Sunday, July 11, 2010

ĐẠI VỆ CHÍ DỊ (Người Buôn Gió)

Năm Canh Dần, Nước Vệ triều nhà Sản thứ 65

http://www.danchimviet.com/archives/13236

Năm Canh Dần, Nước Vệ triều nhà Sản thứ 65

.

Mùa hạ năm ấy mất mùa, nắng cháy khắp 3 miền, đồng ruộng khô cạn. Ngoài ao hồ, sông suối cá nổi chết hàng đàn trắng xóa mặt nước.

Ở kinh thành chưa năm nào nóng nực đến như vậy. Bầu trời không gợn may, nắng gay gắt như trút lửa xuống dương trần. Giữa hồ Hoàn Đao, rùa già sống mấy trăm năm bỗng nổi lên mặt nước, hai mắt đỏ hoe như muốn khóc.

Người dân đổ bệnh liên tục vì nắng nóng. Khắp nơi chúng dân ngửa cổ lên trời ca thán, mong mỏi khí trời thay đổi.

.

Quan thái sử nước Vệ coi thiên văn, tấu với Vệ Cường Vương rằng.

-Nắng hạn bất thường kéo dài, ruộng đồng khô cạn, là dấu hiệu khí lực của triều đình vào cảnh suy thoái, cạn kiệt. Nếu không có sự bổ trợ thần e rằng có lắm biến cố không lành.

.

Vệ Cường Vương tuổi đã cao, sắp bàn giao vương quyền cho người kế vị, không thiết chuyện chính sự triều đình. Giờ Vệ Vương chỉ màng đến chuyện khi trao long bào rút về sống cuộc đời sung túc, cho nên chỉ nói quấy quá cho qua việc.

-Sao mà cạn kiệt được, triều nhà Sản ta từ khi nắm cơ đồ trải qua bao nhiêu thiên tai, địch họa vẫn vững như bàn thạch, nay có tể tướng Bạo, hình dong tuấn tú khôi ngô, tài trí thao lược, gánh vác những việc đội đá, vá trời. Lẽ nào có chuyện , ngươi chỉ được cái nói gàn.

.

Vốn người tâm huyết, biết Vệ Vương không mặn mà , quan thái sử cáo lui. Trong lòng ôm chuyện buồn bực lắm. Mới đem giãi bày với kẻ sĩ phu giang hồ. Hai bên luận đàm vận nước, sĩ phu ấy nói rằng.

-Tể tướng Bạo vốn là công sai, dây mơ rễ má với cựu thần mà được cân nhắc. Xưa làm đặc khu kinh tế xứ Quảng, dùng bao nhiêu ngân khố ròng rã chục năm chả đâu vào đâu, tiền bạc nước nhà đem ném vào chỗ trống. Kẻ ấy chỉ giỏi hư danh chứ tài cán gì mà xoay chuyển nước nhà. Nay vẫn cái thói ấy dùng ngân khố mà làm xưởng đóng tàu tiêu tốn hàng núi bạc, cốt chỉ để tham nhũng cho đầy hầu bao, khi tan vỡ thì sát nhập này nọ để xóa dấu vết.Ngân khố bởi thế cạn kiệt lại càng cạn kiệt. Nước Vệ này lụi về tay Bạo chứ chẳng phải ai.

.

Thái sử giơ tay ngăn.

-Xin ngài giữ miệng, Bạo xuất thân là công sai bộ hình tay, đám tay chân ân nghĩa còn nhiều, bộ ấy thế lực mạnh thao túng cả xã tắc, triều đình, sai nha bộ hình bắt người, giữ của, vu vạ người hiền, bỏ tù, áp bức kẻ sĩ trong thiên hạ lộng hành như loại kiêu binh. Các quan còn kinh hãi mà lặng thinh. Vệ Vương còn nể quyền bính của Bạo thì còn gì ai dám cất lời.

.

Sĩ phu nói

-Cổ nhân nói ‘’ nhà dột từ nóc’’ Vệ Vương chỉ chăm chăm lo giữ ngôi vị, cấu kết với ngoại bang. Cho con cháu, anh em tay chân trấn các vùng biên giới dựa vào thế lực bên kia, đào xới tài nguyên bán rẻ cho nước ngoài. Tự tung, tự tác hoành hành dọc cõi biên thùy, có đứa hiếp dâm nữ sinh, có đứa làm đường xá tham nhũng bạc tỉ. Quân như thế nói sao được quần thần.

.

Hai người bàn luận đến lúc mặt trời xế bóng qua cửa sổ phía Tây nhưng hơi nóng còn gay gắt. Thái sử than.

-Nước Vệ thối nát, hơi bốc lên tận trời cao. Khiến trời giận mà đổ nắng quở phạt nước Vệ. Không biết còn đến bao lâu. Kéo dài mãi thế này chỉ có dân chúng là khổ mà thôi. Quan quân ham bạc mờ mắt, sao mà thấy được sự giận dữ của đất trời

.

Sĩ phu thở dài

.

Thái sử đứng dậy xin phép ra về, nhìn quanh không thấy ai, ghé tai sĩ phu nói.

-Tôi xem thấy khí nước Vệ còn mờ mịt lắm, ông cố bảo trọng. Thời nay nhộm nhoạm, thật giả lẫn lộn.

.

Sĩ phu vài chào, ngậm ngùi nói

-Trời đã giận mà lòng người không biết giận, khó cho nước Vệ lắm thay!

© Người Buôn Gió

.

.

.

No comments: