Friday, April 23, 2010

THƯỢNG NGHỊ SĨ ÚC KÊU GỌI VN PHÓNG THÍCH TÙ CHÍNH TRỊ

TNS Úc kêu gọi VN phóng thích tù chính trị

BBC

Cập nhật: 06:54 GMT - thứ sáu, 23 tháng 4, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100423_humphries_tktt.shtml

Thượng nghị sĩ đảng Tự Do của Úc, Gary Humphries gửi thư cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi trả tự do cho bà Trần Khải Thanh Thủy.

Tháng Hai năm nay tòa Hà Nội tuyên bà Trần Khải Thanh Thủy, một nhân vật bất đồng chính kiến, ba năm rưỡi tù giam với tội danh "cố ý gây thương tích".

Một số nhà hoạt động nhân quyền cho rằng bà Thủy bị tù chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận.

Họ lo ngại bà Thủy "bị đánh và bị bắt" sau khi bà lên tiếng ủng hộ một nhóm hoạt động dân chủ.

Bà Trần Khải Thanh Thủy là người viết văn tự do, từng có bài phản ánh nhiều vụ khiếu kiện đất đai và phản đối chính quyền trong nước đăng trên các website hải ngoại.

Thượng nghị sĩ Humphries cũng nhắc đến trường hợp Việt Nam bắt giam và bỏ tù những người hoạt động dân chủ khác như Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân và linh mục Nguyễn Văn Lý.

Thư của ông Humphries viết, bà Trần Khải Thanh Thủy cùng ba tù nhân lương tâm bị đưa ra tòa và bỏ tù chỉ vì họ bày tỏ một cách ôn hòa quan điểm chính trị của mình.

"Là một nước ký vào Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) Việt Nam cần tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự và chính trị của người nhân," bức thư của TNS người Úc viết.

"Trong đó có quyền được sống, quyền tự do tôn giáo, tự do chính kiến, tự do hội họp, tự do ứng cử. Cũng như quyền được xét xử công bằng."

.

Thượng nghị sĩ Gary Humphries giải thích cho BBC Việt Ngữ tại sao ông lại vận động phóng thích bà Trần Khải Thanh Thủy và ba tù nhân người Việt.

Gary Humphries: Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam tiến hành điều tra chuyện bắt giữ và bỏ tù những người này, phóng thích họ ngay lập tức vì tôi tin rằng họ chỉ thực hiện quyền tự do phát biểu một cách chính đáng mà công ước về quyền dân sự và chính trị trao cho họ quyền đó.

BBC: Đây là lập trường của cá nhân ông hay là lập trường của đảng Tự Do, đảng đối lập trong chính trường Úc?

Gary Humphries: Đây là quan điểm cá nhân của tôi, trong tư cách thành viên của Quốc hội Úc. Tôi cũng đại diện cho một số cử tri người Việt, những người sống trong hạt bầu cử của tôi. Đây không phải lập trường chính thức của đảng Tự Do. Tôi hiểu là cả hai đảng, Lao Động (đương quyền) cũng như Tự Do (trong đối lập), bày tỏ quan ngại giống nhau tại Quốc hội Úc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam

BBC: Thưa ông người Úc nghĩ sao về Việt Nam? Họ quan tâm đến thương mại, du lịch? Hay để ý nhiều hơn nhân quyền và dân chủ tại quốc gia vùng Đông Nam Á?

Gary Humphries: Gần đây tôi biết Việt Nam đã mở cửa và giao thương nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Liên quan đến thương mại và du lịch tôi biết nhiều ngàn người Úc đã tới VN đi du lịch. Các cuộc đối thoại giữa hai quốc gia là điều hữu ích. Tôi hài lòng khi thấy gần đây VN hòa đồng nhiều hơn với thế giới trong sinh hoạt chính trị và kinh tế.

Cạnh đó có một số ứng xử có vẻ đi ngược với xu thế này. Vẫn còn xu hướng coi những ai phát biểu khác với quan điểm chính thức của nhà nước là người cần bị cô lập. Hành động như vậy thật không hay chút nào. Một số quốc gia vốn theo chế độ toàn trị trước đây nay bắt đầu chăm lo đến quyền cơ bản của người dân nhiều hơn. Nhiều kiểm soát trước đây được bãi bỏ. Điều này chưa được thực hiện tại Việt Nam. Xu hướng chung của thế giới là người dân ngày càng được tự do hơn. Cho nên tôi thấy chính sách hạn chế quyền dân sự và chính trị của VN sẽ không thể kéo dài. Liệu chính phủ có nhận ra chuyện đàn áp các tiếng nói chính trị là việc làm không thể duy trì lâu và cần chấm dứt hay không? Đến khi nào Việt Nam nhận biết rằng chính sách hạn chế quyền tự do phát biểu của người dân đang bị thế giới lên án, rồi chỗ đứng của quốc gia này ở đâu, đóng góp của họ ra sao cho một thế giới tự do, bình đẳng hơn?

BBC: Ông nhìn nhận ra sao về quan hệ Úc-Việt? Liệu lời kêu gọi phóng thích tù nhân chính trị của ông sẽ làm cho mối quan hệ này tốt hơn? Hay chúng phản ánh những gì thực tế đang xảy ra?

Gary Humphries: Nhắc đến những người bị bỏ tù khi họ thực hiện quyền tự do ngôn luận tại VN là cách nhắc cho giới chức VN biết rằng quan hệ tốt đẹp hơn với Úc cần được thực hiện với một sự sẵn lòng bàn luận về một số chủ đề, thậm chí đôi khi đau đớn đối với một trong hai bên.

Nếu muốn Úc trở thành người bạn tốt của Việt Nam, trong lĩnh vực thương mại, du lịch, an ninh cấp vùng, nếu VN muốn thực hiện một cách có trách nhiệm vai trò chủ tịch khối Asean, nước này cần làm việc với các đối tác về nhiều chủ đề, trong đó có nhân quyền. Tôi cho rằng chuyện này phù hợp với đường lối mở cửa và hội nhập mà Việt Nam theo đuổi. Tôi bác bỏ quan điểm cho rằng có sự xung đột giữa một bên là sự gia tăng giao lưu thương mại, du lịch, đầu tư với VN, còn bên kia là câu chuyện nhân quyền. Hai xu hướng này hoàn toàn có thể đi cạnh nhau và nên tiến hành cùng một lúc.

.

.

.

No comments: