Nhân lá thư của TS Đỗ Xuân Thọ, hãy nhận rõ con ngáo ộp ấy!
Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Bảy, 10 tháng 4 2010
http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/thu-ts-do-xuan-tho-04-10-2010-90491279.html
Ngày 17-3-2010, tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ, đảng viên Ðảng Cộng sản VN gửi thư cho Ban chấp hành trung ương đảng, tha thiết yêu cầu từ bỏ học thuyết Mác – Lênin, thay vào đó là Chủ Nghĩa Dân Tộc, làm cơ sở chính trị và tư tưởng cho đảng và chế độ.
Lá thư của ông Đỗ Xuân Thọ được truyền đi trên mạng Đối Thoại và mạng X-Cafe VN, từ trong nước, ông Nguyễn Hòa gửi lên mạng X-Café VN bài viết ca ngợi lá thư tâm huyết của ông Thọ, nhấn mạnh thêm: «Chúng ta đã tiêu tốn quá nhiều thời gian cho cái học thuyết vớ vẩn nhất trong thời đại hiện nay là học thuyết Mác – Lênin».
Ý kiến của 2 ông Đỗ Xuân Thọ và Nguyễn Hòa đưa ra đúng vào lúc lãnh đạo Ðảng Cộng sản chuẩn bị cho Đại hội XI của đảng bằng cách khẳng định giá trị của học thuyết Mác – Lênin, quyết kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội. Do đó bức thư của đảng viên Thọ không được đăng trên báo nào ở trong nước, và bức thư ấy sẽ không bao giờ được hồi âm, tuy ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vừa hứa hẹn rằng lãnh đạo lần này sẽ tôn trọng (!), lắng nghe (!) mọi ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân.
Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ từng chiến đấu ở Quảng Trị trong hàng ngũ Quân đội nhân dân, hiện là cán bộ kỹ thuật ngành cầu đường trong Viện kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải, 59 tuổi, là một kẻ sỹ luôn nghĩ đến đất nước, dân tộc, có tư duy độc lập, tự tin, là những đức tính quý hiếm. Ông nói: «Quan điểm của tôi rất trong sáng. Tôi nghĩ đến vấn đề đất nước hàng chục năm rồi, không sao dứt ra được ». Ông cảnh báo: «Nếu đảng không lấy chủ nghĩa Dân tộc làm nền tảng tư tưởng thì cái chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ bằm nát đảng ».
Tuy nhiên có một ý của ông Thọ cần được trao đổi cho rõ và sâu thêm. Đó là lời ông nói: «Tôi là người không chủ trương đa đảng, vì đa đảng lúc này là nội chiến ngay.»
Theo tôi, nhận định này của ông Thọ là chưa xác đáng, có phần vội vã, chưa có cơ sở đầy đủ, rất nên cùng nhau thảo luận, trao đổi cho rốt ráo.
Nhiều người có chung ý nghĩ trên đây với ông Thọ, kể cả một số anh chị em đã dấn thân cho nhân quyền và dân chủ ở nước ta. Người dân bình thường càng mong muốn đất nước thanh bình, ổn định, để làm ăn, kinh doanh. Nước ta từng qua hơn 30 năm chiến tranh, ngoài tính chất chống ngoại xâm giành độc lập còn mang tính chất nội chiến, người Việt mình giết nhau còn nhiều hơn là giết người đến từ nước ngoài.
Cần chú ý là luận điệu: đa nguyên, đa đảng sẽ tất yếu dẫn đến hỗn loạn, nội chiến, chiến tranh huynh đệ tương tàn ở nước ta cũng là luận điệu ngụy biện chính của nhóm lãnh đạo Ðảng Cộng sản giáo điều, bảo thủ, tham nhũng đương quyền hiện nay, nhằm mục đích duy trì chế độ độc quyền đảng trị, trì hoãn mọi đổi mới chính trị theo hướng dân chủ hóa, tự do hoá.
Họ lợi dụng tâm lý mong muốn hòa bình ổn định của nhân dân để cố tình thổi phồng nguy cơ nói trên thành một con ngáo ộp to đùng hù dọa toàn xã hội, hòng duy trì mãi ách độc đoán đảng trị, chỉ vì lợi ích riêng cá nhân và phe cánh.
Tôi nghĩ rằng ông Thọ tuy có tư duy độc lập, trẻ trung, mới mẻ, nhưng vẫn còn bị ảnh hưởng của luận điệu và ý đồ tệ hại trên đây của nhóm lãnh đạo Mác-xít-Lêninít.
Quan điểm chuyên chính vô sản, chuyên chính của một chính đảng duy nhất chính là cốt lõi tư tưởng của Lênin, tận diệt mọi phe phái chính trị đối lập. Ông Thọ tự đối lập, mâu thuẫn với chính mình khi ông vừa chủ trương loại bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, lại vừa tán thành học thuyết một đảng là cốt lõi nguy hiểm nhất của chính cái chủ nghĩa ấy.
Thưa ông tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ quý mến,
Nhân danh một nhà báo tự do sống ở Pháp, từng ở trong đảng Cộng sản hơn 44 năm, từng ở trong Quân đội nhân dân 37 năm, dấn thân cho tự do của nhân dân, từng quan sát tại chỗ tình hình chính trị ở Pháp, Mỹ, Canada, Anh…, từng tham quan nhiều lần các nước Nga, Ba Lan, Tiệp, Đức…để tìm hiểu kinh nghiệm chuyển từ chế độ độc đoán độc đảng sang chế độ dân chủ đa đảng, tôi mạnh dạn trao đổi với ông vài ý kiến sau đây.
Một là không có bao giờ có thể có một nền dân chủ một đảng cả. Một đảng thì không có cạnh tranh, không có lựa chọn, có đi bỏ phiếu thì cử tri không có tự do, theo cái cảnh «đảng chọn dân bầu», nền chính trị tẻ nhạt, có quốc hội cũng chỉ là dân chủ hình thức, dân chủ nửa vời, không có tranh biện, phản biện.
Xưa kia ở ta không có tự do chính trị, không có tự do kinh tế, từ khi có tự do kinh doanh, người dân được chọn đủ loại hàng hoá, từ gạo, thịt, vải, xà phòng…không buộc phải mua gạo mốc, thịt ôi, xà phòng chảy nước như xưa. Có tự do chính trị, cuộc sống xã hội có tự do suy nghĩ, bàn luận, tự do ứng bầu cử, tự do kén chọn nhân tài thay mặt mình, sẽ còn vui sướng có lợi bao nhiêu nữa!
Hai là dân chủ trong ổn định, trong luật pháp là lối ra cho mọi bế tắc, là chìa khóa duy nhất mở cửa cho phát triển bền vững, là con đường sáng dẫn đến hội nhập thế giới văn minh trọn vẹn, là bước đi lên một nền văn minh – văn hóa cao hơn, vì không gì xấu hơn, tệ hại hơn là chế độ độc đảng, khinh thường nhân phẩm, tịch thu tự do của dân mình.
Chuyển đổi từ độc đảng sang dân chủ đa đảng trong hòa bình ổn định là một cuộc đổi đời khó khăn, gian khổ, nhưng khi hoàn thành sẽ có lợi cho toàn xã hội không sao kể xiết, tự do, công bằng, hạnh phúc bảo đảm mãi mãi cho các thế hệ mai sau.
So sánh trên toàn thế giới, trong 100 nước giàu mạnh nhất, tất cả đều theo thể chế dân chủ đa đảng, có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và bầu cử tự do, dù có khi mang hình thức quân chủ lập hiến. Không một nước độc đoán nào lọt được vào số này...
[Trong 100 nước ấy, riêng Singapore là trường hợp ngoại lệ, độc đảng nhưng đạt đồng thuận rất cao, có lãnh tụ cực kỳ uy tín thật lòng vì dân, là thành phố cảng hiện đại, công nghiệp gọn: điện tử, lọc dầu, sửa chữa tàu, người du lịch đông, thủy thủ quốc tế nghỉ ngơi, thu nhập cao, người dân sống kỷ luật không xả rác, viên chức tuyệt nhiên không tham nhũng vì đủ sống bằng lương, lại không dám tham nhũng vì kỷ cương nghiêm, văn hóa cao về dân tộc và lòng tự trọng. Cũng cần nói thêm là Singapore một đảng nhưng có tự do báo chí rất rộng; có đại học tự trị; phản biện toàn xã hội không hạn chế].
Do đó tất cả vấn đề cấp bách đặt ra cho toàn dân ta lúc này là: có thể đưa xã hội ta lên một tầng văn hóa – văn minh cao hơn, từ chế độ một đảng lên chế độ đa đảng trong hòa bình, ổn định, trong trật tự và pháp luật hay không?
Làm thế nào để tránh sự chuyển đổi có xung đột đổ máu theo kiểu Rumani, thực hiện một cuộc chuyển đổi ôn hòa như ở Cộng hòa dân chủ Đức hay như ở Ba Lan, Mông Cổ…
Trước hết cần khẳng định chuyển đổi trong hỗn loạn, đổ máu không phải là định mệnh.
Có thể thực hiện một cuộc chuyển đổi hòa bình, ôn hòa khi toàn xã hội tỏ rõ khát vọng tự do, dân chủ đẹp đẽ chính đáng của mình, khi đa số đảng viên ở cơ sở cùng giác ngộ ra sự cần thiết cấp bách của một xã hội công dân tự do, khi đông đảo bà con nông dân hiểu rõ chế độ dân chủ đa nguyên là điều kiện để quyền tư hữu chính đáng về ruộng đất được khôi phục, khi đông đảo trí thức, sinh viên, tuổi trẻ nung nấu kiến thức chính trị tiên tiến của thời đại mở ra những diễn đàn tự do dân chủ đa đảng trên báo chí, trên mạng, trên blog, trên internet, trên sân trường, với khẩu hiệu trên ngực, trên lưng… đồng thời cùng một thời điểm, thì không một nhóm lãnh đạo nào có thể chây ỳ, lỳ lợm bảo vệ cái chế độ độc đảng lạc lõng, lỗi thời, dị dạng tệ hại hiện nay được.
Bài học chính trị về số học đang nóng hổi trong các cuộc đấu tranh xã hội. Khi biểu tình ôn hòa chừng 40 người trước tòa lãnh sự Trung Quốc ở Sài Gòn để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì công an dễ đàn áp. Khi ở Thái Hà số biểu tình ôn hòa lên đến 3 ngàn người thì sự đàn áp nhẹ hơn, ít hiệu quả hơn. Khi có hơn 15 ngàn giáo dân có tổ chức cầm nến và kinh thánh, khẩu hiệu về tình thương, tập trung về vùng Xã Đoài -Nghệ An, để ủng hộ bà con bị nạn ở Tam Tòa-Quảng Bình thì 300 sỹ quan và nhân viên công an nổi và chìm, có hàng chục xe ôtô hòm và vài chục xe gắn máy, trang bị dùi cui, súng đạn…cũng chỉ có đứng nhìn. Rõ ràng 40 người, 3 ngàn, 15 ngàn… là những con số khác nhau, có tác dụng khác hẳn nhau. Và từ đó nhân dân ta có thể bảo nhau, rủ nhau, thuyết phục nhau cùng làm một việc đại nghĩa, một hành động cứu nước, cứư dân với quy mô 15 ngàn, 30 ngàn hay hơn nữa. Tay không, với tâm huyết và lòng yêu nước.
Tại sao giữa Hà Nội, không thể có một cuộc xuống đường ôn hòa, lịch sự, mang những khẩu hiệu như «Bạch Long Vỹ là đảo Việt Nam», «Chúng tôi là nhân dân», «Chúng tôi yêu Thăng Long, Chúng tôi không muốn xem phim mà người dân Thăng Long là người nước ngoài», «Không có gì quý hơn tự do», «Chúng tôi khát tự do», «Chống độc đoán, tham nhũng là yêu nước», «Quân đội bảo vệ dân!», «Công an là bạn dân!».
Đứng một mình, mỗi người chúng ta không có sức, không có thế, không có uy.Trong một tập thể lương thiện, đông đảo, có lý tưởng gắn bó cố kết, chúng ta có lực, có thế, có uy.
Thưa Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ quý mến,
Ông là chuyên viên cầu đường. Ông lo sợ rằng đa nguyên đa đảng sẽ dẫn đến nội chiến ngay. Đây cũng chính là nỗi lo của nhiều nhà chính trị, chính khách từ thế kỷ 17 ở châu Âu. Họ đã đề ra nhiều luật lệ để ngăn phòng điều xấu này. Họ đề ra những đạo Luật về hoạt động của các chính đảng. Luật về hoạt động của Quốc hội. Luật về ứng cử bầu cử tranh cử, từ địa phương đến trung ương. Cả một kho kinh nghiệm để ta tham khảo.
Ví như: các tổ chức đảng phái là bình đẳng trước pháp luật; đều có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, phục vụ xã hội; cấm tuyên truyền bạo lực, kỳ thị chủng tộc và chiến tranh; các đảng tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau hợp tác và cạnh tranh trong phục vụ đất nước và xã hội; cấm vu cáo, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân cách, xâm phạm đời sống riêng..
Các thành viên của các đảng đối lập nhau vẫn luôn tương kính, coi nhau là anh chị em, bạn đồng nghiệp, đồng viện, không coi nhau là kẻ thù, càng không coi là « tử thù » để thủ tiêu, như đảng cộng sản từng đối xử với Quôc dân đảng hay Đại Việt ở nước ta.
Đây là những hàng rào, như rào chắn hai bên cầu để không ai qua cầu có thể bị ngã xuống sông để bị chết đuối, dù cho có giông bão, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho xe cộ, khách bộ hành, dù có khi đông người, bị chen lấn, xô đẩy.
Các nước thực hiện nền chính trị đa đảng thuần thục luôn có không khí sôi nổi, ganh đua trong khuôn khổ luật pháp, thi nhau dành tín nhiệm của cử tri, thi nhau làm những điều lợi cho xã hội, luôn bảo nhau giữ mình cho trong sạch, có ích, không bị tai tiếng về tham nhũng, quan liêu, vô trách nhiệm. Lá phiếu của cử tri, vị thế của cử tri luôn rất cao.
Về nỗi lo nội chiến, thưa ông Thọ, mấy chục năm nay, chiến tranh và nội chiến chỉ xảy ra ở những nước độc đoán độc đảng, dân chủ giả hiệu, như Iraq, Iran, Somalia, Congo, Miến Điện, Tchad.... Tất cả các nước dân chủ thuần thục đều sống hài hòa, thanh bình, thật sự ổn định trong phát triển với chế độ đa đảng. Họ không dại dột, ngu dốt, sai lầm đâu.
Rất mong ý kiến tâm huyết của tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ gợi lên một cuộc trao đổi rộng rãi, sôi nổi, có ích cho toàn xã hội ta, để các anh chị em trí thức, nhà báo, luật gia, anh chị em sinh viên, cả đảng viên đảng CS cùng bàn luận trên tinh thần xây dựng, cũng là để góp ý thẳng thăn ngay thật cho lãnh đạo Ðảng Cộng sản nhân dịp chuẩn bị cho Đại hội XI của đảng.
.
.
.
No comments:
Post a Comment