Sunday, July 18, 2010

CỘNG HÒA DÂN CHỦ ĐỨC : Từ TOÀN TRỊ Đến DÂN CHỦ

Cộng Hòa Dân Chủ Đức: Từ Toàn Trị đến Dân Chủ

Tôn Văn

18/07/2010 3:00 chiều

http://www.talawas.org/?p=22220

.

(Giới thiệu cuốn sách Biên niên sử của Cách mạng)

Nguyên bản tiếng Đức

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/07/Ton-Van-1-242x400.jpg

.

Bản dịch tiếng Việt

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/07/Ton-Van-2-259x400.jpg

.

Tôi rất vui khi lần lượt nhận được hai phiên bản tiếng Đức và tiếng Việt cuốn Biên niên sử cuả Cách mạngChronik der Wende do Ch. Links Verlag Berlin (bản tiếng Đức) và NXB Vipen (bản tiếng Việt) xuất bản. Cuốn sách, như tên gọi của nó, là biên niên sử ghi lại những biến chuyển kỳ diệu trong 163 ngày để phần phía Đông nước Đức (Cộng hòa Dân chủ Đức) chuyển từ chế độ toàn trị sang thể chế đa nguyên dân chủ và hòa nhập với Cộng hòa Liên bang Đức thành nước Đức thống nhất. Việc thống nhất nước Đức được ghi nhớ qua sự sụp đổ của bức tường Berlin; nhưng trước và sau đó là những diễn biến vừa tuần tự, vừa có tính đột biến mà những người đương thời cũng như những người quan tâm sau này luôn thấy được những điều thú vị khi nhìn lại. Cũng trong thời gian biến động sôi nổi đó, một loạt nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Ukraine, Hungaria, Bulgaria, … đã biến đổi thành những nước theo chế độ dân chủ. Mỗi nước có một hoàn cảnh và đến được với hiện trạng ngày nay khác nhau. Tìm hiểu những cuộc chuyển biến đó, không những cho ta hứng thú mà còn giúp nhìn nhận tiến trình lịch sử một cách rõ ràng và bổ ích hơn.

Quan sát cuộc sống nước sở tại, chúng tôi cố gắng tìm hiểu xem một chế độ dân chủ đa nguyên được hình thành và hoạt động như thế nào. Cuốn sách chúng tôi hiện có gây được hứng thú vì nó giúp trả lời câu hỏi: Những bước đi cần thiết nào để đến tới được chế độ dân chủ tự do.

Cám ơn hai nhà xuất bản và trân trọng giới thiệu cùng thân hữu phần Lời nói đầu và phần Lời giới thiệu của ông Hansjürgen Rosenbauer, nguyên Giám đốc Đài ORB, nay là Đài RBB (Đài phát thanh và truyền hình Berlin-Brandenburg).

Mùa World Cup 2010

Tôn Văn

______________

.

Hannes Bahrmann & Christoph Links – Cuộc Cách mạng như một cuộc đổi đời

Bùi Viết dịch

Những biến chuyển đầy kịch tính tại Cộng hoà Dân chủ Đức vào mùa Thu năm 1989 đã được nhìn nhận lại dưới những tiêu đề khác nhau: Người ta đã nói đến cuộc Đột khởi, đến cuộc Cải cách đột biến đến cuộc Cách mạng chuyển biến hòa bình. Tuy nhiên, trong tất cả các định nghĩa khoa học và những biến thái ngôn từ văn chương thì không khái niệm nào có được sự đồng thuận mạnh mẽ như khái niệm Wende – Cuộc Cách Mạng; Nó không bao giờ được coi là chuẩn xác nhất và ban đầu thì cũng được hiểu theo một ý nghĩa khác.

Ông Egon Krenz sử dụng khái niệm này lần đầu tiên vào ngày 18 tháng Mười sau khi được bầu làm Tổng Bí thư mới của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức (SED), khi ông gửi thông điệp đến dân chúng qua kênh truyền hình CHDC Đức với một tâm trạng hoang mang. Theo ý tưởng của ông, việc bãi chức Erich Honecker sẽ dẫn đến một bước chuyển đổi (eine Wende) trong công tác đảng để “trở lại cuộc tiến công chính trị và tư tưởng“. Nhưng nhân dân đã hiểu bước chuyển đổi theo ý nghĩa Cách mạng và dấn bước vào cuộc tiến công của mình.

Các cuộc bầu cử địa phương vào ngày 7 tháng Năm 1989 đã đưa đến tình trạng nước tràn bình. Trong thời kỳ khi mà những quan hệ xã hội đông cứng ở khối Đông Âu cuối cùng đã được chuyển động, khi mà những cải cách được Gorbachev tiến hành ở Liên Sô và ở Ba Lan, những ứng viên đối lập đã đứng tên trong danh sách bầu cử thì những công dân CHDC Đức đã nắm lấy cơ hội loại bỏ “sự nhất trí chấp nhận các ứng cử viên của Mặt trận Quốc gia”, nghĩa là xóa bỏ thẳng thừng danh sách ứng cử viên hợp nhất do Đảng SED đề xuất. Thế là lần đầu tiên, các nhóm dân quyền và các tổ chức nhà thờ đã tiến hành kiểm tra việc kiểm phiếu, qua đó xác nhận thêm một số phần trăm phiếu là hợp lệ mà chính quyền do Egon Krenz làm chủ tịch hội đồng bầu cử đã công bố loại bỏ.

Những khuynh hướng chống đối cải cách trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng SED càng được tăng cường qua việc CHDC Đức chính thức ủng hộ việc dùng bạo lực dập tắt phong trào dân chủ ở Trung Quốc vào đầu tháng Bảy, đã dẫn đến cuộc tháo chạy tập đoàn của các công dân CHDC Đức về hướng CHLB Đức mà đối với nhiều người thì luôn là ý tưởng mời gọi. Cho tới thời điểm mùa Thu, qua ngả biên giới Áo-Hung cũng như tại các toà Đại sứ quán CHLB Đức ở Praha, Warszawa và Budapest, hàng chục ngàn người dân CHDC Đức đã tới được Tây Đức. Bất chấp “cuộc bỏ phiếu bằng chân” này, trong sự ngộ nhận hoàn toàn hiện thực cuộc sống, các vị lãnh đạo già nua trong hàng ngũ Đảng SED muốn được mở lễ hội thêm một lần nữa mà lễ Quốc khánh lần thứ 40 của CHDC Đức ngày 7 tháng Mười 1989 chính là một dịp được chọn lựa.

Nhưng lễ hội khánh tiết đã xoay ngược chiều hướng và trở thành điểm khởi đầu cho sự kết thúc. Tại Leipzig, DresdenBerlin đã diễn ra các cuộc biểu tình phản kháng mà tới nay vẫn chưa biết rõ số lượng người tham gia để đến những ngày kế tiếp thì càng được nhân rộng. Trong các cuộc biểu tình phản kháng đó, người ta tuyên bố chối bỏ quyền thay mặt nhân dân của đảng cầm quyền. Hạ tuần tháng Mười, hàng chục ngàn người hô vang đường phố: Chúng ta là Nhân dân và đòi hỏi nhanh chóng tái cấu trúc xã hội. Các quyền tự do dân chủ đã đến lúc phải là hiện thực ở Đông Đức, và nhất là phải trở thành vĩnh viễn. Người ta không còn chấp nhận những lời hứa hão và dăm ba sự thừa nhận khiếm khuyết lẻ tẻ. Sau quyền tự do biểu tình (biểu lộ chính kiến) giành được qua sự đấu tranh kiên cường trên đường phố và quyền tự do đi lại (đột nhiên trở thành đương nhiên hợp pháp sau khi cổng tường bất ngờ được mở vào ngày 9 tháng Mười Một) là đòi hỏi về các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp cũng như việc giải chế từng bước đảng cầm quyền và “tổ chức an ninh” của nó.

Không có thời điểm nào các nhóm đối lập có kế hoạch tiếp nhận chuyển giao trực tiếp chính quyền. Đa số tin chắc rằng bỏ qua vai trò của họ thì không thể nào điều hành được xã hội và họ đủ quyết tâm tiến hành cuộc tuyển cử tự do chẳng còn phải đợi chờ bao lâu nữa. Những cuộc biểu tình liên tục, nhất là tại các trung tâm ở phía nam CHDC Đức, đã chứng tỏ điều đó một cách ấn tượng. Trong phương diện đó, phần thứ hai của công cuộc tái cấu trúc đã được ấn định; trước hết là những cuộc tranh biện về cách thức tiến hành cuộc tuyển cử tự do đầu tiên trong lịch sử CHDC Đức mà sau đó các đảng phái lớn của Cộng hòa Liên bang Đức cũng tham gia bằng những tiếng nói có trọng lượng. Ngày 18 tháng Ba năm 1990 với sự biểu quyết dứt khoát cho Liên minh các đảng Bảo thủ “Đồng minh vì nước Đức” và nghị trình đưa CHDC Đức nhanh chóng gia nhập Cộng hòa Liên bang đã đánh dấu thực sự điểm đến của Wende – Cuộc Cách mạng. Thực sự, đó là cuộc thay thế chính quyến, tiến hành theo phương thức hòa bình để dẫn đến công cuộc thống nhất quốc gia vào ngày 3 tháng Mười năm 1990.

Trong cuốn Biên niên sử của Cách mạng, những sự kiện có ý nghĩa quyết định trong thời gian giữa tháng Mười 1989 và tháng Ba 1990 đã được dựng lại từng ngày một trong sự vận động của chúng. Đây là việc tái dựng chân xác nhất những diễn biến thời kỳ đó chứ không phải sự trình bày quan điểm có tính chất định giá theo cái nhìn hiện thời. Bởi vì “biên niên” là sự ghi chứng đương thời và chép góp vụ việc trong tiến trình sự kiện nên nó hàm chứa viễn kiến của những tác nhân nội vụ một cách rõ ràng nhất. Tuy vậy, sau lần xuất bản đầu tiên vào tháng Giêng 1990 với tiêu đề Chúng ta là Nhân dân, cuốn sách đã được chỉnh sửa nhiều lần; qua đó nó thâu nhận thêm những hiểu biết mới về nguyên do của từng động thái riêng rẽ và những động cơ của các tác nhân đóng vai trò nhà nước.

Xuất bản phẩm này dựa trên các bản đã công bố như Biên niên sử của Cách mạng 1994 cũng như Biên niên sử của Cách mạng 1995 là nhữg bản đã được duyệt xét lại và được chỉnh sửa theo những kết quả nghiên cứu mới nhất. Ấn bản ghi lại 163 ngày; cũng được đài ORB dựng thành bộ phim tài liệu dài hơn 40 giờ chiếu mà năm 1995 đã được nhiều chương trình truyền hình phát lại nhiều lần và đỉnh cao là ấn bản DVD được đài phát thanh và truyền hình Berlin-Brendenburg (RBB) phát hành. Song hành với ấn phẩm này là tập Hình ảnh biên niên của Cách mạng như sự bổ sung cho những sử liệu, trước hết dựa trên những trải nghiệm cá nhân của những người tham gia sự kiện. Ở đây, các chứng nhân biểu lộ những cảm nhận của mình trong chính thời điểm xảy ra sự kiện và cho thấy những hành động kỳ thú diễn ra ngay tại hiện trường.

Một cuộc vùng lên của nhân dân với sự chiến thắng lớn lao như thế chống lại một chính quyền không hợp pháp là chưa bao giờ từng có trên đất nước Đức. Mong muốn của chúng tôi là ghi chứng lại tiến trình có ý nghĩa đặc biệt này với tất cả những tình tiết của nó.

Berlin, mùa Thu 2009

___________

Hansjürgen Rosenbauer – Liên hiệp Hồi niệm

Bùi Viết dịch

Đó là một trong những ý tưởng nảy sinh trong những năm tháng đầu tiên sau cuộc đổi đời và đất nước hợp về một mối; khi mà những hồi niệm vẫn tinh khôi và sự ngỡ ngàng còn say lòng nhân thế. Một ý tưởng trong trạng thái khởi hành, tân tạo và sang trang. Christoph Links và Hannes Bahrmann ấn vào tay tôi cuốn sách vừa in xong do hai người viết: Chúng ta là Nhân dân! – Cuốn sách kỳ vọng ghi lại một cách hấp dẫn và chính xác những sự kiện đầy kịch tính vào mùa Thu năm 89. Đó là cuốn sách gối đầu trong những ngày nghỉ đầu tiên trên cương vị Giám đốc Đài ORB vừa mới bước vào phát sóng.

Sau đó một thời gian không lâu, chúng tôi quần tụ trong căn lều lắp ghép sơn xám trong khu vực trường quay của hãng phim DEFA ở Babelsberg. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao không dựng một bộ Biên niên sử truyền hình của Cách mạng làm bộ sưu tập bao tóm từng tuần lễ một, khi những người Đông Đức lấn lướt nền độc tài và một nhà nước đã đổ sụp nhanh chóng như qua một đêm chuyển cảnh?

Sự phản kháng dũng cảm của các công dân, lời kêu gọi hướng tới những luật quyền dân chủ, sự đương đầu với quyền lực nhà nước, sự sụp đổ của ban lãnh đạo Đảng SED già nua, cảm giác về một cuộc khởi hành mới mẻ, việc mở thông bức tường ngăn cách, những dãy dài xe ô-tô Trabi hướng về Tây Berlin, những cuộc hội đàm bên Bàn Tròn và việc hình thành các hội nhóm và đảng chính trị, việc giải thể các cơ quan cựu chế, cuộc tranh luận mở về con đường đúng đắn hướng tới tương lai – Đó là một tập hồi niệm bằng phim hình về một tình thế đảo lộn lịch sử mà gần như mọi người dân Đông Đức cảm nhận như một dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cuộc đời họ; Một đề án truyền hình đầy kỳ vọng của một chi nhánh nhỏ của Đài ARD, Đài ORB, do ban lãnh đạo trích quỹ tài trợ.

Một nhóm các nhà làm phim truyền hình trẻ, được dẫn dắt bởi đạo diễn nhiều kinh nghiệm Wolfgang Drescher, đã lên kế hoạch cho một bộ Biên niên sử truyền hình cuộc đổi đời đầy tốn kém và đã thực hiện với một tinh thần say mê cống hiến kỳ diệu. Kết quả là một bộ 73 sưu tập tài liệu ngắn nghiên cứu bao quát những diễn biến theo từng ngày một và chắc chắn làm ngộp thở người xem. Phương châm thật đơn giản nhưng thuyết phục: những hình ảnh, bản tin truyền hình, những tài liệu lưu trữ từ cả miền Đông và miền Tây; bổ sung bằng những hồi tưởng cá nhân tại những sự kiện và ngày tháng xác định. Vào mùa Thu 1994, năm năm sau những thay đổi đảo lộn đất trời, Biên niên sử của Cách mạng đã được phát trên các kênh của ARD, ORB, trên kênh đối ngoại của đài Deutsche Welle và trên nhiều chương trình truyền hình công khác. Sau đó thì các đài quốc tế như đài truyền hình văn hóa Đức-Pháp ARTE, đài truyền hình đối ngoại Anh quốc BBC Thế giới cũng chọn phát những đoạn nổi bật; Biên niên sử của Cách mạng cũng được chiếu tại Nam Hàn. Phần thưởng dành cho công lao cống hiến: Năm 1995 bộ Biên niên sử của Cách mạng đã nhận giải thưởng truyền hình Đức quan trọng nhất: Giải thưởng Adolf-Grimme Vàng; Ban giám khảo đánh giá công trình của đài ORB là một tác phẩm bậc thày của ngành báo chí.

Ngay từ hồi đó, chúng tôi đã cảm nhận: Với bước đi đầu tiên – mô tả diễn biến từ ngày Quốc khánh lần thứ 40 CHDC Đức 7 tháng Mười năm 89 tới cuộc biểu tình ngày thứ Hai cuối cùng 18 tháng Mười Hai 1989 của Năm Đổi đời – thì câu chuyện lịch sử vẫn chưa phải là hồi kết. Những biến đổi và đảo lộn vẫn còn tiếp tục diễn ra, và tới 18 tháng Ba 1990 là ngày tổng tuyển cử tự do đầu tiên thì vẫn còn chưa ngã ngũ việc Cái Mới đã có thể thắng Cái Cũ hay chưa. Và như thế, chúng tôi quyết định viết tiếp Biên niên sử của Cách mạng.

Trong thời gian sau đó, nhóm làm phim quây tụ quanh đạo diễn Wolfgang Drescher đã thực hiện thêm 90 tập nữa. Nay thì trọn bộ Biên niên sử Cuộc đổi đời đã lưu giữ 163 ngày, là – như đã từng được gọi tên thật đẹp – những ngày làm biến đổi thế giới. Christoph Links và Hannes Bahrmann đã viết thêm cho cuốn sách Biên niên sử của Cách mạng, những dữ liệu được làm giầu thêm và cái nhìn cũng ở tầm cao nhất. Những gì mà Biên niên sử truyền hình mới chỉ có thể gợi ra hoặc chưa được nhắc đến vì không có hình ảnh được ghi lại thì có thể đọc được nơi cuốn sách và cảm nhận sâu thêm.

Wolfgang Thierse, thành viên sáng lập của Đảng SPD ở CHDC Đức và ngày nay là Chủ tịch Quốc hội Đức, trong một cuộc hội thảo của các sử gia tại Berlin đã nêu yêu cầu lập một Liên hiệp Hồi niệm. Những người Đức ở bên Đông và bên Tây cần ý thức mạnh mẽ hơn lịch sử chung của mình để vượt qua quá khứ chia cắt. Biên niên sử của Cách mạng có thể là một đóng góp thích hợp cho một Liên hiệp Hồi niệm như thế. Do đó tôi mong cho bộ phim truyền hình và cuốn sách này thu hút được một phạm vi thính khán giả nhiệt thành và cuốn hút. Hồi niệm là bản vị xã hội dùng cho việc tổ chức của mình – Sử gia Dan Diner đã nói. Tôi nghĩ rằng cái bản vị này vô cùng giá trị vì chỉ có nó mới giúp chúng ta tránh thoát những sai lầm trong quá khứ.

Tháng Năm 1999

© 2010 Tôn Văn

© 2010 talawas

.

.

,

No comments: