Tuesday, April 6, 2010

ĐƯA DÂN ĐẾN VỚI DÂN CHỦ

Đưa Dân Đến Với Dân Chủ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Monday, April 05 @ 15:38:46 EDT

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1852

Trong 35 năm qua rất nhiều người, kể cả trong lẫn ngoài nước, đã bỏ nhiều công sức để mưu cầu dân chủ cho Việt Nam. Trở ngại lớn nhất là tình trạng con gà và quả trứng--muốn có dân chủ thì phải có ba yếu tố cần thiết: nhân sự có bản lãnh, cơ chế quy tụ nhân sự, và cung cách ứng xử của quần chúng phù hợp với các nguyên tắc dân chủ; nhưng ba yếu tố này rất khó tạo lập trong một môi trường thiếu dân chủ.

Để thoát khỏi vòng lẩn quẩn này, chúng ta cần chọn một môi trường dân chủ ở ngoài Việt Nam. Nghĩa là chúng ta chủ động đưa người dân đến với dân chủ khi mà chưa đưa được dân chủ đến với người dân.

Chúng ta cần tạo cơ hội để ngày càng nhiều người dân trong nước được tiếp cận và sinh hoạt trong các nền dân chủ ở ngoài Việt Nam và qua đó thiết lập các yếu tố cần thiết cho nền dân chủ tương lai ở Việt Nam. Để làm ví dụ, tôi nêu ra hai trong nhiều cách thức để thực hiện điều này.

Hiện nay có khoảng 600 đến 700 ngàn người Việt lao động ở trên 30 quốc gia. Trong đó có một số quốc gia đã có nền dân chủ (như Đài Loan, Thái Lan, Cộng Hoà Tiệp...) hoặc đang tiến đến dân chủ (như Mã Lai, Jordan…). Bình thường thì các công nhân Việt này chỉ biết quần quật lao động, kiếm tiền giúp đỡ gia đình, và mong chóng hết hạn hợp đồng để về nước. Vì không được giới chức hữu trách quan tâm và vì luật pháp Việt Nam không bảo vệ đúng mức cho người lao động ngoài nước, họ thường bị lừa đảo, bóc lột hay ngược đãi nhưng không biết tìm đâu để cầu cứu. Qua chương trình can thiệp và bảo vệ cho họ, chúng ta có cơ hội giúp họ hoà nhập về tư tưởng và hành động vào với nền dân chủ pháp trị ở quốc gia sở tại. Chúng ta có thể hướng dẫn họ về quyền con người, tập hợp họ thành những nhóm tương trợ và tự giúp, hỗ trợ họ đòi công lý qua pháp luật, và giúp họ ý thức về vai trò “dân làm chủ” khi đối tác với các giới chức đại sứ quán Việt Nam. Phần lớn các người lao động này sẽ hưởng ứng vì nó đáp ứng quyền lợi thiết thực của họ.

Cách thứ hai là giúp cho người dân đang ở trong nước đến với những nền dân chủ trong khối ASEAN. Trong chiều hướng hội nhập vùng, các quốc ASEAN gần đây đã nới lỏng sự kiểm soát việc đi lại từ quốc gia này sang quốc gia khác: chỉ cần passport nếu như không ở quá 30 ngày. Với cơ hội này, chúng ta có thể giúp người dân Việt tiếp cận với nền dân chủ ở Thái Lan, Nam Dương và Phi Luật Tân hoặc ngay cả ở Mã Lai, nơi xã hội đang tiến đến dân chủ. Vì đi lại tương đối dễ dàng, những người Việt hoạt động có thể tham gia các hội nghị, gia nhập các khối vận động, thực hiện các dự án chung với những nhà hoạt động dân chủ trong khối ASEAN. Các tổ chức phi chính phủ, dù không được nhà nước Việt Nam chính thức thừa nhận, vẫn có thể hợp tác với đại khối các tổ chức phi chính phủ ASEAN--hiện nay có gần trăm tổ chức xã hội dân sự và hàng ngàn tổ chức phi chính phủ hoạt động ở các quốc gia ASEAN.

Môi trường dân chủ sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển ba yếu tố cần thiết cho dân chủ: nhân sự có bản lãnh, tài năng, kinh nghiệm và đạo đức; cơ cấu quy tụ và tổ chức nhân sự để tạo thế và lực; và sự phát huy các nguyên tắc dân chủ trong tư tưởng và hành động.

Xin lưu ý rằng điều kể trên hoàn toàn khác với nỗ lực của một số đảng phái chính trị hay tổ chức nhân quyền ở hải ngoại: lén đưa người sang Cambốt hoặc Thái Lan huấn luyện để rồi trở về hoạt động ở Việt Nam. Cách đó, trong hoàn cảnh hiện nay, vừa gây nguy hiểm cho những người tham gia vừa không giúp phát triển ba yếu tố cần thiết cho dân chủ như kể trên. Đó vẫn là muốn đưa dân chủ đến với người dân.

Điều tôi đề nghị là đưa người dân đến với dân chủ.

.

.

.

No comments: