Martian Mobile
Thứ Bảy, 03/04/2010
Đọc bài Thân Mỹ của "bạn" Đoan Trang trên trang chủ diễn đàn X-CafeVN và Dân Luận tôi muốn phản ánh góc nhìn của tôi về nước Mỹ từ lúc bắt đầu biết đến nước Mỹ, trở thành người Mỹ và nhân cơ hội đó nói lên những gì tôi thấy về Việt Nam.
"Thân Mỹ" và "Chống Mỹ"
Đối với người Việt Nam trong nước, "Thân Mỹ" hay không tùy thuộc suy nghĩ từng cá nhân còn với tôi đây là cơ hội nhìn lại lich sử hai chữ "Thân Mỹ". Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, thân Mỹ, "lựa chọn" duy nhất của miền Nam và "chống Mỹ", khẩu hiệu của miền Bắc, nhằm thống nhất đất nước dưới định hướng của chủ nghĩa Cộng Sản.
"Chống Mỹ" cũng là khẩu hiệu thời thượng của các quốc gia, đoàn thể, cá nhân ghét đế quốc Mỹ giàu có, trong đó đứng đầu là các quốc gia cộng sản như Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, etc... Do đó hai chữ "Thân Mỹ" có từ lâu và được hiểu theo hai nghĩa khác nhau tùy thuộc hoàn cảnh chính trị, xã hội và kinh tế.
Theo tôi "Thân Mỹ" khác rất nhiều với "Thân Anh-Mỹ" bạn Đoan Trang đề cập. "Chúng tôi", tôi dùng chữ này vì tôi là công dân Mỹ hơn 30 năm nay, mặc dầu sinh trưởng ở Việt Nam nhưng thời gian lớn lên, đi học, trưởng thành và làm việc thì hoàn toàn gần như là người Mỹ. "Chúng tôi" đã có một thời kỳ chiến tranh giành độc lập với người Anh và "chúng tôi" cũng đã vui sướng có một Boston Tea Party, trong đó người Mỹ vui sướng giả danh làm người da đỏ vứt trà xuống cảng Boston Harbor, chống lại chính sách sưu cao thuế nặng qua đạo luật Thuế Tea Act năm 1773. Và cuối cùng, chúng tôi có cơ hội đánh đổ sự thống trị của người Anh và giành độc lập từ chính quyền Hoàng Gia Anh.
Những bài học từ lịch sử
Những điều bạn Đoan Trang nói về nước Mỹ, có thể được cho là "đánh bóng cho nước Mỹ" vì bạn đã hiểu những thành tựu từ khi nước Mỹ thành lập cho đến nay hoàn toàn nhờ những người từ khắp nơi trên thế giới di dân đến mảnh đất được gọi là Hiệp Chủng Quốc.
Đại đa số những người đến đây đều khổ cực vì những đàn áp bất công tại chính xứ sở, quốc gia của họ trong đó có người Mỹ gốc Việt hiện nay. Những người da trắng bị đàn áp tôn giáo ở châu Âu tới đây trong thời kỳ đầu. Những người Puritans di dân sống tại New England, người Đức định cư tại Pennsylvania, và cũng có cả người Tây Ban Nha, Pháp và Nga di dân qua Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sống trong 13 bang đầu tiên.
Người nô lệ da đen có một lịch sử bị đàn áp trong khi sinh sống tại đây. Ngày nay mọi học sinh, từ tiểu học cho đến đại học, khi học lịch sử Hoa Kỳ đều phải biết lich sử Hoa Kỳ cũng có một thời kỳ đen tối. Chúng tôi phải học để không thể hãnh diện mọi thứ đến từ Hoa Kỳ đều tốt đẹp. Những chính sách trong thế kỷ 19 đã tiêu diệt đại đa số người da đỏ tại đây cũng là một vết nhơ cho quốc gia mà mỗi lần nhắc đến các công dân Mỹ đều cảm thấy xấu hổ và không thể nào hãnh diện về quá khứ.
Tại Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam, mặc dù được viết vào lịch sử, hiện vẫn đang được tranh cãi vì nhiều người vẫn còn có quan điểm khác biệt như ý thức hệ về chủ nghĩa Cộng Sản và Tư Bản, điều lo ngại và sợ hãi chủ nghĩa Cộng Sản xâm lăng nước Mỹ thời thập niên 1950s mà sau 60 năm, chủ nghĩa McCarthyism vẫn thỉnh thoảng còn được nhắc đến vì chia rẽ sâu xắc.
Chủ nghĩa đó đã đẻ ra chính sách Chiến Tranh Lạnh (Cold war), xung đột vịnh Con Heo tại Cuba, chiến tranh Đông Dương và Việt Nam và cuộc chiến tranh chống Cộng cục bộ trên toàn thế giới từ Châu Mỹ Latin cho đến nhiều nước tại Phi Châu.
Khi những tranh cãi về lịch sử được sáng tỏ, người dân Hoa Kỳ sẽ có kết luận về cuộc chiến Việt Nam, nhưng từ giờ cho đến lúc đó người Mỹ có bổn phận phải viết "thật" về cuộc chiến tranh Việt Nam vì nước Mỹ không thể để lịch sử sẽ phải tiếp diễn một lần nữa.
Người Mỹ biết rõ người Cộng Sản Việt Nam đã viết lại, đánh bóng và thần thánh cuộc chiến do đó họ rất ít đề cập đến những gì người Việt trong nước được học về chiến tranh Việt Nam. Nhưng không vì đó Hoa Kỳ bỏ qua những chi tiết quan trọng qua đó họ học hỏi để tránh sai lầm sau này.
Nhìn lại, một bên dùng lịch sử để mua chuộc, tuyên truyền cho người dân trong nước, trong khi bên kia muốn tìm hiểu lịch sử tại sao đã xảy ra, tiến trình ảnh hưởng đến chính trị, ngoại giao, kinh tế và xã hội, và cuối cùng những ảnh hưởng lâu dài của cuộc chiến.
Thực dụng để phát triển
Nhiều người nói người Mỹ rất "thực dụng". Tôi nghĩ khi bắt đầu dựng nước, không hẳn người Mỹ đã biết "thực dụng" phải là điều kiện tiên quyết trong Hiến Pháp.
Họ biết rằng muốn có một quốc gia xây dựng trên một nền tảng vững chắc trong đó đoàn kết cả triệu người rải rác khắp nơi trên trái đất đến cư ngụ để xây dựng đất nước thì luật lệ phải rõ ràng, nghiêm minh và áp dụng đồng đều cho bất kỳ một ai, không phân biệt đối xử, công bằng và bắt buộc áp dụng rộng rãi từ những người nắm chính quyền cho đến người dân.
Nhà nước phải được phân lập thành ba nhánh quyền lực để kiềm chế tình trạng lạm dụng quyền lực và không một bộ phận nào có thể dẫm chân lên nhau. Lập pháp (quốc hội) ban ra luật lệ, Hành pháp (chính phủ) thi hành luật của Quốc Hội ban hành và Tư pháp (Tối Cao Pháp Viện) thì diễn giải luật pháp nếu những đạo luật không rõ ràng hay vi phạm Hiến Pháp.
Mọi việc đều ghi chép rõ ràng trong Hiến Pháp và Luật Pháp. Chính phủ Liên Bang có những quyền và giới hạn, chính quyền Tiểu Bang biết rõ đâu là việc làm của họ và đâu là việc làm của chính quyền Trung Ương.
Việc Tổng Thống Nixon, Clinton vi phạm luật pháp hay không Thượng Viên xét xử công khai minh bạch, đây không phải "thực dụng" của Mỹ thì là gì? Nhiều người nói Tổng Thống Hoa Kỳ là một người có quyền hành nhiều nhất và tối cao trên thế giới, tôi không nghĩ như vậy vì tôi cho rằng người có thể truất phế Tổng Thống Hoa Kỳ mới là người có quyền tối cao nhất, và đó là người dân Hoa Kỳ.
Người dân không chỉ được đại diện bởi chính quyền trung ương, họ cũng được đại diện tại cấp địa phương trong đó người dân sẽ quyết định ai sẽ là Thống Đốc, Thị trưởng, Nghị Viên và ngay đến cả trong Tòa Án.
Người dân không chỉ bầu Chánh Án, họ còn được tham dự vào quyết định xử án qua hệ thống Jury Duty (Thẩm Phán Nhân Dân) trong đó người dân quyết định từng bản án cho từng vụ án một. Luật lệ nghiêm minh và rõ ràng đến mức độ không một ai được phép lũng đoạn khi người dân đang thi hành Jury Duty.
Thử hỏi nếu luật pháp không công minh thì làm sao Hoa Kỳ có thể đứng vững hơn 200 năm nay và tiếp tục là cường quốc trong đó người dân của họ đến từ khoảng 200 quốc gia trên thế giới, với những chủng tộc khác nhau và văn hóa dị biệt tạo ra một Hoa Kỳ có những thứ các quốc gia khác có và cả những thứ các quốc gia khác không có.
Hoa Kỳ luôn luôn chứng tỏ sự "thực dụng" không chỉ khi thành công mà cả khi thất bại. Năm 2003, khi biến cố chiếc phi thuyền con thoi Columbia với 7 phi hành gia gồm nhiều quốc tịch khác nhau đã mất khi nó bị nổ tung trong lúc quay trở về trái đất. Người Mỹ đã nhìn nhận sự thất bại. Tổ chức NASA đã phải điều tra và cải tổ. Một Columbia Accident Investigation Board đã phải thành lập không phải để chỉ trích ai trái ai sai mà thực tế nhằm khắc phục những sai lầm để tránh tình trạng này có thể tiếp tục xảy ra.
Khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, người Mỹ tự nhìn nhận trách nhiệm. Họ chấp nhận hơn một triệu người Việt miền Nam từng một thời là đồng minh chiến đấu chống lại người Cộng Sản miền Bắc, định cư tại Hoa Kỳ.
Họ cũng chấp nhận bang giao với kẻ thù cũ và ngày nay họ đã tạo được một hình ảnh trung thực mà nhiều người sống và trưởng thành trong xã hội Cộng Sản Việt Nam như bạn Đoan Trang chấp nhận "Thân Mỹ" hơn những kẻ một thời được gọi là đồng chí vĩ đại Trung Quốc mà ngày nay muốn lăm le nuốt chửng Việt Nam.
Nhìn lại Việt Nam
Sự thực dụng của Hoa Kỳ có lẽ nên là bài học cho những người tự nhận Quốc Gia và Cộng Sản Việt Nam. Cả hai bên đã tiếp tục mất hướng đi, người Việt Quốc Gia chỉ tiếp tục soi mói và nhìn thấy những lỗi lầm của người Cộng Sản và chỉ trích. Họ không nhìn thấy sự thay đổi của lớp trẻ hiện nay tại Việt Nam mà bồi dưỡng họ.
Những người trẻ sẽ là những người sẽ lãnh đạo Việt Nam trong những thập niên mới, họ bắt đầu có những cặp mắt khác hơn 12 người trong Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay, những kẻ tiếp tục tuyên truyền và theo đuổi chính sách của đảng Cộng Sản và làm nhiều người tự hỏi Việt Nam đang vẫn đang còn trong chiến tranh hay cuộc chiến đã kết thúc hơn 30 năm?
Những khẩu hiệu tiếp tục ca ngợi sự vĩ đại cuộc chiến thắng cách đây hơn 30 năm không giúp Đảng Cộng sản giảm bớt tình trạng tham nhũng, cũng không giúp đỡ cuộc sống của những nông dân và công nhân luôn luôn được ca ngợi trên băng rôn nhưng thực tế vẫn lao động nặng nhọc trên đồng ruộng cháy nắng và mệt mỏi đẫm mồ hôi trong những công trường khi tham nhũng đã nuốt đi phần lớn lương bổng và những quyền tối thiểu như đình công bị tước đoạt.
Đảng Cộng Sản hiện nay ác thay lại là cánh tay dài của Tư Bản ngoại quốc và công nhân không nhìn thấy sự đại diện của họ. Đảng chỉ giúp những người lãnh đạo tại Hà Nội che giấu những khuyết điểm. Họ cũng chưa có phương cách cứu chữa mà càng đẩy người anh em đối nghịch, người Việt Quốc Gia với cặp mắt ác cảm.
Cách đây hơn 30 năm người Cộng Sản Việt Nam chứ không phải nhân dân Việt Nam mở cuộc chiến tranh tại Campuchia và kết quả Việt Nam bị người láng giềng thân thiết Trung Quốc tấn công trừng phạt, nhiều chiến sĩ và nhân dân miền Bắc thương vong.
Người Cộng Sản Việt Nam không thể trả lời câu hỏi cả triệu người Việt đặt nghi vấn: "Đảng đã và đang làm gì cho những hải đảo và đất liền đang bị chiếm đóng? Đó là một câu hỏi không một ai trong Bộ Chính Trị, Nhà Nước và Mặt Trận Tổ Quốc có câu trả lời thích đáng.
Trỗi dậy sau thất bại
Nhưng tại Hoa Kỳ, một quốc gia khi người dân yêu cầu chính quyền phải thi hành, với một quan điểm "thực dụng", sau "thất bại" của cuộc chiến tranh Việt Nam (như những người thiên tả nói), người Mỹ vẫn tiếp tục tham dự vào những cuộc xung đột trên thế giới.
Người Mỹ cảm thấy họ phải tham dự vào những cuộc chiến tranh như cuộc chiến Việt Nam vì họ cho rằng họ có trách nhiệm. Ai cũng nghĩ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ sẽ bị ám ảnh về sự sa lầy và "thất bại" tại Việt Nam thì họ sẽ không bao giờ dám nghĩ đến chiến tranh.
Nhưng không, chỉ sau khi chính quyền của Tổng Thống Ford và Carter đi xuống, người Mỹ không thể chấp nhận một tình trạng không "thực dụng" khi các đồng minh của họ bị tấn công và họ bị bó tay vì "ám ảnh" của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Tổng Thống Reagan đã có cuộc chiến tại Grenada, Trung Mỹ. Tổng Thống George H. Bush tham dự cuộc chiến tại Panama, The Gulf War giải phóng Kuwait. Tổng Thống Clinton tham chiến với NATO tại Kosovo. Tổng Thống George W. Bush mở hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq. Và Tổng Thống Obama tiếp tục hai cuộc chiến này cho đến hiện nay.
Người Mỹ đã đủ trưởng thành sau cuộc chiến Việt Nam để có thể giải thích lý do tại sao phải tiếp tục tham chiến trên thế giới nhưng tại Việt Nam, chính phủ vẫn không thể giải thích được cuộc Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 nhưng mỗi khi có cơ hội chỉ trích đến chính sách chiến tranh của Hoa Kỳ khi tham chiến trên thế giới thì Việt Nam lại chỉ có một bài vở cũ khi so sánh sự sa lầy của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam cách đây 35 năm!
Khi tôi đến Hoa Kỳ lần đầu tiên, sự hiểu biết và tiếng Anh hạn chế, chỉ biết đi học nhưng nhận thấy một quốc gia to lớn như Hoa Kỳ đang đi vào thời kỳ đen tối. Nhân viên và quan chức ngoại giao Mỹ ở tòa đại sứ họ tại Teheran, Iran bị bắt giữ mà Hoa Kỳ không làm gì được.
Tổ Chức OPEC phát động cấm vận dầu hỏa Hoa Kỳ và Tây Phương để trừng phạt và tìm cách giết đồng minh Israel tại Trung Đông. Giá xăng chỉ qua đêm tăng gấp đôi. Xe hơi đậu dài cả cây số để mua xăng. Xe hơi nhỏ của Mỹ sản xuất thua xa xe cộ của Nhật. Lạm phát và phân lời của chính phủ tăng vọt lên gần 20%. Kinh tế đi xuống thất nghiệp cao không thua gì cuộc khủng hoảng kinh tế năm ngoái 2009.
Nhưng chỉ trong vài năm sau, với các biện pháp phục hồi kinh tế trong thời kỳ Tổng Thống Reagan, Hoa Kỳ trở lại vị thế cường quốc với những các phát minh hiện đại như máy vi tính, Internet, Biotech, thuốc mem, kỹ thuật hàng không, không gian,...
Tự do nói lên suy nghĩ
Người Mỹ thành công không phải vì họ có Tổng Thống Reagan, họ thành công vì người dân Hoa Kỳ có một nền tảng vững chắc về hệ thống cơ sở chính trị kinh tế và xã hội. Nhưng chỉ điều đó thôi cũng không đủ vì rất nhiều quốc gia trên thế giới như Âu Châu, Nhật Bản đều như vậy.
Hoa Kỳ có những thứ mà Trung Quốc cũng khó bắt kịp nếu họ không chịu thay đổi guồng máy chính trị. Nền giáo dục và người dân Hoa Kỳ chấp nhận quyền tự do tuyệt đối của con người. Khi một con người có tự do nói lên suy nghĩ của họ về chính trị, xã hội, kinh tế,... họ sẽ là những thiên thần về khoa học, những nhạc trưởng vĩ đại.
Tại Hoa Kỳ trẻ em đã được tập thói quen tự do nói lên suy nghĩ và điều đó sẽ ảnh hưởng đến những sáng tạo tự nhiên mà xã hội hy vọng các em sẽ tạo dựng nên.
Hoa Kỳ là một quốc gia luôn mở cửa cho các sắc dân khác đến lập nghiệp. Người di dân mang tới Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ nguồn sinh lực mới, suy nghĩ mới mà một quốc gia thuần chủng như Việt Nam không thể có.
Trung Quốc hay Việt Nam có thể có đội ngũ công nhân tay nghề cao, sản xuất được những món đồ tỉ mỉ và tinh vi nhưng Việt Nam và Trung Quốc không thể có các Khoa Học gia, không thể có những phát minh kỹ thuật hoàn toàn mới lạ vượt ra ngoài suy nghĩ bình thường của trí tuệ con người như phát minh ra như máy vi tính, vì người Trung Quốc hay người Việt Nam không có tự do. Thiếu tự do, họ không thể mơ tưởng ra ngoài khoảng không gian Đảng và Nhà Nước cho phép.
Các nước Á Châu và đặc biệt các nước Cộng Sản không thể có những nhà bác học vì họ bị trưởng thành trong gò bó, chỉ biết tuân lệnh, biết chịu đựng và chấp nhận bị kiểm soát. Chuyên gia Việt Nam có thể là con chim biết bay trong khoảng trời Việt Nam, họ có thể bay tới không gian mới nhưng không thể nghĩ rằng một ngày họ sẽ khám phá những vì sao mới trong không gian mới, đơn giản vì họ không có tự do để mơ màng.
Hoa Kỳ đã có và sẽ có những bác học, khoa học gia như Eugene H. Trinh, Tuan Vo-Dinh, Xuong Nguyen-Huu, Nguyen Xuan Vinh, Nguyet Anh Duong, Duy-Loan Le, Jane Luu gốc Việt nhưng Việt Nam sẽ không có cơ hội đào tạo những con người trên.
Cho dù Việt Nam được nắm quyền bởi người Việt Cộng Sản hay người Việt Quốc Gia, Việt Nam sẽ không được như Hoa Kỳ nếu người Việt không thức tỉnh.
Họ phải biết nói lên những gì họ muốn nói. Họ phải có được tự do tuyệt đối để phát huy trí tuệ của họ. Chính quyền Quốc Gia trước 1975 và chính quyền Cộng Sản Viện Nam hiện nay chưa đủ tư cách lãnh đạo để ban phát cho người Việt quyền tự do tối thiểu thì nói chi tới quyền tự do tuyệt đối để so sánh với Âu Mỹ.
Do đó "Thân Mỹ" là một hình thức đốt giai đoạn hy vọng làm ngắn cuộc hành trình thành công cho một số người tại Việt Nam như Đoan Trang.
Tôi không có gì hơn chúc bạn có đạt được những mơ ước trong khoảng thời gian đẹp nhất của đời người.
MM
________________________
Đoan Trang - Thân Mỹ
http://www.x-cafevn.org/node/95
.
.
.
No comments:
Post a Comment