Sunday, July 4, 2010

BÀI HỌC BA LAN

Bài học Ba Lan

Nguyễn Văn Lục

03-07-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7570

Bài học Ba Lan cho gíao hội Thiên Chúa giáo Việt Nam

Kính tặng tgm Ngô Quang Kiệt

Ba Lan (Poland) là một nước đa số dân theo Thiên Chúa giáo. Giáo hoàng John Paul II khi trở về Ba Lan đã nhận định, “Chẳng lẽ chúng ta không có quyền nghĩ rằng trong thời đại chúng ta, Ba Lan đã trở thành một mảnh đất có một trách nhiệm đặc biệt để làm một nhân chứng?” (Trích “Giáo hoàng John Paul II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta”, Carl Bernstein và Marco Politi, trang 17. Nxb Công an nhân dân.)

Những biến cố chính trị làm thay đổi diện mạo thế giới và tôn giáo xảy ra tại Ba Lan gửi đến cho mọi người hai thông điệp chính yếu:

• Thông điệp thứ nhất chỉ ra rằng có một ưu thế vượt trội của những giá trị tôn giáo và tinh thần nhân bản (human spirit) trên ý thức hệ cộng sản. Ý thức hệ cộng sản xem ra đã lỗi thời, đã mục nát. Vì thế khi được hỏi ngài đã làm gì để chế độ cộng sản ở Ba Lan sụp đổ, Giáo Hoàng John Paul II đã nhận xét rất đơn giản và cụ thể, “Tôi không tạo nên điều này. Một cái cây đã mục, tôi lay mạnh là nó đổ.” (Trích “Một quan điểm về Giáo hội và chính trị”, Người tín hữu. Nguoitinhuu.com/chiase/linhtinh/churchPolitichtm
Và chế độ cộng sản đã sụp đổ mà không cần tốn một viên đạn tại Ba Lan, Liên Xô (Soviet Union), Hungary, Tiệp Khắc (Czechoslovakia cũ), Đông Đức (German Democratic Republic). Đó là một sự sụp đổ dây chuyền ngoài dự đoán của mọi người.

Người Việt Nam phải tin chắc rằng điều gì đã xảy ra cho chế độ ấy ở khắp nơi thì số phận dành cho nó ở Việt Nam dứt khoát sẽ không khác.

Sự chọn lựa dứt khoát của dân chúng Ba Lan khi đón tiếp vị giáo hoàng nói lên điều này, “We want God.” Chúng tôi muốn có Chúa. Có nghĩa là họ không chấp nhận chế độ cộng sản nữa.
Chỉ mấy chữ đó thôi đủ nói trọn vẹn tất cả.
Sở dĩ người dân Ba Lan có thể khẳng định như thế vì họ có được những nhân vật tiêu biểu cho tình thần nhân bản, tinh thần đạo giáo. Đó là những Hồng y Wyszynsky, Giáo hoàng John Paul II và linh mục Jerzy Popieluszko.

Thiên Chúa giáo Việt Nam cố gắng vươn lên theo với những con người như Trịnh Như Khuê, Nguyễn Kim Điền và mới đây Ngô Quang Kiệt, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi.
Đó là tin mừng của một giáo hội lên đường theo tinh thần của các tông đồ xưa: Hãy ra khơi. (Duc in altum). Hãy ra khơi là chấp nhận tất cả những sóng gió, bão táp và hiểm nguy.
Sự trù dập, đe dọa và khủng bố, bắt tù đầy của chính quyền cộng sản hiện nay sẽ không còn là nỗi sợ của mỗi người dân nếu biết chấp nhận tinh thần: Hãy ra khơi.
Và tiêu biểu cho tinh thần Hãy ra khơi, giáo hội Ba Lan đã sinh ra 3 người con thân yêu của họ và nay cả ba nhân vật Ba Lan ấy đều được coi như là những bậc thánh nhân.
Phần chúng ta bằng lòng với những gì mà chúng ta có được.

Triển vọng ra khơi nhìn bằng những con số thì hiện nay Ba Lan chiếm 26% đại chủng sinh của toàn Âu Châu với 7131 chủng sinh. Ba Lan trở thành nước “xuất cảng” linh mục tới các nước Âu Châu và Bắc Mỹ.
Niềm hy vọng và triển vọng của BaLan phải chăng cũng là niềm hy vọng của giáo hội Việt Nam mà hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn? Tôi cũng không thể ngờ được giáo hội sau bức màn tre miền Bắc nay trở thành niềm hy vọng “kích cầu” trong nhiều phạm vi như dân số giáo hữu gia tăng ngoài sự mong đợi của mọi người, hoạt động tích cực trong các phong trào phản kháng,đặc biệt là giới sinh viên tại một số địa phận.
Chúng ta đặt rất nhiều hy vọng vào họ.
Chẳng hạn, tín hữu giáo phận Vinh trước 1954 là 219.000 người nay con số lên đến 500.000 người. (Theo thống kê của World Bank, World Development Indicators – cặp nhật lần chót June 15, 2010, dân số Việt Nam năm 1960 khoảng 35 triệu và đến năm 2008 đã trên 86 triệu người - DCVOnline). Tổ chức sinh viên ở địa phận Vinh là một trong những tổ chức hoạt động hăng say và hữu hiệu đáng kể.
Phần giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam nói chung muốn ra khơi không thể không học bài học Ba Lan.

.

• Thông điệp thứ hai không kém quan trọng là giáo hội Ba Lan để lộ cho thấy một giáo hội dù có căn tính và gốc rễ, có cả một lịch sử truyền thống, có tinh thần đoàn kết đấu tranh vẻ vang vẫn không tránh khỏi vết nhơ để cho cộng sản xâm nhập và lũng đoạn.
Bài học đó đắt giá và tủi hổ cho giáo hội Ba Lan.
Bằng chứng là tân giám mục Warszawa bị tố cáo từng cộng tác với chế độ cộng sản hàng chục năm liền. Cuối cùng thì ông đã thú nhận, “Sự thật tôi đã có dính líu. Tôi đã gây ra thiệt hại lớn cho giáo hội và tôi đã lại gây họa lần nữa trong những ngày gần đây trước một cơn sốt truyền thông khi tôi phủ nhận sự kiện cộng tác này.”
Đến lượt linh mục Michał Czajkowski, một linh mục nổi tiếng ở Ba Lan đã thú nhận làm nhân viên tình báo, săn tin tức của những người bất đồng chính kiến và hàng giáo sĩ để báo cho cơ quan mật vụ. Trớ trêu hơn nữa, ông còn là phụ tá của Giáo hoàng John Paul II khi ông còn ở BaLan.
Sự cài người bằng đủ mánh khóe của cộng sản là một lời cảnh giác cho bất cứ ai và cho bất cứ giáo hội nào. Và ngay tại Vatican, linh mục Konrad Hejmo, người cầm đâu trung tâm hành hương ở Roma, hướng dẫn nhiều phái đoàn đến triều yết giáo hoàng cũng hoạt động cho cộng sản.
Những gì đã xảy ra ở Ba Lan, người viết bài này cảm thấy lo ngại như một cảnh báo giáo hội Việt Nam đang trượt chân vào vết xe đổ của giáo hội bạn.

Đi vào thông điệp thứ nhất

Nhìn vào giáo hội Ba Lan và những gì đang xảy ra ở đó từ 1980, không khỏi mong muốn và so sánh với giáo hội Việt Nam và tự hỏi bao giờ Việt Nam có được những con người kiệt xuất như vậy?
Ngày 6-6-2010 vừa qua, hằng trăm ngàn người từ khắp nơi trên đất Ba Lan đổ về Warsaw để tham dự lễ phong chân phước cho linh mục Jerzy Popieluszko.
Việc phong chân phước tử đạo này là bằng chứng gián tiếp Vatican thừa nhận tính cách chính nghĩa và sự dấn thân nhập cuộc của giáo hội Thiên Chúa giáo trong việc chống lại chính quyền cộng sản qua linh mục Jerzy Popieluszko.
Thông điệp ấy mong là được hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo Việt Nam ghi nhận và là dấu chỉ của hy vọng rằng chính nghĩa sẽ thắng.

Ở vào thời điểm tranh đấu sống còn với chính quyền cộng sản, Jerzy Popieluszuko trở thành nạn nhân số 1 của chế độ cộng sản Ba Lan. Nhưng ông lại là linh hồn của cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại chế độ độc tài cộng sản. Ông đã bị cảnh sát mật vụ Ba Lan (SB) tra tấn đến chết và bị vứt xuống sông Vistula vào năm 1984.
Lãnh tụ công đoàn Đoàn Kết Lech Walesa khi được tin về vụ thảm sát đã nói, “Điều tệ hại nhất đã đến.”
Nay ông trở thành người anh hùng của dân tộc Ba Lan, người được yêu mến và kính trọng. Quả là cái chết của ông không phải là điều vô ích.
Ý nghĩa lớn lao qua cái chết của ông là vực dậy cả một nước Ba Lan và điều gì đang diễn ra trong tim những người Ba Lan, nếu không phải là sự phấn khích, sự choáng ngợp của giới trẻ trước cái chết bi phẫn đó.
Qua bài học cái chết đó, hàng vạn người đã cải đạo. Cũng qua cái chết đó, hàng ngàn thanh niên Ba Lan gia nhập các chủng viện.
Một tu sinh khi được hỏi là tại sao lại đi tu? Người tu sinh ấy trả lời không do dự bởi vì chúng tôi có những tấm gương như John Paul II.
Đồng thời người dân Ba Lan nói không với chế độ đương quyền và làm tan biến những nỗi sợ hãi trước đây. Họ tìm lại được lòng tự trọng của chính mình và dám đứng thẳng, thách thức lại chính quyền cộng sản.

Nhìn lại dân tộc mình, người viết thấy rõ ràng là người cộng sản Việt Nam đã thành công không nhỏ trong việc đánh mất lòng tự trọng của người dân trong nước.
Đánh mất lòng tự trọng là đồng nghĩa trở nên hèn, trở nên nhát sợ. Chúng ta đã từng được nghe những lời tự thú “hèn” của một số nhà văn, nhà báo, trí thức Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn một ngày không xa, có những lãnh đạo Thiên Chúa giáo chứng tỏ mình đã hèn.

Nhắc lại cái thời điểm linh mục Jerzy Popieluszko bị bắt cóc ngày 19 tháng 10, 1984. Cả nước Ba Lan cầu nguyện cho ông và chờ đợi tin dữ. Agnieszka Holland sau này đã dựng thành phim nhan đề “To Kill a Priest” ghi lại những giờ phút cuối cùng của vị linh mục- tử đạo này.
Prêtre-Martyr. Linh mục- tử đạo. Đó là biểu tượng chính xác nhất về Jerzy Popieluszko Sau khi tin dữ cho biết ông bị tra tấn và chết trôi sông, Piotr Moszynski viết cho đài Rfi mô tả cái cảnh tượng hằng 400.000 ngàn người Thiên Chúa giáo Ba Lan (chiếm 90% dân số) đã lũ lượt về giáo đường Stanisław tiễn đưa ông.
Chỉ có tiếng khóc và tâm tình nhớ thương.

Người viết cũng mong muốn một cách ích kỷ có một linh mục Việt Nam như thế.
Chúng ta thử dám so sánh xem, linh mục nào ở Việt Nam đi theo được bước chân của con người thánh thiện và anh hùng này? Các linh mục, tu sĩ Việt Nam cảm nghĩ gì về vai trò linh mục của mình khi so sánh với vị linh mục Ba Lan? Điều gì có thể so sánh và điều gì có thể học hỏi được nơi con người thánh thiện đó? Tại sao cũng trong những hoàn cảnh tương tự lại không thể sản sinh ra được những con người bất khuất và tiêu biểu cho Việt Nam?
Ba Lan với 90% dân số theo Thiên Chúa giáo đã trở thành tiêu biểu cho sự thống nhất ý chí trong đấu tranh và hành động. Và người giáo hữu Ba Lan chỉ có một con đường chọn lựa duy nhất là lưỡi gươm (chế độ cộng sản) hay thập giá.
Với 7% dân số Việt Nam theo đạo, chúng ta đã chọn con đường nào? Hàng giáo phẩm đã chọn con đường nào?
Hãy chọn con đường mà nhiều người Ba Lan đã hô to khẩu hiệu xác định tư cách tôn giáo của mình, Chúng tôi muốn có Chúa.
Một khẩu hiệu vắn tắt, nhưng đầy đủ ý nghĩa. Sự chọn lựa đã công khai và rõ ràng.
Kể từ ngày ấy, cùng với vai trò của Giáo hoàng Johhn Paul II, hai người Ba Lan theo Thiên Chúa giáo đã lên tiếng nhân danh những người không có tiếng nói hay không có quyền lên tiếng. Và rồi dân chúng Ba Lan đã chiến thắng và Chúa của người Ba Lan đã hồi phục lại được bộ mặt của Ba Lan.
Đó là bộ mặt con người.
Từ đó, đất nước Ba Lan không còn là quê hương của người cộng sản nữa.


Trích sơ lược cuốn sách của Carl Bernstein và Marco Politi nhan đề His Holiness John Paul II and the Hidden history of our time. (“Đức Giáo Hoàng John Paul II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta”, nhà xuất bản Công An nhân dân, dịch giả Nguyễn Bá Long- Trần Quý Thắng.)
Cuốn sách này chính thức được dịch ra tiếng Việt vào năm 2002. Tôi gọi đây là một món quà mà nhà nước cộng sản tặng cho Thiên Chúa giáo. Xin mọi người trong nước tìm đọc. Giá có 80.000 đồng, bằng hai tô phở đặc biệt.
Và mỗi tu sinh Việt Nam nên đọc sách này và cần đưa tài liệu này nằm trong chương trình Tu Đức học.
Phải đọc, phải thảo luận, chia sẻ, chiêm nghiệm (méditations) để noi gương may ra mai sau trở thành những mục tử tốt, một linh mục tốt. Đã có bao nhiêu linh mục Việt Nam học được tinh thần phục vụ và hy sinh của một Carolus Josephus Wojtyla khi còn là linh mục?

Tình cảnh người Ba Lan trên nhiều mặt như đời sống vật chất, tinh thần, chính trị, xã hội nhất là mặt tôn giáo gợi nhớ một phần xã hội Việt Nam.
Vì thế, không lạ gì khi Lm Tarnowsky Wiktor Skworc, chủ tịch Ủy ban Truyền giáo của Hội đồng giám mục Ba Lan đã đưa ra nhận xét, “Tình hình của giáo hội tại Việt Nam rất giống với tình hình giáo hội Ba Lan chúng ta trong hai thập niên 1960 và 70 – Đáng tiếc là giờ đây chúng ta thấy những gì đã diễn ra ở Ba Lan lại được tái diễn tại Việt Nam.”

Bài học cho giáo hội Ba Lan cũng là bài học cho giáo hội Việt Nam.

Người ta tự hỏi hàng giáo phẩm Việt Nam đã phản ứng ra sao về vụ tòa Khâm sứ, vụ Thái Hà, vụ Đồng Chiêm, vụ Tam tòa, vụ tổng giám mục Kiệt?
Chỉ có sự im lặng và bất động trả lời.
Người dân có mắt thấy sự im lặng đó là biểu hiện của bệnh liệt kháng phản ứng thần kinh hệ, bệnh tê liệt trí năng bằng những bào chữa khó nghe và chướng tai. Những bào chữa trong khung cảnh một giáo hội giả hình, chật hẹp, thiển cận và tham ô.

Đó là ba cái yếu đuối (faiblesse) nói chung của hàng giáo phẩm từ linh mục đến giám mục. Yếu đuối mà không ý thức được.
Cái hình ảnh về một giáo hội tốt đẹp, đạo hạnh không còn nữa.
Cái image là quan trọng lắm. Hiện nay Hội đồng giám mục, các chức sắc trong giáo hội đã làm mất cái image ấy?

Hãy lấy một vài sự kiện xảy ra gần đây để dẫn chứng.
Như mới đây, người ta so sánh ba cái scandal là Tiger Woods, Toyota và giáo hoàng. Mặc dầu ở những lãnh vực khác nhau, những vấn đề khác nhau, nhưng có chung một mẫu số, một câu trả lời: sự chậm trễ trong những lời thú nhận lỗi và xin tha thứ. Tiger Woods đã làm thiệt hại 12 tỉ đô la cho các hãng Nike, Gatorade, Gillette và nhiều hãng khác, Toyota thiệt hại 5 tỉ đô la để bồi thường. Giáo hội tốn 3 tỉ đô la trang trải cho các nạn nhân và các chi phí tòa án. Nhưng Tiger Woods và Toyota khôi phục lại được hình ảnh cũ.
Phần vị giáo hoàng hiện nay, hình ảnh một John Paul II ngày nào không còn nữa .

Hình ảnh giáo hội Việt Nam bây giờ cũng ở mức độ thấp nhất mà không ai lường được hết hậu quả. Những ai còn chút quan tâm và lo lắng cho hình ảnh giáo hội không khỏi đau lòng khi thấy sự bất trung của một số phẩm trật giáo hội.
Nó sẽ trở thành một hồ sơ đen của giáo hội Việt Nam mà một ngày nào đó không che giấu mãi được.
Những con chiên lạc ấy không phải là những giáo dân mà là những mục tử có nhiệm vụ hướng dẫn bầy chiên.

Nó trái ngược với những điều mà hồng y Phạm Minh Mẫn Mẫn gián tiếp kết tội tín hữu trong câu nói úp mở sau:

“Về định luật nhân cách làm người được cấu thành bởi ba yếu tố: một là di truyền, hai là môi trường (gia đình, học đường, cộng đồng xã hội, giáo hội), ba là ý thức và ý chí tự do của mỗi người. Thể theo định luật này, khi cộng đoàn tín hữu lâm tình trạng thiếu ít nhiều sự nhất trí và sự hợp nhất, khi một số tín hữu để thói đời lôi cuốn, để lòng đạo phai mờ dần, các mục tử đều có phần trách nhiệm. Và trách nhiệm ở đây là giáo dục, huấn luyện, trợ lực cho mọi tín hữu luôn chung sức lấy lời Chúa làm nền, làm trụ cột để xây đắp gia cố những ngôi nhà gia đình và cộng đoàn, giáo hội và xã hội ngày càng thêm vững bền.”

(Trích thư Ngày 9-6-2010. Gioan B. Phạm Minh Mẫn.)
Hóa ra các sự việc, biến cố xảy ra gần đây đều là do lỗi của giáo dân, một số tín hữu để thói đời lôi cuốn? Và trách nhiệm của các mục tử là giáo dục, huấn luyện tín hữu?
Tôi không thể chia sẻ được cách nhìn sự việc về các biến động xảy ra trong các giáo xứ và các địa phận chống đối lại nhà cầm quyền bằng lối nhìn đơn giản và quy chụp như thế được.
Khi giáo dân đòi hỏi tranh đấu, khi giáo dân bị nhà cầm quyền đánh đập, bị bắt, bị truy tố ra tòa án thì các vị mục tử ở đâu? Phải chăng đó là tình trạng để cho thói đời lôi cuốn?
Thế cho nên, nỗi lo lắng cho giáo hội không phải là sợ giáo dân phai mờ lòng đạo mà sợ các mục tử mất bản chất, biến thái.
Vâng thực sự đó là nỗi lo của chúng tôi đấỵ.

Nếu cứ áp dụng lề luật giáo hội một cách nghiêm khắc thì có thể một số giám mục và mốt số linh mục phải bị «treo chén», hoặc bị rút phép thông công mới phải.((Anathème).
Họ không xứng đáng trong vai trò của họ.
Họ mất bản chất trong cái hèn của họ được đồng hóa với sự khôn ngoan. Bằng chứng là ngay giữa lòng tổng giáo phận Sài gòn, người ta vẫn thấy linh mục có thẻ đảng đứng làm trùm trong phẩm trật giáo hội một cách công khai từ mấy chục năm nay?
Không một ai dám lên tiếng phản bác công khai về sự hiện diện « lù lù, trơ trẽn » của. tên cán bộ cộng sản này. Ngoại trừ giám mục quá cố Lê Đắc Trọng.

Ai có thể nói là Huỳnh Công Minh không theo lệnh đảng tổ chức cài đặt mạng lưới cán bộ đảng viên trong hàng ngũ tu sinh? Ai có thể biết chắc có bao nhiêu tu sinh có thẻ đảng đã được Huỳnh Công Minh chuẩn phê?
Nuôi cộng sản trong nhà là nuôi một kẻ nội thù và một ngày nào đó trả giá. Kẻ lãnh đạo giáo phận có lòng không thể mãi tiếp tục làm ngơ chuyện này được mãi.
Chúng ta cần những giám mục, linh mục có một chữ "DÁM". Dám nói, dám dấn thân, dám đứng về phía tín hữu. Có bao nhiếu linh mục dám đứng về phía giáo dân trong các cuộc tranh đấu đòi quyền lợi về cho giáo hội.

Có linh mục biện hộ cho sự có mặt của Huỳnh Công Minh là có ích cho giáo hội, vì mỗi lần cần xin điều gì thì Huỳnh Công Minh có thể nói một tiếng là xong. Chúng ta có cần một thứ trung gian giữa giáo hội và chính quyền bằng một Huỳnh Công Minh không?
Đó là một thứ tương quan bệ rạc của cơ chế xin cho.
Ông ta có thể làm lợi 9 điều và hại một điều. Nhưng mục đích chính của y là kiểm soát, bá cáo và điều động theo chiều hướng thuận lợi cho đảng cầm quyền.
Giáo hội phải đủ can đảm loại trừ những thành phần trung gian kiểu Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ để cho mối liên lạc giữa giáo hội và chính quyền trở thành lành mạnh hơn.
Ai có thể tin được là ngay những chức sắc trong địa phận cũng răm rắp tuân theo những lời khuyến cáo của viên tổng quản tòa giám mục? Những điều họ phát biểu là đều xuất phát tự cái tâm của họ hay do có tên cò mồi xúi giục? Nào ai biết được điều gì đã xảy ra?
Và các mục tử càng bào chữa càng cho thấy sự bất trung (infidèle) của họ với lý tưởng, biến những lời kinh thánh thành một thứ diễn giải tùy tiện, sai lạc như thẻ dị giáo (hérétique).
Những điều họ phát ngôn cho ta có cảm tưởng họ phát ngôn làm sao để không phải nói sự thực mà không phải là nói dối.(not to tell the truth without really lying).
Đó không phải là thứ ngôn ngữ của người tu đạo. Tại sao Giáo hoàng John Paul II nói điều gì thì điều ấy thấm vào lòng người còn những mục tử kia nói không nghe lọt tai, có nghe cũng không hiểu.
Hay là họ đang “nói tiếng lạ” đây?

Xin ghi nhân một số đông trí thức hải ngoại phát biểu trong cái tinh thần lo lắng cho hình ảnh giáo hội đang bị phai nhòa ấy.
Và nếu vì một lẽ nào đó, có một số tu sĩ biến giáo hội thành giáo hội quốc doanh thì cái lỗi đó đổ hết trách nhiệm lên Hội Đồng giám mục và các giám mục.

Đi vào thông điệp thứ hai

Khi giáo hội Ba Lan phát giác ra môt số giám mục và linh mục làm tay sai cho chính quyền cộng sản thì điều đó đã gây một cú sốc trong dân chúng. Sau đó linh mục Isakowiez Zaleski đã hoàn thành một tập sách nhan đề Các linh mục Ba Lan và cơ quan mật vụ cộng sản Ba Lan dựa trên những tài liệu văn khố mật còn được lưu trữ, trong đó tại chương bảy đã liệt kê 39 giáo sĩ đã cộng tác với mật vụ Ba Lan với 4 giám mục.
Riêng Hồng y Glemp tiết lộ cho biết một số linh mục người Ba Lan làm việc tại Vatican đã làm việc cho công an mật vụ của Ba Lan dưới thời cộng sản để theo sát và bá cáo về những việc làm của giáo hoàng John Paul II. Ông nói thêm, “Tại Vatican có gián điệp và Moscow rất để ý tới những gì đang xảy ra tại Roma dưới quyền John Paul II.” Và ông cho rằng có đến 15% giáo sĩ nước này đã cộng tác với mật vụ Ba Lan.
Vấn đề phát giác của Hồng y Glemp là quá trễ, tại sao Hồng y Glemp biết mà giữ kín không tiết lộ ra. Sự im lặng này mang ý nghĩa gì?
Nhưng còn bao nhiêu trường hợp cộng tác bí mật, giao thiệp chỉ bằng lệnh miệng, thực giả thật không dễ.
Chuyện giáo hội Ba Lan không phải chỉ là chuyện của người hàng xóm, không liên can gì đến Việt Nam. Không, điều gì đã xảy ra ở Ba Lan thì cũng có nhiều cơ hội xảy ra ở Việt Nam và có thể đạt một mức độ báo động.
Vậy có bao nhiêu tu sĩ, linh mục Việt Nam làm tay sai cho công an, cảnh sát mật vụ? Không có con số nào cho phép người ta đưa đến một kết luận về những con số này. Phần vì cả hai phía đều giữ bí mật, phần thì cách làm việc của công an chỉ dùng lệnh miệng không để lại dấu tích gì.

Nhưng dầu vậy, có rất nhiều tín hiệu để biết ai là người tốt, kẻ xấu.
Tiện đây, xin trích dẫn một tín hiệu, đoạn báo đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 20 tháng 10 năm 1992 như sau:

“Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp Hội đồng giám mục Việt Nam” đăng trên trang nhất:
Ngày 19 tháng 10 năm 1992, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tiếp Hội đồng giám mục Việt Nam đến Chào và Bá cáo kết quả đại hội lần thứ 5 của Hội đồng giám mục Việt Nam... Giám mục Nguyễn Văn Sang, phó chủ tịch hội đồng giám mục Việt Nam, đã bá cáo kết quả Đại hội đồng giám mục lần thứ 5 và trinh kiến nghị của Hội đồng giám mục gửi thủ tướng. Thay mặt Hội đồng giám Giám mục, giám mục chủ tịch Nguyễn Minh Nhật đã bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà nước, chính phủ và thủ tướng và hứa cùng đồng bào, linh mục, tu sĩ, giáo dân chu toàn nhiệm vụ của mình trong tinh thần kính chúa yêu nước.”

Những ngôn ngữ như thế, tôi đọc thấy xấu hổ và nhục, làm sao tôi có thể tin tưởng vào hội đồng giám mục Việt Nam được?
Tinh thần thụ hưởng và chủ nghĩa cá nhân rất là rõ rệt. Lm Nguyễn Huy Mai, giám mục Ban Mê Thuột bị nhà nước trù dập, quản thúc cấm đi họp HĐGMVN, cấm đi viếng ad limina, v.v... không được phép dự HĐGMVN và họ đã nại ra đủ thứ lý do cấm đoán ông. Các giám mục thay vì bày tỏ thái độ liên đới bằng cách hoãn phiên họp hay hủy bỏ phiên họp.
Nhưng ai dám làm điều ấy?

Khi tổng giám mục Kiệt bị tống xuất ra nước ngoài, ai là người dám lên tiếng? Thỏa hiệp, im lặng để được dễ dãi cho mình, thây kệ sự bất công đối với kẻ khác, nhưng vẫn tin rằng mình hành xử vì Chúa, vì giáo hội.
Đó là sự ngụy tín tôn giáo trong niềm tin mà thật ra chỉ là một hình thức phản bội và bất trung.

Phần giáo dân cần ghi nhận điều này: các vị giám mục được chọn không phải là thần thánh gì ..không phải là những con người toàn hảo.
Mới đây nhất, Hồng y Phạm Minh Mẫn Mẫn lại tất bật sang Vatican nhằm “giải độc” dư luận nhân vụ tổng giám mục Kiệt với lá thư nhan đề: Tôi nghe thấy và học được gì từ những cuộc gặp với Bộ ngoại giao và bộ truyền giáo Vatican trong hai ngày 1 và 2 tháng 6-2010
Tôi đã đọc đi đọc lại ba bốn lần lá thư, nhưng thú nhận là tôi bất lực, vì không nắm bắt được một cái gì cụ thể, minh bạch trong những lời giải thích của Hồng Y Ivan Dias, của Tổng giám mục Mamberti, của đức ông Ballestrero.
Tốt hơn hết, xin trích dẫn một đoạn để độc giả cùng chia xẻ:

“Sau khi nghe tôi giải bày tình hình do dư luận tạo ra. Đức tổng giám mục Mamberti, bộ trưởng bộ ngoại giao Vatican, nói về phần vụ của bộ ngoại giao và đường hướng phục vụ lợi ích của giáo hội địa phương và toàn cầu trong sự tôn trọng ý kiến của người liên hệ. Đức ông Ballestrero, thứ trưởng cho biết trong thực hành đường hướng đó, bộ luôn luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến cùng bản thân của đương sự, luôn lưu tâm đến chức vụ cùng đời sống của đương sự trong tương quan với xã hội.”

Ai có thể giải thích rành mạch rõ ràng đoạn văn này, xin chỉ dùm.

Hồng y Phạm Minh Mẫn Mẫn thiếu sự minh bạch (transparency) trong nội dung lá thư bởi vì một lẽ đơn giản vì cái tâm ông không trong sáng. Ông giấu giếm che đậy.
Tuy nhiên, cái ngây ngô là Hồng y Mẫn đã trích dẫn Hồng y Glemp, giáo chủ Ba Lan như một mẫu mực với lời khuyên khôn ngoan như sau, “Hồng y giáo chủ Ba Lan, người đã sống qua 3 chế độ xã hội cũng đã có lời khuyên tương tự khi đến Việt Nam thăm hỏi tôi trong năm vừa qua.”

Nhưng Hồng y Glemp là ai?

Khi biết Lm Jerzy có thể bị nguy hiểm đến tính mạng, Giáo hoàng John Paul II đã gửi thư báo động cho Hồng Y Glemp như sau, “Hãy bảo vệ cha Jergy Popieluszko, nếu không có ngày họ sẽ tìm thấy vũ khí ngay tại bàn giấy mỗi đức giám mục …”
Hồng y Glemp có nhận thức được lời cảnh cáo từ Vatican và đã có những biện pháp gì nhằm bảo đảm tính mệnh cho linh mục Jergy Popieluszko? Chắc là không. Ngược lại ông chỉ muốn tống xuất linh mục này ra khỏi Ba Lan cho đỡ bị quấy rầy.
Thái độ ấy thật đáng trách.

Xin hãy giở lại trang sử cuộc tranh đấu của công đoàn Đoàn kết và thái độ ứng xử của Hồng y Glemp như thế nào:

“Tại Krakov, theo đề nghị của vị tổng giám mục, một vị linh mục được lệnh rời nơi thờ Chúa được dành cho Công Đoàn Đoàn kết vào phía trong nhà thờ và dùng các cuộc họp đào tạo công nhân được tổ chức tại nhà thờ.
Tuy nhiên, nhiều cha xứ khắp cả nước chỉ trích một cách thẳng thắn vị tổng giám mục, Họ ủng hộ phong trào chống đối và chương trình rộng lớn khôi phục xã hội mà Công đoàn Đoàn kết đại diện».

Trích “Đức giáo hoàng John Paul II và lịch sử bị che đậy”, Carl Bersnstein và Marco Politi, trang 515, nxb Công an nhân dân.
Hồng Y Glemp được coi như một người bảo thủ và trở thành lực cản cho phong trào tranh đấu của Walesa.
Phải chăng đây là điều mà Hồng y Mẫn muốn theo gương Hồng y Glemp? Phải chăng vì thế mà bài “giải độc” này đã được trân trọng đăng trên Công giáo và dân tộc?
Nếu quả thực như vậy thì là điều bất hạnh cho giáo hội Việt Nam .

Đôi dòng thay lời kết

Khi đang viết bài này thì người viết gặp một chị bạn cùng đi chợ Việt Nam. Chị là người đạo dòng và luôn luôn mang cái tâm tình mến Chúa, kính trọng các vị bề trên trong giáo hội cho dù các vị ấy có sai sót. Chị tỏ ra buồn phiền về một số bài bào viết đả kích nặng nề các “đấng bề trên” trong giáo hội, trong đó có một số bài viết của chính tác giả.
Cái tâm tình ấy vốn là truyền thống đáng kính cũng cần được tôn trọng và giữ gìn.
Sự phiền muộn ấy thật chính đáng và không thể không làm người viết cẩn trọng hơn trong khi cầm bút. Trách nhiệm người cầm bút chẳng những đối với độc giả mà con với những tín hữu như chị bạn nói trên.
Khi viết những dòng này, người viết cũng không thể không nghĩ đến một vài giám mục vốn là bậc đàn anh mà người viết có quen biết từ thuở thiếu thời. Cũng càng không thể quên được những vị đã từng là bạn học trên ghế nhà trường và ngay cả một số vị thuộc thế hệ lớp sau.
Có thể quý vị ấy đọc bài này không khỏi không đau lòng và buồn phiền.
Nhưng nếu suy nghĩ cho cùng, sự thật là giải pháp duy nhất giải thoát chúng ta.

Người viết mong muốn là mọi người hãy vượt lên chính mình để biết đâu là con đường phải theo.
Mọi người hãy từ bỏ thái độ yên tâm mà người viết cảm thấy không yên tâm chút nào.
Không nói, giữ im lặng có thể trở thành điều tồi tệ hơn thế nữa khi mọi chuyện được phát giác và phơi bầy ra như trường hợp vị tổng giám mục Ba Lan ở trên.
Bởi vì người cộng sản luôn luôn tìm cách phá rối, gài đặt, ly gián, phao vu như trong các trại cải tạo, trong cộng đồng tín hữu, gây chia rẽ và nghi ngờ.
Thật không dễ khi phải sống chung với người cộng sản và cũng thật không dễ giữ được lòng dạ ngay thẳng và cương trực.
Trách nhiệm các tôn giáo trước cảnh một xã hôi suy vong thật lớn lao. Không có tôn giáo, xã hội Việt Nam không còn là một xã hội của con người nữa.

Mỗi lần đọc báo, nhìn thấy những cảnh đời bên Việt Nam hiện nay với những nhan đề tin tức trong những ngày gần đây làm người viết sửng sốt và tuyệt vọng. Đại loại như những mẩu tin Anh trai tưới xăng thiêu cháy em ruột…. Chồng ghen, chồng tạt chảo dầu sôi vào người vợ…. Sắp xử kẻ cuồng ghen đâm kim vào đầu bé sơ sinh…. Hà Nội mâu thuẫn gia đình, con gái đâm chết cha. Kẻ cắt đầu người yêu cũ đối với mặt với án tử hình… Chuyện không muốn chứng kiến ở nơi “tước bỏ quyền làm mẹ”…
Đọc những tin trên, thưa bạn đọc, thưa các vị lành đạo tôn giáo, tôi chỉ có thể nói rằng chủ nghĩa cộng sản là thứ chủ nghĩa khước từ con người.

© DCVOnline

.

.

.

No comments: