Monday, April 5, 2010

NÔNG DÂN NÔNG TRƯỜNG CỜ ĐỎ KHIẾU KIỆN ĐÓI LẠI ĐẤT ĐAI

Bà con nông trường Cờ Đỏ khiếu kiện đòi lại đất

Quỳnh Như, phóng viên RFA

2010-04-05

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Farmers-of-state-run-farm-red-flag-land-claim-for%20their-land-confiscated-QNhu-04052010130529.html

Cùng với những kế hoạch phát triển, nhà nước trưng dụng đất đai của người dân để thành lập các nông trường, khu công nghiệp, khu du lịch.

Bên cạnh đó, một số cán bộ đã lợi dụng chức quyền để kiếm chác từ việc sang nhượng đất cho tư nhân, trong khi người nông dân bị cưỡng chiếm đất đai không được bồi thường, hoặc mức bồi thường không thoả đáng đã khiến lòng dân căm phẫn.

.

Từ đất tư thành đất công

Và từ nhiều năm nay, những dân oan Việt Nam ở khắp các địa phương đã đi khiếu kiện kêu oan. Cuối tuần qua, hàng trăm bà con ở Nông trường Cờ Đỏ, xã Thạnh Phú, Thị trấn Cờ đỏ, Thành phố Cần Thơ lại kéo lên Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đòi đất họ dự định gieo sạ. Quỳnh Như hỏi chuyện một số bà con của Nông trường Cờ Đỏ về tình hình này.

Cờ Đỏ là Thị trấn khá nhộn nhịp, mặc dù nằm cách xa Thành phố Cần Thơ chỉ khoảng hơn hai chục kilômét, giao thông đường bộ còn gặp khó khăn nên giao thông thuỷ lộ là chủ yếu. Cách đây vài năm một vài xã của Thị trấn vẫn không có điện.

Sản lượng lúa ở đây đạt khoảng 40,000 tấn/năm, chủ yếu là 3 loại lúa thơm đặc sản: Jasmine, VD20, và ST1 là loại được ưa chuộng để xuất khẩu. Nhưng người nông dân đứng ngồi không yên trên mảnh ruộng của mình, vì từ năm 1976 đến nay đất ruộng của họ bị trưng dụng thành đất công, và Nông trường Cờ đỏ được thành lập.

Ông Đặng Văn Quang, nông dân ngụ tại Ấp 7, xã Thạnh Phú, Thị trấn Cờ đỏ đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất này. Từ nhiều năm nay gia đình ông đã cùng bà con trong vùng đấu tranh để đòi lại đất ruộng bị trưng dụng.

Theo ông Quang và một số bà con ở đây cho biết, nông dân có đất bị tịch thu sung vào đất công được Nông trường cho thuê lại để canh tác, nhưng lúa thu hoạch của họ phải bán cho Nông trường, mà không được tự do bán ra ngoài. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương cùng Ban Quản lý Nông trường còn lấy đất ruộng của người dân cấp cho người khác hoặc bán cho các công ty kinh doanh, nhằm trục lợi lấy tiền đút túi riêng, mà không trả tiền đền bù thoả thuận gì cho bà con.

Với chủ trương: “Đất đai là sở hữu của toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý”, các chính quyền trung ương và địa phương thường hành xử như vậy đối với nông dân, gây căm phẫn không ít cho những người bị cưỡng đoạt đất và trắng tay.

.

Người dân tiếp tục khiếu kiện

Người dân ở Nông trường Cờ đỏ đã đi khiếu kiện kêu oan trong nhiều năm từ cấp địa phương cho đến trung ương nhưng vẫn chưa có nơi nào đứng ra giải quyết thoả đáng cho họ. Ông Quang nói: “Tôi là Đặng Văn Quang, nông dân Nông trường Cờ đỏ. Nông trường quản lý đất. Đây là đất của bà con nông dân, khai hoang phục hoá từ hồi đó đến giờ, có giấy tờ đàng hoàng từ thời chế độ cũ, đất này không phải của chính phủ.

Người dân thì không đồng ý sung đất cho nông trường nhưng người ta cứ làm càng thôi, bà con không chịu và đòi lại từ hồi năm chín mươi mấy đến giờ, nhưng không giải quyết gì hết. Nông trường quản lý mấy chục năm nay bây giờ đòi không chịu trả lại, mà còn cưỡng chế gia đình tôi nữa, cứ đàn áp hoài.

Chúng tôi cũng đã có làm đơn gởi chính quyền ở dưới này nhưng họ không nhận. Lãnh đạo Nông trường và lãnh đạo Huyện nói không biết gì về vấn đề đó. Họ là một phe với nhau, thành thử chúng tôi ôm đơn đi lên thẳng các cơ quan trung ương, đi không biết bao nhiêu chục lần.

Gia đình tôi đi Hà nội cũng khoảng 8, 9 lần gì rồi đó, bây giờ bà nhà tôi đang đi lên Thành phố Hồ Chí Minh rồi. Hiện giờ đang ở chỗ trụ sở cơ quan nhà nước, đó là Văn phòng Trung ương 2, lên đó để kêu oan. Trên đó hình như cũng đông lắm, đến mấy trăm người gì đó.

Nhiều khi mình đi đòi đất nó chặn lại không cho đi nữa, kêu về tỉnh về huyện giải quyết nhưng khi về rồi thì nó ngó lơ, làm thinh hoài à, về tới địa phương họ đóng cửa cơ quan trốn, không cho mình vô. Biết bao lần như vậy rồi, từ năm đó đến giờ.

Ở trên có lệnh mà ở dưới không làm, lệnh của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có giấy tờ hợp pháp hết đây, có quyết định của Thủ tướng ban hành Luật: “…Cái gì của dân phải trả cho dân…”,cấp trên kêu trả nhưng ở dưới không chịu trả.”

Gia đình ông Quang cũng bị cưỡng chế cắt đi trên 14 tấn lúa, tương đương hơn 70 triệu đồng tính theo giá lúa ngoài thị trường, do Nông trường quy gia đình ông còn thiếu một số tiền khoảng ba mươi mấy triệu do một vụ lúa bị nước ngập trắng tay.

Ông kể lại sự việc như sau: “Nông trường mượn lệnh của Đội Thi hành án đến cưỡng chế. Gia đình tôi thiếu chỉ có ba mươi mấy triệu, tôi đem tiền đến trả họ không nhận chỉ đòi lấy lúa. Họ đem lực lượng khoảng hai, ba trăm người, cả lính 113 này kia, với cán bộ đến cưỡng chế gia đình tôi, mới hôm 15 tháng 2 này. Họ cắt lúa của mình mà không cho ai được lại gần hết bắt ở trong nhà.

Tôi không lấy của nhà nước của Nông trường đồng bạc nào, tôi thuê ngoài, mà họ lấy trắng luôn, tôi bị mất trắng. Ngày đến cưỡng chế có Ủy ban Tỉnh, Uỷ ban Huyện, Công an Ấp, Công an Xã đầy đủ hết. Tôi có làm biên bản gởi lên thành phố, trong hồ sơ đó cũng có khoảng 9, 10 người ký tên, Ủy ban Nhân Huyện không nhận đơn, bây giờ người nhà tôi đang đi lên Trung ương 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh.”

Đài Á Châu Tự Do cũng hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Còn, trong số bà con lên khiếu kiện kêu oan tại Văn phòng của Trung ương Đảng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bà Còn cho biết: “Bà con Huyện Cờ đỏ, tỉnh Cần thơ đi lên Thành phố Hồ Chí Minh khiếu nại chuyện đất. Đất của chúng tôi bị lấy mà không trả thành ra bây giờ chúng tôi lên đây kêu oan để lấy đất lại.

Dân tui cũng đi kêu oan đòi hoài, nhưng công lý đâu không thấy, mà chỉ bị trù dập không hà. Lên tới đây 3 ngày nay cũng bị trù dập, không tiếp dân Nông trường Cờ đỏ; họ nói là: “Không tiếp mấy bà nữa, mấy bà đi về đi, muốn làm gì thì làm.” Cho nên dân tui quyết tâm ở đây đặng đòi đất. Nếu thêm ngày nay nữa mà mấy ông cũng không tiếp chúng tôi nữa, thì nói thiệt tình là dân tui vẽ bảng treo lên kêu oan luôn đó.”

.

Không giải quyết thỏa đáng

Không giao trả đất lại cho dân, không bồi thường cho dân, mà người dân đi khiếu kiện thì lại còn bị ngăn chặn, hoặc trù dập. Có những người bị công an của chính quyền địa phương đánh đập, bắt bớ. Có người còn bị bỏ tù.

Một nông dân không muốn nêu tên vì sợ lại bị trù dập lần nữa cho biết: “Khiếu kiện từ năm 1976 cho tới nay. Nó khống chế, bắt bớ, bỏ tù rất nhiều người, mà chính bản thân tôi cũng bị bỏ tù 9 tháng với lý do: chiếm đất, chiếm đất của nhà nước. Mình đòi lại họ không trả rồi mình cự nự, cự cãi với nhau, họ nói mình chiếm đất, rồi bắt bỏ tù.”

Người dân tốn kém tiền của mang đơn đi khiếu kiện khắp các cơ quan từ Văn phòng Trung ương Đảng ở TPHCM ra đến Hà Nội. Cơ quan này đùn đẩy sang cơ quan nọ, cuối cùng thì cũng chẳng ai giải quyết thoả đáng cho họ. Người dân đã nghèo càng khổ thêm.

Bà Còn cũng vừa về đến nhà sau mấy ngày chầu chực trước cơ quan chính phủ ở TPHCM. Bà nói:“Đằng này cũng chờ đợi dữ lắm, cũng kêu nài dữ lắm, rồi ông Tỉnh Cần Thơ lên kêu trở về, chừng nào có quyết định thì sẽ giải quyết cho, còn không thì thôi. Còn ở Phòng Tiếp dân Trung ương 2 trên Thành phố, có ông gì đó nói tên rồi mà do lớn tuổi rồi nên tôi quên mất. Ông này đuổi dân đi ra không tiếp. Chuyện oan ức người dân đem đơn đến khiếu nại ông không coi, không nhìn tới lá đơn của mình như thế nào hết, chỉ nói dân Cờ đỏ là không tiếp, vậy thôi.

Giờ cũng không biết phải làm sao bây giờ, mình biết kêu oan với ai bây giờ. Dân tui bây giờ chịu oan ức quá rồi, Nông trường đã hiếp đáp tui quá rồi bây giờ tôi cũng không sợ chết nữa, có chết cũng được. Thử hỏi, tiền vay bạc hỏi, tôi làm ra được cái của như vậy, mà bây giờ vô lấy hết trơn của tui, không còn gì hết thì thiệt tình bây giờ cũng hết ham sống rồi.”

Không biết đến bao giờ các ban ngành chức năng mới ra tay giải quyết cho người dân một cách công bằng, thấu tình đạt lý để họ có thể an cư lạc nghiệp trên mảnh ruộng của mình.

.

Theo dòng thời sự:

Dân oan: nạn nhân của luật đất đai?

Nông dân làm lúa ngập trong nợ

Việt Nam tham gia phiên họp IPU lần thứ 122

Biểu tình tại Vinh tố cáo lãnh đạo Quân Khu 4 lừa đảo

Hàng trăm gia đình khánh kiệt, quân đội vô can? (phần 1)

Hàng trăm gia đình khánh kiệt, quân đội vô can? (phần 2)

Để nông dân được đối xử công bằng

175 ngàn héc ta lúa bị hạn và nước mặn

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: