Wednesday, April 14, 2010

PHỎNG VẤN GS CARLYLE THAYER về ĐẠI HỘI 11 CSVN

Phỏng vấn Giáo sư Carlyle Thayer

http://www.danchimviet.com/archives/6414

Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản khóa X lần thứ 12 tại Hà Nội, chuẩn bị cho Đại hội Đảng XI năm 2011, đã đưa ra một số chủ trương mà các chuyên gia về Việt Nam xem là khá quan trọng trong việc tiên đoán thành phần nhân sự và tương lai của Đảng CSVN cho những năm kế tiếp. Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc châu, một nhà nghiên cứu về những vấn đề Việt Nam, đã dành cho Viễn Đông một cuộc phỏng vấn hôm 8-4-2010. Qua đó, ông nêu ra một số lý luận về tình hình Việt Nam hiện nay và những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai, cũng như mối quan hệ song phương Việt-Úc, mà ít báo chí nào đề cập đến, trong tương quan nền ngoại giao Việt Nam-Trung Cộng. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn qua đường dây điện thoại viễn liên.

Viễn Đông: Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Đảng Cộng sản lần thứ 12 ngày 28-3 vừa qua, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đã kêu gọi giữ vững lập trường xã hội chủ nghĩa và xác định Việt Nam vẫn đang trong “thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Song song đó, ông ta cũng muốn quét sạch nạn tham nhũng, lãng phí. Theo giáo sư, “chủ nghĩa xã hội” mà Tổng Bí Thư CSVN nhắc đến có thể được hiểu như thế nào?

GS Carl Thayer: Lời kêu gọi đẩy mạnh chủ nghĩa xã hội vừa mang nội dung tư tưởng vừa có ý nghĩa về mặt xã hội. Trong nhiều mặt, thành phần cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam quan tâm đến sự phân hóa giàu nghèo trong giai tầng xã hội và giữa các tỉnh, thành phố, cũng như cách thức cứu vãn tình thế nơi tầng lớp công dân và nông dân, trong khi nền kinh tế chuyển hướng về phía tư bản, để cho tầng lớp trung lưu và thương gia hưởng khá nhiều lợi lộc. Đảng CS chưa thực sự giải quyết được vấn đề khi tiếp tục gắn bó với chủ nghĩa xã hội.

Còn về nội dung tư tưởng, chẳng hạn như hệ thống chính trị tự cho rằng mình đang phải chiến đấu với những “thế lực thù nghịch” bên trong lẫn bên ngoài. Họ gọi đó là “diễn biến hòa bình”, nghĩa là nhân quyền và dân chủ được dùng như những công cụ để lật đổ chế độ cầm quyền độc đảng.

Cho nên, thứ chủ nghĩa xã hội mà họ đề cập cho kỳ Đại hội Đảng tới đây, (CSVN chỉ có hai lần bàn về điều này, một lần vào năm 1930, lần sau vào năm 1991, và trong lần thứ nhì, họ thảo luận về khung thời gian cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội) lần này họ đặt câu hỏi phải làm gì khi đến đường cùng (Cười). Tức là câu hỏi, “Cuộc sống sẽ ra sao khi đã có chủ nghĩa xã hội?”. Rồi “làm sao chúng ta biết được mình đã đạt đến chủ nghĩa xã hội, và nó hình thù ra sao?”. Đây là lúc mà chính hệ thống tư tưởng như cái cũi giam cầm họ. Có lẽ đã đến lúc họ phải thoát ra khỏi cái cũi đó và thay đổi quan niệm về cuộc sống.

Để trả lời câu hỏi này, việc tăng cường xã hội chủ nghĩa đồng nghĩa với việc gia tăng sự cân bằng lợi tức trong xã hội và nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát những ngành kỹ nghệ trọng yếu.

Còn về chuyện tham nhũng và lãng phí, từng là những vấn đề nổi bật 5 năm về trước. Như trong bất cứ xã hội nào, việc bài trừ tham nhũng và lãng phí cũng giống như chống mãi dâm, dẹp được góc phố này thì lại xuất hiện ở góc đường khác. Ở Việt Nam, vì không có hệ thống tư pháp độc lập, công an được dùng để bắt các vụ tham nhũng nhỏ. Còn tham nhũng ở cấp cao hơn thì được bảo vệ kỹ càng. Chúng ta gần như có thể thấy cái biểu ngữ chống tham nhũng được giương lên trước mặt Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) khi ông ta nhậm chức 5 năm trước. Ông ta nói sẽ dựng nên một ủy ban chống tham nhũng. Ông ta muốn Bộ Công An phải nhanh chóng điều tra có kết quả một số trường hợp. Và như chúng ta biết, những quan chức nhà nước cao cấp dính líu tới vụ PMU-18 được tha bổng.

Bây giờ sắp đến kỳ Đại hội Đảng, nơi nhiều phe nhóm đang tranh giành quyền lực. Nông Đức Mạnh sẽ là người của quá khứ; ông ta sẽ về hưu. Nhưng còn nhiều người khác nhắm vào chiếc ghế Thủ tướng, đã thấy cách ông ta cho nền kinh tế thị trường chạy rông, khiến cho nạn tham nhũng hoành hành thêm, hơn là chế ngự được nó, đặc biệt là ngay trong gia đình ông ta.

Viễn Đông: Có một lập luận cho rằng tham nhũng là một phần không thể thiếu trong hệ thống của nhà cầm quyền độc đảng hiện tại, và gần như là một định chế để nhà nước này tồn tại. Ông nghĩ sao về lý luận đó?

GS Carl Thayer: Nãy giờ chúng ta nói đến tham nhũng một cách chung chung, chưa phân loại. Chúng ta có thể chia làm hai loại tham nhũng:

(1) do cấp dưới dùng quyền hành để kiếm chác; chẳng hạn, công an cảnh sát vòi tiền trong khi điều khiển giao thông, cho giấy phạt để hưởng lợi, v.v.; và

(2) ở cấp quốc gia, qua những đại công ty quốc doanh có những mối quen biết chính trị; thí dụ, những thành phần trong hệ thống ngân hàng nhà nước cùng nhau trục lợi vì không có một sự kiểm soát nào. Không có ranh giới rõ ràng định nghĩa được cái gọi là quyền tư hữu. Chẳng hạn, đất đai vẫn thuộc về nhà nước. Nhà nước vẫn còn loay hoay thảo luận làm cách nào để có một nền kinh tế thị trường với quyền tư hữu.

Tham nhũng trong bộ máy chính quyền tồn tại vì hệ thống bổng lộc của nhà nước cho phép đưa nhân sự vào cấp Bộ qua sự quen biết, đút lót, chứ không phải do trình độ, khả năng như ở những nước khác. Đến khi những nhân sự này vào được Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN thì họ đã có nhiều dây mơ rễ má, được sự bảo bọc tối đa rồi. Cho nên, tham nhũng tiềm tàng sẵn và đã là một phần cố hữu trong bộ máy chính quyền trung ương. Quyền lợi nằm trong các Bộ, không lẽ chính họ buộc tội họ tham nhũng?! Tham nhũng đích thị là một phần của hệ thống cầm quyền độc đảng, kiểm soát tất cả ban, ngành, kể cả ngành công an và hệ thống tòa án.

Viễn Đông: Có lẽ chúng ta phải vất bỏ nhiều lý thuyết về tiến trình dân chủ hóa khi áp dụng cho trường hợp Việt Nam hay Trung Quốc, vì một số lý thuyết này nói đến việc tầng lớp trung lưu, trí thức trở thành giai cấp đối kháng với chính quyền trong một thể chế độc tài?

GS Carl Thayer: Nhìn qua lăng kính kinh tế chính trị, thì hệ thống cầm quyền hiện tại tự nó nuôi sống nó và kéo dài tuổi thọ. Trong trường hợp Nam Dương, chính quyền độc tài cầm quyền từ năm 1956 đến 1998 thì bị lật đổ. Ở một thời điểm nào đó, tầng lớp trung lưu trở nên thành phần đối kháng với chính quyền. Còn ở Thái Lan, trong quá khứ, giới tiểu thương và giới trung lưu từng xuống đường. Ở Việt Nam, giới trung lưu chui vào trong chăn, ngủ chung với nhà cầm quyền Cộng sản! Chẳng có một cuộc đụng độ nào với đảng cầm quyền! Đó là điểm khác biệt giữa Việt Nam và các nước khác.

Có một số điểm dị biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong kỳ Đại hội Đảng vừa qua, Việt Nam đã có một số định chế mang tính cách cởi mở hơn trong việc chọn lựa người kế vị. Trung Quốc cấm mọi hình thức thảo luận về việc chọn lựa lãnh đạo. Nhưng ở cấp địa phương, Trung Quốc áp dụng hình thức bầu cử tương đối tự do hơn là ở Việt Nam. Việt Nam vẫn còn đang lúng túng chưa biết phải làm gì để bầu chọn Hội đồng Nhân dân ngoài việc đi theo lối mòn trước đây. Vâng, cả hai nước vẫn còn theo xã hội chủ nghĩa.

Tôi không gọi những việc cải cách của họ là “dân chủ hóa”, nhưng họ phải cải tổ để tạo thêm đồng minh, để giữ vững quyền thế, và cũng để xả bớt áp lực ở các địa phương.

Viễn Đông: Giáo sư đánh giá như thế nào về những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam? Liệu họ có thể kết hợp để tạo thành một phong trào rộng khắp hay không, vì dường như hễ có gương mặt nào sáng giá vừa xuất hiện là nhà cầm quyền lập tức đàn áp họ ngay?

GS Carl Thayer: Đương nhiên rồi. À, nhiều lúc tôi tránh dùng danh từ “nhà bất đồng chính kiến” để nói về những người này; thay vào đó, tôi gọi họ là những “nhà hoạt động”, vì người ta dễ dàng bác bỏ những người bất đồng chính kiến. Nhưng chúng ta cũng có thể dùng cả hai danh từ.

Chúng ta cũng không quên rằng từ cuối thập niên 1980 qua những năm 1990, từ những cá nhân đơn lẻ kêu gọi dân chủ hóa và tự do tôn giáo, cho đến năm 2006 đã có Khối 8406 ra đời, một hiện tượng cho thấy các cá nhân đã trở thành một mạng lưới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lên tiếng phản đối việc khai thác mỏ bauxite. Những linh mục Công giáo đang đòi nhà nước trả lại đất đai, cũng góp tiếng nói trong vụ bauxite. Rõ ràng có sự liên kết giữa các vấn đề. Cộng thêm những người sắc tộc ở vùng Cao nguyên nữa thì sẽ hoàn tất một liên hiệp, nhưng nhóm này dường như chưa được các nhà hoạt động dân chủ chú ý đến.

Như vậy, chúng ta đã có sẵn những nhóm khác nhau đòi dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo. Rồi vấn đề môi sinh trồi lên, liên quan đến an ninh quốc gia, đến mối bang giao với Trung Quốc.

Tôi lập luận rằng, CSVN muốn giữ tính chính thống trong việc cầm quyền; họ luôn luôn cho là họ chiến thắng các cuộc chiến, và chỉ có họ mới thực sự yêu nước. CSVN cũng nghĩ rằng họ đã đưa Việt Nam ra khỏi thời kỳ tăm tối những năm 1980 dưới chế độ xã hội chủ nghĩa theo lối cũ để bước vào thời kỳ “đổi mới”, tạo ra nhiều tài sản, của cải. Và sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã lùi sâu vào quá khứ. Những phong trào đòi dân chủ, khi lan qua việc chống khai thác bauxite, đã thách thức tính chính thống của chế độ cầm quyền và “chứng chỉ” yêu nước của họ, cũng như khả năng đáp ứng của nền kinh tế hiện nay với lạm phát gia tăng, rồi những xung đột quyền lợi kinh tế với Trung Quốc. Vì thế, mặc dù cô nói đúng, những người nổi tiếng bị thế lực công an dập ngay từ lúc mới nhen nhúm khởi sự, nhưng cũng có những hiện tượng thú vị. Những nhà hoạt động được thả ra rồi bị bắt lại, như trường hợp ông Hoàng Minh Chính trước đây, hay có thể là Cha Nguyễn Văn Lý sắp tới đây.

Dù rằng các phong trào và những cá nhân này không bén rễ sâu vì bị nhà cầm quyền đàn áp thẳng tay, khó lấy được sự ủng hộ của đông đảo công chúng. Chúng ta có thể thấy được là chương trình hành động của những nhà hoạt động đã nới rộng, càng lúc càng đẻ ra nhiều mặt trận về lâu về dài. Và chúng ta thấy những tư tưởng này lây lan đến cả thành phần lãnh đạo Việt Nam, chứ không còn ở bên lề như trước đây, nhất là đối với việc chống đối khai thác bauxite. Đó là nan đề Trung Quốc. CSVN không thể vừa ôm lấy chủ nghĩa xã hội, vừa yêu mến Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đang xâm phạm vào những gì thuộc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như ở Biển Đông. Đảng cầm quyền, theo thiển ý, đang ở trong một vị trí khó khăn.

Đúng là những nhà lãnh đạo nòng cốt (trong phong trào đòi dân chủ) đang bị cầm tù, nhưng chúng ta cũng có thể thấy được một tầng lớp mới đang được đào tạo. Họ không chỉ là những người học hành ở Việt Nam hay ở các nước Cộng sản, như các tướng lãnh trước đây, mà được huấn luyện ở Pháp và ở Mỹ. Việt Nam càng mở cửa, lớp người mới với tư tưởng mới sẽ càng đóng vai trò quan trọng. Lớp người này chưa hẳn thay được chế độ độc đảng, nhưng có thể làm thay đổi nó, mở ra nhiều cơ hội khác hơn. CSVN đang bàn đến việc cho dân chúng ứng cử vào Quốc Hội, ngay cả Việt Kiều nữa, dĩ nhiên là Việt Kiều thân Cộng, chứ không phải những ai phê phán chế độ.

Những cuộc thảo luận kể trên tạm thời im ắng trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới. Những cải tổ nêu ra cùng lúc với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã từng bị chìm vào quên lãng, như việc dồn trách nhiệm cho các Bộ, thay vì tập thể lãnh đạo. Trong thời buổi này, đối diện với nền kinh tế suy thoái trên thế giới, CSVN dễ dàng viện cớ đó để đưa ra những luận điệu như cần sự ổn định chính trị, vẫn đang bị các thế lực thù nghịch đe dọa, phải bảo vệ xã hội chủ nghĩa. Đó không phải là sách lược hướng về tương lai, mà chỉ là một phương thức tự vệ.

Viễn Đông: Chúng ta thường nghe nói về quan hệ song phương Hoa Kỳ – Việt Nam để tạo thế cân bằng với Trung Cộng trên bàn cờ chiến lược khu vực. Nhưng chúng ta, ít ra là chúng tôi ở Hoa Kỳ, hiếm khi được biết về quan hệ song phương giữa Úc Đại Lợi và Việt Nam, mà tính ra thì cũng rất quan trọng vì nước Úc nằm ngay trong khu vực chiến lược. Xin ông có thể nói qua về mối quan hệ này, nhất là đối với Trung Cộng?

GS Carl Thayer: Cô và quý độc giả có lẽ không biết điều này. Tôi là người Mỹ, sinh quán California, nhưng tôi đã đến Úc sinh sống từ năm 1971. Điều tôi muốn nói là những nhận xét của tôi tại đây không có phải là lòng yêu nước cuồng tín đâu nhé! (Cười)

Có 13.000 sinh viên học sinh từ Việt Nam đang theo học ở Úc. Có một số lượng tương đương đang theo học với các học viện hay các lớp học của Úc ở bên Việt Nam. Úc Đại Lợi cũng đã huấn luyện hơn 140 sĩ quan Quân Đội Nhân Dân (CSVN) và 40 sĩ quan ở bậc Cao học. Cá nhân tôi cũng thường xuyên hướng dẫn các đại tá của họ.

Về số lượng chiến hạm đến viếng thăm Việt Nam thì Hoa Kỳ gửi qua mỗi năm được khoảng một chiếc và đang có chiều hướng gia tăng từ từ. Trong khi đó, các chiến thuyền Úc thường xuyên ghé qua Việt Nam. Lực lượng Đặc biệt của hai nước cũng có qua lại. Những nhà lãnh đạo cấp cao nhất cũng đến thăm viếng thường xuyên. Quan hệ giữa hai nước không phải lúc tiến lúc lùi như với Hoa Kỳ.

Nước Úc từng tham chiến tại Việt Nam như một đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng lại có chính phủ Lao Động, vốn mở cửa quan hệ sớm hơn với Việt Nam. Vấn đề MIA của Úc cũng khác Hoa Kỳ, mặc dù hài cốt MIA cuối cùng của Úc mới được đưa về nước hồi năm ngoái. Chỉ có 6 hài cốt binh sĩ Úc còn lại khi cuộc chiến kết thúc, không bằng một góc số hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích.

Trên bình diện chung, Úc trở lại Việt Nam và mở ra mối quan hệ chính trị chặt chẽ. Năm ngoái, Tổng bí thư CSVN Nông Đức Mạnh đến Úc. Tôi ở đây quá lâu rồi, nên tôi được mời đến dự bữa ăn tối hai lần, một lần vào thời kỳ “đổi mới” (với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) và lần sau này với Nông Đức Mạnh. Lần đầu, đảng đối lập (nay vẫn là thành phần đối lập) chống đối cuộc viếng thăm, đặt vấn đề tại sao lại đón tiếp một lãnh tụ CSVN ở một nơi không có dân chủ, không có gì tương xứng với thể chế tại nước Úc. Vào năm ngoái, có dàn chào 19 phát súng, có phái đoàn của phía đối lập ra sân bay gặp phái đoàn CSVN; cả Thủ tướng Úc lẫn lãnh tụ đối lập đọc diễn văn tại Quốc Hội nhân dịp này. Bữa ăn tối được tổ chức trong Đại Sảnh Quốc Dân, thay vì trong một căn phòng nhỏ riêng tư như kỳ đón tiếp ông Tổng bí thư “đổi mới”. Cả một sự thay đổi lớn lao.

Hai nước sau đó đã đi đến sự hợp tác toàn diện nhưng chưa phải về mặt chiến lược. Việt Nam muốn, nhưng Úc chưa muốn điều đó. Úc cũng trả cho phần lớn chi phí các chuyến viếng thăm của Việt Nam, trong đó có cả những lần đi dự hội nghị quan trọng trong khu vực.

Úc cũng đã âm thầm lập chương trình giảng dạy Anh văn cho những nhân sự trong quân đội để họ về huấn luyện lại cho các cấp dưới. Còn chương trình quân sự của Mỹ chỉ đưa qua Texas dưới 6 người một năm để học Anh văn.

Nếu quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam tiến triển tốt, Hoa Kỳ có nhiều khả năng tài chánh hơn Úc Đại Lợi để đóng vai trò lãnh đạo trong vấn đề này.

Để kết luận, cả hai nước Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi đều cho rằng Việt Nam là một nước đang vươn lên, cho dù là một nước Cộng sản, là một nước đóng vai trò chiến lược quan trọng trong khu vực, chính yếu là đối với Trung Quốc. Bởi vì những nước như Thái Lan có quá nhiều xáo trộn. Việt Nam cũng đã giữ chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong hai năm. Nay lại giữ chức Chủ tịch khối ASEAN. Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao vươn ra quốc tế.

Úc đóng vai trò khuyến khích và hỗ trợ Việt Nam, để đổi lại sự ủng hộ của Việt Nam như một “đàn em” trong khu vực. Đó là chuyện của nước Úc.

Hoa Kỳ trong năm nay, tôi nghĩ là cũng đã ở trong tư thế tham dự vào nhiều hơn. Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ, và lần đầu tiên đạt thỏa thuận sẽ có cuộc họp cấp cao giữa lãnh đạo quân đội của hai nước ở Việt Nam trong năm nay. Giới chức Hoa Kỳ âm thầm lạc quan rằng điều này sẽ đưa đến những cơ hội hợp tác cụ thể, thiết thực hơn.

Điều này xảy ra, theo tôi nghĩ, không phải vì Việt Nam chơi trò đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà vì áp lực phía Trung Quốc, nhất là áp lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở vùng quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam đang tìm cách bảo vệ chính mình tốt hơn. Do đó, Việt Nam cũng nhạy bén hơn trong mối quan hệ với Úc cũng như với Hoa Kỳ trong năm nay.

Viễn Đông: Có lẽ một phần vì ảnh hưởng cuộc chiến tranh tại Việt Nam, truyền thông Hoa Kỳ thường hay tập trung sự chú ý về hướng đó, và những quan hệ với Việt Nam được nhắc tới nhiều hơn?

GS Carl Thayer: Ở Washington tôi thấy có nhiều tự do hơn ở Canberra (thủ đô nước Úc), chính phủ Úc vẫn còn theo kiểu quân chủ lập hiến của Anh, nên có nhiều việc ở cấp cao vẫn được bàn thảo một cách bí mật, chứ không công khai như ở Mỹ. Tướng CSVN Nguyễn Chí Bình mới đến thăm Úc Đại Lợi, nhưng không có một nhà báo Úc nào gọi tôi để tìm hiểu xem ông ta là ai và tầm quan trọng của cuộc viếng thăm. Ông ta chỉ có một tấm hình nhỏ xíu trên một tờ báo Úc. Ông đến và đi một cách lặng lẽ. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ. Thời gian sau này, Việt Nam ít khi là chủ đề trên các tờ báo ở Úc, hiếm khi được lên trang nhất.

Khi Úc mới mở lại quan hệ với Việt Nam, trong lúc Mỹ chưa bang giao, nhiều thương gia Úc thường tìm đến tôi để hỏi thăm về Việt Nam. Bây giờ quan hệ song phương đã quá chặt chẽ và cùng khắp, giới trẻ qua lại giữa hai bên, nên mọi việc đã trở nên bình thường.

Viễn Đông: Xin cám ơn Giáo sư Thayer đã dành cho Viễn Đông cuộc phỏng vấn này.

Bách Lam/Viễn Đông

.

.

.

No comments: