Monday, April 12, 2010

TRUNG QUỐC : 2010, MỘT NĂM RẤT LÀ "PHỨC TẠP"

2010, một năm rất là “phức tạp”

Nguyễn Minh
Đăng ngày 12/04/2010 lúc 12:41:39 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4742

Trong báo cáo đọc trước quốc hội ngày 5-3-2010 vừa qua tại Bắc Kinh, thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết tình hình kinh tế xã hội của Trung Quốc trong năm 2010 rất là phức tạp. Trước đó, ngày 27-2, trong một cuộc họp với các cơ quan truyền thông trong nước, ông cũng đã nhấn mạnh: 2010 đối với kinh tế Trung Quốc là một năm đầy phức tạp. Không chỉ riêng thủ tướng Ôn Gia Bảo, khi đề cập tới tình hình kinh tế và xã hội của Trung Quốc, các cấp lãnh đạo cộng sản cũng thường xuyên lặp đi lặp lại hai chữ "phức tạp" trong các cuộc họp nội bộ từ trung ương đến địa phương. Vậy "phức tạp" là gì?

Các chế độ độc tài cộng sản có biệt tài biến đổi nội dung của các ngôn từ để giải thích thuận lợi một sự kiện bất lợi cho họ. Chẳng hạn như khi "huy động côn đồ và đầu gấu tới hành hung những người bất đồng chính kiến" thì họ dùng cụm từ "phản ứng của nhân dân bất mãn". Ở đây, nghĩa của hai chữ "phức tạp" chỉ giản dị là "khó khăn". Nếu sử dụng cụm từ "khó khăn", ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc lo ngại phản ứng bất lợi từ phía quần chúng, vì hậu quả của khó khăn là tương lai đen tối. Khi tương lai đã đen tối thì hỗn loạn chắc chắn sẽ xảy ra, và không ai lường được hậu quả. Do đó, các cấp lãnh đạo cộng sản tránh dùng hai chữ "khó khăn" mà chỉ sử dụng cụm từ "phức tạp" để báo động về một tương lai đen tối của sinh hoạt kinh tế và xã hội Trung Quốc trong những ngày sắp tới.

Lý do là từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh toàn cầu năm 2008, những khó khăn về kinh tế và xã hội đã bắt đầu lộ diện và ngày càng lan rộng trên qui mô toàn quốc. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, đà tăng trưởng và sự ổn vững của Trung Quốc sẽ bị đe dọa. Nguyên nhân của những khó khăn này xuất phát từ các chính sách phát triển bất chấp môi sinh và quyền con người kéo dài trong suốt 30 năm qua.

Khó khăn trong bảo vệ môi sinh và định cư dân số

Trong ba ngày từ 20 đến 22-3-2010, một trận bão cát lớn chưa từng thấy đổ ập xuống khắp miền bắc Trung Quốc. Hàng chục ngàn tấn cát đỏ được gió thổi từ sa mạc Gobi (Ngoại và Nội Mông) vào nội địa Trung Quốc đã phủ ngập một vùng đất rộng lớn, hơn 810.000 km2, đe dọa đời sống của 270 triệu cư dân sinh sống trong các tỉnh Tân Cương, Cam Túc, Ninh Hạ, Nội Mông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hồ Bắc, Bắc Kinh và Liêu Ninh. Tại khắp nơi, dân chúng phải dùng khẩu trang khi ra ngoài đường. Tại Bắc Kinh, dân chúng được khuyến khích nên ở nhà để tránh "khí độc" vì bụi cát đã nhuộm đỏ cả một bầu trời, riêng quảng trường Thiên An Môn cát mịn đã phủ dầy hơn 2 cm. Sa mạc Gobi chỉ cách Bắc Kinh 800 km về phía tây và tiến gần về thủ đô mỗi năm thêm một vài cây số.

Bão cát là hiện tượng tự nhiên của biến đổi khí hậu trong những vùng sa mạc khi áp suất không khí gia tăng bất thường và chỉ xảy ra một vài lần trong năm. Nhưng tại Trung Quốc, bão cát là hậu quả của nạn hạn hán gây ra bởi con người. Theo Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, số lượng bão cát đã tăng lên gấp sáu lần trong 50 năm qua, mỗi năm trung bình có 12 trận bão cát, mạnh nhất là vào mùa khô từ tháng 3 đến tháng 6. Sự gia tăng này là hậu quả của các chính sách khai thác bừa bãi cây rừng, thâm canh nông nghiệp và chăn nuôi công nghiệp trên những vùng thiếu nước và nhất là chính sách phát triển đô thị không có qui hoạch. Hiện nay, sa mạc đang bao phủ một phần ba diện tích phía bắc Trung Quốc và đang có nguy cơ tiến dần xuống phía nam, đe dọa các tỉnh sản xuất nông nghiệp dọc các sông Hoàng Hà và Dương Tử.

Nhưng phía nam Trung Quốc cũng không khá gì hơn. Nạn hạn hán đang đe dọa mùa màng và sự sống của hơn một trăm triệu người sinh sống trong các tỉnh miền tây-nam Trung Quốc : Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây. Việc xây đập và khai thác rừng bừa bãi trên thượng nguồn các con sông lớn đã làm cạn kiệt dòng chảy của các nhánh sông và làm biến đổi khí hậu. Hậu quả của chính sách này không chỉ gây thiệt hại cho người Trung Quốc mà cả các dân tộc sinh sống ở các vùng trung lưu và hạ lưu các con sông lớn như Lào, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.

Ô nhiễm môi sinh ảnh hưởng nặng đến sức khỏe của người dân và là một gánh nặng cho toàn xã hội, nhất là tại vùng nông thôn. Chính sách phát triển chạy đua theo chỉ tiêu tại các địa phương đã huy hoại môi sinh và môi trường một cách không thương tiếc. Không một vùng đất và sông ngòi nào cạnh một nhà máy mà không bị nhiễm độc hay không khí không bị ô nhiễm. Mỗi năm nguồn nước độc này đã giết hại hơn 30.000 trẻ em. Ống khói từ những nhà máy phát điện bằng than đá và hóa chất phun ra che tối cả nhiều vùng đất rộng lớn, nhiều chứng bệnh lạ đã được phát hiện do uống nước bị nhiễm độc hay ăn các loại rau quả mọc trên những vùng đất bị nhiễm độc từ các nhà máy hóa chất thải ra. Những trận mưa acid đã tiêu diệt mùa màng, buộc một quốc gia xuất khẩu lương thực như Trung Quốc phải nhập khẩu lương thực để tồn tại. Một nghịch lý rất khó giải thích.

Để hàn gắn những sai lầm, mỗi năm Bắc Kinh đã chi ra hơn 6,5 tỷ USD để phòng chống sa mạc hóa. Một chương trình qui mô khác đang được thực hiện để dẫn nước từ sông Dương Tử lên phía bắc, qua hệ thống kinh điều, vì nước sông Hoàng Hà đang cạn kiệt. Lưu vực sông Hoàng Hà, cái nôi của nền văn minh Trung Hoa, cũng đang bị sa mạc hóa. Sau hơn hai ngàn năm sinh sống chung quanh con sông huyền thoại này, các chế độ chính trị Trung Hoa đã không làm một cố gắng nào để bảo tồn hay củng cố con sông này cho mai sau. Hai bên bờ thượng nguồn sông Hoàng Hà ngày nay đã trở thành ô trọc, chỉ còn trơ trụi một màu đất vàng hết màu mỡ, chính quyền và dân chúng đã di chuyển sang những nơi khác: tiến xuống phía nam hay ra phía đông để tìm nguồn sống mới. Đó là lý do tại sao đã xảy ra chiến tranh giữa những thế lực trong cuộc tranh giành nguồn nước và đất đai canh tác dọc hai bờ sông Hoàng Hà trong những thế kỷ trước.

Cuộc di dân sang những vùng đất mới này cho đến nay vẫn còn tiếp diễn, nhưng qui mô và vĩ đại hơn trước. Bắc Kinh đang tìm cách giải quyết hiện tượng hàng chục triệu nông dân ở sâu trong lục địa di dời ra các tỉnh bờ biển phía đông, nơi có công ăn việc làm và cuộc sống sung túc hơn, để tái định cư. Mỗi năm có thêm 8 triệu người từ nông thôn ra thành thị tìm việc. Hiện nay đã có hơn 200 triệu thanh niên nông thôn ra thành thị làm việc, đa số đều không muốn trở về quê quán cũ khi mãn hạn hợp đồng hay không tìm được công ăn việc làm khác. Một số đã tìm cách đăng ký ra nước ngoài làm việc nhưng tuyệt đại đa số tiếp tục sống lây lất trong các thành phố lớn.

Sự nổ bùng dân số thời vụ trong các trung tâm thành phố dọc bờ biển phía đông gây nhiều khó khăn cho các chương trình qui hoạch và an ninh đô thị. Bên cạnh những cao ốc sang trọng giữa trung tâm thành phố và những khu biệt thự vắng người là những khu chung cư lao động thiếu tiện nghi và thiếu vệ sinh. Do không tìm được việc làm, khối lưu dân thất nghiệp sẵn sàng làm đủ mọi việc để có miếng ăn hàng ngày, nạn cờ bạc, đĩ điếm, trộm cắp và hút sách lan tràn khắp nơi. Không ai biết được những gì sẽ xảy ra khi dân cư trong những khu lao động này bị xúi giục xuống đường đòi quyền sống.

Khó khăn trong việc giữ vững chỉ số phát triển

Cho dù cố gắng phô trương chỉ số tăng trưởng dự kiến hơn 8% trong năm 2010, không ai tin rằng chỉ số này sẽ được giữ nguyên cho đến cuối năm. Nhiều yếu tố đã quá rành rành hiện ra trước mắt (xuất khẩu giảm và lạm phát gia tăng) không cho phép dự đoán một tương lai xán lạn.

Sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu hàng hóa để thu về ngoại tệ. Với số ngoại tệ dư thừa, Bắc Kinh đã thu mua công khố phiếu do các nhà nước phát triển khác phát hành để làm nguồn tiền dự trữ. Trong suốt 30 năm qua, Bắc Kinh đã làm mọi cố gắng để thu hút đầu tư nước ngoài biến Trung Quốc thành công xưởng sản xuất hàng hóa cho cả thế giới. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới năm 2008, chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm hẳn: năm 2009 - 30% so với 2008; năm 2010 dự trù - 13,8% so với 2009; trong khi đó nhu cầu nhập khẩu nguyên nhiên liệu với giá cao vẫn tiếp tục gia tăng. Cán cân xuất nhập khẩu của Trung Quốc do đó trở nên thăng bằng, không còn xuất siêu như trước.

Bên cạnh đó, bị thúc đẩy bởi tham vọng dẫn đấu thế giới, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc không ngừng gia tăng và sẽ thành một gánh nặng không thể chịu nỗi. Chi phí sản xuất hai tàu sân bay cỡ nhỏ, với bằng sáng chế của Nga, và những loại tàu ngầm cỡ lớn tăng cao hơn dự trù. Đó là chưa kể những chi phí trang thiết bị các lực lượng không quân và bộ binh ngang hàng với NATO cũng vượt qua mức dự trù. Lo âu bị cắt giảm ngân sách, gần đây các cấp chỉ huy quân khu duyên hải đã bớt hung hăng trong việc đe dọa các quốc gia trong vùng Đông Nam Á và đòi so tài với Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương.

Cho dù có giữ được mức tăng trưởng trên 8% trong năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng thật sự của Trung Quốc cũng không là bao, khoảng từ 3 đến 4% (vì tỷ lệ lạm phát trung bình ở khoảng từ 4 đến 5%, do giá cả gia tăng). Nếu chỉ số tăng trưởng 3-4% này là của một quốc gia phát triển khác, đó là một thành công lớn vì tất cả mọi con số đều là thật. Nhưng với Trung Quốc, ít ai tin vào những con số do chính quyền đưa ra vì không phản ánh đúng sự thật.

Muốn giữ vững chỉ số tăng trưởng 8% nói trên, Bắc Kinh không thể điều chỉnh trị giá đồng CNY ngang bằng sự phát triển và hạn chế không tăng lương cho giới lao động để tiếp tục xuất khẩu hàng hóa với giá rẻ. Nhưng cố gắng này không thể duy trì được lâu vì giá nhiên nguyên vật liệu tiếp tục gia tăng trong khi doanh nhân Trung Quốc không thể gia tăng giá bán hàng hóa xuất khẩu vì sẽ khó bán. Lượng hàng tồn kho ứ đọng hiện nay là một gánh nặng lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, hàng chục ngàn xí nghiệp đã phải đóng cửa và hơn 50 triệu người đã bị thôi việc. Những người mất việc này (tương đương với 9% dân số lao động) không chịu về quê sinh sống là một gánh nặng xã hội khác.

Để giải quyết lượng tồn kho khổng lồ không xuất khẩu được, Bắc Kinh khuyến khích dân chúng tiêu thụ. Một lượng tiền khổng lồ vô tiền khoáng hậu 1.400 tỷ USD đã được bơm vào các ngân hàng để cho dân chúng vay. Nhưng tiêu thụ là cả một thói quen. Sống kề cận với sự nghèo khó, tâm lý chung của người dân Trung Quốc là tiết kiệm. Lượng tiền mà dân chúng vay từ các ngân hàng không được dùng để tiêu thụ (mua xe hơi, đồ gia dụng điện tử, v.v.) như Bắc Kinh mong muốn mà được cùng để mua bất động sản, một hình thức đầu tư khá phổ thông cho tương lai con cháu của người Châu Á. Điều này giải thích tại sao chỉ số tăng trưởng của Trung Quốc năm 2009 vẫn tiếp tục gia tăng (8,7%) trong khi cả thế giới đều bị suy sụp.

Một cách vô tình hiện tượng bơm tiền này đã làm phình to một cách giả tạo quả bong bóng bất động sản. Giữa lúc trị giá bất động sản chung trên thế giới bị suy sụp, giá bất động sản tại Trung Quốc tăng cao như chưa từng thấy trong năm 2009. Điều này giải thích tại sao giá bán phòng ốc trong những tòa nhà chọc trời tại các trung tâm thành phố cứ tiếp tục tăng cao trong khi không có người nào vào ở. Người Trung Quốc mua nhà để đầu cơ hơn là để ở. Sự kiện này đang làm cả thế giới lo ngại, khả năng trả nợ của người Trung Quốc rất thấp vì lợi tức không cao và không đều. Bong bóng bất động sản tại Trung Quốc chắc chắn sẽ vỡ tan trong những ngày sắp tới, có thể là sau Hội Chợ Quốc Tế Thượng Hải 2010. Tình trạng vỡ nợ của các ngân hàng Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi và, nếu nó xảy ra, chỉ số tăng trưởng năm 2010 sẽ xuống rất thấp, không chừng dưới số không. Một tình thế rất là "phức tạp", vì không ai biết những gì sẽ xảy ra sau đó.

Cùng với lượng tiền này, vật giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng lên cùng nhịp với tốc độ vay mượn. Bóng ma lạm phát đe dọa sinh hoạt kinh tế toàn quốc nói chung và đời sống từng gia đình nói riêng. Do trọng lượng dân số ngày càng tăng, trong khi khả năng sản xuất nông nghiệp ngày càng hạn chế vì thiếu đất đai canh tác, giá lương thực thực phẩm không ngừng tăng lên. Giá thịt heo, dầu ăn và lương thực thực phẩm đã liên tục gia tăng trong suốt 6 tuần vào dịp Tết nguyên đán vừa qua. Hiện nay không một người Trung Quốc nào không càm ràm về cuộc sống khó khăn, nhất là dân cư thành thị vì không thể tự túc lương thực. Nạn buôn chui bán lậu bắt đầu xuất hiện tại khắp nơi.

Trước hiện tượng lạm phát này, Bắc Kinh hoàn toàn bất lực. Trong một quốc gia bình thường, để ngăn chặn lạm phát, chính quyền phải thắt chặt lưu hành tiền tệ, nghĩa là khuyến khích tiết kiệm hơn là tiêu xài. Nhưng ở đây, Bắc Kinh không thể làm được vì không thể vừa tung tiền ra để khuyến khích tiêu xài vừa thu tiền vào để khuyến khích tiết kiệm. Một nghịch lý không có giải đáp.

Khó khăn trong việc xây dựng một xã hội hài hòa

Cố gắng giữ vững chỉ số tăng trưởng cao là ám ảnh lớn nhất đối với các cấp chính quyền Trung Quốc. Trong năm 2009, Bắc Kinh cũng đã bơm gần 600 triệu USD vào lãnh vực công cộng qua các chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở để tạo ra công ăn việc làm nhằm giữ vững chỉ số tăng trưởng dự kiến.

Điều này cho thấy ê kíp Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo muốn làm khác hơn ê kíp Giang Trạch Dân trước đó. Thay vì tiếp tục mô hình tăng trưởng qua chính sách bóc lột sức lao động của dân chúng để xuất khẩu tối đa hàng hóa thu về ngoại tệ, ê kíp Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo chủ trương nâng cao mức sống người dân qua chính sách khuyến khích tiêu dùng nội địa, tái phân phối thu nhập xã hội mà họ che đậy dưới nhãn hiệu "xây dựng xã hội hài hòa". Những thế nào là xây dựng xã hội hài hòa?

Theo thủ tướng Ôn Gia Bảo, muốn duy trì sự ổn vững chính quyền Trung Quốc phải xây dựng cho bằng được một xã hội hài hòa, đó là một bắt buộc. Lý do ban hành chính sách này là vì hố cách biệt giàu nghèo giữa địa phương và trung ương, giữa thành thị và thôn quê, giữa các tỉnh ven duyên và ở sâu trong lục địa đã quá lớn, khó có thể san bằng trong một vài năm. Nếu chính quyền trung ương không làm một cố gắng nào, Trung Quốc có thể bị vỡ tan thành nhiều mảnh vì hố chênh lệch giàu nghèo giữa các tỉnh duyên hải và lục địa sẽ khó có hy vọng hàn gắn. Một xã hội hài hòa là một xã hội biết tôn trọng môi trường, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phát triển và nâng cao mức sống người dân ở các vùng sâu vùng xa sao cho ngang bằng với thị dân ở các thành phố ven biển. Về đối ngoại, xã hội này sẽ biết tuân thủ các luật chơi quốc tế như chấp hành các hiệp ước quốc tế đã ký, tôn trọng môi trường và các qui luật quốc tế, để sau đó hội nhập trọn vẹn vào đại gia đình thế giới, đương nhiên là với một mức độ tự do dân chủ mà chế độ hiện thời có thể chấp nhận được.

Trên lý thuyết, về đối ngoại ê kíp Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo chấp nhận tăng giá đồng CNY để sau đó chuyển qua qui chế hối suất thị trường tự do và nới lỏng qui chế đầu tư bất động sản trên lãnh thổ Trung Quốc. Về đối nội, ê kíp Hồ-Ôn đang canh tân lại bộ luật lao động nhằm ban hành các luật về khế ước lao động, bảo hộ người lao động đến từ nông thôn (lưu dân) với mức lương tối thiểu, v.v. Tất cả các biện pháp trên nhằm tăng nguồn thu nhập của nông thôn để khuyến khích tiêu xài và tạo ra các công ăn việc làm phụ ngoài kỹ nghệ, như buôn bán lẻ, dịch vụ ăn uống, may mặc và đi lại, như tại các quốc gia phát triển khác.

Trong thực tế, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh năm 2008 đã làm đảo lộn tất cả mọi dự trù. Chỉ số tăng trưởng đã không cao như dự đoán, ê kíp Hồ-Ôn buộc phải điều chỉnh lại một số chính sách. Về đối ngoại, họ chỉ chấp nhận cố định hóa chỉ số hoán chuyển, tăng tỷ suất tiền lời. Về đối nội, họ buộc phải đình chỉ việc áp dụng bộ luật khế ước lao động mới. Nói chung ê kíp Hồ-Ôn chỉ có thể thi hành những biện pháp rời rạc để giữ vững chỉ số tăng trưởng cao và cứng rắn trước những chỉ trích hay đe dọa về phương pháp thu mua và khai thác nguyên nhiên vật liệu.

Những biện pháp vá víu này đã làm giảm sút uy tín và ảnh hưởng của hai ông. Phe bảo thủ của ê kíp Giang Trạch Dân, còn gọi là Thái tử đảng hay CCCC (con cháu các cụ), đã nhân cơ hội xuất đầu lộ diện và đe dọa chỗ đứng và vai trò lãnh đạo của hai ông trong nội bộ đảng cộng sản. Trong số này, người ta thấy các ông Tập Cận Bình (phó chủ tịch nước), Bạch Hy Lai (thị trưởng Trùng Khánh), Uông Dung (thị trưởng Quảng Đông), v.v. Tranh chấp nội bộ sẽ còn tiếp diễn trong những ngày sắp tới và sẽ có cơ bùng nổ mạnh trong đại hội đảng lần thứ 18 sẽ tổ chức trong năm 2012. Những người này không muốn Trung Quốc thoát xác để hội nhập vào sinh hoạt chung của thế giới. Họ muốn đặt Trung Quốc dưới quyền thống trị của giai cấp đảng cộng sản để dễ bề thao túng và trục lợi.

Trước sự vươn lên của nhóm bảo thủ này mà dân chúng Trung Quốc gọi là "tập đoàn lợi ích" (người Việt Nam gọi là "liên minh quyền tiền"), phe Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo hầu như bất lực, vì sau lưng nhóm đó là cả một thế lực kinh tế và tài chánh hùng hậu của các tỉnh ven biển giàu có, tay chân của Giang Trạch Dân ở Thượng Hải. Sự chống đối chính sách cởi mở của ê kíp Hồ-Ôn do những tập đoàn lợi ích này chỉ nhằm bảo vệ lợi ích riêng của họ mà thôi.

Một vài thí dụ. Giữa lúc trị giá bất động sản trên thế giới sụt giảm, trị giá bất động sản tại 70 đô thị lớn tại Trung Quốc trong tháng 1-2010 tăng 9,5% so với cùng thời kỳ của năm trước. Thủ phạm nâng giá này là các đại xí nghiệp quốc doanh trong các đô thị lớn đã đồng loạt tăng giá bất động sản để thu về một số lợi nhuận khổng lồ cho các cán bộ cao cấp trong đảng và nhà nước bao che và đỡ đầu các tập đoàn lợi ích vừa kể trên. Mục đích của các tập đoàn lợi ích này nhằm thu vào tối đa tổng số tiền 1.400 tỷ USD mà nhà nước đã bơm vào các ngân hàng cho dân chúng vay để tiêu thu trong năm 2009. Từ con số 4 nhà tỷ phú USD năm 2004, ngày nay người ta có thể đếm trên 120 nhà tỷ phú USD trên toàn Trung Quốc. Một thống kê đăng trên báo Le Monde (xuất bản tại Pháp), số ra ngày 17-5-2005, cho biết những gia đình giàu có nhất Trung Quốc chỉ tương đương với 8,6% dân số nhưng chiếm hữu hơn 60% lợi tức toàn xã hội (1,4 tỷ người). Hố chênh lệch giàu nghèo do đó khó được san bằng, lợi tức dân cư thành thị cao gấp ba lần dân chúng nông thôn.

Để tránh bị mang tiếng gian tham trục lợi, các tập đoàn lợi ích này hô hào phát triển theo đường lối xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc. Họ lên án mọi chủ trương đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, tự do dân chủ kiểu phương Tây và tự do tôn giáo. Trong khi đó chúng lại cấu kết với những tập đoàn quốc tế khác để cùng chia chác quyền lợi. Chẳng hạn như công ty China Alumin ở Thượng Hải liên kết với công ty Rio Tinto của Anh-Úc (đang có vụ án hối lộ) để khai thác mỏ sắt ở Châu Phi. Tập đoàn China Coke hợp tác với công ty than đá của Mỹ để cùng khai thác mỏ than mới tại Mông Cổ với tổng số vốn đầu tư lên đến 12 tỷ USD. Công ty CNPC của Trung Quốc bắt tay với công ty BP của Anh để cùng khai thác những mỏ dầu Rumeira, với công ty Total của Pháp để khai thác mỏ dầu Halifa tại Iraq. Công ty Petro China hợp tác với Royal Dutch Shell thu mua công ty khai thác khí đốt của Úc. Gần đây hơn những tập đoàn này xâm nhập vào các quốc gia ASEAN để khai thác tài nguyên thiên nhiên và gỗ rừng trong mục tiêu xây dựng một vòng đai an ninh dọc vùng biên giới Trung Quốc và vô hiệu hóa khả năng chống trả của những quốc gia lân bang khi có xung đột.

Khó khăn trong việc duy trì quan hệ tốt với những đối tác quốc tế

Sự bất hợp tác của Trung Quốc trước những vấn đề quốc tế đã làm nhiều quốc gia bất mãn, nhất là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.

Thái độ không chấp nhận bị kiểm soát khí độc CO2 do các nhà máy hóa chất và nhiệt điện than đá thải ra của Trung Quốc đã là nguyên nhân thất bại của hội nghị thượng đỉnh Copenhagen hồi đầu tháng 12-2009 vừa qua. Dư luận quốc tế còn tố cáo Bắc Kinh che chở các chế độ độc tài diệt chủng tại Sudan, cản trở mọi chế tài trước quyết tâm sản xuất bom nguyên tử của chế độ Hồi giáo Iran, làm trì trệ mọi tiến trình ngăn cản chế độ độc tài cộng sản Bắc Triều Tiên đe dọa Nam Hàn và Nhật Bản. Không những thế, Bắc Kinh còn hăm dọa trừng phạt những quốc gia vi phạm hay can thiệp vào sinh hoạt chính trị nội bộ của Trung Quốc, như tiếp tục bang giao hay mua bán với Đài Loan, bênh vực người Tây Tạng hay tiếp đón cấp nhà nước Đức Dalai Lama, vị lãnh tụ tinhn thần của người Tây Tạng. Để được phép xây dựng và thành lập cơ sở trên lãnh thổ Trung Quốc, các công ty xí nghiệp nước ngoài bị ép buộc phải cung cấp những tin tức liên quan đến những người chống đối chế độ khi được tiếp cận. Đó là chưa nói thái độ lì lợm không chịu điều chỉnh lại tỷ giá đồng CNY để tiếp tục xuất khẩu hàng hóa giá rẻ để chiếm lĩnh tất cả các thị trường hàng hóa quốc tế.

Sự kiên nhẫn của dư luận quốc tế, nhất là của các quốc gia phát triển, đã vượt quá mức chịu đựng. Bắc Kinh quên rằng phần lớn lợi tức mà họ thu về đến từ các quốc gia dân chủ phương Tây, họ không thể tiếp tục lấy thị trường to lớn 1,4 tỷ người này làm mồi nhữ để làm áp lực mãi. Ngay từ đầu năm 2010, lời qua tiếng lại giữa Bắc Kinh và Washington ngày thêm gay gắt. Chính quyền Obama không thể tiếp tục nhượng bộ, đã bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, tiếp đón Đức Dalai Lama và yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh lại tỷ giá đồng CNY. Công ty truy cập trên mạng Google của Hoa Kỳ đã rút khỏi Trung Quốc, trong những ngày sắp tới hàng chục công ty tư nhân quốc tế khác cũng sẽ cuốn gói ra đi. Giới doanh nhân và đầu tư quốc tế khác cũng thế, tất cả đang tìm cách rút lui vì Trung Quốc không còn là một thị trường béo bở như họ mong đợi. Bắc Kinh đang lo ngại rằng Hội Chợ Thượng Hải 2010, khai trương vào đầu tháng 5 sắp tới, sẽ không thu hút được đông đảo du khách quốc tế như mong muốn vì giới truyền thông phương Tây không hề nhắc tới. Quốc gia nào cũng gặp khó khăn nên mọi chi tiêu cho những nhu cầu không cần thiết sẽ rất hạn chế.

Trước những hệ quả bất lợi này, Trung Quốc đang là nạn nhân của chính mình, nghĩa là phải đối đầu với lượng lớn các "phức tạp" do chính mình gây ra và... không có giải đáp. Cộng đồng quốc tế đã lý luận rất giản dị : một quốc gia nhờ xuất khẩu sang những quốc gia khác để trở nên giàu có, sau đó dùng sự phát triển này làm áp lực ngược lại, ép những quốc gia vừa kể phải quỵ lụy mình để được phép buôn bán thì không thể chấp nhận được. Đối với những quốc gia này, có một cái gì đó không bình thường trong giới lãnh đạo Trung Quốc, một là họ quá ngây thơ cứ tưởng mình là siêu cường số một, hai là muốn bế quan tỏa cảng để chỉ biết có mình. Trong thực tế, cả hai điều này đều không thực tiễn đối với Trung Quốc, Bắc Kinh rất cần sự hỗ trợ của những quốc gia phát triển phương Tây để giúp họ tiếp tục phát triển.

Nhưng tại sao cần được giúp đỡ mà lại hống hách với người đến giúp mình? Đây là một vấn đề hoàn toàn Châu Á. Phải làm cao thì mới được quý trọng, phải tỏ ra trịch thượng thì mới được kính nể. Văn hóa này không phù hợp với người phương Tây, tâm hồn của họ rất là giản dị: vui thì cười, buồn thì khóc, giận thì mắng, thương thì cho.

Nhưng ê kíp lãnh đạo tại Bắc Kinh đang gặp một vấn đề khác, nguy ngập hơn: tranh chấp quyền lợi trong nội bộ đảng cộng sản đe dọa chỗ đứng của ê kíp cầm quyền. Nhóm Thượng Hải đang gây áp lực để chiếm lại quyền hành trong đại hội đảng năm 2012. Phe bảo thủ trong đảng, đa số thuộc ê kíp Giang Trạch Dân, đang chực chờ sơ hở của ê kíp Bắc Kinh (Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo) để hạ bệ giành lại quyền lãnh đạo đảng và nhà nước.

Điều mà mọi người lo ngại là tranh chấp quyền lợi ở cấp chóp bu và sự suy sụp của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đưa thế giới về đâu.

Nguyễn Minh
(Tokyo)

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: