Sunday, July 18, 2010

35 NĂM SAU, VẪN ĐI TÌM MỘT NGƯỜI CON

35 năm sau, vẫn đi tìm một người con

Hà Giang/Người Việt

Friday, July 16, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116138&z=1

Nhiều gia đình tan tác đặt hy vọng vào một mối dây


Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, “cuộc chiến Việt Nam” được xem như chấm dứt khi tiếng bom đạn dần dà im vắng. Nhưng ba mươi lăm năm sau, hệ lụy cuộc chiến để lại vẫn còn âm ỉ, buốt nhói trong tâm khảm những cha mẹ mất con, vợ mất chồng, chú mất cháu...

Và, chỉ cần một gợi nhớ, trong ký ức của họ, những hỗn loạn của giây phút chia lìa sẽ trở về và hiện rõ mồn một như mọi việc mới xẩy ra hôm qua, hôm kia...

Dù đó là một gợi nhớ thật tình cờ, như bài báo nói về ước nguyện đi tìm cha mẹ ruột của anh Nguyễn Ðức Chính, cậu bé 2, 3 tuổi đã thất lạc gia đình tại sân bay Ðà Nẵng vào cuối tháng 3 năm 1975, được đăng trên nhật báo Người Việt cách đây không lâu.

Những đoạn văn trích lời thư của anh Chính gửi cho tòa báo để tìm cha mẹ đã làm nhiều người xúc động:

“Nay đã gần 40 tuổi, đã có gia đình vợ con, nhưng lòng tôi vẫn luôn hướng về nơi xa xăm nào đó cha mẹ hoặc người thân yêu cùng máu mủ với tôi cũng có lẽ đang đau khổ như tôi trong mấy chục năm ròng cố tìm kiếm nhau nhưng thấy đều vô vọng.”

“Hỡi cha mẹ thân yêu! Người ở đâu? Chân trời góc bể nào, có nghe được tiếng lòng của con không? Con đang thèm khát được gọi hai tiếng cha mẹ. Cầu xin ơn trên cho con tìm lại được một gia đình hạnh phúc thực sự mà cha mẹ con vô tình hay cố ý bỏ rơi con...”

.

“Tôi nghĩ cậu bé này có thể là con tôi! Ngày 29 tháng 3 tôi đưa các cháu ra sân bay Ðà Nẵng di tản, nhưng đã lạc mất đứa con trai.”

Bác Dung, nhà ở San Jose, nay đã gần 70 tuổi, cho biết “trong những ngày tháng xế chiều, chỉ mong mỏi tìm lại người con đã thất lạc” cách đây đã 35 năm.

“Tôi còn nhớ lúc đó hỗn loạn lắm, mọi người chen lấn vào nhau mà đi. Thằng con tôi bé lắm, chỉ biết nói bặp bẹ ‘ăn cơm với cá khô’ thôi...”

“Nếu nó có một cái bớt nhỏ ở lưng, và ngày xưa mặc chiếc áo len nâu pha mầu kem thì đúng là con tôi!”

“Người ta đi chen nhau đi quá, tôi lạc mất nó. Tôi đã đi tìm nó từ ba mươi mấy năm nay.”

Bác Dung tâm sự, giọng nghẹn ngào.

.

Cũng như bác Dung, chú Phạm Văn Hồng, cựu sĩ quan tốt nghiệp Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, binh chủng Bộ Binh, phục vụ tại phòng Ba bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, thất lạc người cháu trai ruột, cũng tại sân bay Ðà Nẵng, trong những ngày hỗn loạn đó.

Ngồi trước mặt tôi tại tòa soạn nhật báo Người Việt, chú Hồng ôn lại khung cảnh thành phố Ðà Nẵng, vào những ngày cuối tháng 3.

“Sáng ngày 29 tháng 3, Ðà Nẵng đã được lệnh bị bỏ ngỏ, anh tôi là Ðại Tá Phạm Thế Vinh lúc đó vẫn còn ở trong đơn vị.”

“Còn tôi, vì không phải ra chiến trường, nên được giao trọng trách lo di tản cả gia đình vào Sài Gòn.”

“Anh Vinh lúc đó là trung đoàn trưởng, phải đi hành quân, anh ấy đặt hết tin tưởng vào tôi.”

“Nhưng tôi đau lòng một cái là tôi không hoàn thành được nhiệm vụ để cho anh tôi bị mất một đứa con.”

Nói đến đây chú Hồng bật khóc!

Ngớt cơn xúc động, chú Hồng cho biết trước đó một tuần, chú đã lo cho vợ và hai con di tản vào Sài Gòn trước để rảnh tay lo cho mẹ và vợ con của người anh ruột.

“Tình hình lúc đó rất kinh hoàng, đồng bào mình chạy loạn từ khắp nơi về Ðà Nẵng, rồi lại từ Ðà Nẵng tìm cách di tản về Sài Gòn.”

“Gia đình tôi được chia làm hai. Chị dâu tôi, vợ anh Vinh, lúc đó có bầu 8 tháng, mẹ tôi lúc bấy giờ 80 tuổi, và một cháu bé lúc đó mới được một, hai tuổi, thuộc nhóm 1, được gia đình ưu tiên mua vé đi máy bay Air Việt Nam.”

“Lúc đó có cả một anh trung sĩ đi theo để giúp tôi đưa mọi người đi, anh lính lo cho đứa bé, còn tôi thì lo cho mẹ và chị.”

“Tôi định đưa nhóm thứ nhất lên máy bay xong rồi thì cùng những người con lớn của anh Vinh đi theo máy bay quân sự vào Sài Gòn.”

Chú Hồng cho biết tình hình không xảy ra như dự tính!

“Người ta đổ ra sân bay đông quá, chúng tôi không thể đến gần máy bay được.”

“Còn máy bay thì không đáp hẳn xuống mà quay đầu lại từ phi đạo và cứ bay là đà trên mặt đất.”

“Chuyến máy bay nghiệt ngã đó là chuyến bay Air Việt Nam cuối cùng ra khỏi Ðà Nẵng, phi vụ 626 hay 606 gì đó.

Ðến khoảng 9, 10 giờ sáng thì nó tới.”

“Ðó chính là chuyến may bay mà đài BBC Luân Ðôn ngay tối hôm đó mô tả là bị mọi người đu đeo lên bánh xe, đu đeo trên cái hộc khiến cho cánh cửa nó bục ra.”

“Người người đông đến nỗi chúng tôi không thể chen chân đến gần được, khi máy bay cất cánh thì chúng tôi còn cách máy bay ít nhất là 5 mét.”

“Người ta tiếp tục chen nhau đu lên. Một phi hành đoàn, lúc sau tôi được biết là một người Ðức, phải cầm súng bắn lên không cho người ta khỏi đu lên nữa.”

“Cũng ngay lúc đó thì Việt Cộng pháo kích vào phi trường.”

“Mọi người nằm rạp xuống đất. Còn tôi thì vẫn đứng yên để nhìn tình hình tổng quát.”

“Một lúc lâu sau, khi máy bay bay hẳn đi rồi thì dần dà pháo kích cũng ngưng.”

“Mọi người từ từ tản mát bớt đi, tôi tìm cách gom người nhà mình, cả toán 1 và toán 2 gồm mấy người con lớn nữa của anh Vinh vào.”

“Lúc đó thì tôi mới thấy là thiếu mất cháu bé và anh lính.”

“Lúc đó chúng tôi lại đinh ninh là có lẽ chú lính đã bế được cháu bé lên máy bay, bay vào Sài Gòn rồi.”

“Gia đình chúng tôi bị kẹt lại ở Ðà Nẵng cả tháng sau. Còn tôi ngày 5 tháng 4 đã phải đi trình diện để đi tù Cộng Sản rồi”.

“Sau khi anh tôi về được Sài Gòn thì chú lính đến nhà, chú ấy cạo đầu, nói là em xin lỗi đại tá, em để cháu lại Ðà Nẵng, chắc là anh Hồng anh ấy lo cho cháu rồi.”

“Gia đình tôi lúc ấy không biết sao mà nói cả. Còn tôi thì vừa lo cho bản thân, vừa bị dày vò bao nhiêu năm nay vì đã không lo toàn nhiệm vụ.”

“Cả gia đình đi tìm cháu bao nhiêu năm nay, anh tôi cũng lặn lội ghê lắm, lúc còn ở Việt Nam, ông ấy lên Ðắc Lắc, xuống Ðà Lạt rồi ra Ðà Nẵng rồi về miền Tây, hễ ai mách ở đâu thì đến đó.”

“Cũng nhờ cả chương trình ‘như chưa bao giờ chia ly’ nhưng không ăn thua gì.”

“Bây giờ thì anh ấy 83 tuổi rồi, nhưng vẫn ước mong tìm lại được đứa con.”

“Bài báo của cô về cậu bé Nguyễn Ðức Chính tác động lên tôi rất mạnh.”

“Khi tôi đọc đến đoạn ‘cháu bị bỏ ở sân bay Ðà Nẵng’ thì tôi đã khóc.”

“Vì bài báo nói đến đứa bé 2 tuổi bị bỏ lại ở sân bay Ðà Nẵng thì tôi đặt niềm tin vào đây.”

Nhắc đến hai chữ Ðà Nẵng chú Hồng lại bật khóc.

“Tôi không bao giờ quên được quang cảnh Ðà Nẵng ngày hôm ấy.”

Chú nói.

“Tôi không phải là người đọc bài báo ấy đầu tiên mà bà xã tôi đọc trước.”

“Bà ấy đọc trên online vì nhà tôi ở xa quá không mua được báo, ngày nào bà ấy cũng moi Người Việt Online ra đọc.”

“Vợ tôi đọc xong bà kêu tôi ra liền, bà bảo anh ơi có thằng bé này...”

Chú Hồng kể tiếp giữa những tiếng nấc nghẹn.

“Trong khi tôi đọc bài báo này, thì anh tôi ở San Jose, ông lên đó với thằng con trai thứ.”

“Hôm sau có người xe Hoàng mang báo Người Việt lên, nên anh ấy đọc được, liền gọi về cho tôi.”

“Ông bảo ở nhà có đọc báo Người Việt không?”

“Ồ, anh hỏi thì em biết rồi, nhà em biết bài báo đó rồi.”

“Cả nhà bàn nhau bằng mọi giá phải đi tìm, phải liên lạc. Anh tôi thì bảo sẽ từ San Jose về ngay để bàn chuyện.”

“Tôi bảo thôi em ở đây rồi, anh để em lo.”

“ Lúc nào tôi cũng dành phần lo việc này, vì tôi rất ân hận tôi không làm xong chuyện để mấy chục năm nay anh tôi mất đứa con, thành ra tôi rất đau lòng, tôi phải đi tìm cho bằng được.

Dù sao sức khỏe tôi cũng khá hơn anh...”

“Anh Vinh về đến đây là cả gia đình chúng tôi gặp nhau ngay để gọi phôn về Việt Nam.”

“Tôi là người bốc điện thoại, nói chuyện đầu tiên, tôi bảo là tôi là chú ruột của cháu bé đó.”

“Anh tôi thì nói đã dốc lòng đi tìm cháu đã bao nhiêu năm nay rồi.”

“Chị tôi thì ngồi đằng sau nhắc ngày đi cháu mặc quần áo màu gì, nhắc cái bớt ở tay.”

“Rồi sau đó, chúng tôi chuyển phôn cho Khánh, anh của cháu để bàn về cách liên lạc qua email.”

“Cháu nói là lúc đó cháu còn bé quá, mà người nuôi thì không còn nữa, và lâu rồi chỉ nhớ là có người nói trên người cháu mặc bộ quần áo Hải Quân.”

“Còn cái bớt ở tay thì cháu tìm không thấy!”

“Nhưng chúng tôi cũng không vì thế mà hết hy vọng.”

“Tuần sau con anh Vinh sẽ đưa anh ấy đi làm DNA.”

“Còn bên Việt Nam cháu Nguyễn Ðức Chính cũng nói sẽ đi làm DNA gửi qua.”

“Nếu DNA trùng hợp thì mới xác quyết 100% được.”

“Khi chú đọc bài báo này chú có linh cảm đây là người nhà của mình không?”

Tôi hỏi.

“Tôi rất hy vọng, vì yếu tố chính nhất là phải nhặt cháu từ phi trường về, hay khoảng 500 thước ở gần phi trường.”

“Sở dĩ tôi xoáy quanh cái địa điểm phi trường, là vì khung cảnh ngày hôm đó, tất cả chung quanh phi trường người ta đã đóng cửa, quân cảnh họ gác ở đó, trong không ra được, ngoài không vào được. Lệnh trên bắt đóng cửa hoàn toàn. Trên đường từ phi trường về nhà thì đã thấy bao nhiêu xác chết nằm đó rồi...”

“Nếu ai nhặt được cháu phi trường Ðà Nẵng thì cơ hội là cháu rất cao.”

“Vì thế khi đọc bài báo này của cô, tôi xúc động mạnh. Theo những dữ kiện được gom lại thì cậu bé này tương đối khả tín.”

“Ngoài cái bớt trên tay, người cậu bé có dấu vết gì đặc biệt không thưa chú?”

“À có, còn có một vết mổ ở chân.”

“Lúc cháu một tuổi nó bị sốt xuất huyết, cho nên nó mất tĩnh mạnh rồi không lấy vein được, cho bác sĩ phải rạch chân ra để ông ấy lấy vein, sau đó ông may lại, nhưng lâu quá có lẽ vết sẹo cũng mờ nhạt rồi...”

“Thật ra bây giờ tôi cũng không biết như thế nào, nhưng xúc tiến thì phải xúc tiến.”

“Còn giả sử trường hợp này sai, thì biết đâu lại có một cơ hội khác, một độc giả khác cũng đang đi tìm cha mẹ bị thất lạc, thì chúng tôi sẽ gặp nhau ở chỗ này.”

“Anh tôi giờ đã 83 tuổi, còn chị tôi thì cũng 80 rồi. Anh chị không mong gì hơn ở những ngày cuối đời, tìm lại được đứa con thất lạc.”

Chú Hùng và tôi chia tay và hẹn sẽ liên lạc khi có kết quả DNA.

Tôi tiễn chú mà lòng bâng khuâng. Ngoài gia đình chú Hồng ra, còn bao nhiêu người nữa đã thất lạc thân nhân?

Bao giờ mới hết những hệ lụy của cuộc chiến đã xảy ra trên đất nước Việt Nam cách đây hơn 35 năm?

.

.

.

No comments: