Friday, April 9, 2010

NHỮNG QUỐC GIA GIỮA NGÃ BA ĐƯỜNG

Những quốc gia giữa ngã ba đường

Việt Hà, phóng viên RFA

2010-04-08

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Coutries-at-the-Crossroad-by-Freedom-house-VHa-04082010195115.html

Hôm nay Freedom house công bố báo cáo có tựa đề Countries at Crossroads tạm dịch là “các quốc gia giữa ngã ba đường”. Báo cáo lần này bao gồm 32 nước, trong đó có Việt nam.

Bản đồ một số nước ở Châu Á của Freedom house phát hành năm 2009, những quốc gia màu xanh lá cây có tự do, màu vàng tương đối tự do. Và những nước màu tím là không có tự do.

Báo cáo đánh giá các tiêu chí về chống tham nhũng, sự minh bạch của chính phủ, pháp quyền, tự do dân sự, và tiếng nói của người dân. Việt Hà có bài phỏng vấn bà Sarah Cook, chuyên viên nghiên cứu châu Á thuộc tổ chức Freedom House về báo cáo này..

.

Nền dân chủ dễ vỡ

Bản thông cáo báo chí của tổ chức Freedom House được công bố ngày hôm nay cho biết nhìn chung các nước được đánh giá trong báo cáo lần này đã cho thấy một sự tụt dốc nhiều hơn là những cải thiện, kể cả về mức độ và số lĩnh vực được đánh giá, do các nỗ lực rộng khắp của chính phủ các nước trong việc giới hạn tự do bày tỏ quan điểm và tự do báo chí. Bà Sarah Cook, chuyên viên nghiên cứu châu Á thuộc tổ chức này cho biết:

Bà Sarah Cook: Những nước này là những nước có nền dân chủ dễ đổ vỡ. Thực tế trong suốt các năm 90, chúng ta thấy có những cải thiện ở các nước, nhưng chỉ trong vòng 5 năm qua, sự thụt lùi còn nhiều lần những tiến bộ đạt được. Báo cáo lần này cho thấy những sự thụt lùi ở nhiều nước trong việc người dân thực hiện các quyền dân chủ của mình hay ở một số nơi những thay đổi đã diễn ra theo chiều ngược lại, tức là về phía độc tài nhiều hơn là dân chủ.

Bản báo cáo đánh giá các tiêu chí về chống tham nhũng, sự minh bạch, đáng tin cậy của chính phủ, pháp quyền, tự do dân sự, và tiếng nói của người dân. Thông cáo báo chí của Freedom house cho biết những phân tích và số liệu được tìm thấy trong báo cáo năm 2010 cho thấy sự quan ngại là sự tự do đang bị thoái trào trong nhiều năm ở các nước có nền dân chủ nửa chừng.

Giám đốc nghiên cứu thuộc Freedom House, ông Christopher Walker nói rằng sự thoái trào của dân chủ đã giáng đòn mạnh nhất vào các nước có nền dân chủ nửa chừng bởi vì đây là các nước vẫn được nhìn nhận là có nhiều hứa hẹn để tiến lên dân chủ hoàn toàn. Những thách thức mà các nước này đang phải đối mặt với câu hỏi về triển vọng dân chủ có thể bắt rễ vào tinh thần con người trên toàn thế giới hay chăng.

Các yếu tố chính bị cho là tụt dốc trong năm nay nhìn chung ở các nước là vấn đề về tranh chấp đất đai, sự độc lập của ngành tư pháp. Trong khi đó nhưng cải thiện được nhìn nhận trong việc một số nước đã thông qua các luật về chống tham nhũng. Thậm chí một số nước đã thực hiện luật khá tốt với sự giúp đỡ của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ở các nước hậu xung đột như Sierra Leon, Liberia, East Timor.

Bà Sarah cho biết vẫn có một sự cách biệt giữa việc ban hành luật và thực hiện luật. Bà nói:

Bà Sarah Cook: Chúng ta nhìn thấy sự cách biệt giữa luật và việc thực thi luật pháp. Nhiều nước đã thông qua một số luật tốt gần đây nhưng việc thực hiện thì yếu bởi vì không có sự sẵn sàng về chính trị và của những nhà lãnh đạo chính trị.

Báo cáo của Freedom House năm nay cho thấy Việt Nam cũng có những sự tụt dốc đáng kể, nhiều hơn là những cải thiện. Trong 4 yếu tố đánh giá, Việt nam có những bước thụt lùi trong cả 3 yếu tố. Bà Sarah Cook giải thích:

Bà Sarah Cook: Việt nam cho thấy nhiều thụt lùi hơn là cải thiện trong 3 yếu tố. Yếu tố về tiếng nói của người dân và sự đáng tin cậy của chính phủ cho thấy những tụt hạng liên quan đến vấn đề về tổ chức phi chính phủ, sự tham gia của xã hội dân sự, cải cách chính trị. Ví dụ như sự trấn áp phong trào 8406 và những cuộc đàn áp khác của chính phủ đối với các phong trào của công nhân.

Đặc biệt là trong những năm 2007, 2008, với sự phát triển mạnh mẽ của internet và phong trào Việt blog. Đã có nhiều lời chỉ trích chính phủ xuất hiện trên các trang blog và chính phủ đã đối phó bằng cách bắt bớ, tăng cường kiểm soát internet. Hồi năm 2006, chúng ta thấy có một số cải thiện nhất định nhưng theo tôi đó là do Việt nam chuẩn bị làm chủ nhà tổ chức diễn đàn Á Âu và gia nhập WTO. Nhưng vào năm 2008 và đầu năm 2009, khi những sự kiện này qua đi thì chính phủ Việt nam đã mạnh tay đàn áp các phong trào dân sự, và kết quả là chúng ta nhìn thấy sự đàn áp tồi tệ nhất ở Việt nam trong vòng 10 năm, thậm chí 20 năm qua.

.

Sự lạm quyền

Theo bà Sarah Cook thì báo cáo cũng cho thấy những cởi mở nhất định trong yếu tố về tự do dân sự, mà cụ thể là tự do tín ngưỡng, với việc có thêm các tổ chức tôn giáo được hoạt động. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tự do tín ngưỡng của Việt nam đã thực sự có cải thiện cần thiết bởi vì còn rất nhiều tổ chức tôn giáo vẫn chưa được hoạt động.

Cũng trong lĩnh vực tự do dân sự, Việt nam cho thấy những bước tiến trong vấn đề về quyền của người tàn tật.

Tuy nhiên vẫn tồn tại vấn đề về sự lạm quyền của nhà nước, mà điển hình là trường hợp những nhà bất đồng chính kiến bị bắt giam không cần xét xử theo thông tư 44 của chính phủ.

Đối với yếu tố pháp quyền, Việt nam cũng cho thấy những thụt lùi đáng kể với các vụ thu hồi đất đai ngày một tăng ở Việt nam. Trong khi đó các nhà báo dám phơi bày tham nhũng thì bị kết án tù như trường hợp PMU 18 năm 2006. Theo bà Sarah Cook, vấn đề này không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do báo chí mà còn làm ảnh hưởng đến nỗ lực chống tham nhũng tại Việt nam bởi nhà báo nào muốn viết về tham nhũng sau này sẽ lo sợ bị trừng trị.

Bản báo cáo của tổ chức Freedom House được viết dựa trên các phân tích của các nhà nghiên cứu đã có nhiều năm tìm hiểu về Việt nam. Phần cuối của bản báo cáo, các chuyên gia và các nhà phân tích đã đưa ra một số kiến nghị cho phía chính phủ Việt nam như tăng cường năng lực giám sát của quốc hội, giảm những quy định, luật kiểm soát chặt chẽ báo chí, nên làm rõ một số điều trong luật như điều 88, 245 và 258 bộ luật hình sự và thông tư 44. Đây là những điều luật mà chính phủ Việt nam thường dùng để kết án các nhà bất đồng chính kiến. Freedom house yêu cầu Hà Nội trả tự do lập tức cho những người đã bị kết án dưới các điều luật này, đồng thời kêu gọi tự do tôn giáo cho Việt nam, cải thiện các luật lệ và quy định liên quan đến việc đền bù đất đai cho người dân.

Theo bà Sarah Cook báo cáo được đưa ra với mong muốn cung cấp cho các tổ chức quốc tế ở Việt nam có được cái nhìn cụ thể, khách quan về những gì đang diễn ra ở Việt nam để có những chính sách thích hợp. Ngoài ra, những người làm báo cáo cũng mong muốn giúp chính phủ Việt nam và người dân Việt nam bằng cách đưa ra các khuyến nghị về đường hướng và những thay đổi cần thiết trong tương lai, mặc dù vẫn biết chính phủ Việt nam không phải lúc nào cũng sẵn sàng để thực hiện những thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực có ảnh hưởng đến đặc quyền chính trị của Đảng Cộng sản.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: