Sunday, July 25, 2010

CỰU ĐẠI SỨ NGUYỄN TRUNG LÀ PHẢN ĐỘNG hay NGU TRUNG ?

Cựu đại sứ Nguyễn Trung là phản động hay ngu trung?

Phong Uyên

26/07/2010 1:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=22678

.

Trong phần kết bài góp ý kiến Đại hội XI “Trách nhiệm lịch sử“, ông Nguyễn Trung cựu đại sứ Việt Nam ở Thái Lan được nhiều người biết tiếng qua loạt bài Thời cơ vàng“, tự cho mình đang đứng giữa nhiều làn đạn: làn đạn của những người kết tội ông là đồ phản động dám nói xấu Đảng, đòi đa đảng và làn đạn của những người cho ông là “ngu trung, lo níu kéo Đảng, cứu Đảng”.

Đọc kỹ bài viết, tôi thấy không có làn đạn nào cả. Bài viết của ông, “đã gửi đến những người có trách nhiệm” nhiều lần từ đầu năm tới giờ – có lẽ hãy còn nằm trong ngăn kéo của các vị này – không có gì là “phản động”. Trái lại, có một số người cho ông là kẻ “khôn trung” đang tìm cách mớm ý cho Đảng tái lập lại các đảng “anh em” Dân chủ, Xã hội, Cộng hoà, Cách mạng Nhân dân v.v… dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN ”đổi mới”.

Tôi đã đọc bài “Trách nhiệm lịch sử” cùng với bài “Việt Nam trong thế giới thập kỷ thứ hai thế kỷ 21 đăng trong Tạp chí Thời Đại. Hai bài này khác nhau quá nhiều về cách trình bày và suy luận, tạo cho người đọc cảm tưởng là tác giả viết cho 2 loại độc giả khác nhau: Bài “Việt Nam trong thế giới”, dành cho độc giả hải ngoại, đưa ra những vấn đề kinh tế, ngoại giao mà Việt Nam phải đương đầu. Bài “Trách nhiệm lịch sử” có tính cách một bản tường trình về vấn đề đổi mới chính trị đệ lên “những người có trách nhiệm”. Đây là vấn đề nhạy cảm nên bài viết quá lòng vòng, lặp đi lặp lại, đầy những khuyên lơn sáo rỗng, khen nhiều chê ít, mà chê thì chỉ nói bâng quơ. Nhưng cái làm tôi thất vọng là bài viết cố né tránh, không dám phân tích những nguyên nhân đích thực đã đưa đến những hậu quả tai hại mà nếu không nhìn nó một cách khác và loại bỏ nó thì sẽ không bao giờ có thể có hoà giải dân tộc và tái lập dân chủ.

.

Tôi xin tập trung bình luận bài “Trách nhiệm lịch sử”. Bài không có nhập đề, dài 52 trang giấy khổ lớn gồm nhiều phần:

.

1. Tình hình đã chín muồi (3 trang)

Chủ yếu phần này nói về sự suy yếu và tháo lui của Mỹ sau chiến tranh lạnh, vì “tham vọng và gánh nặng đế chế” và Trung Quốc đang ngoi lên vị trí siêu cường vì là chủ nợ lớn nhất thế giới. Tuyệt nhiên không nói là tình hình nào đã chín muồi. Tôi phải đợi đọc tới trang 33 thuộc phần kết của bài viết mới biết “chín muồi” là đã đến lúc“để Đảng thực hiện cuộc cải cách chính trị với nội dung dân chủ hoá“.

Đây là những ý chính của phần này:

Thế giới tiếp tục đi sâu vào cục diện đa cực… Mỹ đang xuống dốc nhanh. Trung Quốc đang ngoi lên nhanh trên con đường trở thành siêu cường… sự đổ vỡ thảm hại của chủ nghĩa tân tự do trong kinh tế… Hai đồng tiền USD và Nhân dân tệ sẽ đánh nhau hay bắt tay nhau…” :

Tôi thì nghĩ ngược lại.

.

- Với chính sách “Toàn cầu hoá” do Mỹ chủ xướng, cả thế giới chỉ còn một cực phụ thuộc vào đồng đô la. Là đồng tiền tự mình in ra, Mỹ tha hồ thao túng thị trường tài chính. Muốn hạ giá đồng tiền để bán đồ, muốn tăng giá tiền để mua đồ rẻ lúc nào cũng được. Trung Quốc bóc lột sức lao động của 800 triệu nông dân (min nông) và 200 triệu dân công (min gông) để hạ giá thành thấp bán được đồ hàng rẻ thâu tiền đô la. Nhưng càng kiếm được nhiều đô la bao nhiêu lại càng phụ thuộc vào Mỹ bấy nhiêu. Tiền đô la của dân Tàu, ĐCSTQ lại phải đổ vào ngân khố Mỹ, cho Mỹ vay để Mỹ lấy tiền đó tiếp tục mua đồ của mình. PIB của cả nước Tàu năm 2009 là 4900 tỷ đôla chỉ bằng 1/3 PNB của 300 triệu dân Mỹ và thua PIB của 120 triệu dân Nhật. Vì nhà nước cộng sản chiếm giữ 2/3 chỉ dành 1/3 cho 1 tỷ 300 triệu người dân nên nếu chia theo đầu người thì mỗi người chỉ còn khoảng 1 ngàn đô la 1 năm so vói PIB/đầu người Đài Loan là 30 ngàn/1năm! Lẽ tất nhiên là PIB/đầu người của 70 triệu đảng viên ĐCSTQ cộng với chừng 200 triệu dân thành thị và những thành phần tư bản đỏ, gấp ít nhất là 10 lần hơn, sẽ tạo một nước Tàu siêu cường tư bản và cũng là siêu cường chiếm hữu nô lệ, trong số đó sẽ có dân tộc Việt Nam.

.

- Hai đồng tiền USD và Nhân dân tệ sẽ không “đánh nhau” vì đồng nhân dân tệ chỉ là cái bóng của đồng đô la: CSTQ chỉ muốn dìm giá đồng tiền của mình xuống thấp để bán được đồ, mặc cho người dân Tàu phải chật vật với đồng yuan rẻ mạt. Trái lại, dân Mỹ vẫn tha hồ tiêu thụ với tiền người khác đưa cho. Tiền vay cũng là tiền mình in ra có phải đổi chác gì đâu.

.

- Cái gọi là chủ nghĩa tân tự do của Mỹ chỉ là những phương pháp tinh vi để xâm chiếm thị trường toàn cầu bằng tự do cạnh tranh và thao túng tài chính với cả nghìn tỷ đô la từ mọi nước mỗi năm lại đổ vào Mỹ với sự đồng loã của những cơ quan mang tên quốc tế nhưng thật ra là dưới sự chi phối của Mỹ như WB, IMF, WTO… Cái đặc biệt của Neoliberalism Mỹ là không giới hạn thị trường toàn cầu vào lãnh vực hàng hoá mà còn bao gồm mọi lãnh vực khác kể cả văn hoá giáo dục, nghệ thuật. Những lãnh vực này hoàn toàn nằm trong tay Mỹ. Những trường dạy tiếng Mỹ ở cùng mọi nơi trên thế giới kể cả Việt Nam, và số du sinh cả trăm nước ghi tên theo học bên Mỹ với cái giá cắt cổ để rồi trốn lại làm việc bên Mỹ khiến Mỹ đã không mất một xu đào tạo, lại vừa được tiền vừa được người. Steven Chu, giải thưởng Nobel Vật lí, hiện là bộ trưởng bộ Năng lượng của Obama là một trong số con cháu những người này.

.

- Cái chủ nghĩa Tân tự do này là đầu mối tạo ra liên minh tay đôi G2 giữa Mỹ và Trung Quốc “chi phối thế giới”. Mỹ và Trung Quốc phân công nhau: Mỹ là đầu óc sáng chế, đưa ra những kỹ thuật cao. Trung Quốc là chân tay. Với nguồn nhân lực vô tận khéo tay làm hàng hoá với giá thành rẻ, tư bản trắng hợp sức với tư bản đỏ tha hồ tràn ngập thị trường thế giới đồ hàng, từ hàng rẻ tiền tới hàng có kỹ thuật cao như Ipad, Iphone… Công xưởng Trung Quốc của tư bản Bắc Kinh, tư bản Âu Mỹ, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan… càng lớn bao nhiêu thì dân Tàu càng bị bóc lột bấy nhiêu. Có lí do gì mà những nước này muốn nước Tàu trở thành dân chủ? Dĩ nhiên chỉ Việt Nam là phải gánh chịu hậu quả của thỏa hiệp G2 khi Mỹ để cho Tàu toàn quyền cai thầu Việt Nam. Nhờ vậy, vị thế của những phe phái thân Tàu trong ĐCSVN sẽ vững như bàn thạch. Và dân chủ ở Việt Nam cũng sẽ chỉ là một thứ dân chủ Tây Tạng, Tân Cương của Tàu.

Cho cái chủ nghĩa tân tự do của Mỹ này “đang đổ vỡ thảm hại” thì đúng là vẫn giữ tâm thức của thời kỳ vung tay đả đảo “đế quốc Mỹ là con hổ giấy” trong khi Chu Ân Lai đang ngầm ký với Foster Dulles chia nhau Việt Nam.

.

2. Bàn thêm về chữ “nếu” (13 trang rưỡi)

Phương ngôn Pháp có câu “Với chữ Nếu ta có thể bỏ Paris vào trong một cái chai được”. Lịch sử lại càng không phải là một cuốn tiểu thuyết hoang tưởng để bỏ vào trong đó những chữ “nếu” :

.

- Ông Nguyễn Trung phải thừa biết là ĐCSVN bao giờ cũng “giương cao ngọn cờ dân chủ và thống nhất dân tộc” để nói một đường làm một nẻo. Nếu thật tâm thì chỉ cần thi hành Hiệp định Genève 1954 cho Tổng tuyển cử thống nhất Quốc gia với chính phủ lâm thời Cách mạng miền Nam. Sở dĩ ĐCSVN không làm như vậy vì biết người miền Nam sẽ bầu cho Giải phóng miền Nam hết. Đảng không những đã tráo trở với những người kháng chiến miền Nam mà ngay cả với các đảng “anh em” miền Bắc như đảng Dân chủ, đảng Xã hội nữa. Mục đích là để duy trì cho bằng được với bất cứ giá nào, kể cả cúi đầu thần phục lại Tàu, chủ nghĩa độc đảng toàn trị của mình. Bởi vậy phải ngây thơ lắm mới có thể nghĩ là Đảng đã sai lầm trong lựa chọn “dựa trên chủ nghĩa yêu nước với niềm tin sâu sắc của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa“. Không có sự lựa chọn nào cả cũng như không có “cuộc chiến tranh của nhân dân ta chống Mỹ xâm lược” mà chỉ có “chiến tranh trá hình giữa Trung Quốc (mà ĐCSVN được ủy nhiệm) và Mỹ trên đất Việt Nam” như ông Nguyễn Trung đã kín đáo gài vào phần cuối của câu nói về chiến tranh chống Mỹ. Phản bội những người kháng chiến miền Nam, cam chịu trở lại lệ thuộc Tàu, đều là những quyết định để bảo vệ sự sống còn của Đảng, bất chấp những hậu quả không lường được liên quan đến sự tồn vong của đất nước mà ông Nguyễn Trung đã có ý tầm thường hoá (banaliser) nó bằng chỉ coi nó là những “trường hợp cụ thể”, những “ca”. Thật ra ông cũng không đến nỗi ngây thơ, vì sau khi viết đến trang thứ 7 bàn về chữ “nếu”, ông có chêm vào một câu: “…phải chăng thực chất và trước tiên sự lựa chọn này hầu như chỉ nhằm bảo vệ quyền lực và chế độ chính trị của Đảng, nhân danh bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa trong nước, nhân danh bảo vệ trào lưu và con đường của chủ nghĩa xã hội trên thế giới?

.

- Tôi không nghĩ là Trung Quốc muốn dùng Campuchia làm cái bẫy để cô lập Việt Nam trên thế giới. Nếu Việt Nam sau 75 có một chính phủ dân chủ thống nhất hoà hợp dân tộc thì khi bị Khờ me đỏ gây hấn bắt buộc phải hành quân qua bên kia biên giới, trước hết để tự bảo vệ mình, sau là để cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, chắc chắn là đã được cả thế giới vỗ tay hoan hô và quân đội Việt Nam thống nhất đã thực là quân đội giải phóng như quân đội các nước Đồng minh trong Thế chiến thứ 2. Cho là Việt Nam một khi lấy lại độc lập có ý muốn lập lại ảnh hưởng trên những nước lân bang mà trong lịch sử vẫn là “sân sau” của mình như Lào, như Cam Bốt, thì thật ra quốc tế cũng có thể giả ngơ mà chấp nhận vì thực tế địa lí – chính trị là định luật chung cho cả nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Nước lớn nào cũng có những vùng ảnh hưởng. Ngay thời Pháp thuộc, Pháp cũng vẫn cho ảnh hưởng Việt Nam trên toàn cõi Đông Dương là sự đương nhiên trong lịch sử nên mới lấy Hà Nội làm thủ đô cho cả Đông Dương. Việt Nam cộng sản sở dĩ bị cô lập là vì đã phản bội lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân trên thế giới đã hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Cộng sản VN để lộ bộ mặt tàn bạo của mình, bắt nhốt cả mấy trăm ngàn người trong các trại cải tạo, làm cả trăm ngàn người bỏ thây dưới lòng biển cả, làm 2 triệu người phải đi lang thang, gia đình tan tác phân tán đủ mọi nơi trên thế giới, khiến công luận thế giới vô cùng phẫn uất, bao nhiêu cảm tình trước đây đều mất hết. Trung Quốc tất nhiên là cũng muốn được thể cho Cộng sản Việt Nam một bài học. Trung Quốc cho là CSVN ăn cháo đái bát, không những đã xâm chiếm miền Nam mà Trung Quốc đã chia với Mỹ nay lại muốn xâm chiếm luôn Cam Bốt rồi sẽ tới Lào để thoả mãn tham vọng ngự trị của mình. Sau khi Liên Xô sụp đổ, CSVN quá hốt hoảng sợ mất chính quyền đã tự “bó thân về với triều đình” ở Hội nghị Thành đô năm 1990 để thà mất nước còn hơn mất Đảng, chứ không phải vì “liên minh ý thức hệ” gì cả.

.

- Ông Nguyễn Trung cũng không dám nói thẳng rằng cái gọi là Đổi mới cách đây 25 năm chỉ là trở lại nền kinh tế của miền Nam cách đây 35 năm; ông chỉ nói bóng gió là “đất nước đã đi trọn một vòng tròn để trở lại đúng điểm xuất phát… và từ đây đang tìm cách cất cánh từ điểm xuất phát ấy cách đây 35 năm“.

Cất cánh làm sao được vì bị cái gọi là kinh tế quốc doanh kìm lại: Chính ông đã tự phanh phui ra là “tình trạng độc quyền của khu vực kinh tế quốc doanh – nhất là của các tập đoàn nhà nước – vẫn tiếp tục gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế… vốn liếng thuộc sở hữu nhà nước, đất đai và tài nguyên bị thất thoát lớn, môi trường tự nhiên bị phá hoại trầm trọng… nhằm vào mục đích cuối cùng là bảo vệ vai trò và quyền lãnh đạo của Đảng…”

.

- Ông cũng cho biết “kinh tế quốc doanh chiếm 2/3 vốn liếng toàn xã hội”. Và trước đó ông đưa ra con số dự trữ ngoại tệ cuối 2008 là 23 tỷ USD, tới cuối 2009 còn 15 tỷ: Ai cũng biết là 8 tỷ đã chạy vào túi những người nào và vì sao có hiện tượng “đảng hoá”, hay nói đúng hơn là hiện tượng “bè phái hoá Đảng” để chia nhau tiền. Với hơn 3 triệu đảng viên, tất nhiên là đảng viên cùng đinh nhất cũng phải có chút bổng lộc. Mỗi gia đình đảng viên trung bình là 6 người, tạo ra một tầng lớp ít nhất 20 triệu người sống nhờ Đảng, sống nhờ tham nhũng, thì trách gì “sự phản ứng trong xã hội vô cùng yếu ớt… thậm chí nhiều khi trở nên vô cảm… văn hoá phong bì, văn hoá “quan hệ”, văn hoá hàng mã…”

Ông Nguyễn Trung đã mất rất nhiều thì giờ để phát minh ra cái công thức kỳ cục, khó hiểu: Kinh tế quốc doanh + Kinh tế GDP tỉnh + Tư tưởng nhiệm kỳ (?) = Nền tảng duy trì quyền lực Đảng. Sao ông không thể nói trắng ra là mỗi đảng cộng sản Việt Nam (cả ngàn đảng kể từ các đảng địa phương “Phường xã” tới đảng “Trung ương”) là một thực thể “hai đầu” Bí thư và Chủ tịch, tự tung tự tác theo kiểu “phép vua thua lệ làng”. Để chia nhau quyền chức lợi lộc cho đều, 2 phái Bí thư và Chủ tịch bên tám lạng bên nửa cân này, đã tạo ra những cái gọi là kinh tế tự túc, kinh tế tập đoàn, GDP tỉnh, kinh tế quốc doanh… nhưng thật ra chỉ là những bảng hiệu của cái kinh tế độc nhất: “kinh tế bè phái” với chủ đích là lấy lại một số lợi quyền đã bị mất khi bãi bỏ chế độ bao cấp cách đây 25 năm. Muốn loại bỏ cái kinh tế quốc (đảng) doanh này, phải làm sao tháo gỡ được bộ máy ăn bám là phái “Lãnh đạo”. Đại Hội 11 có dám thi hành quyết định tháo bỏ bộ máy này của Hội nghị Trung ương 4 cách đây 4 năm không? Làm được như vậy có nghĩa là sa thải một nửa các chức sắc trong Đảng từ ông bí thư phường trở lên. Và tất nhiên ít nhất là một nửa nếu không nói là 9 phần 10 đảng viên ĐCSVN trong số 3 triệu đảng viên cũng sẽ theo chân các ông này biến mất. Đó là cái lí do Đảng sẽ không bao giờ tự loại bỏ cái hệ thống chồng chéo này trong Đảng và bóp chết sự sống của nó là Kinh tế quốc doanh.

.

3. Đảng đang tự “diễn biến hoà bình” (4 trang rưỡi)

Tôi hiểu ông Nguyễn Trung khi lấy lại thuật ngữ này là muốn chơi chữ với Đảng, nhưng vô tình đã đồng loã với ban Tuyên giáo gán cho “diễn biến hoà bình” một nghĩa xấu. Ông dư biết là thế giới sở dĩ còn tồn tại cho tới ngày nay là vì biết tự diễn tiến để thích ứng với hoàn cảnh, ngoại vật, luôn luôn thay đổi. Đó cũng là định luật khoa học của Darwin, thuyết Vô thường của Phật giáo. Nhờ bản năng “diễn biến hoà bình”, con người đã tránh được số phận của các con khủng long và chế độ Liên Xô sở dĩ sụp đổ là vì đã không biết tự diễn biến hoà bình.

Tôi thấy ông Nguyễn Trung nên phục hồi danh dự cho Diễn biến hoà bình để những người yêu hoà bình đang phải nằm trong nhà tù vì cái trọng tội này được một chút an ủi. Tại sao ông không thể nói toạc móng heo là Đảng đang diễn biến tụt hậu khi chính ông là người đã tố cáo “những hiện tượng tiêu cực trong hàng ngũ chức sắc”:

Cơ hội tranh thủ vơ vét. Tài nguyên tranh thủ (để cho Tàu) khai thác. Đất đai tranh thủ chia chác”. Thi nhau phô trương địa vị, bằng cấp giả rỏm. Giả vờ đạo đức giả vờ yêu nước v.v…

Tất nhiên là chỉ có những vị chóp bu trong Đảng mới có thể làm được những chuyện này và làm gì có những “Quyền chính đáng” của Đảng. Quyền chính đáng chỉ là quyền của người dân. Ở những nước dân chủ, đảng thắng cử được người dân trao quyền này cho tới kỳ bầu cử sau. Khi không được người dân trao quyền mà vẫn nắm quyền thì phải gọi là đảng cướp quyền.

Cái gọi là Đảng lãnh đạo cũng chỉ là một tấm bình phong của ĐCSVN để các bè phái trong Đảng nấp sau nó chia nhau lợi lộc. Ở những nước độc tài chuyên chế chỉ có một “lãnh đạo chỉ đường” như Stalin, như Mao, như Castro, như Kim Chính Nhật v.v… chứ làm sao phải cần có 3 triệu đảng viên chỉ đường? Trái lại ở những nước này lãnh tụ độc tài tạo ra Đảng cầm quyền để phục vụ mình. Số phận của mỗi chức sắc trong đảng hoàn toàn phụ thuộc vào người lãnh tụ độc tài và phần nhiều là hẩm hưu: Có bộ Chính trị đảng cộng sản nào của Stalin, của Mao, còn một người sống sót sau những cuộc thanh trừng đẫm máu của những “anh minh dân tộc” này?

Danh từ “Đảng hoá” được nhắc đi nhắc lại cũng hoàn toàn thừa: Tất cả quyền hành lợi lộc đều ở trong tay Đảng rồi thì còn “đảng hoá” cái gì? Trái lại phải nói là “bè phái hoá” vì muốn có phần phải thuộc vào bè cánh nào.

Để kết luận phần này ông Nguyễn Trung cổ võ Đảng: “Với tư cách đảng cách mạng, Đảng phải tuyên chiến với diễn biến hoà bình này”. Ông đã tự mâu thuẫn với chính ông: ông đã dành 4 trang giấy để tả hiện trạng “mafia” của Đảng mà lại muốn những ông trùm mafia này tự tuyên chiến với chính mình!

.

4. Trách nhiệm lịch sử (6 trang)

Tôi thấy trong 6 trang giấy của phần này ông chỉ nhắc đi nhắc lại những khẩu hiệu sáo rỗng: “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình độc lập dân chủ, văn minh, giàu mạnh..”, “đẩy mạnh dân chủ hoá (dưới sự lãnh đạo của Đảng)”… Vẫn cho một đảng Mafia là có trách nhiệm lịch sử “đã làm xong nhiệm vụ lãnh đạo kháng chiến giành lại độc lập thống nhất đúng với tinh thần cách mạng… phải chủ xướng, phải huy động trí tuệ cả nước… nhằm kế tục những thành tích đã được trong 25 năm đổi mới…”

.

5. Thay cho phần kết: Bàn về đa nguyên đa đảng (11 trang)

Khó mà không cảm thông với ông Nguyễn Trung cái khó khăn phải ăn nói làm sao để lãnh đạo Đảng chấp thuận ý niệm đa nguyên đa đảng hay nói chung, ý niệm cải cách dân chủ mà không bị quy là về hùa với những kẻ phản động muốn “diễn biến hoà bình” Đảng.

Nhưng cũng vì quá thận trọng, phần cốt lõi khá dài này đem lại cho người đọc nhiều thất vọng nhất:

- Để Đảng nuốt được cái pilule (hòn thuốc) dân chủ, ông đã bọc giấy kính, trộn đường, khiến cái dân chủ của ông Trung trở thành một cục kẹo giả. Ông gọi nó là Dân chủ của phát triển:

Dân chủ là phương thức phát triển khả năng, bản lĩnh và vai trò của từng cá nhân cho lợi ích của chính mình và lợi ích của đất nước. Phương thức này sẽ dẫn tới đa nguyên đa đảng“.

- Và để dụ khị Đảng, ông khen Đảng đang bước tới “dân chủ” bằng “định hướng XHCN”:

“Nước ta đang đi những bước đầu tiên của chặng đường đa nguyên này, cái mà ngôn ngữ chính thống gọi là định hướng XHCN ở nước ta, về nhiều mặt thực chất đang là một dạng tích tụ tư bản sơ khai ban đầu của chủ nghĩa tư bản trong chế độ chính trị một đảng. Xem xét trên các phương diện thể chế chính trị… và so sánh với các nước phát triển cũng có thể nhận định như vậy” .

Tuyệt nhiên ông không đả động đến những cái mà tôi gọi là “tối thiểu dân chủ” như có một truyền thông không bị ngăn chặn, được mở miệng, được muốn bầu ai thì bầu.

Ông cũng không hối thúc Đảng: (Dân chủ của phát triển) “sẽ là muơi mười lăm năm hay một thế hệ ai nói trước được? Rồi còn phải xây dựng tiếp, hoàn thiện tiếp…

- Cũng để tránh bị coi là có ý muốn Đảng cải cách dân chủ phỏng theo một mô hình nào đó, ông thẳng cánh đả kích tất cả mọi mô hình dân chủ đã được thực hiện ở những nước cùng một hoàn cảnh với Việt Nam:

Mô hình Thái Lancủa máu, nước mắt, hỗn loạn.., mà thực chất là tạo ra một dạng chuyên quyền mới… các nhóm dưa “dưa hấu” (xanh vỏ đỏ lòng), “cà chua” (trong đỏ ngoài đỏ, nát bét)… người Thái Lan hài hước đặt tên như vậy cho các phe nhóm đặc quyền khác nhau của nước họ…”

Tôi hơi ngạc nhiên là ông cựu đại sứ Việt Nam ở Thái Lan lại không có lúc nghĩ là Việt Nam có phúc mới có được một lãnh tụ tinh thần như ông vua Thái Lan, có được một đội ngũ công an bằng quân đội Thái Lan để cả triệu người xuống đường đóng trại giữa thủ đô, ăn uống phè phỡn, sau lại còn được xe buýt đến tận nơi đưa trở về quê quán mà chỉ có vài người chết vì đạn lạc hay thanh toán lẫn nhau. Kinh tế bế tắc nên PNB/đầu người của Thái Lan tụt xuống còn 9000 đô la Mỹ, gấp 9 lần Việt Nam! Chính ông đã tự nói “phải cần 20 năm hay hơn nữa” Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan.

Ông chê bai luôn cái tam quyền phân lập của Montesquieu trước nay vẫn được coi là nền tảng của nền dân chủ: Đó chỉ là một thứ “dân chủ bị ăn bớt, thành quả cũng sẽ bị ăn bớt, kể cả vấn đề tam quyền phân lập” . Ông Nguyễn Phú Trọng cũng chưa bao giờ chê bai như vậy!

Ông cũng có ý khuyên đừng có dại mà bắt chước Nga và các nước Đông Âu cũ: “…Với liệu pháp”sốc” (shock therapy) và “Cách mạng da cam da quýt 10 năm sau cải cách Nga và các nước Đông Âu cũ vẫn chưa lấy lại được mức sống trước đó… cho đến nay đã 20 năm trôi qua, các nước này mới bắt đầu có đà phát triển“.

Sự thành tựu của những nước Đông Âu cũ mà đa số nay được vào UE, không cần phải chứng minh. Nhưng cái vô giá là những nước này lấy lại được quyền tự do cho dân tộc mình. Tôi xin nhắc lại là Cách mạng da cam chỉ là những cuộc biểu tình ôn hoà năm 2004, lấy màu vàng làm biểu tượng: Những người ái quốc Ukrainiens năm đó xuống đường phản đối bầu cử gian lận bầu của một số người gốc Nga muốn tái lập sự thống trị của Nga trên nước Ukraine. Để khỏi dài dòng, tôi xin trích dẫn sau đây một đoạn trong tờ báo khuynh tả Le Monde, Pháp nói về “Cách mạng da cam” trong số ngày 19/01/10 với hàng tít “Tinh thần Cách mạng da cam vẫn trường tồn”: “Sau cuộc cách mạng da cam mọi người bắt đầu thở được, không còn ai phải nghi ngờ ai, không còn phải coi chừng lẫn nhau và tự do ngôn luận đã được thả neo ở cái nước Cộng Hoà 46 triệu dân này.” Tôi chắc ít người nghĩ đến nhà văn nhà thơ giải Nobel Boris Pasternak mà không có cảm tình với dân tộc Ukrainien mà một nửa số dân 46 triệu người là người Nga nhập cư theo chính sách đồng hoá của Stalin thay thế những người Ukrainiens chính gốc bị bắt đi đày, bị giết, đổ cho tội là theo Đức cũng như những dân tộc khác như Tchétchène, Baltes, Géorgien… Bởi vậy tôi thấy lấy lại những từ có tính cách chế nhạo như da cam da quýt, cà chua nát bét… thì thật quá nhẫn tâm. Biết bao giờ dân tộc Việt Nam mới có được cái vỏ cam vỏ quýt này.

- Để đối lại những cái “dân chủ giả hiệu của bầy đàn, của đám đông, của hỗn loạn” này, ông Nguyễn Trung khẩn cầu “cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng chuyển động, toàn Đảng sẽ chuyển động… cả nước chuyển động và hậu thuẫn không lực nào cản nổi” để thực hiện cái “Dân chủ của học hỏi và phát triển” của ông:

Ông khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng thực hiện thắng lợi một cuộc cách mạng dân chủ từ trên xuống, đưa đất nước tiến nhanh theo xu hướng tiến bộ nhất ngày nay trên thế giới. Đảng thực hiện một cuộc cách mạng hoà bình… sẽ là kế tục duy nhất xứng đáng với Cách mạng tháng Tám…”

Nói tóm lại, Cách mạng dân chủ từ trên xuống có nghĩa là:

1. Chỉ những chóp bu mới được quyền làm cách mạng dân chủ. Những người phó thường dân manh nha làm cách mạng dân chủ thì đáng bị đi ở tù.

2. Đảng làm cách mạng dân chủ để thực hiện dân chủ.

Tiếng tây gọi lí luận kiểu này là Tautologie. Từ điển Pháp – Việt dịch là trùng ngôn. Tôi nghĩ dịch là cà lăm có lẽ dễ hiểu hơn.

.

© 2010 Phong Uyên

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: