Tuesday, July 13, 2010

HỘI NGHỊ DÂN CHỦ CẤP CAO TẠI BA LAN

Hội nghị Dân chủ cấp cao tại Ba Lan (phần 1)

Vân Anh, thông tín viên RFA

2010-07-07

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/High-lever-democracy-meeting-krakow-2010-P1-VanAnh-07072010192639.html

Hội nghị Dân chủ Cấp cao vừa diễn ra trong 3 ngày cuối tuần qua tại Ba Lan với sự có mặt của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và các lãnh đạo ngoại giao của hơn 100 quốc gia dân chủ.

.

Các Đại biểu tại Hội nghị Dân chủ Cấp cao, diễn ra ở Ba Lan từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 7 năm 2010. RFA Photo/Vân Anh

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/High-lever-democracy-meeting-krakow-2010-P1-VanAnh-07072010192639.html/4759807947_b0ea0c5bfd-305.jpg

.

Các thứ, bộ trưởng đã có dịp trao đổi với những nhân vật đối kháng thuộc những quốc gia độc tài trong đó có Việt Nam. Thông tín viên RFA, Vân Anh tường trình từ Krakow.

.

Bản đồ hành động

Tại cố đô của Ba Lan là Krakow vừa diễn ra 3 ngày Hội nghị Dân chủ Cấp cao nhân 10 năm Cộng đồng Dân chủ thành lập.

Cộng đồng Dân chủ là tổ chức quốc tế với 111 quốc gia thành viên đồng thuận cổ xúy dân chủ trên toàn cầu, hình thành năm 2000 bởi sáng kiến của nhà ngoại giao nổi tiếng Ba Lan, giáo sư Bronisław Geremek và ngoại trưởng Hoa Kỳ đương nhiệm khi đó, bà Madeleine Albright.

3 ngày hội nghị từ 2 tới mùng 4 tháng 7 quy tụ hơn 600 đại biểu gồm các lãnh đạo ngoại giao, dân biểu quốc hội và hầu hết là đông đảo những nhà hoạt động nhân quyền đối lập với các chính quyền chuyên chế.

Lãnh đạo ngoại giao đại diện cho những nều dân chủ mẫu mực nhất đều có mặt, từ Hillary Clinton và Madeleine Albright tới ngoại trưởng Canada và Philipin cùng Chủ tịch Quốc hội Châu Âu Jerzy Buzek. Hội nghị cũng đón tiếp biểu tượng của phong trào "Đoàn kết" gỡ bỏ thể chế độc quyền tại Ba Lan, ông Lech Wałęsa và thủ tướng đầu tiên của Ba Lan không cộng sản, ông Tadeusz Mazowiecki.

Đối lập với chính thể độc tài, có mặt tại hội nghị, là các nhà dân chủ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Có nhiều người trong số họ là những nhà hoạt động tại quốc nội nhưng cũng không ít hoạt động trong cộng đồng người di cư. Một trong những nhân vật tiêu biểu, vị cha cố nổi tiếng bất khuất của Cuba, linh mục (ho ze konrado rod ri gez) Jose Conrado Rodriguez năm nay được trao giải thưởng mang tên giáo sư Bronisław Geremek, sáng lập viên quá cố của Cộng đồng Dân chủ.

Hội thảo có mục đích soạn thảo và thông qua "bản đồ hành động" cho các nước thành viên trong những năm kế tiếp. Các nhóm đề tài hành động được hội thảo quan tâm thảo luận về vai trò kĩ thuận hiện đại với công cuộc bảo vệ tự do ngôn luận, vai trò phụ nữ trong quá trình xây dựng xã hội dân sự hay ảnh hưởng của thị trường tới dân chủ hóa và vai trò của các nhà ngoại giao.

Lẽ tự nhiên, Hillary Clinton trở thành tâm điểm chú ý của hội nghị, khiến sự có mặt của bà tại cố đô Ba Lan được các hãng truyền thông thế giới theo dõi. Ngoài chương trình Hội nghị Cấp Cao của Cộng đồng Dân chủ, Hillary Clinton còn có các hoạt động ngoại giao và ký kết phụ chương hợp đồng phối hợp phòng thủ hỏa tiễn Ba Lan - Hoa Kỳ, dự tính bắt đầu lắp đặt tại Redzikowo từ năm 2015.

.

Lắng nghe và ghi nhận

Hillary Clinton còn có mặt trong cuộc nói chuyện chọn lọc với một số ít đại diện đối lập dân chủ từ những quốc gia độc tài. Một trong 9 người tham gia cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Hoa kỳ là nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, ông Võ Văn Ái của tổ chức Quê Mẹ đồng thời là thành viên Ban thường vụ Tiến trình Phi chính phủ thuộc Cộng đồng Dân chủ:

Ông Võ Văn Ái: Trong một giờ đồng hồ còn có sự hiện diện của thứ trưởng đặc trách nhân quyền, dân chủ và lao động. Tôi có hỏi ngay thưa ngoại trưởng chúng tôi có nghe tin rằng bà sẽ đi Việt Nam. Tôi có nói rằng khi bà tới Việt Nam, tôi mong mỏi yêu cầu bà hãy giúp đỡ cho xã hội dân sự tại Việt Nam. Tôi có nói trong dịp bà tới Hà Nội gặp nhà cầm quyền Việt Nam, xin bà hãy đề xuất tới nhà cầm quyền cho phép sự ra đời tờ báo độc lập không nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước cộng sản, coi đó là một hành động đầy thiện chí bởi Việt Nam luôn nói rằng họ tôn trọng nhân quyền, bởi vì Việt Nam luôn nói rằng họ tôn trọng tự do dân chủ. Nếu Việt Nam cứ tuyên bố như vậy thì đây là lúc các ông hãy làm một cử chỉ tỏ thiện chí các ông bênh vực nhân quyền và dân chủ và hãy cho phép một tờ báo tư nhân được ra đời.

Tôi cũng nhấn mạnh một ý với bà Clinton và điều này bà đồng ý, rằng trong tình trạng nhà nước độc đảng tại Việt Nam thì không có sự hiện diện của nhà nước dân sự và các tổ chức phi chính phủ. Chỉ có các tôn giáo là các xã hội dân sự độc lập còn hiện hữu tại Việt Nam như Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo. Sau khi nghe mình trình bày thì bà ấy nói: ‘‘I will do’’. Thế nhưng dĩ nhiên khi nghe các chính trị gia hứa hẹn là một chuyện, nhưng họ có làm hay không? Tôi thấy sự lắng nghe của ngoại trưởng Hillary Clinton cũng như ông thứ trưởng thì họ tỏ ra rất lắng nghe, không phải nghe xong rồi bắt tay đi mà lần này lắng nghe và sau khi nghe xong còn góp ý và còn hứa hẹn. Tôi thấy đây là lần đầu tiên có dấu hiệu như vậy à tôi hi vọng rằng chính quyền Obama sẽ có chính sách mới đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trong một buổi gặp gỡ long trọng tại Nhà Hát Słowacki, nói với tất thảy các thành viên hội nghị, lãnh đạo phong trào đoàn kết của Ba Lan ông Lech Wałęsa nói đồng tiền không thể làm lu mờ các giá trị nhân bản và Ba Lan là thí dụ. Biểu tượng của phong trào, với giọng nói bình dị và dễ thuyết phục, bảo ‘‘Tôi chỉ có thể nói vậy thôi, những việc cần làm lại là việc của quý bạn” trước khi đón nhận tràng pháo tay của những người ngưỡng mộ có mặt trong nhà hát.

Ông Lech Wałęsa: Chúng ta phải gắng ngẩn đầu, phải đưa ra những giải pháp táo bạo mang lại chiến thắng nhờ các giá trị đạo đức, chứ không phải nhờ đồng đô-la hay bởi cường quốc khác mạnh hơn. Một khi các giá trị được ghi nhận trong thể chế chính trị, cả nền dân chủ và sự an lành của người dân sẽ được đảm bảo… Tôi chỉ có thể nói vậy, những việc còn lại phụ thuộc vào các bạn.

Còn Ngoại trưởng Ba Lan đồng thời là nhà tổ chức Hội nghị Cao Cấp, hồi tưởng kỉ niệm cuộc đời tị nạn cộng sản của mình tại London. Ông Radosław Sikorski động viên bằng cách khẳng định rằng: nếu Ba Lan đã thành công trong chuyển đổi thể chế thì thành công cũng phải tới với những người đang đấu tranh cho dân chủ đang có nhiều nỗ lực giải thoát quê hương mình khỏi thể chế độc tài.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

Hội nghị Dân chủ cấp cao tại Ba Lan (phần 2)

Vân Anh, thông tín viên RFA

2010-07-12

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/High-lever-democracy-meeting-krakow-2010-P2-VanAnh-07122010185511.html

Hội thảo cấp cao tại Krakow kết thúc sau 3 ngày họp cuối tuần qua, đánh dấu 10 năm thành lập Cộng đồng Dân chủ quy tụ hơn 100 quốc gia thành viên đồng lòng cổ xúy và bảo vệ dân chủ.

.

Tinh thần dân chủ

Hội thảo dầy đặc thảo luận đa chiều và là cơ hội tiếp cận hiếm hoi với chính giới, các nhà hoạt động chính trị, xã hội trên toàn cầu.

Hội thảo còn cho phép người quan tâm bắt nhịp tinh thần dân chủ của nhiều quốc gia, được biết các vấn đề ưu tiên của khối những quốc gia dân chủ qua. “Bản đồ hành động” được soạn thảo tại hội nghị.

Nhiều cuộc tranh luận được bắt đầu bằng những quan ngại về “cơn khủng hoảng của nền dân chủ”. Ngoại trưởng Tây Ban Nha bắt đầu bài nói chuyện bằng một thống kê: kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, cho tới nay, đã có tới 30 quốc gia dân chủ bị tước đoạt nền dân chủ bởi đói nghèo và thiếu niềm tin vào những tiến trình dân chủ.

Ngoại trưởng Ba Lan thì cho rằng tham nhũng là nguyên do chính khiến niền tin dân chủ bị mai một. “Tham nhũng là con đường thẳng dẫn tới thoái mòn niềm tin đại chúng vào chính sách và chính giới” – Radosław Sikorski, ngoại trưởng Ba Lan nói.

Nhữnng người tranh luận đồng thuận, rằng Ba Lan lại là thí dụ cho thấy những nước đi theo con đường Ba Lan đều là tiêu điểm cho tiến trình dân chủ nhờ phát triển kinh tế, xã hội… Mọi chỉ số của thế giới hiện đại đều dẫn tới kết luận rằng dân chủ sẽ được hậu thuẫn mạnh mẽ nhờ đông đảo đồng minh các khối dân chủ, nhờ phát triển kỹ thuật và nỗ lực mạnh mẽ cho hòa bình, tự do.

“Hàng trăm cuộc chiến đã xảy ra kể từ sau Thế chiến II, thế nhưng chưa có xung đột quân sự nào xảy ra giữa 2 quốc gia dân chủ” – là một trong những bình luận bên lề được đưa ra tại hội nghị Dân Chủ Cấp Cao.

Một trong những đại diện của phong trào dân chủ Việt Nam tại Hội nghị, phát ngôn viên Đảng Dân Chủ Nhân Dân, ông Đỗ Thành Công nói về ý nghĩa hội nghị đối với các quốc gia độc tài trong đó có Việt Nam: “Để hội đủ tư cách thành viên, nhà nước phải đại diện cho quốc gia dân chủ nên Việt Nam không phải thành viên của Hội nghị này. Còn các quốc gia thành viên tham dự rất đông đủ trong hội nghị và trong 3 ngày hội nghị, họ có nhắc tới Việt Nam rất nhiều. Tôi cũng đã có cơ hội trình bày, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh và học hỏi kinh nghiệm đấu tranh từ những nhà dân chủ từ những quốc gia độc tài như Cuba, Miến Điện, Trung Quốc… Đó là cơ hội rất lớn cho anh chị em đấu tranh dân chủ cụ thể là tại Việt Nam nhìn vào đây như một hi vọng để chúng ta rút ra kinh nghiệm, trao đổi và để chúng ta từng bước phối hợp sức mạnh, tận dụng sự đoàn kết, làm cho sức mạnh dân chủ của chúng ta mạnh mẽ hơn”.

.

3 trụ cột xã hội

Một trong những vị khách quan trọng nhất của hội nghị, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nhiệt thành nói về 3 trụ cột của cuộc sống xã hội: 3 trụ cột đó, ngoài tự do của các cá thể, là mạch sống của dân tộc tự do: chính phủ đại diện, thị trường hiệu quả và xã hội dân sự. Chúng cho phép mọi dân tộc thịnh vượng và phát triển. Ta nói nhiều về chính giới, về tiền tệ. Thế nhưng xã hội tự biết tổ chức cũng không kém phần quan trọng.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói phong trào “Đoàn Kết” của Ba Lan, phong trào xã hội rộng lớn mang lại thành quả đáng trân trọng, chiến thắng không cần tiền bạc, không cần đổ máu, bởi là phong trào thỏa mãn nguyện vọng của người dân muốn được trân quý các giá trị đối với người dân là gần gũi. Bà ngoại trưởng còn nhắc tới ngày lập nước của Hoa Kỳ: Ngày độc lập của Hoa Kỳ mùng 4 tháng 7 cho phép chúng ta hiểu tại sao xã hội dân sự lại quan trọng với chúng ta tới vậy. Hoa Kỳ đã là dân tộc, trước khi hình thành nhà nước. Và Hoa Kỳ đã là một xã hội, trước khi trở thành dân tộc.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ động viên các thành viên tham dự hội nghị hỗ trợ guồng máy xã hội được hoạt động độc lập, ngay trong các quốc gia độc tài. “Các quốc gia độc tài sẵn sàng hủy hoại những guồng máy xã hội từ ban sơ thế nhưng chúng phải ý thức được hậu quả chính trị và kinh tế trong giao ban quốc tế” – là những gì hai ngoại trưởng Hoa Kỳ và Tây Ban Nha đều nhắc tới.

Indonesia nổi lên tại hội nghị với gương mặt ngoại trưởng thanh tú, nhiệt huyết và đại diện cho nền dân chủ trẻ tuổi từ Á Châu, ông Raden Mohammad Marty Muliana Natalegawa. Đại diện quốc gia hầu hết theo Hồi giáo nói về nhiệm vụ quan trọng của đất nước ông với tư cách thành viên ASEAN: Indonesia coi nghĩa vụ của mình là cách mạng chuyển đổi tại Đông - Nam Á Châu cũng như các quốc gia ASEAN để các giá trị dân chủ được các nước này coi trọng.”

Một đại biểu Việt Nam của Hội nghị, chị Đỗ Bùi Tiên thuộc tổ chức “Phụ nữ vì nhân quyền” kể về điều làm chị ấn tượng tại cuộc họp: "Các quốc gia vùng trung đông, không phải là thể chế cộng sản nhưng vẫn là thể chế độc tài. Rất nhiều người phụ nữ mà tôi không ngờ tới, rằng họ vẫn âm thầm hoạt động, âm thầm tranh đấu và dành quyền dân chủ không phải cho chính họ mà cho người dân trong nước họ, để những người dân bình thường nhất hiểu thế nào là dân chủ.

Người ta quan niệm dân chủ là thứ mấu chốt để thăng hoa đời sống con người, đưa nền kinh tế phát triển một cách hài hòa, công bình và nâng diện mạo quốc gia mình ra với cộng đồng quốc tế. Có nhà đối lập của Singapor đã không được chính quyền cho ra khỏi Singapor để tham dự hội nghị này mặc dù Singapor là quốc gia có nền kinh tế phát triển. Điều này chứng tỏ rằng đồng tiền không mang lại dân chủ tới cho con người."

Riêng với đại biểu là thành viên đảng đối lập của Việt Nam, anh Đỗ Thành Công thì nguyện vọng trong tương lai Việt Nam cũng sẽ được như Ba Lan: “Riêng sự xuất hiện của ông Lech Wałęsa tại hội nghị đã là một sự cổ võ lớn. Nhưng kỷ niệm của ngày hôm nay cũng là ngài bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan đã mất, người khởi xướng thành lập Cộng đồng Dân chủ. Riêng ông cũng là nhà sáng lập phong trào “Đoàn Kết” của Ba Lan. Tấm gương của ông xứng đáng để tất cả những người đấu tranh cho tự do dân chủ nhìn vào và thấy rằng nếu đất nước Việt Nam chúng ta có nhiều người như vậy, coi đó là hướng đi, là biểu tượng thì trong tương lai Việt Nam cũng sẽ trở thành Ba Lan.”

Vừa rồi là những ghi chép của RFA tại Hội nghị Dân chủ Cấp Cao mới diễn ra ngày tại cố đô Krakow của Ba Lan trong 3 ngày cuối tuần qua.

Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan.

.

Theo dòng thời sự:

Đại hội Phong trào dân chủ thế giới lần 6 tại Indonesia

Tìm hiểu về Phong trào Dân chủ Thế giới

Tạo môi trường tự do và dân chủ cho giới trí thức

Tìm hiểu về Dự Luật HR 3359

Hội luận về nhân quyền – dân chủ cho VN tại Canada

Công bố phúc trình về Nhân quyền Việt Nam

Về những bản án đã định sẵn

Những bản án thách đố dân chủ và công lý

Lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền tại khóa họp Hội đồng Nhân quyền LHQ

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: