Tuesday, April 20, 2010

LỜI XIN LỖI CHÂN THÀNH (Bùi Tín)

Lời xin lỗi chân thành, món nợ 35 năm đến hồi phải trả!

Bùi Tín viết riêng cho VOA

Thứ Ba, 20 tháng 4 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/mon-no-35-nam-04-20-2010-91624759.html

Ngày 30 tháng 4 lại đến. Tuần trước, tại cuộc họp Đông Nam Á (ASEAN), ông Nguyễn Tấn Dũng nhân danh chủ tịch luân lưu của khối này đã lên tiếng yêu cầu nhóm quân phiệt cầm quyền ở Miến Điện cần thực hiện ngay hòa hợp dân tộc và để cho mọi đảng chính trị tham gia cuộc bầu cử sắp đến.

Ở hải ngoại và trong nước, nhiều bà con ta kháo nhau theo câu nói dân gian: ông Nguyễn Tấn Dũng và nhóm cầm quyền hãy sờ lên gáy mình đã! Nói người hãy nghĩ đến ta.

Vì trong những năm từ 1968 đến 1973, tại cuộc hội đàm Paris, đại diện đảng CS không ngừng nói đến “hòa hợp hòa giải dân tộc“, “hóa giải thù hận”, “Bắc Nam là con dân một nước, sẽ sát cánh dựng xây đất nước”. Dân ta nghe bùi tai, hy vọng.

35 năm nay, lời hứa hòa hợp hòa giải dân tộc ấy vẫn còn là món nợ lưu cữu, món nợ toàn dân, dân ta ở miền Nam cũng như dân ta ở miền Bắc.

Mà đâu chỉ có một món quịt “hòa hợp và hòa giải dân tộc”. Còn món nợ đày đọa người thua trận, bỏ tù hàng chục vạn sỹ quan viên chức cũ không hề xét xử, làm cho biết bao người bị chết oan uổng trong tù, bao nhiêu gia đình tan vỡ, ly tán, dẫn đến 2 triệu dân bỏ nước do bị phân biệt đối xử, bao nhiêu sinh mạng chết trên biển cả, mà vẫn cứ ba hoa lấy được là chính sách sau 30 tháng tư của họ là khoan hồng và nhân đạo!

Món nợ gây chết chóc, đau thương tang tóc cho hàng triệu gia đình, hàng triệu con người như vậy là không sao làm sống lại, hồi phục được. Mọi người yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản công khai thành khẩn xin lỗi toàn dân, và từ đó làm một số việc cần thiết phải đạo nhằm xoa dịu những đau thương chồng chất của đồng bào ta, như cùng toàn dân tổ chức một cuộc cầu nguyện, cầu siêu trong toàn quốc để tưởng nhớ chiến sỹ và đồng bào cả nước đả bỏ mình trong thời chiến, không phân biệt thuộc phiá nào; sửa sang mọi nghĩa trang, không phân biệt người chết từng thuộc bên nào; từ nay chủ trương không dung từ “ngụy quân, ngụy quyền”trong các văn kiện, sách giáo khoa; quan tâm đến nạn nhân chiến tranh, thương binh thuộc cả các bên tham chiến…

Lẽ ra những việc này được đưa ra ngay sau khi chiến tranh kết thúc thì đẹp đẽ, xúc động bao nhiêu, nhưng chậm còn hơn không. Cuộc họp Quốc hội sắp tới có ai nêu lên được vấn đề này không ?
Đã đến lúc cần làm rồi. Một lời xin lỗi quá ư là cần rồi, không thể để chậm thêm một tháng, thêm một năm nữa.

Nhật Hoàng đã xin lỗi nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc, Đông Nam Á về tội ác chiến tranh của quân Nhật trong Thế chiến II. Giáo Hoàng đã xin lỗi toàn thế giới vì đã cộng tác với tên phát xít Hitler. Tổng thống Nga đã xin lỗi nhân dân Balan về cuộc tàn sát hơn 20 ngàn sỹ quan Ba Lan trong khu rừng Katyn năm 1939 theo lệnh của Stalin.

Xin lỗi là một nếp xử sự văn minh. Đi đường đụng phải người khác đã cần xin lỗi, huống gì là gây chết, đau thương cho hàng triệu triệu con người. Huống gì xin lỗi ở nước ta lúc này là đạo lý, là hàn gắn chia rẽ dân tộc, là kêu gọi, đề xướng thương yêu thật lòng trên tình anh chị em ruột thịt, bỏ qua cho nhau những sai lầm trong quá khứ, để cùng nhau cố kết dân tộc trước đại họa của kẻ bành trướng ngoại xâm. Hòa hợp dân tộc là nước cờ chính trị thông minh, tuyệt vời để nhân lên nội lực dân tộc về sức người, sức của, kiến thức, kinh nghiệm… nhằm xây dựng Tổ quốc phồn vinh cho toàn dân mau chung hưởng.

Tình hình quả đã chín, vì lòng dân đang đòi hỏi cấp bách. Có bao nhiêu là chỉ dấu cho thấy lòng dân trong nước đã động, và động mạnh. Luật sư Cù Huy Hà Vũ lên tiếng yêu cầu toàn dân ghi công hơn 70 binh sỹ hải quân Việt nam Cộng hòa đã hy sinh cuối năm 1974 để bảo vệ đảo Trường Sa trước quân xâm lược Trung quốc, sau khi ông đưa đơn kiện thủ tướng Nguyễn tấn Dũng về sai lầm ra quyết định khai thác quy mô lớn mỏ bôxít khi chưa có ý kiến của quốc hội, theo dụ dỗ của bọn bành trướng, gây thảm họa cho đất nước.

Về quần đảo Hoàng Sa bị đánh chiếm 36 năm trước, không còn người Việt chân chính nào có thể chấp nhận lời giải thích hồi ấy của cơ quan tuyên giáo trung ương Cộng sản: “Các đồng chí yên tâm. Hoàng Sa trong tay Quân Giải Phóng Trung quốc anh em của ta là tin đáng mừng. Còn hơn là nằm trong tay bọn Mỹ - Ngụy, kẻ thù không đội trời chung của chúng ta”. Não trạng của lãnh đạo CS hồi ấy là thế! Lãnh đạo thời nay vẫn như thế. Nhưng nhân dân lúc này đã mở mắt không còn chịu nổi nữa.

Hồi ấy, ở mọi cơ quan chính quyền, từ xã lên huyện tỉnh, lên đến trung ương đều phải treo ảnh Mác, Lênin, Stalin, Mao to đùng, trên cao nhất. Hàng dưới, nhỏ hơn mới là ảnh ông Hồ.

Cán bộ đi Moscow, Bắc Kinh được lãnh đạo, tuyên huấn đảng huênh hoang bảo là được đi “Thủ đô phe ta » đấy! Một thời ấu trĩ, lầm lẫn. Nay lãnh đạo vẫn giữ kiểu não trạng ấy đối với Bắc Kinh, nhưng người dân và cả đảng viên CS ở cơ sở bịt mũi, không ngửi được!

Nhận thức của người dân thường thời mở cửa hội nhập thay đổi nhanh, mạnh, sâu, trước cả lãnh đạo. Đó là cái linh tính bén nhạy tinh tế của quần chúng, không diễn giải được mà sâu đậm vô cùng.

Nhân dịp 30-4 năm nay, nhà thơ - chiến sỹ Nguyễn Thái Sơn đưa ra một trường ca bi hùng « Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm » nói lên số phận bi đát của dân ta, phụ nữ ta, trai tráng ta ở cả 2 miền bị xô đẩy vào cuộc nội chiến đẫm máu dai dẳng. Anh em ruột thịt mà giết nhau hăng say, có khi thích thú « như mở hội », bên kia chết càng nhiều thì bên này được phong anh hùng, khoe trên mặt báo, tới tấp được huân chương. Nhìn lại cả một thời lầm lỡ, ngu dại, bị một học thuyết bất nhân thúc đầy, sùng bái bạo lực, kích động căm thù giai cấp, cổ vũ nội chiến dân tộc.

Nhà thơ viết về cái chết của người lính của cả 2 bên:

không ai từ cõi sinh chìm vào cõi tử
dễ như người lính
nhanh như người lính
nhiều như người lính
đương nhiên
mặc nhiên
tất nhiên
hồn nhiên như lính
từ nòng súng người lính bên kia sang trái tim người lính bên này
đạn bay chỉ mấy phần nghìn giây

Nhà thơ đau xót trước thảm cảnh hai bên đều là người Việt, nói tiếng Việt:

Người Việt thắng trận huy hoàng
bại trận
cũng là người Việt
Người chết dù phía nào Mẹ Việt nam vẫn phải nhận nỗi đau chết chóc!
Năm Nhâm Tý bảy hai
máu binh sỹ Sài Gòn
máu quân Giải phóng
đỏ sông Thạch Hãn
ướt sũng gạch vụn cổ thành

Trường ca Chín Khúc Tưởng Niệm là lời kêu gọi tha thiết hãy nhận ra bi kịch của chiến tranh quân ta giết quân mình, nội bộ anh em chém giết nhau, nội bộ dân tộc hận thù nhau, mãi không hòa giải, vậy để đến bao giờ nữa mới nhìn nhận ra nhau là anh em ruột thịt?

Người lãnh đạo phải nhìn xa trông rộng, có viễn kiến, việc tốt mà khó cũng quyết tâm vượt khó mà làm, thuyết phục người chưa thông suốt. Kẻ không chịu thông suốt chỉ vì vị kỷ lại càng cần thuyết phục.

Cần thấy cái đạo lý gắn bó dân tộc là thiêng liêng, cái lợi ích hòa hợp dân tộc là lợi ích cực kỳ lớn lao bền vững, toàn xã hội được lợi về mọi mặt, là một cuộc thay đổi tận gốc lịch sử, nội lực dân tộc trong ngoài nước bật dậy, sỹ nông công thương binh khoác vai nhau, kinh thượng chan hòa, lương Giáo, Phật, Cao đài, Hòa hảo chung lòng yêu nước làm việc thiện, đẩy lùi điều ác, lòng tham, thói vị kỷ, tệ tham nhũng.

Lãnh đạo hãy lắng nghe và hãy suy nghĩ, bàn luận cho sâu, đắn đo cho chin, cân nhắc cho đến nơi đến chốn. Đừng vội chủ quan, chớ theo nếp bịt tai, bịt mắt, vội chụp mũ là những ý xây dựng trên đây là do động cơ bất mãn, bị kẻ phản động xui dại, bị đế quốc lợi dụng…

Hãy chịu nghe Ts Đỗ Xuân Thọ đề nghị từ bỏ học thuyết Mác Lênin, trong khi mấy hôm nay ông Tô Huy Rứa cầm đầu cơ quan Tuyên giáo của đảng lại tỏ quyết tâm theo và bảo vệ tư tưởng Lênin đến cùng.

Lãnh đạo là có tư tưởng chiến lược, như ông Đặng Quốc Bảo từng chỉ ra, phải có tư duy đột phá, có ý chí đổi thay, xoay chuyển thời cuộc. Hãy chọn mặt gửi vàng, hỏi ý kiến những người cao kiến, vô tư, mà xã hội đang lắng nghe, quý trọng, tạo nên một Diên Hồng mới. Tôi xin đề xuất:

Các ông Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Hữu An, Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Văn Cương, Đặng Quốc Bảo, Hoàng Minh Thảo, Nguyên Ngọc, Đỗ Xuân Thọ, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Đông Hải, Nguyễn Thành Sơn, Nguyễn Thái Sơn, Trần Lâm, Trần Đình Triển, Phạm Viết Đào, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Trung, Hà Văn Thịnh.

Xin đề xuất chỉ nên trao đổi trước hết 2 vấn đề then chốt:

1-/ - Có nên thực hiện Hòa giải và Hòa hợp dân tộc một cách trọn vẹn không ? Sẽ có lợi những gì? Lãnh đạo, nhà nước nên làm những việc gì? Cộng đồng trong và ngoài nước nên làm những việc gì? Cứ để như hiện nay có nên không?

2-/ - Có nên thực hiện đa nguyên đa đảng không ? cứ duy trì độc đảng như hiện nay là tốt? Nên chuyển từ độc đảng lên đa đảng sao cho ổn định, có trật tự, trong luật pháp, không rơi vào hỗn loạn hay nội chiến. Nên lập đảng mới ra sao? Vị thế của đảng CS? Kinh nghiệm của các nước đã chuyển từ một đảng lên nhiều đảng, ta nên học những điều gì?

Mở đầu mọi sự là yêu cầu lãnh đạo hãy cố gắng, thay mặt cho các lớp lãnh đạo cũ tỏ một lời xin lỗi chân thành đến nhân cả nước, đặc biệt là đồng bào miền Nam, các thành viên của chính quyền, đảng phái và quân đội Việt Nam Cộng hòa về sự đối xử quá đáng 35 năm trước.

.

*Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.

Chiến tranh : Chín khúc tưởng niệm - Nguyễn Thái Sơn

.

.

.

No comments: