Monday, April 12, 2010

VỤ ÁN BÀ BA SƯƠNG và HẬU TRƯỜNG ĐẠI HỘI ĐẢNG XI

Vụ án bà Ba Sương và hậu trường Đại hội Đảng lần thứ XI

Lê Diễn Đức

13/04/2010 1:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=18876

Ngày 6/04/2010, báo chí trong nước đưa tin Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm toàn bộ vụ án “lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu do bà Trần Ngọc Sương làm giám đốc.

Trước đó, ngày 19/11/2009, Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố (TP) Cần Thơ đã xử phúc thẩm, y án 8 năm tù với bà Ba Sương, 4 năm tù với ông Đặng Thế Quốc Hưng (nguyên kế toán trưởng), giảm 1 năm tù cho hai người còn lại. Bà Sương cùng những người bị quy phạm đã khiếu nại, yêu cầu các cơ quan tố tụng trung ương giám đốc thẩm vụ án.

Cần nhắc lại rằng, trao đổi với báo chí, ông Trương Hòa Bình, chánh án TAND Tối cao khẳng định các cơ quan tư pháp trung ương “theo dõi rất sát vụ án với tinh thần khách quan, dứt khoát không bàng quan, vô cảm” và “bà Ba Sương đang bệnh nặng, không đủ sức khỏe đảm bảo việc thi hành án là lý do chính đáng để giải quyết cho bà được hoãn thi hành án” (Tuổi Trẻ 26/11/09).

.

Những bà mẹ anh hùng

Trong bài Trần trụi 87 của nhạc sĩ Trần Tiến vào những năm 80, bị cấm phổ biến, có câu:

Tôi đã thấy bà mẹ năm xưa chào đón quân đi

Mẹ mang mo cơm nuôi từng chiến sĩ

Bà mẹ nào giờ đây xin ăn, trên những toa tàu

Anh có đau không?

Ít lâu sau, trong thập niên 90, nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt viết:

Suốt một đời bạc tóc dưới mưa bom,

Mẹ lầm lũi đào hầm nuôi cách mạng.

Đào cho thủng đêm đen, cho đến ngày hực sáng,

Mẹ chống gậy đi chọn mặt gởi vàng.

Mẹ đâu còn vàng! Còn một chút lòng tin,

Chọn mặt nào mà gửi?

Này có phải mặt này từ hầm mẹ trồi lên?

Mẹ nhìn mãi nét mờ nét tỏ.

Mẹ nhìn suốt những mặt con đầy tớ,

Mặt đứa nào cũng béo tốt phương phi,

Cầm cuốc một đời, cầm bút bỗng vân vi.

Chọn mặt nào mà gửi?

Chọn mặt nào cho máu mình đỡ tủi?

Tôi nhớ lại những vần thơ trên đây, chính là vì sau phán quyết của tòa án thành phố Cần Thơ, từ ba miền Bắc-Trung-Nam dấy lên một đợt sóng bất bình rộng lớn. Có tới 110 nông dân ở Nông trường Sông Hậu xin được đi tù thay bà Ba Sương. Một hành động phản kháng chưa có tiền lệ trước hệ thống tư pháp của CHXHCN Việt Nam.

Ngay cả một số người cầm bút có lương tri và bản lãnh trong nước đã phải chui vào vỏ bọc lánh mình sau vụ xử tù nhà báo Nguyễn Việt Chiến (PMU 18), cũng đồng loạt lên tiếng ủng hộ bà Trần Ngọc Sương.

Để tránh những ngộ nhận và đi tới phân tích, đánh giá khách quan vụ án “lập quỹ trái phép” của Nông trường Sông Hậu này, tôi chỉ đưa ra những nhận định của người trong cuộc, tức là ở trong nước.

Lê Thanh Tâm, phóng viên báo Tuổi Trẻ, 26/11/2009, viết:

Có một thực tế tuy không nói ra rộng rãi song ai cũng biết là quỹ trái phép có từ rất lâu, vốn tồn tại ở không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan sự nghiệp có thu. Đến nay tình trạng lập quỹ trái phép vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nếu làm thẳng tay có lẽ còn không ít người phải vào tù…

Quỹ trái phép vốn xuất hiện để lách qua những nguyên tắc cứng nhắc. Nó cũng là sản phẩm của sự xuống cấp đạo đức xã hội, đặc biệt là sự tha hóa trong một bộ phận cán bộ nhà nước. Ngoài chuyện lập quỹ trái phép để tham ô hay mưu cầu danh lợi cá nhân hoặc “chung chi” này nọ, người ta còn sử dụng quỹ này để chi đủ thứ như tiệc tùng, tiếp cấp trên, “bôi trơn” cho các đoàn kiểm tra, thậm chí để đón khách tham quan học tập, giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ ma chay

Có thể ai đấy sẽ nói rằng “các vị giám đốc ơi, đừng lập ‘quỹ đen’ nữa, có rất nhiều người hưởng quỹ này, nhưng chỉ có mình anh chết, dại gì mà chết oan uổng như vậy”. Lời khuyên ấy có vẻ thông minh nhưng thiếu thực tiễn. Không có “quỹ đen”, e rằng khó ngóc đầu dậy, công việc của đơn vị cứ vướng chỗ nọ, mắc chỗ kia, ì ạch mãi chẳng trôi. Nỗi khổ của các giám đốc là đây.

Cũng trên Tuổi Trẻ cùng ngày, trong bài “Luật không phải là bẫy rập” của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện có đoạn:

Vào những năm 1980, luật pháp chưa thiết lập các tiêu chí rành mạch giúp phân biệt giữa một bên là quỹ hợp pháp với bên kia là quỹ bất hợp pháp…

Nếp làm việc đó tất yếu tạo ra thói quen lập luận ở cấp sơ đẳng, lấy mục tiêu của công việc để biện minh cho những phương tiện được sử dụng nhằm thực hiện công việc. Chẳng hạn, nếu mục tiêu của việc lập quỹ là chính đáng, như để giúp nhiều người có cuộc sống khả dĩ coi được trong bối cảnh khó khăn chung, để có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các cơ quan, tổ chức khác mỗi dịp lễ, tết… thì cách đạt mục tiêu, tức là lập quỹ để chủ động nguồn tài chính cần thiết, cũng chính đáng, cũng hợp đạo lý, lẽ phải.

Đan Tâm viết trên tờ Lao Động, 27/11/09:

Khi “vụ án Trần Ngọc Sương” nổ ra, tôi thực tình vừa lo cho cha con người anh hùng lao động có công đầu rất lớn, vừa lo cho một mô hình đưa nông thôn lên sản xuất lớn bị vùi dập và xoá bỏ, nên mặc dầu ở xa, nhưng tôi rất chăm chú theo dõi “vụ án” này. Nhưng rồi cái lo lắng đó của tôi đã được giải toả bước đầu, khi “vụ án Trần Ngọc Sương” đã và đang được xem xét lại. Tôi tin rằng, công lý trước sau sẽ được xác lập lại, đúng sai, công “tội” của nguyên Giám đốc Nông trường Trần Ngọc Sương sẽ sớm được sáng tỏ.

Trên tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đăng Trừng, chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, đại biểu Quốc hội (QH), người bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương tại phiên tòa phúc thẩm, nói:

Cần đặt vụ việc vào giai đoạn lịch sử thành lập, hoạt động của Nông trường Sông Hậu. Nông trường đã hình thành từ năm 1979, ngay từ khi cha bị cáo Sương là ông Trần Ngọc Hoằng điều hành nông trường. Từ thời điểm đó, nguồn quỹ này được hình thành.

Đó là quỹ công đoàn, sử dụng cho ba lợi ích. Đến giai đoạn của bị cáo Sương điều hành nông trường, nguồn quỹ đó tiếp tục duy trì, ai cũng biết, không phải giấu giếm gì. Làm sao mà trong từng ấy năm các cơ quan chức năng không biết, không xử lý mà để đến bây giờ mới đem bà Sương ra quy trách nhiệm? Xử lý bà Sương về tội “lập quỹ trái phép” trong khi bà không phải là người lập ra quỹ ấy là chưa chuẩn xác. Bản thân bị cáo cũng không hề sử dụng bất cứ đồng nào từ nguồn quỹ ấy để chi xài riêng cho bản thân mình. Tất cả khoản chi đều là cho nông trường: tiếp khách, ma chay, trợ cấp, tìm đối tác

Nông trường Sông Hậu là một điển hình của mô hình kinh tế trong thời kỳ đổi mới, đã hai lần được phong danh hiệu anh hùng. Nếu cho rằng giám đốc Trần Ngọc Sương có sai phạm trong quản lý, điều hành nông trường thì cơ quan tố tụng phải đưa ra được các chứng cứ để chứng minh. Nếu bà Sương có vi phạm gì thì cũng không phải là tội lập quỹ trái phép.

.

Vào giữa thập niên 80, cả nước bên bờ vực chết đói vì chính sách giá-lương-tiền của nhà thơ làm kinh tế Tố Hữu và cuộc cải tạo công thương nghiệp, cùng tập thể hóa nông nghiệp và ngăn sông cấm chợ tại miền Nam của Đỗ Mười. Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 với khẩu hiệu “Nói và Làm” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người Việt bắt đầu được “cởi trói”, “đổi mới” tư duy kinh tế. Ai ai cũng biết rõ, quỹ đen như của Nông trường Sông Hậu là đứa con phải đẻ ép của chính sách nhà nước lúc bấy giờ, nhưng là một chính sách mập mờ, bật đèn xanh cho các cơ quan, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước linh hoạt vận dụng với mục tiêu bù đắp thêm phúc lợi cho đời sống của công nhân, viên chức.

Phong trào “3 lợi ích” ra đời. Chủ nghĩa cơ hội ích nước song song với lợi nhà phát triển muôn hình muôn vẻ. Các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng lao vào làm ăn, từ việc cử cán bộ nhân viên lập bãi giữ xe đạp, xe gắn máy lấy tiền, đến chuyện dùng quỹ của nhà nước cho công đoàn mượn để đầu tư vào bất cứ cái gì có thể kiếm thêm chút ít (mượn rồi trả, có hại gì ai!). Tiền thu của công đoàn, phần hoàn vốn, phần lãi chia thêm vào đồng lương chết đói của cán bộ, viên chức. Thế cho nên cụm từ “3 lợi ích” là cái đuôi gắn vào đủ các loại hình dịch vụ và sản phẩm của xã hội, hợp thức hóa khoản thu ngoài sổ sách kế toán: “bia 3 lợi ích”, “vải 3 lợi ích”, “sách 3 lợi ích”, “quán nhậu 3 lợi ích”, “thịt, gạo 3 lợi ích”, cho thuê “xe 3 lợi ích”, vân vân và vân vân. Tôi còn nhớ, bia chai theo diện phân phối rất hiếm, nhưng tới nhà máy bia gần Sân Vận động Thống Nhất ở quận 10 Sài Gòn, “bia hơi 3 lợi ích” bán trong các can nhựa từ nhà máy tuồn ra lúc nào cũng sẵn!

Cơ quan tôi lúc bấy giờ xây dựng một nhà máy làm nước đá ở Long Hải, thuộc bà Rịa-Vũng Tàu. Thu nhập hàng tháng nhỉnh lên, nhưng chuyện cán bộ lợi dụng đầu tư bớt xén cũng có, nên xảy ra tố cáo nhau, gây đấu đá nội bộ rất căng.

Tuy nhiên, chính nhờ “3 lợi ích” mà cuộc sống của hàng triệu người ăn lương được cải thiện. Vì thế, dễ hiểu rằng, tại sao dư luận quần chúng lại bênh vực bà Ba Sương như vậy.

Có người còn bạo miệng cho rằng, vụ án này đụng tới một trong ba “Chị Ba” anh hùng của miền Nam. Đó là bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), giám đốc công ty kinh doanh lương thực, Anh hùng Lao động (1983, 1984), được Tuần báo Asia Week bình chọn là nhà kinh doanh thành đạt nhất châu Á năm 1991. Thứ hai là tướng Nguyễn Thị Định (Ba Định), Anh hùng Quân đội. Sau cùng là bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bình chọn danh hiệu “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á-Thái Bình Dương” năm 2002 cùng với 15 phụ nữ xuất sắc nhất từ 11 nước vào vòng chung kết tổ chức tại Singapore.

Bất chấp những kết luận của cơ quan điều tra và ngay cả bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, dư luận tích cực nghiêng về phía “cô Ba Sương tốt bụng”. Tờ Lao Động ngày 27/11/09 có bài với nhan đề “Làm gì để giúp bà Ba Sương?”. Thậm chí, trên Blog của mình, nhà văn Phạm Viết Đào cảnh báo: “Vụ án bà Ba Sương, đòn điểm huyệt chế độ”.

Trước phản ứng mạnh mẽ của các tầng lớp xã hội và báo chí trong nước cũng như dư luận nước ngoài, sự kiện bà Ba Sương đã dẫn tới những cuộc trao đổi gây tranh cãi tại Quốc hội Việt Nam trong phiên họp cuối năm ngoái.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói rằng, “khi một bản án được tòa tuyên, có hiệu lực pháp luật rồi thì phải được dư luận xã hội đồng tình, đấy mới là bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người đúng tội. Còn bản án sau khi được tuyên mà dư luận lại không đồng tình thì phải xem lại”. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, “có điều gì đó chưa được nhuần nhuyễn trong quá trình vận dụng luật pháp” (VietNamNet 26/11/09).

Thực chất của vụ án

Khi có lệnh khởi tố bà Ba Sương, nhận thấy có điều gì đó thiếu minh bạch, bất bình thường, ngày 8/05/2008, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư cho Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, như sau (trích):

Tôi được biết, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án xuất phát từ Thông báo kết luận của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tại cuộc họp ngày 18/3/2008, trong đó có chỉ đạo trực tiếp việc khởi tố vụ án, đồng thời cũng nêu rõ tội danh làm cơ sở khởi tố.

Tôi không lầm thì thông thường việc này phải do cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát tiến hành. Tôi không rõ có những lý do gì bên trong để các đồng chí giải thích cho việc này: cơ quan Đảng chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố án.

Việc Thành ủy Cần Thơ chủ trương và chỉ đạo vụ án ngay từ đầu đã được báo chí trong nước chứng minh bằng công văn số 1575/UBND-NC ngày 25/3/2008 của Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ do Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn ký thay Chủ tịch. Thế nhưng, khi tờ Tiền Phong chất vấn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên chạy làng: “Thành ủy không có công văn trực tiếp chỉ đạo khởi tố vụ án”.

Còn với tờ Tuổi Trẻ, qua điện thoại ngày 20/11/2009, ông Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ, trâng tráo: “Mức án mà tòa tuyên xử đối với chị Ba Sương như vậy là đã có tình có lý rồi. Ra tòa là quyền quyết định của tòa, Thành ủy không can thiệp gì cả”.

Cái trước mâu thuẫn với cái sau, như gà mắc tóc trong các phát biểu của lãnh đạo Cần Thơ. Thành ủy chỉ đạo vụ án, tòa án Cần Thơ đã xử, vậy mà với báo Tiền Phong hôm 8/04/2010 ông Phạm Thanh Vận nói “vụ án Nông trường Sông Hậu không phải của Cần Thơ. Vụ án này, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cho rằng là một trong 17 vụ tham nhũng nghiêm trọng...”.

Quyết định kháng nghị hủy toàn bộ bản án để điều tra, xét xử lại từ đầu của VKSND Tối cao là gáo nước lạnh hắt vào mặt các quan chức thành phố Cần Thơ. Trao đổi với tờ Lao Động hôm 7/04/2010, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể khẳng định toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm “có nhiều sai lầm, thiếu sót cả về nội dung và thủ tục tố tụng”.

Trên Blog Osin (12/2009), nhà báo Huy Đức có bài viết đi thằng vào vấn đề:

Có lẽ không có dẫn chứng nào đáng tin cậy hơn cho thấy vai trò của “Đất” trong vụ án bà Trần Ngọc Sương như phát biểu được ghi âm của ông Phạm Thanh Vận ngày 25/10/2007: “Chị nghỉ nhưng làm sao cho hạ cánh an toàn trong danh dự nếu giao lại đất Nông trường”.

Một nhận định hoàn toàn chính xác. Không rõ nó có phải là lý do quan trọng nhất khiến Blog Osin bị đánh sập hay không?

Nguồn tin riêng của tôi từ một cán bộ cao cấp đang đương nhiệm tại Quốc hội Việt Nam khẳng định chắc chắn nguyên nhân được đưa ra của nhà báo Huy Đức.

Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Tốc độ tăng trưởng của Cần Thơ trong 5 năm qua rất cao, bình quân hơn 15%, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội địa và quốc tế. Cần Thơ có tham vọng trở thành thủ đô của đồng bằng Sông Cửu Long. Rất nhiều dự án xây dựng hạ tầng tiếp tục được thực hiện. Ngày 24/06/2009 ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định công nhận Cần Thơ là đô thị loại 1. Sẽ rất ngây thơ nếu cho rằng, vụ án bà Ba Sương chỉ nằm trong khu vực quyền lợi của Thành ủy Cần Thơ.

Cần Thơ đang khát đất tốt! Tấc đất tấc vàng! 5.568 hécta ven bờ Sông Hậu là địa điểm lý tưởng, một kho báu vô giá.

Đất thuộc sở hữu của nhà nước, nhưng nhà nước biến các đảng viên lãnh đạo thành những ông địa chủ. Hàng trăm ngàn đảng viên có chức quyền của ĐCSVN đã phù phép, trắng thay đen, phất lên giàu có một cách bất ngờ và khủng khiếp chính là từ quy hoạch đầu cơ đất, chia chác, huê hồng từ các vụ sang nhượng chủ quyền, cấp sổ đỏ, cho thuê và đền bù thiệt hại. Trong những năm qua, hàng chục ngàn vụ lớn nhỏ gây xung đột, nhiều lần đổ máu, giữa người dân – với tên gọi phổ cập là “dân oan” – và nhà cầm quyền là do tranh chấp quyền lợi đất. Đụng vào bà Ba Sương còn tại vị mà phía sau là hàng chục ngàn nông dân chịu ơn nghĩa và đông đảo quần chúng bảo vệ, chia sẻ, việc tước đoạt đất không dễ dàng.

Đất Nông trường Sông Hậu như miếng mồi quá ngon lành nhưng có xương mà những người chủ mưu ở thượng tầng cùng thuộc hạ chưa nhằn, chưa nhai kỹ đã nuốt trong bối cảnh các phe cánh đang tìm cách làm giảm uy tín nhau để tranh giành quyền lực trước Đại hội Đảng XI.

Những cú đòn tập hậu

Chúng ta sẽ còn chứng kiến tiến trình vụ án với những diễn biến lạ, bởi vì ngoài phạm trù tác động của công lý và công luận, kết cục sẽ phụ thuộc quan trọng vào yếu tố ai có ảnh hưởng nhất trong ván cờ đoạt vương miện Tổng Bí thư và các ghế đại ca trong Bộ Chính trị mới.

Từ Đại hội Đảng VIII, các vụ án lớn có liên quan đến lãnh đạo cao nhất như vụ Minh Phụng-Epco (1996), “vụ án siêu nghiêm trọng” Tổng Cục 2 (2005), vụ PMU 18 (2006), chúng ta thấy chúng được sử dụng rất rõ như những con bài mặc cả và tấn công nhau giữa các đối thủ và thông thường luôn có kẻ trở thành con tin hay vật tế thần. Thiết nghĩ, vụ án bà Ba Sương khó có thể nằm ngoài ma lộ này.

Ông Nguyễn Tấn Dũng đang nắm thế thượng phong vì có cội rễ và quan hệ mật thiết với các nhân vật chủ chốt vừa ở Tổng Cục 2, vừa ở ngành an ninh công an, nơi xuất phát điểm của ông ta tiến lên đài danh vọng, là hai gọng kìm có sức khống chế hoặc khuynh loát tất cả những ai tay đã lỡ nhúng chàm. Mà nói cho cùng, có ai trong Bộ Chính trị hoàn toàn trong sạch?

Tuy nhiên ông Dũng đi đêm nhiều, không phải lúc nào cũng tránh được ma. Vụ PCI giành quyền thầu cung cấp vật liệu in tiền polymer bị phanh phui vì liên quan đến công ty Australia hối lộ nhiều triệu đô la cho con trai Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thúy và Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc công ty phát triển công nghệ (CFTD) tại Việt Nam. Đã có chìa khóa mở hé cánh cửa của CFTD. CFTD có 200 cổ đông, vốn 400 tỉ đồng, doanh thu khoảng 30 triệu đôla/năm. Trong số 200 cổ đông của CFTD có gia đình Nguyễn Tấn Dũng, Lê Đức Thúy và nhiều nhân vật cao cấp khác là được xem là đàn em của Nguyễn Tấn Dũng. (Lê Đức Thúy được đưa lên làm Thống đốc thay Nguyễn Tấn Dũng từ 12/1999).

Với vụ án bà Ba Sương, được giới quan sát trong nước cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đứng sau lãnh đạo TP Cần Thơ, và vụ PCI, những cú đòn tập hậu của đối phương cạnh tranh nhắm vào ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc tranh đua ở Đại hội Đảng XI sẽ có mức độ so ván đến đâu, chúng ta hãy chờ các màn kịch tiếp theo.

Ngày 11/04/2010

© Ledienduc’s Blog

© talawas blog

.

.

.

No comments: