Thursday, April 15, 2010

VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA ĐẢNG CSVN ĐÃ CHẾT

30-4-1975 : Vai trò lịch sử của Đảng CSVN đã chết

Tạ Dzu
Đăng ngày 15/04/2010 lúc 14:01:43 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4754

Tổ quốc thân yêu đang bước dần đến ngày 30 tháng 4, ngày oan trái đau thương của cả dân tộc! Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhau xét lại vai trò của Đảng CSVN đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Khởi đầu đi từ mục đích của Hồ Chí Minh (HCM) và đảng của ông, những người Marxism đã mong muốn làm một cuộc cách mạng vô sản, cùng với phong trào Cộng sản quốc tế nhằm đưa nhân loại tiến đến giấc mơ đại đồng, không còn chính phủ, không còn dân tộc, không còn biên giới quốc gia để chỉ còn cộng sản, tức vô sản hoá toàn thể nhân loại. Một lý tưởng công bằng xã hội nhất, theo họ. Nằm trong giải thích này, con người, với ý thức cộng sản cao độ, đóng góp hết sức mình và hưởng trọn nhu cầu mình (làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu). Những người Cộng sản này cho rằng thực phẩm và hàng hoá sẽ thừa thãi; sẽ không còn giai cấp đấu tranh; con người sẽ tìm về thế giới cộng sản nguyên thuỷ và thiên đường hạ giới cho loài người sẽ được lập ra!

Nghe thì rất hay, nhưng không tưởng và hão huyền, hoàn toàn đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản về chính trị, kinh tế và ý thức tiến hoá của nền văn minh nhân loại!

Chỉ cần đặt một vài câu hỏi là thấy vấn đề bế tắc. Ví dụ, khi không còn chính phủ, ai sẽ điều hợp sinh hoạt quốc gia? Nhân dân chăng? Hay phải bầu ra một ban đại diện hoặc một tổ chức trung gian nào đó? Vai trò của họ có giống như của nhà nước hay không? Tên gọi và nội dung của nó là gì? Về mặt kinh tế, của cải dư thừa nếu có, chất lượng sẽ ra sao? Ai sẽ quyết định mặt hàng nào để sản xuất hay phải theo quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường? Những câu hỏi tưởng đơn giản như vậy nhưng lý thuyết cộng sản không thể giải quyết thỏa đáng. Như vậy, đủ thấy chủ nghĩa cộng sản là hoang tưởng, không phù hợp với sự tiến hoá hướng thượng của lịch sử nhân loại.

Điều quan trọng nhất mà nhân dân Việt Namcần xác định là HCM và Đảng CSVN của ông ngay từ trứng nước, đã cháy bỏng ước muốn thực hiện cuộc cách mạng cộng sản quốc tế trên đất nước Việt Nam. Những lời kêu gọi đoàn kết (sau lưng đảng cộng sản), kêu gọi lòng yêu nước chống ngoại xâm chỉ là các chiêu bài gian dối, thủ đoạn chính trị lợi dụng tinh thần dân tộc của con dân Việt Nam để làm cách mạng vô sản. Từ đầu, họ không hề kêu gọi tiếp nối cuộc cách mạng dân tộc đã được khởi xướng trước đó bởi con dân Việt tộc mà cùng thời với HCM đã có những nhân vật tiêu biểu nổi tiếng: Các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... hoặc các đảng phái quốc gia mang sắc thái dân tộc thời đó như Đại Việt, Việt Quốc (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Duy Dân, Dân Xã v.v…cũng chống thực dân Pháp để tranh đấu cho độc lập của tổ quốc.

Khi kêu gọi thực hiện cuộc cách mạng, được hiểu là những cố gắng đưa xã hội từ dở sang hay, từ xấu đến tốt, những người cộng sản chủ yếu chỉ hô hào đạp đổ và xóa bỏ chế độ cũ. Mục đích là cướp chính quyền, chứ không trình bày được nội dung xây dựng. Chính vì mục tiêu chính yếu ban đầu và của toàn bộ cuộc cách mạng từ trước đến nay là cướp chính quyền nên họ đã không hề biết xây dựng. Cho dù có cố gắng xây dựng đi nữa, nó cũng không hợp với đời sống xã hội bình thường như đã đề cập đến trên đây, nên các đảng cộng sản đã thất bại thảm hại trong hoà bình. Một khi đã ngồi trên đỉnh cao chiến thắng, họ lại loay hoay không biết cách xây dựng, vì chưa ai hình dung và giải thích nổi xã hội chủ nghĩa có bộ mặt ra sao, sinh hoạt thế nào? Đó là chưa nói đến xã hội cộng sản và thế giới đại đồng! Không biết nó còn tệ hại đến đâu? Và đẩy đưa nhân loại tới đường cùng nào nữa!

Chúng ta hãy chỉ chú trọng đến những gì Hà Nội thực hiện sau khi thống nhất đất nước, nhằm tìm hiểu xem vai trò của Đảng CSVN trong đời sống chính trị của quốc dân Việt có còn tồn tại hay không? Bởi vì có người có thể phản bác rằng nếu nhắm vào cả những gì (tốt cũng như xấu) đảng cộng sản đã thực hiện ở miền Bắc XHCN trước năm 1975 sẽ không hợp lý vì lúc đó Đảng đang lo củng cố chính quyền, đang lo đoàn kết toàn dân… nhằm tạo sức mạnh chống Mỹ cứu nước!

Trước hết, thời điểm 1975 đã là thời cơ vàng mà Đảng CSVN không biết hoà hợp hoà giải dân tộc thực sự, còn gây thêm thù hận mất đoàn kết trong nhân dân. Họ cố tình chia rẽ quốc dân hai miền Nam – Bắc, đẩy nhân dân miền Nam vào thế thủ chống đỡ, nín thở qua cầu, bằng cách đưa quân dân cán chính miền Nam, trên nguyên tắc là học tập cải tạo, nhưng thực chất là giam hãm bỏ tù hàng loạt. Một loạt những chính sách: Đổi tiền; cải tạo công thương nghiệp; hợp tác xã nông nghiệp khắp nơi; các kế hoạch ngũ niên nhằm vô sản hoá toàn dân; dẹp bỏ không thương tiếc Mặt trận Giải phóng Miền Nam mà họ đã phải lợi dụng tên tuổi trước kia… Thực chất chỉ là ý đồ muốn gom tất cả quyền lực và quyền lợi xã hội về cho Đảng cộng sản. Chính vì những chính sách thiếu thực tế, phản nhân tính, đi ngược lại lợi ích quốc dân mà nhân dân đã bất hợp tác với chính quyền, cũng là nguyên nhân đẩy hàng triệu người ra biển làm mồi cho hải tặc và cá đói.

Ta có thể coi đại đa số tầng lớp nhân dân này là đáy tầng quốc dân bị trị, tranh đấu mãnh liệt chống lại mặt tầng Đảng và Nhà nước thống trị.

Một trang sử rất đáng chú ý của Đảng CSVN sau khi thống nhất đất nước là việc đưa quân sang Campuchia và chiến tranh biên giới với Trung Cộng.

Sự việc đem quân “giúp” nhân dân Campuchia đánh đuổi Polpot, thực hư thế nào chưa biết, nhưng Hà Nội đã bị thế giới lên án và cô lập, đồng thời cũng là một trong những lý do đưa đến chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Nhìn ở khía cạnh cuộc “cách mạng” mà cộng sản chủ xướng: Bài phong đả thực, chúng ta thấy rõ CSVN đã cổ suý cho điều mà chính họ hô hào lật đổ: Việt Nam đã trở thành thực dân ở Lào và Campuchia! Điều này tố cáo Đảng CSVN không có viễn kiến chính trị đối với hai nước Đông Dương kia. Đúng ra, họ phải khéo léo kêu gọi thành lập một hình thức “Liên Hiệp Đông Dương” nào đó (Việt, Miên, Lào) một cách trong sáng và bình đẳng, có lợi cho cả ba nước vừa về kinh tế, vừa bảo vệ hữu hiệu người Việt sinh sống tại đây, vừa liên kết cho thêm sức mạnh đối phó với Trung Cộng. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ trở lại đề tài này.

Khi cuộc tranh chấp Trung-Xô đến hồi cao điểm buộc CSVN phải chọn một trong hai: Tổng bí thư thời đó (1975), ông Lê Duẩn và Bộ chính trị quyết định ngả hẳn về Nga khiến họ Đặng tức giận phải đem quân dạy cho họ một bài học. Đứng trên quan điểm dân tộc trong quan hệ với Trung Quốc, đây là một điều nên làm, nhưng phải khôn khéo không được chọc giận ông láng giềng cường bạo kia. Họ Lê đã cố gắng rũ bỏ ảnh hưởng Trung Quốc mà họ Hồ đã lậm vào quá sâu trước đó, nhưng lại khờ khạo và ngạo mạn đưa cả vào Hiến pháp và sách giáo khoa, gọi đích danh Trung Quốc là bá quyền nước lớn. Chính vì chỉ nghĩ đến quyền lợi của Đảng và cũng vì quá ngạo mạn, Lê Duẩn đã thiếu khôn ngoan, hành sự sai lầm đem đến cuộc chiến đẫm máu Việt-Trung.

mặt tầng chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ nên đã bị đáy tầng quốc dân chối bỏ không hợp tác. Khi cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra, nhân dân dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm do lòng yêu nước đem đến. Nhưng lúc hết chiến tranh, họ lại quay về thế thủ với Đảng và Nhà nước, vốn chưa từng lo lắng cho số phận nghèo hèn của toàn dân. Những kế hoạch di dân đến vùng kinh tế mới, các kế hoạch ngũ niên, hợp tác xã nông nghiệp đã hoàn toàn thất bại. Nhân dân không đủ gạo ăn dù vựa lúa miền Nam dư sức cung ứng thực phẩm cho cả nước. Nhân dân thấy rõ Đảng cộng sản không đưa ra được những chính sách thực tế có khả năng xây dựng, cho cá nhân cũng như cho quê hương nên họ ùn ùn bỏ vùng kinh tế mới kéo nhau về các thành phố lớn, nhất là thành phố Sài Gòn, bắt đầu một cuộc tự mưu sinh làm ăn buôn bán với nhau, không cần đến sự can thiệp của nhà nước. Ở nông thôn, hợp tác xã cũng bắt đầu tháo khoán ruộng đất cho dân chúng làm ăn cá thể. Các hợp tác xã là hình ảnh rõ nét nhất của nền kinh tế “làm chủ tập thể” định hướng XHCN, khuyến khích cảnh cha chung không ai khóc nên không ai tích cực làm việc. Điều này đã đưa đến tình trạng tiêu huỷ mọi sáng kiến cá nhân. Cả nước đói! Cả nước ăn bo bo, ăn cơm độn ngô khoai mà phần cơm thường là ít hơn ngô khoai.

Nhờ những lời thiết tha kêu gào từ đáy tầng, cộng với cả áp lực xã hội và sáng kiến cá nhân (buôn bán cá thể, khoán đất…) mà Đảng bắt buộc phải xét lại vấn đề và chỉnh sửa chiến lược. Trường Chinh cũng phải lên tiếng “thay đổi hay là chết”. Lúc đó, Đảng mới đề ra chính sách đổi mới và cởi mở. Chính sách này đã tạo ra sự hồi sinh cho quê hương thấy rõ. Không lâu sau đó, cả nước đủ ăn, rồi dư gạo xuất khẩu và trở thành nước đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo.

Như vậy, có thể nói rằng chính đáy tầng nhân dân đã dẫn đạo, cứu sống Đảng trong hai thập niên vừa qua. Mặt tầng đã không theo kịp đáy tầng mà phải nhờ đáy tầng mới tồn tại.

Thế nhưng, Đảng đối xử và ghi công quần chúng ra sao? Sau khi đã thoát hiểm ở cả hai mặt, áp lực xã hội từ nền kinh tế chỉ huy lụn bại và áp lực chính trị từ những chấn động của phong trào giải thể chế độ cộng sản ở Đông Âu, Đảng quay sang làm hoà với Trung Quốc, dần dà lấy lại uy thế và bắt đầu phản công. Ruộng rẫy, nhà đất bị nhân dân cán bộ cướp bóc trắng trợn. Mỗi ngày, có đến cả gần trăm người tụ tập tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng để chờ được giải quyết, có những người ăn chực nằm chờ tại đó cả năm trời. Trung ương từ chối trách nhiệm, hứa hẹn với họ cứ trở về địa phương sẽ được giải quyết. Địa phương lại bảo: “ Không đủ thẩm quyền. Hãy lên gặp trung ương ngoài Hà Nội”.! Dân oan trên búa dưới đe, tha hồ cho trên dưới đùn đẩy. Hà Nội sáng tạo áp dụng chính sách trên đội dưới đạp. Trong thì cướp đất nhân dân, ngoài lại cúi rạp đầu trước bành trướng của Trung Quốc. Thanh niên sinh viên yêu nước biểu tình chống Trung Cộng bắn giết ngư dân, cướp giật đất đai biển đảo thì bị cấm đoán; trí thức báo chí lên tiếng dân chủ hoá đất nước thì bị bỏ tù; tôn giáo thể hiện tình thương đồng loại và khuyến khích tu tập gây mầm thiện trong xã hội cũng bị trù dập áp bức.

Nhưng những điều ấy đã cho các đảng viên thấy rằng càng ngày Đảng CSVN càng xa rời quần chúng; bị quần chúng cô lập và bất hợp tác. Nhân dân ngày càng nghèo khó, lo chạy ăn từng bữa, ngày càng cô đơn vì bị đàn áp. Ngược lại, cán bộ ngày càng giầu có, phì nộn ra, trở thành giai cấp tư bản đỏ trong xã hội. Không ai nghĩ đến tương lai cho đáy tầng quốc dân, không mấy cán bộ lãnh đạo đặt vấn đề thay đổi hệ thống chính trị, đáp ứng những yêu cầu và điều kiện mới của đất nước và càng không nắm bắt được trào lưu mới trên thế giới. Họ chỉ lo bảo vệ chỗ ngồi và hệ thống chính trị đã rữa nát. Đáy tầngquốc dân vẫn dõi mắt trông chờ nhưng không tìm ra cán bộ lãnh đạo nào có viễn kiến, dám làm một cuộc đột phá tư tưởng, tạo cảm hứng xã hội cho mọi người đồng lòng xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Họ vẫn phải dựa vào tên tuổi của nguyên Chủ tịch Đảng, đã chết từ năm 1969, để tiếp tục lãnh đạo nhân dân. Họ cố gắng nhào nặn cho thành những “tư tưởng” của Hồ Chí Minh. Thực ra chỉ là những lời phát biểu, bài viết rời rạc đó đây, không có khả năng của một hệ thống lý thuyết - mà chính ông cũng mạnh mẽ xác nhận điều đó - để xây dựng đất nước trong thời đại mới hôm nay.

Đảng chỉ biết ăn xổi ở thì, đoạt những danh lợi nhỏ bé trước mắt mà không dõi mắt nhìn xa vào tương lai. Hỏi sao Việt Nam sau gần 25 năm đổi mới vẫn không “bằng chị bằng em”, không bắt kịp các nước trong vùng, mơ tưởng gì tới qua mặt? Có chụp và có giựt, cũng hãy chụp giựt cho đáng. Chụp cho được những cơ hội, những chính sách lâu dài thay đổi cơ chế xã hội và chính trị, tạo hứng khởi mới trong nhân dân, rồi cố nắm bắt, đón đầu, giựt cho bằng được trào lưu phát triển của thế giới: Tự do, dân chủ và nhân quyền, mới mong đưa Việt Nam lên một tầm cao mới, tạo bệ phóng vững chắc cho tương lai.

Có người đã nói, đại khái rằng: Làm thầy thuốc sai chỉ chết có một người, làm chính trị tồi thì giết một quốc gia; nhưng làm văn hóa tệ lậu thì vừa xoá bỏ tổ quốc, vừa tiêu diệt tinh thần những thế hệ tiếp nối. HCM và Đảng CSVN phạm phải cả hai: Chính trị đã sai lầm mà còn phá nát nền văn hoá được cố công gìn giữ, tô bồi và phát triển gần năm ngàn năm của bao thế hệ con dân Việt Nam.

Từ cơn sốt với nhiệt độ cao tưởng như có thể tiêu đời đó, Đảng CSVN đã có những chính sách thực tế hơn. Nhưng họ vẫn không biết dựa hẳn vào nhân dân để phát triển đất nước, lại tình nguyện đi vào quỹ đạo Trung Quốc, những tưởng Trung Quốc sẽ dẫn đưa họ đến bến bờ vinh quang hơn!

Điều bức xúc nhất hiện nay đối với mọi tầng lớp nhân dân, gồm cả những đảng viên phản tỉnh và tiến bộ, là Đảng đã không đứng trên lập trường và lợi ích dân tộc nhằm đề ra các chính sách khôn ngoan đối với Trung Quốc.

Sự việc để mất đất đai biên giới, nhất là ải Nam Quan đã là một mối nhục cho toàn dân. Vấn đề không chỉ là mất đất không thôi mà còn là mất một biểu tượng lịch sử. Nó từng là Biểu Tượng Thiêng Liêng của tinh thần bất khuất chống lại âm mưu xâm lược đến từ phương Bắc. Nó còn là một trong những địa điểm hiểm trở ngăn chặn sự xua quân của Trung Hoa vào Việt Nam từ hàng ngàn năm qua. Nó đã được đưa vào sách giáo khoa trước đây và nằm nơi cửa miệng học sinh: “Nước Việt Nam là một dải đất hình chữ S, chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”.

Những cách thế ứng xử nhu nhược của Đảng đã làm quần chúng lo ngại đối với Trung Cộng và phẫn uất với Nhà nước. Trung Quốc ngang nhiên cấm đoán ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển của mình; húc chìm tàu; giết chóc; bắt bớ đòi tiền chuộc và còn vô nhân đạo không cho trú bão.

"Nam Quốc Sơn Hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"
(Lý Thường Kiệt)

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” để đâu?
Anh dũng phá Tống bình Chiêm vất đâu?
Ba lần lẫy lừng chiến thắng quân Nguyên dấu ở đâu mà khiếp nhược, không gọi thẳng tên Trung Quốc ra mà mắng.

Đảng ta lại cứ rón rén ngậm ngùi, ôm gọn sáu bảy trăm cơ sở truyền thông báo chí, vẫn không cất nổi nên lời. Chỉ tàu lạ mà thôi ư? Chưa kể, bao năm luôn mồm hùng hồn chiến thắng hai, ba đế quốc sừng sỏ nhất hành tinh để đâu? Lúc nào cũng Đảng ta anh dũng dẫn dắt dân tộc thắng Pháp giành độc lập, đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào, cuốn cờ chạy về nước, để đâu?

Đảng CSVN bảo hoàng hơn vua, 16 chữ được Trung Quốc ban tặng, còn tương thêm từ vàng cho ra vẻ trang trọng, thần phục thiên triều trung thành hết mực! Lúc quay trở về hàn gắn với Tàu sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, một Tổng bí thư khác, ông Lê Khả Phiêu còn dốt nát đề nghị Trung Cộng đứng ra lãnh đạo những nước cộng sản còn lại tiếp tục xây dựng CNXH, khiến họ khinh chê lãnh đạo Việt Nam không thức thời. Vì từ năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố một câu nói nổi tiếng: “Mèo trắng hay mèo đen gì cũng được; miễn bắt được chuột là mèo tốt”.

Gần đây, từ 2008, nhà nước Việt Nam hàng năm gửi phái đoàn văn nghệ sang Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (bên kia biên giới Móng Cái) để chầu phục tế hồn Mã Viện! Trong các tiết mục văn nghệ, có cả mục hai phụ nữ Việt Nam mang hình ảnh Hai Bà Trưng quỳ gối dâng kiếm xin lỗi Mã Viện, kẻ đã đánh bại Hai Bà Trưng khiến phải trầm mình xuống dòng Hát Giang tự vẫn! Họ tôn kính kẻ thù hơn các anh hùng dân tộc. Họ tệ hại và đáng khinh bỉ hơn Lê Chiêu Thống vạn lần. Họ mang xác Việt mà hồn Hoa, được bác Đào Hồ (viết theo lối Mỹ) vuốt đầu hứa hẹn cho hưởng nốt miếng đỉnh chung tàn tạ chợ chiều! Rồi giữa đêm giao thừa Canh Dần vừa qua, một đài truyền hình Việt Nam đã phát lại tiết mục văn nghệ với bài hát ca ngợi mối tình bạn bè quốc tế Hồ Chí Minh-Mao Trạch Đông và tình hữu nghị Việt-Trung, núi liền núi, sông liền sông, phát đi từ Trung Quốc! Họ vẫn không nhận ra hiểm họa của nòi Hán đối với Việt Nam từ hai ngàn năm nay; họ lại còn ký những hợp đồng cho mướn rừng đầu nguồn tới 50 năm!?

Tới giờ phút này, Đảng CSVN vẫn chưa mở mắt, vẫn kiên định lập trường CNXH, tạm thời lùi một bước để tiến ba bước, vẫn kinh tế thị trường được định hướng XHCN mà chưa ai thấy mặt! Họ không hề vì quyền lợi dân tộc để cùng quốc dân tranh đấu gỡ bỏ nút thắt bế tắc cộng sản hiện nay.

Với những đặc điểm nêu trên, nhân dân có quyền kết luận rằng: Một đảng luôn tự hào là có truyền thống cách mạng, tức phải biết thay cũ đổi mới, nhưng lại rụt rè không dám thực hiện một cuộc bứt phá toàn diện và triệt để nhằm tạo hứng khởi trong xã hội, không đáp ứng được nguyện vọng nhân dân từ ngày ngất ngưởng với chiến thắng đế quốc sừng sỏ nhất hành tinh vang dội địa cầu, không muốn sống trong hiện tại cùng đáy tầng quốc dân, lại chỉ biết sống với những tiếc nuối của hào quang quá khứ, lại còn cậy dựa vào uy tín của vị chủ tịch đã mất hơn 40 năm qua để tồn tại; thì đương nhiên vai lãnh đạo trò của họ đã chết ngay từ lúc ngồi trên đỉnh vinh quang thống nhất đất nước, năm 1975.

Một đảng, luôn mồm rêu rao có sứ mạng lịch sử đối với nhân dân, dẫn đạo quốc dân hoà mình vào trào lưu quốc tế cộng sản, không phải là cuộc cách mạng dân tộc, mà là thần phục và dâng đất đai biển đảo của cha ông cho ngoại bang nhằm giữ vững ngôi báu; thử hỏi có đáng cho con dân Việt Nam chấp nhận vai trò lãnh đạo của họ nữa hay không?

Tạ Dzu

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: