn, các Đại đội, các Trung đội : Cho thu gom gấp và ném vào lửa hết. Chập ấy tôi đã là phóng viên tờ báo “Quân Giải phóng” của Cánh Bắc Kontum và đúng chiều hôm thu gom để thiêu hủy tạp chí Mỹ, tôi đang đi theo một đại đội chủ công sẽ đánh chiếm cứ điểm vỏ cứng ở Kleng, mở lối cho các cánh quân phía Tây vượt sông Poko, đánh chiếm thành phố Kontum. Đống lửa được đốt lên dưới một căn hầm dã chiến. Những gương mặt lính thân quen lắc đầu cười, miễn cưỡng móc trong ngực, từ phía sau lưng ra những cuốn “Play-boy” ném vào ngọn lửa. Lưỡi lửa lem lém cháy dần những mớ tóc vàng, những cánh tay, những eo lưng nuột nà trên thân hình đầy hấp dẫn của các cô gái Mỹ. Nhưng nhanh như chớp, khi ông chính trị viên vừa đi sang kiểm tra ở trung đội khác, các chàng lính dấu kín những bi đông, những can nhựa, những ống lồ ô đựng nước từ bao giờ liền lao vội tới, xối nước dập lửa, nhanh tay giành lại những mảnh “Play-boy” đang cháy. Tối hôm sau đại đội cường tập đánh căn cứ Kleng, cả hy sinh lẫn bị thương chiếm già nửa quân số. Tôi đã được các phóng viên đàn anh tập cho thói quen, sau mỗi trận đánh nhất thiết phải đi theo nhóm kiểm nghiệm tư trang của người hy sinh để gói bọc, đánh số gửi về cho cha mẹ anh em. Làm thế để mình nhớ lại tên tuổi, gương mặt của từng chiến hữu đã ngã xuống; để ngòi bút không lạnh giá, vô cảm dù chỉ viết một bài tường thuật trận đánh dăm ba trăm chữ. Những chiếc ba lô lính được đưa từ trên giá tre nứa xuống, được mở nắp ra. Tài sản của người lính để lại nào có gì đâu: bộ quân phục mới xỏ tay hai, ba lần; một cuộn dây quai dép dự phòng, một thanh gỗ thơm để vót thành đôi đũa ăn, tệp thư của người thân từ quê Bắc gửi vào, hay cuốn sổ chép bài hát. Tất tật chỉ có thế! Và kẹp giữa những tệp thư, những cuốn sổ chép bài hát là hình ảnh một bờ vai, một cặp đùi hoặc bờ mông của nhũng cô gái Mỹ bị lửa ăn nham nhở…
Dịp Tến Dương lịch năm 2001 - cũng cách nay đã gần 10 năm, tôi tình cờ ngồi với một nhóm những trí thức Việt kiều từ Mỹ mới về nước tại một quán cà phê gần chợ Bến thành. Câu chuyện trao đổi xoay về chủ đề quen thuộc: nguyên nhân gì khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn thua và Việt cộng thắng vào mùa xuân năm 1975. Cuộc trao qua đổi lại khá vui vẻ, thẳng thắn, chân thành. Gần cuối buổi, bỗng một câu hỏi tình cờ bật ra : Các cán bộ, binh sỹ Quân giải phóng sống ở rừng, xa vợ con suốt 7, 8 năm đã giải quyết nhu cầu sinh lý (tức chuyện Lích Chích đây mà!) ra sao, phía bên ấy có gái điếm không? Tôi khăng khăng bảo vệ điều đã là chứng nhân, đã trải qua. Nếu tin vào lời ông Việt cộng này nói, nếu điều đó là sự thật, dễ thường các ông là người gỗ, các ông vô cảm hoặc là những tín đồ theo đạo khổ hạnh? Lại cũng đả có lời dị nghị phía bên các ông cho lính trẻ uống thuốc diệt dục trước khi họ vào chiến trường..v..v..Tôi không gắng gỏi thanh minh, không muốn biện giải làm gì. Buồn quá! Chả lẽ các đồng đội chết trẻ của tôi lại chịu oan uổng thế sao? Anh em tội tình gì mà chịu thiệt đơn thiệt kép đến như vậy? Tôi chỉ còn biết báu víu vào câu chuyện về trường hợp Mỹ thả truyền đơn “Play-boy” năm nào cho các bạn Việt kiều nghe. Câu chuyện vừa ngưng, bàn cà phê bỗng im phắc. Có một chị Việt kiều vẫy tay gọi nhân viên nhà hàng tới yêu cầu giảm nhẹ tiếng nhạc, vặn bớt ánh sáng đèn…
Khi rời quán cà phê cũng không ai nói thêm lời nào. Từng bạn Việt kiều nắm lấy bàn tay tôi xiết chặt…

Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7/ 2010

.

.

.

No comments: