09/04/2010 - 12:01
Tiến sĩ Bảo Đạt hiện là giảng viên Khoa Giáo dục của trường Đại học Monash.
Bài viết này được dựa trên nghiên cứu của anh về sốc văn hóa đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
--------------------------------------
Nhu cầu hiểu biết văn hóa
Người ta thường nói hiểu được văn hóa của dân tộc mình và tác động của nó đối với người nước khác là nắm được chìa khóa giao tiếp đa văn hóa, một công cụ cần thiết trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay. Không gì tai hại cho bằng liên tục ngộ nhận trong giao tiếp để rồi dẫn đến thất bại trong quan hệ ngoại giao, kinh doanh, học tập, kết bạn, tổ chức công việc và thúc đẩy quá trình phát triển bản thân.
Dù là người Việt đi ra nước ngoài hay trong giao lưu với bè bạn quốc tế, hiểu được những vướng mắc giữa hai luồng giá trị văn hóa là đã phần nào hiểu được hai xã hội. Khi biết uyển chuyển vượt qua những cú sốc văn hóa đó nghĩa là chúng ta đã đạt được một bước tiến đáng kể trong kỹ năng giao tiếp của mình.
Cũng như bao nhiêu quốc gia khác, Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm thu hút không chỉ khách du lịch với số lượng ngày càng tăng mà còn tiếp nhận bạn bè khắp năm châu đến sinh sống, học tập và làm việc với nhu cầu hội nhập rất lớn. Theo ước tính, hiện nay có hơn một trăm nghìn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc dài hạn tại Việt Nam.
Mặc dù mỗi cá nhân do tính cách và đặc điểm văn hóa riêng đều có cách ứng xử khác nhau nhưng khi trò chuyện với 32 người nước ngoài đã trải qua sốc văn hóa trên đất nước Việt Nam, họ chia sẻ một số phản ứng tương đồng đối với những thực trạng trong cuộc sống hàng ngày trên đất nước này.
Sốc văn hóa có thể được biểu hiện dưới dạng tích cực, tiêu cực hoặc trung hòa. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin trình bày vài cú sốc tiêu cực mong sao tác động đến ý thức của người Việt về những điều hàng ngày vốn được chúng ta xem là bình thường nay lại trở thành hiện tượng khó giải thích đối với bạn bè năm châu.
Không gian, âm thanh và tự do cá nhân bị thu hẹp
Người Việt hoạt động trong không gian rất khiêm nhường. Một hình ảnh hết sức quen thuộc với người Việt là đứa trẻ học bài bên cạnh người mẹ đang nấu bếp, người cha đang nhậu với bạn bè, trong khi ti-vi đang được mở rất to, chó đang sủa ngoài sân, người buôn bán đang rao hàng, tiếng karaoke văng vẳng từ xa và hàng xóm đang lục đục ở nhà bên cạnh.
Ngoài đường phố, một người nước ngoài được những người dân xung quanh dòm ngó, chỉ trỏ nhận xét, rồi cười vang một cách công khai. Thỉnh thoảng một chiếc xe gắn máy chạy qua một phụ nữ, người lái xe quay lại nhìn vào mặt cô ta để thẩm định nhan sắc.
Bạn bè lâu ngày gặp nhau buông lời nhận xét “Anh ốm quá!”, “Dạo này chị lên ký phải không?”, “Bác mập ra nhiều đấy!”, “Trông cô sao mệt mỏi quá vậy?” hay “Trông chú ăn mặc khác hồi xưa nhiều quá, tôi nhận không ra!”. Thỉnh thoảng người ta chạm vào quần áo và cầm xem đồ đạc tư trang của bạn mà không buồn xin phép.
Tất cả những điều này là một phần cuộc sống của người Việt nhưng đối với một người đến từ một nước phương Tây vốn xem không gian và quyền tự do riêng tư là điều quan trọng thì đều rất không bình thường.
Giao thông cực kỳ phóng túng
Trong mắt người nước ngoài đến Việt Nam, phương pháp lưu thông của người bản xứ gợi nhớ đến hoạt động của những khu rừng nguyên sinh khi muôn loài tự do chuyển động bằng bản năng không theo xã hội.
Hàng chục phương tiện giao thông khác nhau không ngừng xuất hiện từ mọi hướng trên đường phố và gần như suýt va chạm vào nhau. Luật giao thông lỏng lẻo và biến hóa đến mức không ngờ. Đường phố luôn được đào lên sửa chữa nên lòng đường bị thu hẹp lại và xe cộ tắc nghẽn khắp nơi khiến cho đèn giao thông không còn phát huy được tác dụng. Phương tiện giao thông được điều khiển một cách đa dạng, kèn bóp inh ỏi và người đi đường thì luôn miệng trách móc nhau. Nguy hiểm kề cận từng giây. Xe rẽ trái hay phải không cần bật tín hiệu báo trước. Thỉnh thoảng xe gắn máy kéo xe đạp cùng đi cho đỡ tốn sức. Xe hàng chen lấn với xe con, còn người đi bộ thì không cần nhìn như để thách thức xe. Lưu thông không gói gọn trong lòng đường mà leo lên cả lề đường, xuyên qua hàng quán. Người ta đi chỗ nào đi được chứ không phải chỗ nào được đi. Du khách run rẩy bám vào yên xe ôm, thót tim, nhắm mắt và cầu nguyện.
Nụ cười thân thiện không kém phần bí ẩn
Đôi khi giữa cuộc trò chuyện với bạn bè nước ngoài, người Việt quay lại nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt và cười vang không cần giải thích. Khi chuyện bất bình xảy ra trên đường phố và cần sự can thiệp, họ cười. Khi phạm lỗi và cần xin lỗi hay giải quyết thỏa đáng, họ chỉ cười. Khi nên cảm ơn hay tỏ lòng cảm kích, họ lại cười. Khi bạn đang bối rối không biết phải làm sao, họ sẽ giải quyết bằng một nụ cười.
Cười để xin thứ lỗi, cảm ơn, châm chọc, thân thiện, hay tỏ thái độ bất lực? Người nước ngoài luôn đi tìm một lời giải thích để hiểu văn hóa Việt Nam và khi họ hỏi người Việt thì được đáp lại bằng một nụ cười bao hàm những ý nghĩa trên.
Tôi thiết nghĩ không dân tộc nào là không có nụ cười văn hóa của mình, tuy nhiên nếu nụ cười đó gây sốc thì nên được kèm theo bằng một lời giải thích để giúp người khác hiểu được tại sao mình cười, được vậy nụ cười thân thiện sẽ không thể biến thành nụ cười châm chọc!
Vệ sinh công cộng cũng gây tranh cãi
Những chiếc thùng rác nằm ngoài đường vẫn còn sạch sẽ vì chưa đủ rác để làm dơ bẩn bên trong. Anh bạn của tôi đến từ nước khác, một hôm tình cờ đi sau lưng ba thanh niên người Việt đã bất ngờ đạp lên một chiếc bọc nước mía mà họ quăng lại đằng sau. Với ý thức cộng đồng cao, bạn tôi đã cúi xuống nhặt chiếc bọc ấy và băng qua đường (dự) định cho vào một thùng rác thì chiếc bọc thứ hai đã bay ra và đáp vào luồng xe cộ đang lưu thông. Bạn tôi giận quá, quay trở lại để khuyên: “Tại sao các bạn muốn làm cho bộ mặt đất nước mình xấu đi?” thì được trả lời rằng: “Đây là đất nước chúng tôi, chúng tôi muốn làm gì thì làm, xin anh đừng can thiệp!”. Được quyền tự do làm theo ý riêng của mình không có nghĩa là được phép đánh mất quyền tự trọng; can thiệp và khuyên bảo là hai điều hoàn toàn khác nhau.
Ý thức tương trợ khó áp dụng cho người lạ
Người Việt tương trợ gia đình và thân nhân rất tốt, đôi khi hy sinh quên cả bản thân. Tuy nhiên khi một tai nạn diễn ra trên đường phố, rất nhiều chiếc xe đi qua đã dửng dưng không đếm xỉa hoặc chỉ đưa mắt nhìn hiếu kỳ. Người bị nạn kẹt dưới xe gắn máy một cách vô vọng nhưng người ta vẫn không mảy may chạy đến giúp, bởi lẽ nạn nhân ấy không phải là người trong gia đình họ. Anh bạn nước ngoài của tôi thấy vậy bèn chạy ra đỡ xe lên rồi đưa người kia vào lề đường. Những chiếc xe khác bị xe gắn máy cản đường bèn bóp kèn inh ỏi như thầm đòi hỏi bạn tôi phải lôi chiếc xe kia vào lề đường cho gọn vì đã giúp sao lại không giúp cho trót. Anh bạn tôi giận lắm, về sau đã nhận xét: “Khi Việt Nam đang làm hết mình để tăng giá trị và hội nhập vào thế giới, lẽ ra người Việt nên giúp đồng bào mình trước khi đóng góp vào công cuộc toàn cầu hóa của nhân loại!”. Thiết nghĩ, tinh thần lớn thường bắt đầu từ việc nhỏ và dân tộc có kỷ luật cao thường biết chú trọng làm những việc bình thường.
Bình đẳng giới vẫn còn khó khăn
Khác với nhiều nước mà những quán rượu bia đều có mặt cả khách nam lẫn khách nữ, ở Việt Nam phần lớn khách vào quán luôn là các đấng mày râu. Phụ nữ có chăng chỉ là những người phục vụ. Những thói quen mà nam giới xem là bình thường, như hút thuốc, nhậu nhẹt, đi chơi khuya, ngủ dậy trễ… nếu được thực hiện bởi phụ nữ sẽ là điều xã hội khó có thể chấp nhận được.
Một hôm, anh bạn tôi muốn xã hội thay đổi cách nhìn của công chúng đã đánh bạo thực hiện một cuộc thí nghiệm bằng cách mời phụ nữ thể hiện một trong những thói quen thông thường của cánh đàn ông. Anh ấy mời vài phụ nữ mặc áo dài cầm trên tay những điếu thuốc lá đã đốt sẵn để xem công chúng có phản ứng thế nào. Quả nhiên một số người bất bình đã lên tiếng: “Tại sao ông lại mời phụ nữ Việt Nam hút thuốc, nhất là những người đang mặc trang phục áo dài?”. Anh bạn tôi hỏi: “Vậy nếu họ không mặc áo dài thì có được hút thuốc không?”. Những người này đáp rằng: “Áo dài hay không gì cũng vậy, phụ nữ Việt Nam không được hút thuốc!”
Quan điểm này khác hẳn với nhiều nước trên thế giới, nơi mà việc hút thuốc là tự do cá nhân của nam lẫn nữ và người ta chỉ cần tôn trọng luật lệ xã hội để chỉ hút ở những nơi quy định sẵn.
Rèn nhận thức và tích cách để tự hào về Việt Nam
Mặc dù cách xử lý những hiện tượng trên đối với người nước ngoài không dễ dàng để thực hiện, một số người đã tỏ ra lạc quan. Là những người sống nhiều năm ở Việt Nam, họ biết cách tạo cho mình một không khí ấm cúng riêng tại nhà để có thể thưởng thức những sở thích như đọc sách, xem phim, uống cà phê, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sống với bạn bè khắp nơi và tìm niềm vui qua trao đổi thông tin.
Một số khác biết tìm những điểm du lịch bên ngoài thành phố để thoát ra khỏi những căng thẳng của cuộc sống hàng ngày, nhiệt tình học tiếng Việt, kết bạn và tham gia những sinh hoạt với người Việt để không nhất thiết phải mang một chiếc mặt nạ khác để giả vờ bình thường.
Họ nghĩ đến những điều tốt đẹp đã trải qua ở Việt Nam, hiểu sâu sắc rằng người Việt đã bước qua chiến tranh và quá khứ, nỗ lực cho sự nghiệp, thích kết bạn, trò chuyện, học hỏi những điều mới mẻ và không ngừng tìm hiểu thêm về thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, thành công trong giao tiếp đa văn hóa đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai phía. Chúng ta giúp bạn bè nước ngoài hội nhập với cuộc sống trên đất Việt cũng là để họ thấy được Việt Nam là một dân tộc với nền văn hóa đáng kính trọng chứ không phải một cuộc sống đầy khó nhọc để khiến người khác chạnh lòng thương hại.
.
.
.
No comments:
Post a Comment