Vụ ánTrần Khải Thanh Thủy: Bất công và thiếu minh bạch
Thứ sáu 16 Tháng Tư 2010
http://www.viet.rfi.fr/node/18040
Tổng thư ký Hiệp Hội Quốc Tế Nhân Quyền, Vũ Quốc Dụng, trả lời câu hỏi của Tú Anh về trường hợp nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị tòa án Hà Nội xử y án 42 tháng tù giam.
Trong phiên xử phúc thẩm hôm nay tại Hà Nội , nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị xử y án 42 tháng tù giam. Chồng bà là ông Đỗ Bá Tân, 2 năm tù treo. Cả hai bị buộc tội « cố ý đả thương ». Tuy nhiên, công luận và giới bảo vệ nhân quyền xem đây là một vụ án dàn dựng để vô hiệu hóa một người cầm bút can đảm.
.
Ông Vũ Quốc Dụng, tổng thư ký Hiệp Hội Quốc Tế Nhân Quyền của Đức trả lời các câu hỏi của RFI :
.
Bản án phúc thẩm: Bất công và thiếu minh bạch
Phiên xử phúc thẩm của Toà án Nhân dân Hà nội đã giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với nhà văn và nhà báo Trần Khải Thanh Thủy là 42 tháng tù giam và chồng bà là ông Đỗ Bá Tân là 24 tháng tù treo. Đây là một bản án bất công vì dựa trên một sự bịa đặt, một sự đổi trắng thay đen. Vợ chồng nạn nhân của một vụ hành hung nay bị biến thành thủ phạm. Đáng lý hai vợ chồng bà phải được trắng án, được bồi thường thiệt hại và thủ phạm chính phải bị đưa ra toà xét xử thì mới phải lẽ. Nhưng cả một hệ thống nhà nước đã được huy động vào việc bắt giam cho bằng được bà Trần Khải Thanh Thủy - khởi đi từ công an phường, đến báo chí nhà nước, viện kiểm sát và toà án, để hoàn thành mục đích duy nhất là cô lập một nhà văn kiêm nhà báo. Điều khiến tổ chức của chúng tôi quan ngại sâu sắc là chính quyền Việt Nam đã tìm mọi cách để bịt miệng sự thật. Luật sư đến phút cuối mới được tham dự; toà án thì bỏ ngoài tai dẫn chứng và lý luận của luật sư và rõ ràng thiên vị phía công tố; Đại diện ngoại giao không được vào quan sát, còn báo chí nước ngoài thì chỉ được xem truyền hình, nhưng đến đoạn bà Trần Khải Thanh Thủy phản đối bản án thì truyền hình mất hình. Trong cả 2 phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, bà Trần Khải Thanh Thủy đều bị trục xuất khỏi phòng xử. Đây là những yếu tố khiến cho người ta càng tin rằng đây là một vụ án thiếu minh bạch mà chính quyền Việt Nam đang dùng mọi cách che giấu nó.
.
Quốc tế chỉ trích vì xem đây là một vụ án chính trị
Những đối tác quan trọng với Việt Nam như Liên hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ đã mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Việt Nam đàn áp nhà văn và nhà báo Trần Khải Thanh Thủy vì cho rằng chính quyền Việt Nam đang đàn áp những người bất đồng chính kiến và đang bịt miệng họ. Vụ án này rất tiêu biểu cho kiểu đàn áp Việt Nam. Xin nhắc lại một chút về toàn cảnh của vụ bắt giữ này. Trước khi bị đánh vỡ đầu và bắt giam thì vợ chồng bà Trần Khải Thanh Thủy đã đi Hải Phòng để theo dõi phiên xử sáu nhà dân chủ nhưng bị công an cản chặn ở dọc đường. Khi về đến nhà thì vợ chồng bà bị hai người đàn ông gây sự đánh trước sự có mặt mà không can thiệp nhân viên công lực. Rồi đến vụ đưa một bức hình giả lên báo. Rồi lại có việc ép cung và những vi phạm thủ tục tố tụng khiến cho người ta phải nghĩ rằng chính quyền Việt Nam quyết tâm bắt tù nhà văn nhà báo này. Phải xem đây là một vụ án chính trị chứ không còn là một vụ được xử theo đúng luật nữa.
Nói chung việc vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là một vấn đề nhân quyền đang được quốc tế quan tâm. Khi tham dự phiên họp của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhân kỳ báo cáo của Việt Nam hồi tháng 5 năm ngoái tôi thấy rất nhiều phái đoàn ngoại giao đã chỉ trích những vi phạm trong lãnh vực này. Nhưng Việt Nam đã từ khước mọi đề nghị cải thiện, cho dù đó là một chuyến viếng thăm của đại diện Liên Hiệp Quốc về vấn đề tự do ngôn luận. Quốc tế ghi nhận sự bất hợp tác rõ ràng của Việt Nam trong vấn đề này.
.
Những chỉ trích chỉ có tác dụng hạn chế
Tôi cho rằng những chỉ trích này có tác dụng nhưng còn rất hạn chế. Sau nhiều chỉ trích của quốc tế trong vụ bắt giữ bà Trần Khải Thanh Thủy thì khi đưa bà ra xử sơ thẩm, chính quyền Việt Nam có hơi nhượng bộ một chút. Họ cho đến 4 thân nhân vào phòng xử, cho đại diện sứ quán Mỹ và một vài phóng viên báo chí nước ngoài được vào ngồi xem truyền hình. Nhưng đến phiên phúc thẩm hôm nay thì lại có sự siết lại. Chúng tôi thấy luật sư đến phút cuối mới tham gia, không thấy có đại diện ngoại giao nào, còn truyền hình thì bị cắt ở đoạn gay cấn nhất. Bản án thì bị giữ nguyên dù bị chỉ trích nhiều.
Theo tôi, quốc tế cần có một nỗ lực tổng hợp để đưa vấn đề vi phạm quyền tự do ngôn luận và báo chí trở thành đề tài được thường xuyên và liên tục trong mọi cuộc hội nghị với chính quyền Việt Nam. Trong các cuộc hội nghị này hai bên cần nói đến những trường hợp cũ và những bước giật lùi chứ không phải chỉ nói về trường hợp mới.
.
Cần hợp tác để có sự góp sức của các tổ chức nhân quyền quốc tế
Đối với trường hợp bà Trần Khải Thanh Thủy thì tất cả các tổ chức nhân quyền quốc tế lớn đều xác định bà là một nạn nhân của sự đàn áp chính trị và là tù nhân lương tâm. Sự đồng lòng lên tiếng của chúng tôi đã khiến dư luận quốc tế chú ý đến số phận của bà và nhiều quốc gia đã đặt vấn đề với chính quyền Việt Nam. Chúng tôi xem nhà văn nhà báo Trần Khải Thanh Thủy là một trường hợp điển hình và sẽ tiếp tục tranh đấu cho đến khi bà được tự do hoàn toàn. Trong lần ở tù trước người ta đã dùng tù hình sự hành hạ, đánh đập bà để bẻ gẫy ý chí của bà. Lần này chúng tôi chưa nghe về các xâm phạm đến thân thể và sức khoẻ của bà mặc dù biết rằng bà có bị ép cung. Bà Trần Khải Thanh Thủy còn có nhiều bệnh nặng kinh niên, nên nếu muốn thì chính quyền Việt Nam vẫn có thể trả tự do cho bà vì lý do nhân đạo.
Ở đây tôi cũng xin được có một lời kêu gọi các luật sư và luật gia Việt Nam giúp chúng tôi điều tra về các vụ vi phạm nhân quyền. Thời gian qua những bài phân tích hoặc những bài biện hộ của họ đã giúp cho các tổ chức nhân quyền hiểu tường tận vấn đề hơn dưới góc độ của luật Việt Nam và luật quốc tế. Cá nhân tôi rất ưu tiên tìm đọc các bài viết hoặc nghe lời phát biểu của họ.
Chúng tôi cũng cần những người Việt hải ngoại giúp dịch những tin tức và văn bản bằng tiếng Việt. Cá nhân tôi đọc được tiếng Việt nên không gặp khó khăn nhưng tôi nghĩ đến các tổ chức đồng nghiệp phải đi tìm người dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Tôi biết chính quyền Việt Nam đang tìm mọi cách để cản trở không cho các luật sư và luật gia tham gia vào các vấn đề nhân quyền, để báo chí và các tổ chức bên ngoài không nhận được thông tin chính xác. Do đó tôi càng trân trọng những vị luật sư và luật gia dám nói lên tiếng nói của lương tâm và làm theo đức lý luật sư - bất chấp mọi hiểm nguy và thiệt thòi bản thân.
.
Phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng - Đức
http://www.viet.rfi.fr/node/18040
.
.
.
No comments:
Post a Comment