Wednesday, April 21, 2010

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Sĩ Tử

21/04/2010

http://daohieu.wordpress.com/2010/04/21/do%cc%89i-m%c6%a1%cc%81i-ph%c6%b0%c6%a1ng-pha%cc%81p-gia%cc%89ng-da%cc%a3y/

Là một anh giáo cấp hai, năm nay đã ngấp nghé về hưu, lại đã từng hai lần làm học trò ở trường sư phạm (cao đẳng rồi đại học), tôi đã được chứng kiến hai mươi mấy năm “dạy chay, học chay”, thầy ra rả thuyết trình cả trong giờ thực hành, không có phương tiện và đồ dùng thí nghiệm, học trò chỉ ngồi nghe và ghi. Quả là nhiều lúc thấy chán, mong có một sự thay đổi nào đó giúp giờ học sinh động hơn và người học có thể tham gia tích cực hơn trong việc tiếp thu chân lý khoa học.

Rồi, như người ta nói, cái gì phải đến cũng đã đến. Cấp trên, tức Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng đến lúc nhận ra cần đổi mới. Trong số vô vàn những cái “đổi mới” có “đổi mới phương pháp giảng dạy”.

Trước tiên, người ta mở chiến dịch tấn công vào phương pháp cũ. Các diễn giả là các quan chức của Bộ rồi đến các chuyên gia về phương pháp giảng dạy vạch trần những cái lạc hậu, cũ kỹ và tồi tệ của những phương pháp giảng dạy đã được dùng mấy chục năm và hiện vẫn chưa bị loại bỏ. Không khí của những buổi hội thảo về “đổi mới phương pháp giảng dạy” cứ hừng hực, gợi nhớ đến những buổi đấu tố . Những kẻ vốn nhiều năm được đồng nghiệp và học trò coi là những thầy giỏi bỗng chốc bị lột mặt nạ. Té ra họ chỉ là những kẻ lừa đảo, uốn ba tấc lưỡi lừa thiên hạ. May mà có những người vốn là học trò của những kẻ đó đã sáng suốt nhận ra chân tướng của những ông “thầy” này!

Tôi mừng rỡ vô cùng. Thế là từ nay mình sẽ được tiếp thu những phương pháp tối tân. Tôi thầm mong được làm học trò của lớp “hậu sinh khả uý” để tẩy não, đặng trở thành người có ích cho công cuộc “đổi mới”.

Nhưng “đổi mới” quả là có vô vàn những khó khăn. Mấy năm trôi qua mà “đổi mới” chủ yếu vẫn chỉ được “triển khai” trong các báo cáo ở các cuộc hội thảo. Mà vì là “đổi mới” nên câu chữ trong các báo cáo cũng rất chi là khó hiểu, lắm lúc tôi còn có cảm giác là hình như các báo cáo viên viết chưa thành câu ấy. Tôi bắt đầu thấy hoang mang…

Nhưng với sự phát triển rầm rộ của tin học, nội dung của “đổi mới” cũng dần hình thành. Đó là tin học hoá. Giáo trình, giáo án từ nay không còn được viết trên giấy nữa mà phải thay bằng giáo trình, giáo án điện tử. Phải dùng máy tính kết hợp với “pờ rô dếch tơ” để chiếu bài giảng lên màn hình lớn. Cấp trên lệnh cho tất cả giáo viên phải đều đặn tăng dần tỉ lệ phần trăm những bài giảng theo phương pháp mới, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn các phương pháp cũ, đặc biệt là phương pháp thuyết trình.

Thật tội cho đám những nhà giáo có tuổi. (Nhưng, nói cho cùng, có lẽ cũng đáng đời?) Họ không làm được giáo án điện tử. Và trong những cuộc họp tổ, họp khoa, họ im lặng cúi đầu nghe đám chuyên gia trẻ về phương pháp mới tiếp tục phê phán. Một số vì quá bức xúc đã xin về hưu sớm. Còn tôi, lúc đầu tôi tưởng mình sẽ theo được những nhà cách tân, nhưng cuối cùng thì vỡ lẽ ra là không thể, nên cũng đành gia nhập đội ngũ những kẻ “ngậm tăm”.

Tuy thế, không thể không lên tiếng ca ngợi “đổi mới”. Thành tựu của “đổi mới” đạt đến mức không ngờ. Trên các giảng đường không còn tiếng thầy giảng. Giờ học thì sinh động hẳn lên, người học được tự do tranh luận đủ mọi chuyện trên đời chứ không bó hẹp trong khuôn khổ bài giảng của thầy, thậm chí có thể cười đùa thoải mái. Còn nếu nghé mắt nhìn trộm vào phòng học thì thỉnh thoảng thấy vài học viên nhìn lên màn hình để chép lại những câu chữ trong giáo án điện tử của thầy. Cảnh “thầy nói trò ghi” cổ lỗ không còn nữa, thay vào đó là cảnh “tự nhìn lấy mà ghi” phát huy đến tận cùng tính chủ động sáng tạo của người học!

Cùng với việc mở ra hàng trăm trường đại học trong vòng vài năm, “đổi mới phương pháp giảng dạy” nói riêng và “cải cách giáo dục” nói chung đang là nhân tố quyết định biến xã hội ta thành một xã hội kỳ lạ chưa từng có trên Trái Đất.

Sĩ Tử

.

.

.

No comments: