Friday, July 2, 2010

ĐẢNG CSVN LỠ CHUYẾN TÀU CAO TỐC

Đảng Cộng sản Việt Nam lỡ chuyến tàu cao tốc!
David Koh – Phan Tường Vi lược dịch

02-07-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7569

Suốt cả mấy mươi năm qua, Quốc hội Việt Nam được biết đến như con bù nhìn. Nhưng hôm 19 tháng Sáu này, ngành lập pháp Việt Nam đã phủ quyết một dự án xây hệ thống xe điện cao tốc của nhà nước đề nghị, nhằm nối thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Giới chuyên nghiên cứu thời cuộc cho rằng chuyện phủ quyết như thế chưa từng xảy ra ở cái quốc hội bù nhìn này. Nhưng tâm cảm thơ thới, hân hoan của họ dành cho cái Quốc hội dễ dạy, dễ bảo này cần được nhìn lại cho đúng cái hoàn cảnh thực tế của nó.

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ trong tay cái quyết định tối hậu cho chuyện này. Nếu họ cảm thấy dự án này cần phải làm cho bằng được, bất chấp mọi phí tổn, bộ chính trị sẽ nhấn nút cho hệ thống nhân sự của đảng động viên và quảng cáo nhằm thuyết phục Quốc hội và cả nước rằng hệ thống xe điện cao tốc này là tối cần cho lợi ích quốc gia.

Tận cùng bằng số, kỹ luật (đảng) sẽ được mang ra áp dụng để bảo đảm quốc hội có đủ phiếu thuận cho dự án này. Thực tế điều này đã không xảy ra, cho thấy cơ quan đầu não của đảng Cộng sản là Bộ Chính trị có thể không đồng nhất với nhau về dự án này.

Ngoài ra, đây không phải là lần đầu tiên Quốc hội nói “không” với nhà nước, cho dẫu người ta thừa nhận đây là lần đầu tiên ngành lập pháp đã phủ quyết một dự án đầu tư lớn lao mà nhà nước đề nghị.

Trong 10 năm qua, những chức vụ cấp bộ trưởng mà nhà nước đề cử đã được quốc hội truy xét kỹ lưỡng và đôi khi bị bác.

Người được bổ nhiệm chức vụ thống đốc ngân hàng nhà nước năm 1997, đã bị bác là một tỉ dụ điển hình.

Một số người được nhà nước đề cử cũng không có được nhiều phiếu thuận của quốc hội, mặc dù cuối cùng rồi họ cũng được chấp thuận, điều này cho thấy đại biểu quốc hội không phải cái gì cũng tán thành nhà nước.

Có nhiều lý do tại sao dự án xây dựng đường xe điện cao tốc bị phủ quyết. Báo chí ở ngoại quốc cho rằng cái giá của dự án qúa đắt đỏ nhưng sẽ không đem lại lợi ích gì nhiều cho nền kinh tế. Ít người trong nước có lẽ thích một thống xe điện cao tốc như thế này, chỉ bởi giá thành cao sẽ làm cho gía vé cao.

Ước tính phí tổn thoạt đầu của dự án này là 56 tỉ đô-la, nhưng nếu tính luôn cả tham nhũng, đút lót, hối lộ, chia chác, sân sau sân trước… thì con số này ắt sẽ tăng gấp hai. Đại biểu quốc hội lấy làm lo lắng về kế hoạch chi tiêu cho toàn bộ dự án này vì nó hoàn toàn dựa vào qũy viện trợ phát triển của ngoại quốc dành cho Việt Nam. Điều này có nghĩa là, mỗi một công dân Việt Nam hiện nay sẽ phải vác trên lưng một món nợ ngoại quốc 600 đô-la cho mỗi đầu người, bất luận già trẻ lớn bé, nam cũng như nữ - cũng chỉ bởi cái siêu dự án này.

Một lý do khác là sự nghi ngờ đối với nhà nước, có nghĩa là một khi dự án này được chấp thuận, nhà nước sẽ dùng con số tiền đầu tư này -- hay một phần của nó -- để bơm con số thống kê về chi tiêu đầu tư lên, và chung cuộc là thổi phồng con số tổng sản lượng nội địa (GDP) cho năm 2010 này. Những “con số đẹp” này sẽ được báo cáo như là một sự thành công kinh tế trong những đại hội chính trị lớn của đảng.

Cho dù không dễ gì mà minh chứng được sự hoài nghi này, điều này cũng cho thấy một mối quan tâm dài lâu rằng nhà nước Cộng sản Việt Nam chú ý đến những con số thống kê nhiều hơn cái cốt lõi thành tựu được qua chính sách của họ.

Việt Nam vốn có một tuyến đường duyên hải và đi từ bắc vào nam mất khoảng 35 giờ. Tu bổ, nâng cấp đường xe lửa hiện nay là một nhu cầu ưu tiên hàng đầu và khẩn cấp, và có thể giúp gia tăng sự phát triển kinh tế cũng như đầu tư trong những tỉnh nằm dọc theo vùng duyên hải.

Nhưng về phương diện kinh tế, cải thiện hệ thống xe lửa hiện nay Việt Nam đang có, là có ý nghĩa thiết thực hơn, bằng cách xây thêm một đường rây nữa để cho phép tàu lửa có thể chạy ngược chiều trong cùng thời gian. Đường sá cho tốt để dẫn đến những khu vực kỹ nghệ cũng cần thiết. Thêm vào đó, hằng ngàn cây số đường sá ở nông thôn cũng cần nâng cấp và mở rộng ra để gia tăng khả năng sử dụng.

Mặc dù chuyện phủ quyết dự án xây dựng đường xe điện cao tốc vừa rồi có thể là một biến cố mang tính lịch sử, nhưng trong thực tế, điều đó chưa thay đổi tí ti nào cái cán cân quyền lực ở Việt Nam hiện nay.

© DCVOnline

Nguồn: (1) Vietnam: The party will not be railroaded. By David Koh, For The Singapore Straits Times, 30 June 2010. Tác gỉa là một nhà nghiên cứu thâm niên ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á châu.

.

.

.

No comments: