Wednesday, July 21, 2010

KHÔNG PHẢI ĐẾN HẸN LẠI LÊN (Vietnamnet)

(Bài trên Vietnamnet nhưng đã bị rút xuống)

Không phải đến hẹn lại lên

20-7-2010

http://www.baomoi.com/Info/Khong-phai-den-hen-lai-len/122/4576137.epi

Xem tin gốc

VietnamNet - 2 ngày trước 268 lượt xem

- Các cuộc hội nghị ASEAN lần này đối mặt với một cục diện kinh tế và an ninh toàn cầu lẫn khu vực căng thẳng khác thường. Công việc dàn xếp, phối hợp của nước chủ nhà trong phạm vi nội bộ khối cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài không hề đơn giản.

Không phải chỉ là những sinh hoạt hàng năm như mọi khi. Hội nghị các ngoại trưởng AMM-43 (19-21/7), hội nghị giữa ASEAN với các đối tác PMC (21-22/7) và diễn đàn an ninh cấp vùng ARF-17 (23/7) lần này diễn ra trong bối cuộc “so găng” giữa các nước lớn trên cấp độ toàn cầu cũng như trong khu vực đang vào hồi cao trào.

Hội nghị AMM-43 với sự tham dự của 28 nước gồm 10 thành viên ASEAN trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tiếp sau là Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN tổ chức tại Đà Lạt (18-23/7), quy tụ 18 nước với hơn 600 khách tham dự.

.

Căng thẳng khu vực đè nặng không khí hội nghị

Vừa qua, Ủy ban Cải cách và phát triển nhà nước Trung Quốc thông qua cái gọi là “Cương yếu quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020”. Theo đó, sẽ tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa. Hành động này trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã cùng các nước ASEAN ký kết năm 2002.

Trung Quốc cũng đã chỉ trích kế hoạch tập trận chung Mỹ - Hàn tại Hoàng Hải, mặc dù trước đó, chính nước này đã thực hiện cuộc diễn tập hải quân ở vùng biển Hoa Đông (còn gọi là Đông Hải).

Phản ứng gay gắt của Trung Quốc là vấn đề mà dư luận quan ngại. Đáng tiếc là Trung Quốc không cho biết thêm thiên hạ có lo lắng và lo lắng đến mức độ nào trước cuộc tập trận vừa kết thúc của mình.

Về phía Mỹ, nhân việc Ngoại trưởng Hillary Clinton sang Hà Nội tham dự Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: Vấn đề nhân quyền, cuộc bầu cử sắp tới tại Myanmar; Trách nhiệm của Triều Tiên trong vụ chìm tàu Cheonan sẽ là những chủ đề ưu tiên của bà Clinton trong các cuộc gặp với các đồng cấp thuộc khối ASEAN cũng như với lãnh đạo các quốc gia khác.

Trợ lý ngoại trưởng Campbell còn thông báo, bà Clinton sẽ không ngần ngại nêu những vấn đề này trong khuôn khổ đa phương khi gặp đại diện các nước ASEAN cũng như trong khuôn khổ song phương.

Diễn đàn an ninh cấp vùng lần này có sự hiện diện của các bộ trưởng đến từ 27 nước, trong đó có ngoại trưởng Yu Myung-hwan của Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc đang nỗ lực để ARF Hà Nội có tiếng nói mạnh mẽ với Triều Tiên về vụ chìm tàu chiến Cheonan khiến cho 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng. Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng yêu cầu được gặp riêng ngoại trưởng Triều Tiên trong vòng đàm phán cấp ngoại giao tại Hà Nội.

ARF vẫn thường bị chỉ trích là một diễn đàn có ít ảnh hưởng trong việc thúc đẩy giải quyết các cuộc xung đột trong khu vực - từ vấn đề Kashmir cho đến những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông hay những vụ bạo lực ở miền nam Philippines. Vai trò tích cực nhất của Diễn đàn chỉ là giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia.

Theo dự thảo tuyên bố hội nghị AMM mà hãng AFP có được, ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc về vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc và căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên” đồng thời “kêu gọi tất cả các bên liên quan giữ thái độ kiềm chế”.

.

Chuẩn bị Cấp cao ASEAN cuối năm

Nội dung ưu tiên của các hội nghị lần này là tiếp tục bàn để đẩy nhanh tiến độ lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN, thực sự đưa Hiến chương ASEAN và bộ máy mới của ASEAN đi vào cuộc sống, đồng thời đẩy mạnh việc tăng cường và kết nối ASEAN. Tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác của ASEAN với các đối tác, đi đôi với việc tăng hiệu quả của diễn đàn khu vực.

Như có thể thấy, các phối trí giữa ba trụ cột của ASEAN: chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại và văn hóa - xã hội đang vượt qua các ranh giới về ý thức hệ lẫn mô hình phát triển. Các thay đổi đang ngày càng được thể hiện rất rõ trong giá đỡ gồm hai chân chống riêng biệt. Chân chống kinh tế đang ngày càng lớn mạnh và phát triển. Chân chống an ninh vừa được kiến tạo và kém phát triển hơn.

Một nhóm vấn đề lớn khác là tập trung bàn các biện pháp để tăng cường tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của các bên đối tác, phục vụ thiết thực và hiệu quả cho mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết ASEAN cũng như cùng phối hợp để đối phó hiệu quả với các thách thức đặt ra như thiên tai, dịch bệnh, phục hồi kinh tế, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh biển, an ninh lương thực, năng lượng…

Kinh tế thế giới vẫn còn trong thời kỳ “vượt cạn”. Kinh tế Mỹ có thể “chạm đáy” lần thứ hai, Trung Quốc phát triển chậm dần, Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn. Đó là bối cảnh các nước ASEAN và các nước đối tác liên quan sẽ tiến hành các cuộc trao đổi về các biện pháp nhằm bảo đảm phục hồi và phát triển kinh tế bền vững cũng như việc tham gia đóng góp của ASEAN cho các tiến trình của G20, đặc biệt chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G20, dự kiến vào tháng 11/2010 tại Seoul, Hàn Quốc.

AMM-43 lần này còn chuẩn bị một bước quyết định cho các hội nghị cấp cao quan trọng, dự kiến vào cuối năm 2010 tại Việt Nam như: Hội nghị cấp cao ASEAN 17, Hội nghị cấp cao với các đối tác như ASEAN + 3, ASEAN +1… Thách thức lớn nhất của quá trình này là cuộc “so găng” ngày càng công khai giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ khó có thể lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á thực hiện chính sách kiềm chế Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng không hoàn toàn chèo lái được các cấu trúc khu vực theo hướng có hại cho quyền lợi của Mỹ.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan bày tỏ hy vọng rằng, các hội nghị mùa hè này tại Hà Nội sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị là nước chủ tịch ASEAN trong các nỗ lực nhằm thúc đẩy hội nhập và khiến ASEAN được quốc tế công nhận rộng rãi hơn. Tuy nhiên, thực hiện được vai trò này trong bối cảnh mọi chuyện trong khu vực đều đang nóng lên rõ ràng không phải là việc dễ dàng và suôn sẻ.

Hải Đăng

.

.

.

No comments: