Thursday, July 8, 2010

DÂN TỘC VIỆT NAM TRƯỚC VIỄN ẢNH CỦA NĂM 2010

Dân tộc Việt Nam trước viễn ảnh của năm 2010

Phạm Cao Dương

Wednesday, June 30, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/06/dan-toc-viet-nam-truoc-vien-anh-cua-nam.html

Lời Tòa Soạn: Bài dưới đây trích từ số đầu tiên của tạp chí Thế Kỷ 21 xuất bản vào tháng 5, 1989, cách đây đã 21 năm. Trước khi quyết định đăng tải lại trên Diễn Ðàn Thế Kỷ 21 hôm nay, chúng tôi đã xin ý kiến của tác giả, giáo sư Phạm Cao Dương, và giáo sư đã viết mấy lời xác định sau đây:

Bài “Dân Tộc Việt Nam Trước Viễn Ảnh của năm 2010” này tôi viết để đăng trên Số 1 của Nguyệt San Thế Kỷ 21 từ năm 1989. Đến nay thấm thoát hơn hai mươi năm đã trôi qua và nhiều người đã hỏi tôi là những gì tôi viết trong đó có còn giá trị nguyên vẹn của nó hay không vì hai mươi năm là một thời gian dài đủ để một em bé ra đời năm đó bắt đầu trưởng thành mà hiện tại tình hình Việt Nam chưa thấy gì nhúc nhích cả. Câu trả lời của tôi là không. Những nhận định của tôi hồi đó ra sao bây giờ vẫn vậy. Tôi có thể tóm tắt hư sau:

Thứ nhất: Lịch sử của một dân tộc đến một giới hạn nào đó vẫn phải được tính bằng ngàn năm thay vì bằng một vài năm,một vài chục năm, hay vài trăm năm và thời gian chuyển tiếp từ thiên niên kỷ nọ sang thiên niên kỷ kia có thể kéo dài cả thế kỷ. Do đó dù năm 2010 đã qua được một nửa, chúng ta vẫn còn ở trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thiên kỷ thứ hai và thứ ba. Năm 2010 được nói tới ở đây chỉ là dựa trên những gì đã xảy ra trong thiên niên kỷ trước.

Thứ hai: Lịch sử dân tộc Việt Nam từ sau năm 1975 đã hoàn toàn thay đổi qua sự hình thành của khối người Việt ở hải ngoại. Đây là một cơ hội ngàn năm mới có của cả dân tộc. Với sự hình thành này ngườì ta có thể nói là sang thế kỷ 21 này, thay vì một em bé người Anh của thế kỷ 19, các em bé Việt Nam có thể hãnh diện mà học rằng “Mặt trời không bao giờ lặn trên những vùng đất có người Việt Nam cư ngụ và hoạt động”. Sự hình thành của khối người Việt ở hải ngoai này sẽ gỡ cho tập thể người Việt ở trong nước khỏi thế nhược tiểu của thiên kỷ trước về đủ mọi phương diện.

Thứ ba: Khai thác được tư thế mới của dân tộc kể trên để có thể biến dân tộc Việt Nam thành một dân tộc lớn của nhân loại phải là mục tiêu của tất cả mọi người Việt dù là ở bất đâu trên thế giới, ở trong nước hay ở hải ngoại, bắt đầu bằng việc xây dựng khối người Việt ở hải ngoại từ quan niệm, tinh thần đến ý chí hướng về một tương lai ngàn năm tươi sáng. Ngược lại chỉ nhằm lợi dụng nhất thời cho quyền lợi của một thiểu số người mà phá hoại khối người Việt ở hải ngoại này là một tội ác đối với toàn thể dân tộc, không thể tha thứ được.

Những dòng này được viết theo lời yêu cầu của Nhà Văn Phạm Phú Minh khi ông có nhã ý đăng lại bài này trên Diễn Đàn Thế Kỷ 21 với gợi ý là tôi có muốn viết lại để cập nhật hóa hay không. Tôi đã thưa với ông là tôi xin được giữ nguyên như cũ cho hợp với thời gian tính.

Trân trọng.

-----------------------------------------

Năm 2010 là năm thứ một ngàn kể từ khi Nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê lên làm vua nước ta, mở đầu cho một thời đại vinh quang của dân tộc Việt. Trong thời đại này không những tổ tiên ta đã thực sự kiến tạo được một quốc gia vững mạnh ở phương Nam, đánh lui được tất cả các mưu toan xâm lược của đối thủ nhiều lần vĩ đại hơn của mình ở phương Bắc, kể cả những đối thủ đã tạo được những thành tích lẫy lừng từ Âu sang Á, đã mở đầu cho cuộc Nam Tiến vững vàng kéo dài trong nhiều thế kỷ sau đó, mà còn vun bồi và phát triển được một nền văn hóa riêng, vô cùng độc đáo cho mình.

Năm 2010 sẽ đến với nhân loại trong một thời gian ngắn, đúng hơn trong 21 năm nữa, một thời gian bằng ba phần hai thời gian kể từ ngày những người Việt hiện lưu vong ở hải ngoại đã bỏ nước ra đi, nhưng cũng đủ để một em bé sơ sinh đạt được tuổi trưởng thành hay những người trung niên ở tuổi ngũ thập trở thành những “cổ lai hy”. Hai mươi mốt năm này gần như đã và đang được nhân loại ở trên khắp trái đất, đặc biệt là ở các đại cường đón nhận. Dân tộc Việt Nam trái lại chưa có hoàn cảnh hay đúng hơn còn bất lực chưa làm được công việc đón nhận đó.

Sau ngót một thế kỷ chúng ta vẫn còn loay hoay với nhưng chuyện căn bản lẽ ra phải được giải quyết từ một trăm năm trước hay cứ để nguyên thì cũng được giải quyết từ những năm đầu của thập niên sáu mươi của thế kỷ này.

Không có hoàn cảnh thuận tiện hay bất lực trong quá khứ, liệu chúng ta có bất lực hơn nữa trong hơn hai chục năm sắp tới này hay không và viễn ảnh của năm 2010 đối với dân tộc Việt Nam sẽ như thế nào? Người viết tự cho phép mình không làm công tác tìm hiểu lịch sử thuần túy như thường làm trong ít giờ rảnh rỗi hiếm hoi, tự đặt mình vào khối quần chúng người Việt hiện lưu lạc khắp bốn phương ở hải ngoại vẽ ra một cái nhìn tiên khởi về một dân tộc Việt Nam trong viễn ảnh của những chục năm tới với năm 2010 coi như một cái mốc tạm thời.

Nói tới những mốc thời gian và nếu tính lịch sử dân tộc bằng ngàn năm thì ngoài hai năm 2010 và 1010, ta còn có năm 111 trước tây lịch là năm nước ta bị nhà Hán xâm lăng và đô hộ. Nhưng nếu nhìn lịch sử diễn tiến của một dân tộc một cách linh động và phức tạp hơn, những mốc ghi bằng năm một cách chính xác nhưng cứng rắn này không phản ảnh được đầy đủ sự thực của lịch sử. Lý do rất đơn giản: một sự kiện, một biến cố không hề đột xuất mà đã bắt nguồn, đã diễn tiến từ lâu trước đó và còn tiếp tục diễn tiến sau đó. Lấy sự hình thành của nền tự chủ của dân tộc ta vào thế kỷ thứ mười chẳng hạn.

Bình thường người ta lấy năm 939 là năm Ngô Quyền xưng vương sau khi đã đánh bại được quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng làm mốc khởi đầu; nhưng sự thực thì nó đã khởi sự từ khi họ Khúc dấy nghiệp tức hơn ba chục năm trước đó hay xa hơn nữa đã manh nha từ khi nhà Ðường đánh mất sự tin tưởng vào khả năng sáp nhập Cổ Việt vào lãnh thổ của họ, đổi quy chế hành chánh mà họ dành cho nước ta từ châu, quận sang đô hộ phủ tức từ một xứ nội vi sang một xứ ngoại vi.

Sau này, mặc dầu Ngô Quyền đã chính thức lên ngôi, chính quyền độc lập do ông dựng nên đã không vững mạnh và tồn tại lâu dài. Dân tộc ta còn phải tranh đấu vô cùng gian lao trong suốt thế kỷ thứ mười với chính mình trong khi kẻ thù từ bên ngoài vẫn luôn luôn rình cơ hội để trở lại, mới đạt được mục tiêu tự chủ thực sự vào năm 1010 mở đầu cho một thời kỳ thịnh vượng và vinh quang của dân tộc dưới hai triều Lý, Trần.

Cũng vậy nếu ta nhìn vào cuộc đô hộ của người Tàu. Cuộc đô hộ này không bắt đầu vào năm 111 trước Tây Lịch mà sớm hơn từ khi nước Âu Lạc bị Triệu Ðà thôn tính và trễ hơn nếu người ta nhìn vào khía cạnh cai trị và chính sách đồng hóa dân tộc ta từ sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và sau đó là cuộc kinh lược của Mã Viện. Sau những biến cố này Cổ Việt đã thực sự rơi vào vòng ảnh hưởng của người Tàu, gia nhập khối văn hóa Á Ðông, trở thành đồng văn với các dân tộc Nhật Bản, Ðại Hàn và tất nhiên Trung Hoa.

Nói cách khác thay vì nói tới những niên đại 111 trước Tây Lịch và 1010 như những mốc thời gian quan trọng của lịch sử dân tộc Việt, người ta nên nói tới thế kỷ thứ nhất sau Thiên Chúa và thế kỷ thứ mười; đồng thời người ta cũng nên linh động khi nói tới những thế kỷ này, không nhất thiết phải giới hạn trong khoảng những năm 1, 99, 900 hay 999 chẳng hạn mà có thể đẩy lui hay đẩy tới ít chục năm để có thể hiểu trọn vẹn các biến cố trong sự diễn tiến lâu dài của chúng.

Sự dài dòng của người viết kể trên là để nhìn vào lịch sử hiện đại của người Việt như lịch sử của một dân tộc nhược tiểu của thế kỷ hai mươi. Thế nhược tiểu này như mọi người đều biết đã tồn tại ngay từ những ngày đầu của lịch sử nhưng chỉ là nhược tiểu đối với một dân tộc lớn hơn ở phía Bắc, còn đối với các nước láng giềng ở miền Nam và miền Tây, ta lại là một nước đông dân hơn và tiến bộ hơn. Không những thế, trong tình trạng thô sơ của kỹ thuật chiến tranh cũng như trong sinh hoạt kinh tế, thương mại, tổ tiên ta đã có thể hóa giải nó một cách dễ dàng dựa trên ý chí kiên cường bất khuất của giống nòi khi phải đối phó với nạn ngoại xâm hay bằng sự khôn khéo và thực tiễn chấp nhận sự lép vế của mình trên địa hạt ngoại giao; nhờ đó ta đã tồn tại được như một quốc gia độc lập trong hơn mười thế kỷ, đi trước nhiều dân tộc khác trên thế giới.

Kể từ giữa thế kỷ mười chín và đặc biệt trong hiện tại song song với sự càng ngày càng trở thành phức tạp của các sinh hoạt kinh tế, thương mại, quốc tế và tất nhiên của kỹ thuật chiến tranh cũng như sự tối tân của vũ khí, thế nhược tiểu kể trên đã trở thành vô phương hóa giải. Càng ngược xuôi, giẫy giụa tìm lối thoát, ta lại càng đi sâu hơn vào vòng lạc hậu, chậm tiến và càng bị đô hộ một cách tinh vi hơn.

Có một lúc, ít ra là một lúc, say mê với những chiến thắng giả hiệu, những người cầm quyền hiện tại đã tưởng rằng Việt Nam đã trở thành một cường quốc ở Ðông Nam Á và đã huênh hoang một cách tội nghiêp là họ chỉ cần ho một tiếng là cả khu vực này phải giật mình. Nhưng chỉ ít năm sau tất cả đã trở thành ảo tưởng. Từ tư cách của một con cờ như tất cả các con cờ khác, Việt Nam đã trở thành một con cờ thí trong đường lối ngoại giao của các siêu cường. Những sự thách đố, ra giá, mặc cả đã được thực hiện ngay trên đầu của những kẻ tự nhận là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Cuối cùng vì vô phương cứu chữa một tình trạng quá kiệt quệ và bị cô lập, người ta đã phải sửa lại hiến pháp để không những chấp nhận những kẻ thù cũ và tìm cách làm bạn với những kẻ này trong một thế vô cùng kém cỏi nếu không nói là hèn hạ đứng trên quan điểm đạo đức truyền thống của dân tộc.

Cũng vậy, đối với những người Việt di tản. Năm 1975, những người này bị coi là những rác rưởi trôi giạt từ bên này đại dương sang bên kia đại dương, những bọn bồi bếp, những tên đầy tớ bỏ chạy theo chủ. Hơn mười năm sau, đám rác rưởi, bồi bếp, đầy tớ này lại được gọi là những người Việt yêu nước ở hải ngoại hay bằng những danh xưng tương tự.

Tình trạng lạc hậu, nhược tiểu kể trên, tuy nhiên, chỉ là trong hiện tại. Tất cả sẽ thay đổi nếu người Việt ở khắp nơi trên thế giới và ở trong nước sớm nhận thức được vị thế mới của mình trong thế giới ngày nay và trong thế kỷ hai mươi mốt sắp tới. Việt Nam ngày nay không chỉ giới hạn trên giải đất hình cong chữ S ở Ðông Nam Á trên bờ phía tây của Thái Bình Dương nữa mà hiện hữu ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Mặt trời của những năm cuối của thế kỷ hai mươi và của thế kỷ thứ hai mươi mốt đã và sẽ trở thành không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt cư ngụ và hoạt động.
Chúng ta đã có mặt và đã sinh hoạt một cách vô cùng tích cực và tin tưởng từ ở các nước cực bắc của Âu châu ở bắc bán cầu như Na Uy, Thụy Ðiển đến các nước cực nam của nam bán cầu như Úc, Tân Tây Lan, từ các nước Phi Châu đến các nước cực bắc của Ðông Á là Ðại Hàn và Nhật Bản, luôn cả Alaska, tất nhiên là ở những nước quen thuộc là Pháp, Hoa Kỳ, và Gia Nã Ðại. Sau ngót mười bốn năm chúng ta đã hiện diện ở khắp các ngành sinh hoạt trong các quốc gia này kể cả trong phạm vi kỹ thuật và khoa học tinh vi nhất và hiện một cách đông đảo với một dân số trên một triệu người. Chúng ta đã có dịp nhìn tận mắt, nghe tận tai những gì xảy ra ở khắp trên thế giới. Chúng ta đã được sống cuộc sống của con người ở khắp năm châu, hòa mình với họ để không còn những ảo tưởng xưa cũ khi còn ở quê nhà. Chúng ta cũng có dịp hiểu thế nào là được đối xử bình đẳng và nhân đạo ở các nước dân chủ tây phương hay bị kỳ thị và bị đọa đầy trong những hầm mỏ hay công trường ở những nước xã hội chủ nghĩa anh em của những người Cộng sản ở Ðông Âu và Tây Bá Lợi Á, nơi bà con ta được gởi tới lao động để trả nợ. Nhưng dù ở đâu đi chăng nữa, con số hơn một triệu người Việt ở hải ngoại đã có một tiềm năng phát triển về kinh tế, tài chánh, về khoa học, kỹ thuật và luôn cả về tư tưởng và nghệ thuật đủ sức để hỗ trợ cho sáu chục triệu người trong nước. Nếu trong những năm cuối của thập niên bảy mươi, ngay sau khi Sài Gòn không còn nữa, người ta chỉ nói tới một phong trào du học miễn phí thì sang năm 1989 và trong những năm chín mươi sắp tới, người ta phải nói tới sự hình thành của Việt Nam Hải Ngoại bên cạnh những gì cần phải xảy ra ở Việt Nam Ðông Nam Á, sửa soạn cho một nước Việt Nam lớn hơn của thế kỷ hai mươi mốt.

Nói cách khác, trong trường kỳ của lịch sử, gạt sang một bên những hậu quả đen tối nhất thời của biến cố 30 tháng Tư 1975, những gì đã xảy ra cho dân tộc Việt Nam từ những ngày này đã tạo cho ta một tiềm năng mới để hóa giải thế nhược tiểu trong thế giới hiện đại, một thế nhược tiểu tưởng sẽ không thể nào hóa giải được.

Lịch sử Việt Nam thế kỷ hai mươi như vậy phải được coi là lịch sử của một thời kỳ chuyển tiếp giống như hồi thế kỷ thứ mười dù cho là phức tạp hơn nhiều vì thế giới trong thế kỷ hai mươi không đơn giản như thế giới hồi thế kỷ thứ mười, vì ở thế kỷ hai mươi chúng ta phải đương đầu cùng một lúc với nhiều đối thủ, nhiều đế quốc mang những hình thức khác nhau, có những khí cụ, những kỹ thuật, những thủ đoạn tinh vi hơn là một nước Tàu của thế kỷ thứ mười. Nhưng chính vì vậy từ thế kỷ thứ mười một với một lãnh thổ nhỏ bé ta vẫn có thể đứng vững như một quốc gia được sách trời định phần. Chúng ta không thể đứng vững như thế được ở thế kỷ hai mươi mốt nếu không có một sự hỗ trợ khác, đặc biệt là khi ước mơ về một thế giới đại đồng đã hiện nguyên hình là một ảo tưởng nếu không nói là mê hoặc. Nhân loại cuối cùng vẫn được kết hợp bởi những dân tộc và dân tộc nào cũng có những quyền lợi riêng của mình để bảo vệ trước nhất. Bài học 1975 của người Việt quốc gia và bài học Cam Ranh 1988 của người Việt cộng sản đã quá đủ để nói lên điều đó.

Vấn đề hiện tại là người Việt ở mỗi thành phần trong hai thành phần kể trên phải ý thức được vai trò và tiềm năng của mình, tự sắp xếp, tổ chức lại hàng ngũ của mình để sửa soạn cho thế kỷ hai mươi mốt. Những gì đã xảy ra hoàn toàn do thời thế, nói theo tổ tiên ta là do sách Trời định, nhưng khai thác được những tiềm năng mình có để biến dân tộc mình thành một dân tộc lớn của thiên kỷ thứ ba sau Thiên Chúa hay trở lui lại với một thứ thời kỳ Bắc thuộc như hồi thiên kỷ thứ nhất còn tùy thuộc vào chính người Việt.

Sau mười bốn năm được mặc sức múa võ vườn hoang trên toàn lãnh thổ quốc gia, chủ nghĩa cộng sản đã tỏ ra lạc hậu, bất lực không xây dựng được đất nước, không đem lại được cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho toàn dân trong khi càng ngày càng lệ thuộc vào ngoại bang, đã đến lúc cần phải được dẹp bỏ và công khai dẹp bỏ càng sớm càng tốt.

Người Việt ở hải ngoại sau mười bốn năm vật vã với cuộc sống mới đã chứng tỏ được khả năng sinh tồn của mình, cần ý thức rõ tiềm năng và vai trò mình có thể đóng được trong những thập niên sắp tới để có được những nhận định và những chương trình hành động cụ thể hơn và thực tế hơn với vấn đề căn bản là bảo tồn được
Việt căn
của mình và của những thế hệ sau này vì một khi Việt căn bị mất chúng ta và con cháu chúng ta sẽ không còn gì hơn là một lũ di dân ngơ ngáo tranh ăn nơi xứ lạ.

Việt căn không phải chỉ là ngôn ngữ và văn hóa, những thể hiện có tính cách cụ thể bên ngoài và có vài trò của những phương tiện dầu cho là những phương tiện tối cần thiết, không thể thiếu được. Việt căn phải là tinh thần Việt nằm sâu trong tận cùng trái tim của mỗi người, nó gắn bó chúng ta với những người Việt khác dù ở nơi nào trên thế giới hay ở quốc nội.
Việt căn phải được nuôi sống và phát triển để không những chỉ ăn sâu vào tim mà luôn cả vào óc, vào xương tủy mỗi người. Việt căn sẽ đem lại cho chúng ta sức sống, tình yêu và sự sáng suốt để thi hành sứ mạng xây dựng một Ðại Dân Tộc Việt trong thiên kỷ sắp tới mà năm 2010 có thể sẽ mở đầu. Việt căn sẽ quy mọi người Việt về một mối khi thời cơ và nhu cầu xuất hiện. Việt căn sẽ giúp ta giải tỏa được mặc cảm lưu dân vô tổ quốc. Việt căn sẽ giúp ta tồn tại và thành công trong mọi hoàn cảnh và dưới mọi hình thức. Việt căn sẽ không tha thứ cho chúng ta khi chúng ta lười biếng và thất bại. Việt căn sẽ cho chúng ta thấy được giá trị ở những người Việt khác từ đó thông cảm và gần gụi nhau hơn.

Nói cách khác Việt căn là giá trị đầu tiên và căn bản cần được ý thức và bảo tồn trước khi chúng ta nói tới những nhận định, những chương trình hành động khác. Nói cách khác nữa, Việt căn chính là tiềm năng sâu xa nhất có thể giúp cho thành phần Việt Nam ở hải ngoại thành hình và phát triển, mà hơn một triệu người hiện hữu mới chỉ là một dấu hiệu khởi đầu.

Vun trồng Việt căn ở chính chúng ta và những người Việt khác là việc làm tiên quyết mọi người đều phải làm để cho tiềm năng của tập thể người Việt ở hải ngoại ngày thêm phong phú và vững mạnh, sửa soạn cho một thời đại vinh quang mới của dân tộc với năm 2010 có thể tạm coi như năm khởi đầu.

Phạm Cao Dương

.

.

.

No comments: