Friday, April 9, 2010

THƠ TÌNH THỜI CHIẾN MIỀN NAM

Thơ tình khinh bạc và thơ tình đời thường trong thời chiến Miền Nam

Trần Văn Nam

10/04/2010 1:42 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=18473

Khi nói tới thơ thời chiến Miền Nam, ta thường nhắc những câu thơ khinh bạc của quân nhân trong cuộc; ta cảm thức những ý tưởng pha trộn chấp nhận và chua chát làm người trong thế hệ đi vào cuộc chiến; những ý tưởng kiểu “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” mà Đường Thi nói tới từ hàng ngàn năm trước. Như Nguyễn Bắc Sơn tiên liệu một điều may rủi: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui”. Như Tô Thùy Yên nghĩ thầm biết đâu ngày mai có thể tử trận: “Còn mươi tháng nữa lên trung úy/Có thể ngày mai chửa biết chừng”. Hoặc như Trần Hoài Thư cũng có mối ưu tư ngày mai như vậy: “Xin cô hàng thêm một két bia/ Hôm nay lãnh lương tôi đãi hết/Cô hàng ơi, một mai tôi chết/ Ai tiêu dùm, ba tháng tiền lương”. Còn rất nhiều những câu thơ khinh bạc rải rác trong thơ thời chiến Miền Nam. Để dễ dàng dẫn chứng, ta có thể căn cứ vào bộ sách được nhà tuyển chọn dày công sưu tầm Thơ Miền Nam trong thời chiến (nhà xuất bản Thư Ấn Quán, tập I và II, 1550 trang). Ngay trong một số bài mới bổ sung do nhà xuất bản Thư Ấn Quán gửi cho các bạn quen, ta cũng sưu tầm được vài câu thơ khinh bạc. Có điều làm ta phân vân không rõ là chúng được sáng tác ngay trong thời chiến, hay mới gần đây (nên chỉ có tính chất nhớ lại thời chiến mình đã ở trong cuộc). Xin trích ra đây một số câu:

Ta qua Hậu Nghĩa ngày mưa xám

Róc vỏ thân tràm ta viết tên

… Cho em một cánh tay gần gũi

Dành một tay vào buổi nhiễu nhương.

(Thiếu Khanh, “Bài tình ca ở Hậu Nghĩa”, 1967)

… Hai mươi tháng tư tiễn em đi Mỹ

Ta biết dễ dàng mất bé từ đây

Em lên máy bay, ta về đơn vị

Đất Biên Hòa buồn chết điếng cỏ cây…

… Hai chín tháng tư… Biên Hòa xơ xác

Ta về Sài Gòn ngang qua nghĩa trang

Ta đứng nghiêm chào bạn ta đã chết

Như tự chào mình – nát cả tim gan.

(Trạch Gầm, “Nhật ký tháng Tư”)

… Vì bí mật quân, ta đành phụ

Mối tình Long Khánh, tội người ơi…

… Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ

Cao su vướng tóc mãi thơm mùi

Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận

Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi.

(Nguyễn Phúc Sông Hương, “Nửa hồn Xuân Lộc”)

… Bè bạn đụng trận trở về nguyên thân thể

Vô vài ly vung vít để mừng nhau…

… Nhảy mẹ nó cú này may rủi, cũng em thương

Hậu cứ ơi, thôi mất, giờ tha phương.

(Nguyễn Nam An, “Hậu cứ tôi giờ đã xa xôi”)

Cũng trong bộ sách Thơ Miền Nam trong thời chiến ấy, ta bắt gặp nhiều câu thơ tình đời thường, nghĩa là không có vẻ gì khinh bạc số phận rủi may vì mũi tên hòn đạn vô tình mà bỏ lại người yêu; chỉ là thơ nhắc nhở người vợ hiền hay người tình chưa cưới hãy chờ đợi, hãy lo cho con thơ, cho cha mẹ già, cho mảnh vườn hay ruộng nương lợi tức khiêm tốn. Lãng mạn hơn thì nhắc nhở chuyện ngày xưa gặp gỡ thần tiên mà bây giờ tính lại cũng đã bao năm canh gác nơi tiền đồn biên giới; nhắc nhở chuyện ngày nào cùng học một trường với lưu bút ngày xanh mà nay đành phải xếp bút nghiên. Buồn bã hơn thì tin tức em lên xe hoa trong khi anh chưa biết ngày nào hết hạn quân dịch… Những câu thơ tình đời thường ít gây ấn tượng nên rải rác đâu đó trong thơ thời chiến như gió thoảng qua, chờ đợi ta sưu tầm sự phong phú của nó, thiết tưởng cũng không kém số lượng như thơ tình khinh bạc. Tại miền Nam Việt Nam, có những người đã ở trong hoàn cảnh đời thường (như được hoãn dịch thời chiến tranh chưa khốc liệt trước Tết Mậu Thân 1968, nhờ lúc đó còn quy chế cho hoãn dịch vì lý do gia cảnh như con duy nhất trong gia đình; hay lý do học vấn: sinh viên thuần túy, mỗi năm phải đậu ít nhất một chứng chỉ đại học). Nhớ lại cảm nghĩ khi nhận giấy đi vào trường bộ binh Thủ Đức, bây giờ ghi lại thành một đoạn đóng góp vào thơ thời chiến Miền Nam, và do tính chất chỉ mới sửa soạn ấy nên xin tự xếp vào thơ tình đời thường: “Rồi thời thế núi sông vào trăn trở/ Khúc “Chiều mưa biên giới” vẳng bên tai/ Sân trường tan, những chờ đón miệt mài/ Chuẩn bị đi, chuẩn bị người thương tiếc” (Trích “Có nơi đâu đêm trăng mãi mượt mà”). Lại có những người đã vào hẳn quân ngũ, đã hành quân xuôi ngược khắp nơi, nhưng thơ vẫn là thơ tình đời thường, như kể chuyện trong thời gian hành quân tạm trú bên hông nhà một gia đình thường dân (dù được mời vào ở trong nhà, nhưng khước từ vì không muốn gia chủ khó xử và bận rộn).

Gia chủ là một thiếu phụ có chồng cũng đi lính đã rất lâu, không biết sống chết ra sao mà bặt tin tức gửi về. Người lính chắc có ý nghĩ thầm kín khi kể mẹ nàng trông mong có một mụn cháu đầu lòng mà tin chồng nàng thì bặt vô âm tín. Người lính chắc cũng có ý nghĩ thầm kín khi đêm khuya nghe tiếng nàng thở dài, vì chàng ngủ bên hông nhà chỉ cách ngăn bởi một vách đất. Bài thơ này nhan đề “Ngậm thẻ qua sông” của tác giả Phù Hư, viết theo lối truyện kể, nhưng có những từ ngữ và thi ảnh thật hiếm quý, như khi ánh trăng chiếu xuống thì “ngồi co mình cho bóng bớt riêng tôi” và khi thức khuya mới hay “hồn bớt ngủ”, cũng như mới hay “trăng tháng chạp úa quanh đồi”. Một tháng ở bên hông nhà như vậy, không làm phiền gì ai, cho đến khi đội quân có lệnh rút đi bí mật vào lúc nửa khuya, người lính cũng lặng lẽ rời khỏi nơi tá túc (mỗi người lính tá túc kế bên mỗi nhà người dân, theo lối ấy, chắc là cách tản mát khi nghỉ dưỡng quân, không theo lối tập trung dễ làm mục tiêu cho đạn pháo rót vào). Rút đi êm ru, bỏ lại những ý nghĩ thầm kín, cố gắng giữ thật im lặng như khi quân di hành qua sông cần ngậm thẻ bài bằng kim loại thường ngày đeo ở cổ. Ngậm thẻ như vậy hầu tránh cơn ho chợt đến không kìm giữ nổi, hay kiểm soát cái sặc sụa biết đâu lại tới tình cờ. Vậy ngậm thẻ qua sông vừa có nghĩa đen “giữ im lặng bí mật khi hành quân”, vừa có nghĩa bóng “giữ kín ý nghĩ thầm có thể phạm tới luân thường đạo lý”, nhất là khi người chồng của người thiếu phụ cũng là lính bôn ba xuôi ngược như mình, cũng bặt tăm như mình qua bao năm chinh chiến chưa một lần ghé thăm nhà. Bài thơ như một truyện kể, nên xin trích ra khá dài hầu không bỏ sót những câu thơ hay, và phải gồm những chi tiết khiến ta thông cảm cho một mối tình câm:

em nhớ thương chồng đóng đồn ải xa

lâu, tin vắng, trông mòn đường xóm

tôi ở quá bên hông nhà gió sớm

đợi dùm em tin chinh chiến gởi về

… làng em ở gió Lào qua rất độc

ngày mưa mù khuất núi mù sông

mẹ già mong một mụn cháu đầu lòng

em nhắn gửi, bao lần tin vẫn biệt

… tôi nương bóng nhà trăng che khuất

ngồi co mình cho bóng bớt riêng tôi

nhìn xa trăng định trốn sau đồi

sông, tiếng vạc đậm buồn như tiếng cú

thức có khuya mới nghe hồn bớt ngủ

mới hay trăng tháng chạp úa quanh đồi

nghe em thở buồn não mãi không thôi

… em vẫn bảo tôi mái tranh không chật

tôi cười xòa xó xỉnh miết đâm quen

… hôm từ biệt quanh thôn nhà cửa khép

lúc quân đi chắc em không hề biết

đội tôi ngậm ngùi ngậm thẻ qua sông

còn tôi co ro lạnh mãi gió đông

một lần cuối nhìn nhà em đóng kín

tin chồng em chắc chưa về đến bến

như tin tôi mấy thuở gởi thăm nhà

(Phù Hư, “Ngậm thẻ qua sông”)

Nhà xuất bản Thư Ấn Quán gửi các bạn quen vài bài thơ bổ túc (xin chỉ trích dẫn đôi bài thích hợp cho bài viết này), và hỏi liệu có bài nào vượt qua được “Màu tím hoa sim” thời chiến tranh chống Pháp hay không. Bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, hay bài “Nhà tôi” của Yên Thao cùng thời, cũng đều là những bài thơ có tính truyện kể, nhưng mang nhiều chất bi tráng. Theo thiển nghĩ, bài “Ngậm thẻ qua sông” của Phù Hư mang chất truyện tình đời thường khá lạ khi hành quân, với lời thơ nhiều chỗ rất hay, đã đóng góp một nét độc đáo vào thơ thời chiến ở Miền Nam.

Walnut, California, tháng 12 năm 2009

© 2010 Trần Văn Nam

© 2010 talawas

.

.

.

BỘ SÁCH DI SẢN THI CA MIỀN NAM:

Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến (tập 1) 860 trang

Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến (tập 2) 740 trang

Một Thời Lục Bát Miền Nam 600 trang

Thơ Tự Do Miền Nam 660 trang

Thơ Tình Miền Nam 710 trang

Địa chỉ liên lạc :

Thư Ấn Quán

P.O. Box 58

South Bound Brook

NJ 08880

Email : tranhoaithu@verizon.net

.

.

.

No comments: