Saturday, July 3, 2010

CSVN TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT INTERNET THEO BÀI BẢN CSTQ

Việt Nam tăng cường kiểm soát internet theo bài bản Trung Quốc
Ian Timberlake – Nguyên Hân lược dịch

03-07-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7571

Hà Nội – Blogger Nguyễn Huệ Chi đang bị ví vào trò chơi mèo vờn chuột với một kẻ phá mạng bí mật - nhiều người tin rằng không ai khác hơn là chính nhà nước cộng sản Việt Nam.

Ông Chi và những người đồng sự đã thành lập một loạt trang mạng và blogs, đặt vấn đề với chính sách của nhà nước trong năm qua; nhưng đổi lại, chỉ thấy những trang mạng và blogs này vừa bị phá và vừa bị ngăn chận không cho truy cập.

Giới theo dõi thời cuộc đổ lỗi cho nhà nước cộng sản, họ cho rằng nhà nước Việt Nam đã và đang áp dụng một biện pháp hung hăng, táo bạo hơn đối với những trang mạng mang tính nhạy cảm về mặt chính trị.

“Tuồng như nhà nước bắt đầu bắt chước cách đàn áp mạng kiểu Trung Quốc,” một nhà ngoại giao ngoại quốc nói, nhưng yêu cầu được dấu tên.

“Chuyện đơn giản là, từ chỗ họ cố ngăn sự truy cập, giờ họ cố phá mạng.”

Theo con số của nhà ngoại giao này, có khoảng chừng 24 trang mạng đã bị phá hoại trong năm này.

Trang mạng Bauxite Việt Nam do ông Nguyễn Huệ Chi quản lý là một trong những trang mạng bị phá trên.

Trang mạng này đã đưa ra một thỉnh nguyện thư chống đối kế hoạch khai thác bô-xít ở vùng Cao nguyên Trung phần, giúp làm sống dậy một làn sóng phản đối hiếm có bao gồm nhiều tầng lớp trong xã hội.

Dự án khai thác bô-xít này hiện đang được tiến hành, được bàn cãi sôi nổi một phần là vì có tối thiểu, một công ty Trung Hoa đã được trúng thầu.

“Rõ ràng là họ (nhà nước CSVN) rập khuôn cung cách kiểm soát internet của Trung Quốc,” ông Chi nói, ông cũng là người chỉ trích nhà nước Việt Nam qua chuyện tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Bắc Kinh điều hành một hệ thống kiểm duyệt internet khổng lồ, đôi khi được mệnh danh là “Bức Tường Lửa Vĩ Đại của Trung Quốc.”

Ông Chi nói hai blogs và một trang mạng được thành lập hôm tháng Tư năm rồi đều bị ngăn chận vào cuối năm nay, “mặc dầu bị chống trả quyết liệt”, và ba trang mạng khác trở nên quá tải vì bị tấn công “hằng trăm ngàn lần.”

Tuy nhiên, trang mạng Bauxite Việt Nam hiện vẫn đang còn truy cập được, qua hai blogs. Và ông Chi thề là sẽ bảo vệ những trang mạng của ông “cho đến giờ phút cuối cùng.”

Hôm tháng Ba năm nay, công ty Google lớn khổng lồ của Mỹ nói rằng tin tặc đặc biệt “cố dập tắt sự phản đối đối với nỗ lực khai thác bô-xít (của nhà nước) ở Việt Nam.”

Những người đứng đằng sau chuyện phá mạng này “có liên kết” với nhà nước Việt Nam, công ty chuyên về an ninh mạng McAfee có trụ sở ở tiểu bang California nói.

Những cuộc phá mạng này tương tự như những cuộc phá mạng khác xảy ra ở Trung Quốc nhắm vào điện thư của những nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, theo hãng Google cho hay hôm tháng Một.

Hãng Google đã chấm dứt sự kiểm duyệt kết qủa tìm kiếm trên hệ thống máy tìm kiếm của mình ở Trung Quốc, mà nhà nước Trung Quốc bắt buộc Google phải tuân theo nếu muốn hoạt động ở Trung Quốc.

Google cũng ra thông báo cảnh cáo về Việt Nam hôm tháng Sáu, nói rằng Google lấy làm khó chịu bởi luật lệ mới của Việt Nam cho phép nhà nước ngăn chận những trang mạng và theo dõi hoạt động của người sử dnụg internet.

Nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam phủ nhận điều này, họ nói rằng tốc độ sử dụng internet ngày càng tăng cao đã mang đến“những thách đố” chẳng hạn như nội dung bạo động và khiêu dâm, đặc biệt là những cơ sở cho thuê internet nơi công cộng.

“Quyết định này nhắm vào việc bảo vệ sự sử dụng lành mạnh và an toàn cho người dùng internet ở các điểm cung cấp internet công cộng trong thành phố Hà Nội,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CHXHCNVN bà Nguyễn Phương Nga nói.

Bà nói thêm là mối quan tâm về chuyện tự do ngôn luận là vô căn cứ.

Internet phát triển ở Việt Nam nhanh thuộc loại hàng đầu thế giới, và số người sử dụng internet hiện chiếm khoảng 24 triệu người hay khoảng 28 phần trăm nhân số, theo bà Nga.

Giới quan sát cho rằng Việt Nam gia tăng chiến dịch phá mạng khi nhà nước bắt đầu ngăn cản sự truy cập vào Facebook hôm tháng Mười Một năm rồi. Dân cư mạng không thể vào được Facebook qua trang chủ, nhưng nhiều người đã tìm cách khác để truy cập được mạng Facebook này.

Truy cập vào trang mạng BBC, phần Việt ngữ cũng bị chận.

Những hạn chế internet này, và trên giới truyền thông đã làm cho các nước viện trợ phương Tây lên tiếng cho rằng những hành động ngăn cản internet này của nhà nước Việt Nam hăm dọa đến tiến trình phát triển kinh tế nhanh của Việt Nam.

Một nhà ngoại giao khác, cũng yêu cầu được dấu tên, nói rằng cho dẫu với những nỗ lực ngăn chận này, nhà nước Việt Nam cũng khó lòng kiểm soát được internet.

“Anh có thể đóng mạng Facebook và anh có thể đóng YouTube nhưng bao giờ cũng có những những phương cách khác cho những người thực sự muốn vào những mạng này, đi vòng để rồi cũng vào được,” nhà ngoại giao này nói.

Blog ngày càng phổ biến kể từ khi blog du nhập vào Việt Nam năm 2005. Nhà nước Việt Nam bắt đầu siết chặt blog trong năm rồi cho dù chỉ có một số phần trăm nhỏ bị chú ý đến vì những vấn đề mang tính nhạy cảm chính trị được đăng, một blogger cho hay.

“Tôi nghĩ năm rồi là một bước dài,” blogger này nói, và cũng yêu cầu được dấu tên.

Các ban, ngành đặc trách an ninh của Việt Nam đã gia tăng khả năng theo dõi, kiểm soát mạng internet “theo cấp lũy thừa, bởi vì đó là khoảng không gian mà những nhà bất đồng chính kiến nhảy vào,” một chuyên gia nghiên cứu Việt Nam ở Đại học New South Wales ông Carl Thayer nói.

“Họ học hỏi và tiếp thu vào khả năng (kiểm soát mạng) những điều mới mẻ nhất,” đặc biệt là với sự giúp đỡ của Trung Quốc cộng sản, nơi nhà nước Trung Quốc cũng đối đầu với những hăm dọa từ phía những người bất đồng chính kiến trên mạng, ông Thayer nói.

Chuyện nhạy cảm của những đề tài trao đổi, luận bàn trên mạng internet lại được nổi cộm lên vì Đại hội Đảng sẽ xảy ra trong năm tới, được tổ chức năm năm một lần nhằm quyết định những vai trò lãnh đạo then chốt trong đảng, theo ông Thayer.

Những tài liệu cơ bản sẽ được công bố để lấy ý kiến trước ngày đại hội đảng, và đảng muốn ngăn chận những góp ý, thảo luận này bị các nhà bất đồng chính kiến “phỗng tay trên,” ông Thayer nói.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thế giới có trụ sở ở Nữu Ước hôm tháng Năm tố cáo việc tấn công phá hoại liên tục và tinh vi nhằm vào người bất đồng chính kiến, những người bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa trên mạng internet.

Tổ chức này cho hay tối thiểu có bảy bloggers độc lập bị bắt giam trong hai tháng trước đó.

© DCVOnline

Nguồn: (1) Vietnam steps up China-style Internet control. AFP, by Ian Timberlake, 2 July 2010

.

.

.

No comments: