Phan Thế Hải
Đăng ngày: 09:27 13-07-2010
http://vn.360plus.yahoo.com/phanthehai2003/
Cách đây mấy hôm, khi đỗ xe trên hè gần văn phòng để tìm chỗ ăn trưa, ăn xong ra xe, thấy đôi gương đã bị vặt như con voi bị cắt tai. Hai bên dây điện vẫn còn lòng thòng, trông thê thảm vô cùng. Xe mới, mất gương, trông xấu tệ, nhưng mỹ thuật chỉ là một chuyện, chuyện quan trọng hơn, không có gương, không thể lùi được vì chẳng có ai xi nhan cho mình cả.
Đang loay hoay không biết tính sao, nghĩ ngay đến ông bạn thạo đời, gọi cho hắn, hắn phán luôn: Coi như ông mất một số triệu và 1 ngày cho xe vào xưởng, còn gương thay thế, dễ ợt. Ông chạy ngay ra chợ trời (giời), chỉ khoảng hơn 1 tiếng sau khi xe ông bị vặt, ông sẽ mua lại được chính đôi gương đó.
Nghe lời ông bạn, mình chạy ra chợ Giời và quả là “nhân bảo như thần bảo”, lượn một vòng, tìm đến sạp phụ tùng ô tô, sau khi nói yêu cầu xe hãng nào, năm sản xuất, chủng loại, chủ cửa hàng có ngay cặp gương theo yêu cầu.
Thực ra thì đây không phải là lần đầu tiên mình ra chợ Giời. Hồi còn sinh viên mình cũng đã một vài lần đến đó mua phụ tùng xe đạp, lắp ráp, mang về quê bán kiếm được chênh lệch mấy đồng bù tiền tàu xe. Ngay từ khi đó thì chợ Giời đã có lịch sử lâu rồi, thậm chí trước khi mình sinh ra. Chợ Giời là tên gọi bình dân của chợ Hoà Bình, khu chợ tạm lâu năm nhất và có quy mô lớn nhất ở Hà Nội có tuổi đời già nửa thế kỷ.
Theo những người dân ở đây, thời bao cấp, chợ Giời là nơi tiêu thụ những mặt hàng “vỉa hè”, vốn không được tiêu thụ hợp pháp bằng tem phiếu tại các cửa hàng mậu dịch, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là đồ ăn cắp. Công bằng mà nói, thời kỳ này, chợ Giời đóng vai trò là lãnh địa cuối cùng ẩn náu của cơ chế kinh tế thị trường, cái mà người ta đang quyết tâm tiêu diệt.
Rồi khi đất nước đi vào ngõ cụt và đứng trên bờ vực của sự sụp đổ, người ta bỗng chuyển hướng sang “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” do Party (Tiệc) ta khởi xướng và lãnh đạo. Tất nhiên là Tiệc lờ tịt đi ai là người đã nhiều năm trời tiêu diệt cái cơ chế thị trường đã có sẵn cả trăm năm trước đó.
Chợ Giời chỉ là nơi biểu hiện sinh động của đời sống kinh tế nước nhà, nơi đó người ta còn lưu giữ nhiều câu chuyện về một thời. Rằng ở đó đã có những kẻ đổ cả thùng sơn đi để lấy chiếc thùng về đựng gạo, vì đó là tài sản XHCN. Rằng có kẻ tháo cả những thanh giằng cột trụ cầu Chương Dương chỉ để mang ra chợ Giời bán sắt vụn lấy mấy đồng tiêu chơi… Các loại vật tư quý hiếm thuộc diện quản lý của nhà nước bạn đều có thể tìm mua ở chợ Giời.
Một anh bạn vừa du học ở Mỹ về nói với tôi: ở bên đó nếu thấy ai đó phạm luật mà không tố cáo có thể bị truy tố với tội danh: “Che dấu tội phạm”. Vì thế, trong các hành vi ứng xử, bạn cần phải cẩn thận xem có bị luật pháp cấm hay không. Bạn cũng đừng hy vọng rằng, khi cơ quan bảo vệ luật pháp không nhìn thấy sẽ thoát tội, vì bất cứ công dân Mỹ nào thấy bạn vi phạm, họ đều có thể báo cảnh sát. Không chỉ ở Mỹ mà ở các nước châu Âu, hay Nhật bản người ta cũng ứng xử theo cách ấy. Cũng vì thế, nên ở bên đó, xe họ đỗ vô tư, bạt ngàn mà chẳng lo bị vặt gương như ở xứ ta.
Một vài lần đi sang các nước láng giềng, đặc biệt là những nước không có tiệc lãnh đạo mình cũng thấy hiện tượng ấy. Ở nước ta, có thời kẻ cắp hiên ngang hoạt động ở các bến xe, bến tàu với sự chứng kiến của hằng trăm người mà vẫn không sao. Thậm chí đã có những băng đảng hoạt động trong một thời gian dài, gây ra biết bao hậu quả mới bị truy tố. Những vụ án như Khánh Trắng, Phúc Bồ, Năm Cam… khi bị đưa ra pháp luật người ta mới thấy sự kỳ lạ của cách ứng xử ở VN.
Ngày nay, ai đó đổ lỗi cho những tiêu cực của đời sống là do: “Cơ chế thị trường” vậy thì chuyện của người Mỹ, hay người châu Âu phải chăng họ không có “cơ chế thị trường”? Cái khác của chúng ta là cái đuôi ở phía sau cái cơ chế ấy.
Dẫu sao thì tôi cũng cám ơn cái chợ Giời XHCN, nơi đó tôi có thể tìm thấy cặp gương của chính mình vừa bị vặt trộm. Hơn thế, đó là nơi còn lưu giữ nhiều câu chuyện sinh động của đời sống xã hội hôm nay.
Phan Thế Hải
.
.
.
No comments:
Post a Comment