Thursday, July 15, 2010

ĐẤT NƯỚC SẮP CHUYỂN ĐỘNG

Đất nước sắp chuyển động

Thông Luận
Đăng ngày 14/07/2010 lúc 13:17:06 EDT

http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4922

Ngày 19-6 vừa qua quốc hội của nhà nước cộng sản Việt Nam đã biểu quyết bác bỏ dự án Đường Sắt Cao Tốc.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chế độ cộng sản Việt Nam mà quốc hội bác bỏ một dự quyết của chính phủ. Dư luận trong nước đã lập tức hoan nghênh biến cố này như một khúc quanh quan trọng và đáng mừng. Quốc hội được hoan hô là đã dám vượt lên trên chính mình để đảm nhiệm vai trò của mình. Sự hân hoan này dễ hiểu nhưng nó cũng đã phần nào đánh lạc sự suy nghĩ khỏi ý nghĩa và tầm quan trọng thực sự của biến cố.

Cuộc biểu quyết này không hề chứng tỏ quốc hội đã thực sự thảo luận và biểu quyết một cách độc lập. Bằng cớ là trong suốt khóa họp đã không có một "đại biểu quốc hội" nào bày tỏ một thắc mắc nào trước những vụ án chính trị thô bạo một cách trắng trợn, hay về những điều luật cho phép bắt giam và bỏ tù bất cứ ai một cách tùy tiện, như điều 88 của bộ luật hình sự, dù làm ra và giám sát sự thi hành pháp luật là chức năng đầu tiên của một quốc hội. Quốc hội vẫn chỉ là một dụng cụ ngoan ngoãn trong tay đảng cộng sản, một cỗ máy giơ tay, một cơ quan đóng dấu những quyết định của ban lãnh đạo đảng. Điều khác biệt, và rất quan trọng, là lần này nó đã không nhận được lệnh của đảng mà nhận được hai chỉ thị của hai phe phái trong đảng cho nên muốn ngoan ngoãn giơ tay như thường lệ cũng không được.

Điều chắc chắn đã xảy ra là chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã đưa ra quốc hội biểu quyết một dự án chưa có sự đồng ý của bộ chính trị và ban bí thư đảng, vì thế ông Trương Tấn Sang, Thường trực ban bí thư, đã khuyến khích các đại biểu phản bác. Đây là một sự kiện rất không bình thường. Cho đến nay, qui định của Đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng như của mọi đảng cộng sản, là bộ chính trị quyết định, ban bí thư thi hành thông qua chính phủ. Như vậy chính phủ phải phục tùng ban bí thư, vì chỉ là phương tiện của ban bí thư để thực hiện những quyết định của bộ chính trị. Phải hiểu thế nào biến cố này?

Trước hết phải gạt bỏ giả thuyết bộ chính trị và ban bí thư đã nhường cho quốc hội lấy quyết định; đây là một dự án quá quan trọng, dự trù kéo dài 25 năm với chi phí 60 tỷ USD, nghĩa là 2/3 GDP của Việt Nam. Cũng không thể có trường hợp bộ chính trị và ban bí thư vì không thể nhất trí trên một vấn đề đã để một cơ quan đông đảo hơn thảo luận và biểu quyết thay mình; nếu quả như vậy thì họ đã chọn trung ương đảng thay vì quốc hội, một định chế chỉ có vai trò trang trí và qui tụ một số đông đảo những người vừa thiếu thẩm quyền vừa thiếu kiến thức, như trường hợp một ông đại biểu nói một cách ngây ngô trên diễn đàn quốc hội rằng có một liên hệ mật thiết giữa đường sắt cao tốc và trí thông minh. Như vậy phải hiểu rằng ông Dũng đã bất chấp ban bí thư nhưng đã thất bại vì vây cánh không đủ mạnh trong quốc hội. Đã có chia rẽ và căng thẳng trong nội bộ đảng cộng sản. Bộ máy đảng đã lủng củng. Tỷ lệ biểu quyết thuận và chống, 38% và 42%, cũng chứng tỏ hai phe đối nghịch có lực lượng nghiêng ngửa và không phe nào được đa số. Một trường hợp chia rẽ khó có giải pháp.

Tình trạng này là một diễn biến bắt buộc phải đến và đáng lẽ đã phải đến từ lâu rồi. Các vấn đề quốc gia ngày càng phức tạp, không thể nào tránh khỏi các suy nghĩ khác nhau. Khi vừa không có đồng thuận trên những định hướng lớn vừa không có một lãnh tụ đủ tài đức để thuyết phục hoặc áp đặt những quyết định chung thì chia rẽ và phân hóa là chắc chắn. Đó chính là trường hợp Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sự chia rẽ này sẽ có những hậu quả quyết định cho tương lai đất nước. Một đảng cầm quyền chỉ có thể thực hiện chuyên chính đối với xã hội nếu nó thực hiện được chuyên chính trong nội bộ. Đảng cộng sản không còn độc tài được trong nội bộ thì cũng không thể tiếp tục duy trì chế độ độc tài trên xã hội Việt Nam.

Đất nước sắp chuyển động. Những người dân chủ Việt Nam, dù ở trong hay ngoài đảng và nhà nước cộng sản phải hiểu rằng đất nước đang cần khẩn cấp một kết hợp dân chủ mạnh để chế độ độc tài không nhường chỗ cho một sự hỗn loạn.

Thông Luận

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: