Monday, July 5, 2010

CÁC EM CỨ TỰ DO QUAY...BÀI (Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010)

Các em cứ tự do… quay bài

Trần Quang Đại

Theo Dân Trí

LTS Dân trí - Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay tăng lên đột biến ở hầu hết các trường và địa phương, trừ một số ít nơi vốn có truyền thống giáo dục và giữ được nền nếp, kỷ cương trong thi cử.

Nguyên nhân của “thành tích” vô lý đó – theo nhận định của thầy giáo là “người trong cuộc” – chính là do “căn bệnh thành tích” có cơ hội tái phát mạnh mẽ, do sự buông lỏng quản lý trong khâu thi cử. Năm nay không còn thanh tra của Bộ Giáo dục – Đào tạo cử xuống giám sát trực tiếp các Hội đồng thi mà giao cho Sở GD-ĐT tự quản lý. Vì vậy, địa phương nào cũng muốn “thành tích” của mình đạt cao, không thua kém các địa phương khác, cho nên phải “nhẹ tay” trong việc coi thi cũng như chấm thi. Nhận định này đã được cảnh báo trên Diễn đàn Dân trí trước khi diễn ra kỳ thi và thực tế cho thấy đúng như vậy (xem bài “Bệnh thành tích” có thể tái phát vào mùa thi năm nay” đăng ngày 16-4-2010).

Cần chặn đứng nguy cơ này bằng những biện pháp quyết liệt hơn, đồng bộ và kiên trì hơn, đấy là trách nhiệm của Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng như của cả hệ thống quản lý giáo dục ở mọi địa phương trong phạm vi cả nước.

--------------------------------------

Nguy cơ tái phát “Bệnh thành tích” đã thành sự thật?

Bước vào chấm thi, chúng tôi càng thấy rõ các thí sinh đã được tự do như thế nào. Không chỉ được tự do chép bài, thí sinh còn được tự do trao đổi, “trợ giúp” lẫn nhau. Nhiều tập bài điểm cao ngất ngưởng. Nhiều tập bài giống nhau như đúc cả chỗ đúng và chỗ sai…

Vốn là “người trong cuộc”, từ thực tế mắt thấy tai nghe cả quá trình trước, trong và sau kì thi tốt nghiệp THPT, tôi phải buồn lòng mà thừa nhận rằng: “bệnh thành tích” đã tái phát ở mức nặng nề. Phải chăng đó là căn bệnh thâm căn cố đế đối với ngành giáo dục?

Nhận diện sự tái phát“bệnh thành tích”

Năm học 2008-2009, tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT của một tỉnh miền Trung xấp xỉ 70%. Thế là báo chí lên tiếng, cho rằng đó là một tỉ lệ thấp kỉ lục, một “cú sốc” khiến cả tỉnh “bàng hoàng”. Trong cuộc họp Hội đồng nhân dân, ông giám đốc Sở GD-ĐT bị các đại biểu chất vấn. Thế là năm học sau, tinh thần chỉ đạo thi tốt nghiệp của Sở GD-ĐT đã “giảm nhiệt” hẳn. Hầu hết các trường đều chỉ đạo Hội cha mẹ học sinh thu tiền “hỗ trợ thi tốt nghiệp” để bồi dưỡng cho các Hội đồng coi thi.

Bước vào coi thi, được các Chủ tịch Hội đồng “bật đèn xanh”, các giáo viên vốn sẵn tinh thần “thương học sinh” đã tạo điều kiện hết mức để các thí sinh có được tấm bằng sau 12 năm đèn sách. Thanh tra Bộ đã rút đi, chỉ còn Thanh tra Sở thì tinh thần làm việc cũng hết sức “đơn giản, gọn nhẹ” nên kỉ luật phòng thi đã lỏng lẻo đến mức tối đa. Thí sinh được tự do quay bài, trao đổi, thậm chí có em bị giám thị thu tài liệu còn cả gan nài nỉ xin lại để chép tiếp! Sau mỗi buổi thi, nhiều hội đồng thi phao rải trắng sân trường.

Sau mỗi buổi thi, qua trao đổi với đồng nghiệp gần xa, tôi thấy tình hình ở đâu cũng thế. Nhiều giám thị quan niệm “Những nơi khác đã “thả”, nếu mình còn làm chặt thì thí sinh sẽ bị thiệt thòi”.

So sánh số thí sinh và giám thị bị kỉ luật qua từng năm thì sẽ thấy được thực chất của công tác coi thi năm nay. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT: Số thí sinh bị đình chỉ thi năm 2007 là 2.612, năm 2008 là 833, năm 2009 là 299 và năm 2010 chỉ còn 90; số giám thị bị đình chỉ công tác coi thi do vi phạm năm 2007 là 32, năm 2008 là 15, năm 2009 là 3 và năm 2010 là 1(trong hơn 120.000 cán bộ coi thi). Xin nói thêm trường hợp giám thị bị đình chỉ năm nay là do bất cẩn đã xé nhầm bài thi của thí sinh vì tưởng đó là bài thi loại, chứ không phải bị xử lý vì cố ý vi phạm quy chế.

Bước vào chấm thi, chúng tôi càng thấy rõ các thí sinh đã được tự do như thế nào. Không chỉ được tự do chép bài, thí sinh còn được tự do trao đổi, “trợ giúp” lẫn nhau. Nhiều tập bài điểm cao ngất ngưởng. Nhiều tập bài giống nhau như đúc cả chỗ đúng và chỗ sai. Một số giám khảo đùa “Vào chấm bài toàn gặp các giáo sư tiến sĩ (tác giả tài liệu tham khảo-TG). Môn Văn có câu nghị luận về tình yêu thương con người, và có rất nhiều bài thi dẫn câu danh ngôn “Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu vắng tình yêu thương con người”. Lẽ nào có chuyện nhiều “tư tưởng lớn gặp nhau” đến thế?

Về nguyên tắc, nếu phát hiện hai bài thi giống nhau (do gian lận), giám khảo phải lập biên bản. Nhưng nếu làm thế, thì biết mấy biên bản cho xuể, rồi thời gian, công sức đâu nữa mà chấm, chưa kể nhiêu khê, rắc rối đủ bề. Thế là các giảm khảo bỏ qua hết thảy.

Đến khi tỷ lệ tốt nghiệp của các tỉnh thành được công bố, thì các giáo viên đều không bất ngờ, vì đã dự đoán được là năm nay chắc chắn sẽ có một tỷ lệ “đẹp”. Tỉ lệ cao “đột biến” đã cho thấy kỉ luật phòng thi đã bị buông lỏng hoàn toàn, và người ta đã tìm cách để có tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao nhất. Nhiều tỉnh tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp tăng đến vài chục phần trăm sau một năm, có tỉnh hệ giáo dục thường xuyên tỉ lệ đậu tăng tới hơn 50%.

Nhiều địa phương có tỷ lệ đỗ tăng chóng mặt như tỉnh Sơn La, tăng từ 39% lên 91%; Hòa Bình tăng từ 80% lên 95% hay các tỉnh đông thí sinh dự thi như Nghệ An, Thanh Hóa cũng tăng hơn 10% mỗi tỉnh. Nghệ An đạt 98% (năm trước là 87%), Thanh Hóa đạt 98,68% (năm trước là 68,28%). Những tỉnh năm trước rất thấp thì năm nay cũng vọt lên như Phú Yên từ 3,77% lên 28,4%; Đồng Tháp từ 9% năm nay lên 32%, Kon Tum từ 4,18% lên 34,73%, Hà Giang từ 38,61% lên 98,29%, Yên Bái từ 41,5% lên 92,17%…

Trước tỷ lệ tốt nghiệp tăng đột biến, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Chương trình vẫn như thế, sách giáo khoa vẫn thế, giáo viên vẫn thế, trường lớp vẫn thế, học trò vẫn thế… thì không có lý do gì để chất lượng giáo dục tự nhiên lại ở mức cao ngất ngưởng như vậy”. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng nói: “Lo nhiều hơn mừng. Vì có thể thấy là bệnh thành tích lại đang bắt đầu trở lại” (Bee.net.vn ngày 27/6).

Như vậy, chất lượng giáo dục không tăng, chỉ có tỷ lệ tốt nghiệp là tăng đột biến.

Hậu quả của “bệnh thành tích”

Một số thí sinh kể rằng, trong phòng thi, có giám thị nói: “Tôi sẽ cho các anh chị giở tài liệu với một điều kiện là đừng nói với những em học lớp dưới chuyện này, nếu không các em sẽ không chịu học nữa”.

Nếu kỉ luật phòng thi quá lỏng lẻo, những em không chịu học hành gì cũng đỗ tốt nghiệp thì học sinh những khoá sau sẽ không còn động lực học tập. Năm nay có những em không học hành gì, học lực rất yếu cũng đạt điểm 9, điểm 9,5 môn đó. Tâm lí “thi gì học nấy” sẽ dẫn đến hậu quả là “thi thế nào học thế ấy”. “Rào cản” thi tốt nghiệp chỉ còn là hình thức hoặc bị dỡ bỏ sẽ triệt tiêu động lực học tập, nỗ lực phấn đấu của học sinh.

Vì vậy, giải pháp bỏ thi tốt nghiệp trong tình hình hiện nay vẫn chưa thể thực hiện.

Thứ hai, những học sinh quá yếu kém vẫn được cấp bằng tốt nghiệp, rồi biết đâu chẳng đỗ vào đại học, cao đẳng (không công lập thì dân lập, tư thục hoặc lọai hình trường “liên kết” gì đó) mà không tiếp thu nổi những kiến thức và kĩ năng tối thiểu cần thiết sẽ gây biết bao hệ luỵ cho xã hội sau này. Trong tình hình “bội thực” các trường đại học, cao đẳng như hiện nay (các trường khát thí sinh do tổng chỉ tiêu tuyển sinh rất lớn) thì điều này rất dễ xẩy ra.

Mặt khác, việc quá dễ dãi trong thi cử sẽ khiến cho tình trạng suy đồi về đạo đức trong giới trẻ càng thêm nặng nề. Gian lận trong thi cử được đồng loã, trở nên phổ biến sẽ tạo cho học sinh ý thức và thói quen gian lận. Sự “thiệt hại” này là vô hình, nhưng sẽ có tác hại khôn lường.

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc vận động “Hai không” đã thất bại. Bao nhiêu công sức, tâm huyết đã đổ sông đổ biển. Đành rằng cuộc chiến với những căn bệnh trầm kha không dễ, nhưng không ngờ thất bại đến quá nhanh chóng, làm nản lòng bao người, nhất là những người thầy giáo tâm huyết với nghề “trồng người”.

Đâu là giải pháp?

Trước thực trạng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đã xấp xỉ 100%, có một số ý kiến đề xuất nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là hình thức xét tốt nghiệp để chống “bệnh thành tích”, tránh được một kì thi tốn kém, ít hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, nếu bỏ kì thi tốt nghiệp, dễ dẫn đến hiện tượng “hoà cả làng” trong đánh giá, triệt tiêu động lực dạy học.

Ngược lại, việc tổ chức một kì thi tốt nghiệp quá nghiêm ngặt trong khi chất lượng giáo dục chưa được cải thiện sẽ dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp quá thấp, gây nên cú sốc về mặt xã hội. Năm 2007, lần đầu tiên tổ chức kì thi nghiêm túc sau nhiều năm thả lỏng, tỷ lệ đậu tốt nghiệp đột ngột giảm xuống còn 66,7%, so với tỷ lệ 94% của năm 2006. Nếu chất lượng giáo dục chưa được cải thiện, không thể triệt tiêu “bệnh thành tích”.

Vì vậy, song song với việc siết chặt dần kỉ cương thi cử cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục. Lại trở về những vấn đề “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi!” như khâu quản lý, chất lượng đội ngũ giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, phương tiện, phương pháp giáo dục, môi trường giáo dục…

Điều đáng lo ngại là trong tất cả các khâu ấy, khâu nào cũng “có vấn đề”. Ví dụ khâu chất lượng đội ngũ giáo viên, rất khó để nâng cao chất lượng đội ngũ khi chưa có chính sách để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm và chưa tạo ra động lực để đội ngũ nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng chuyên môn, đời sống nhà giáo còn nhiều khó khăn…Phương pháp giáo dục cũng vậy, dù đã có nhiều cố gắng song cơ bản nền giáo dục vẫn chưa thoát khỏi phương pháp truyền thụ một chiều, nhồi nhét khiến học sinh thụ động, thiếu sáng tạo…

Vì vậy, giải pháp cấp bách và lâu dài vẫn là nâng cao chất lượng giáo dục.

Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

http://dantri.com.vn/c202/s202-406247/nguy-co-tai-phat-benh-thanh-tich-da-thanh-su-that.htm

.

.

.

No comments: