Khuyến khích người Trung QUốc làm quen với tiện nghi
Kiêm Hương
Đăng ngày 12/04/2010 lúc 08:36:10 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4739
Hội Chợ Thượng Hải 2010
Không đầy một tháng nữa Hội Chợ Quốc Tế Thượng Hải 2010 tại Trung Quốc (World Expo 2010 Shanghai China) sẽ khai mạc và kéo dài trong sáu tháng, từ 1-5 đến 31-10-2010.
Theo dự trù đây sẽ là hội chợ quốc tế lớn nhất từ năm 1855 đến nay : trung tâm khu hội chợ rộng 15 ha trên một tổng diện tích 5,28 km2. Mỗi ngày sẽ có khoảng 400.000 người vào xem, tổng cộng 70 triệu người trong quốt 184 ngày (ban tổ chức dự đoán sẽ có hơn 100 triệu người vào xem, phần lớn là người Trung Quốc). Cho đến nay, 192 quốc gia và 50 định chế và cơ quan quốc tế đã hứa sẽ đến tham dự. Chính quyền Thượng Hải đã tổ chức nhiều buổi học tập khuyên dạy dân chúng hãy lịch sự và lễ phép với người nước ngoài. Hơn 70.000 thanh niên tình nguyện tham gia vào chương trình tiếp đón và hướng dẫn du khách trong suốt thời gian tổ chức hội chợ.
Chính quyền và dân chúng Trung Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào hội chợ quốc tế này, vì đây là bằng chứng của sự thoát xác. Từ một quốc gia nghèo nàn và chậm tiến trong thập niên 1970, ngày nay Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế lẫn quân sự vào đầu thập niên 2010. Đây là một cố gắng vượt bực của một quốc gia chiếm 1/5 dân số thế giới trong suốt hơn 30 năm qua.
Sau cuộc tranh đua gay go giữa các thành phố lớn trên thế giới : Yeosu (Nam Hàn), Moskva (Nga), Queretaro (Mexico) và Wroclw (Ba Lan), ngày 3-2-2002 thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã được chỉ định tổ chức Hội Chợ Quốc Tế lần thứ 73 năm 2010. Đây là một phần thưởng mà mọi người Trung Quốc, nhất dân chúng Thượng Hải và tỉnh Phúc Kiến, nghĩ rằng đất nước và thành phố của họ xứng đáng nhận lãnh, sau khi được chỉ định tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.
Từ 2002 đến nay, chính quyền Thượng Hải đã chi hơn một trăm tỷ USD để đầu tư xây dựng lại hệ thống hạ tầng cơ sở (đường sá, cầu cống, đường ngầm, phi trường, hải cảng) để đón hội chợ quan trọng này. Riêng việc xây dựng mới lại hệ thống đường sắt dài 425 km đã tốn hơn 45 tỷ USD, với 8 đường xe điện mới và một đường xe điện cao tốc nối liền Thượng Hải (tỉnh Phúc Kiến) với thành phố Hàng Châu (tỉnh Triết Giang).
Chủ đề của cuộc triển lãm quốc tế này là "Better City, Better Life" (Thành phố tốt đẹp hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn). Chủ đề này không phải tình cờ, nó là cả một quá trình suy nghĩ của những người lãnh đạo thành phố Thượng Hải, mà Nhật Bản là một trong những tác nhân đóng góp. Qua hội chợ này, chính quyền Thượng Hải muốn đề cao sự pha trộn giữa các nền văn hóa, sự phồn vinh của sinh hoạt kinh tế thị thành, canh tân khoa học kỹ thuật, xóa tan làn ranh giữa các cộng đồng và nối liền nông thôn với thành thị. Nói chung chính quyền Thượng Hải muốn hòa giải giữa cái cũ và cái mới để dân chúng của thành phố cùng nhau chia sẻ một tương lai chung tốt đẹp hơn.
Ưu tư của ban tổ chức hội chợ là không biết bao nhiêu du khách quốc tế sẽ đến tham dự. Cho đến nay, số phòng dành cho du khách quốc tế vẫn chưa đầy, nhiều khách sạn đã hạ giá phòng từ 30 đến 50% nhưng vẫn trống. Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh toàn cầu đe dọa sự thành công của Hội Chợ Thượng Hải 2010. Nhất là thái độ cứng rắn của Trung Quốc trước các vấn đề Darfur, Iran, Trung Đông và Bắc Triều Tiên đã làm các chính quyền dân chủ phương Tây không hài lòng và đang có những biện pháp trả đũa, như lập hàng rào thuế quan, tìm những sai sót trong qui trình sản xuất hàng hóa của Trung Quốc để trả về. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc hiện nay không còn hấp dẫn ai vì chính quyền Trung Quốc đã lập nhiều rào cản để hạn chế quyền tự do trao đổi và thông tin của các xí nghiệp phương Tây, ngoài nạn tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành. Do đó không ai dự đoán được sẽ có bao nhiêu du khách quốc tế đến dự.
Xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn
Điều làm mọi người ngạc nhiên là Nhật Bản chính là quốc gia đã sốt sắng giúp đỡ Trung Quốc từ thập niên 1970 đến nay để trở thành một siêu cường kinh tế và quân sự, qua các chương trình viện trợ không hoàn trả hay cho vay nhẹ lãi. Không những thế, giới doanh nhân Nhật Bản còn chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao cho doanh nhân Trung Quốc sản xuất hàng hóa để gia công hay xuất khẩu như xe gắn máy, xe hơi, đóng tàu, máy vi tính và linh kiện điện tử.
Mặc dù tiếp tục bị người Hoa chống đối, như những cuộc xuống đường mùa xuân năm 2005, chính quyền và doanh nhân Nhật Bản vẫn tiếp tục giúp hoặc hợp tác kinh doanh với người Trung Quốc. Những thành tựu khoa học kỹ thuật lớn của Trung Quốc phần lớn đều có bàn tay của Nhật Bản phía sau, như đường xe lửa cao tốc Bắc Kinh Thượng Hải năm 2008, hệ thống điện toán điều khiển các loại máy bay và tàu thuyền dân sự và quân sự. Gần đây hơn, công ty đường sắt Japan Railway của Nhật và một công ty Đức đang khởi công xây dựng đường xe điện linear motor thứ 2, nối liền Thượng Hải với thành phố Hàng Châu của tỉnh Triết Giang dài 200 km. Đường linear motor đầu tiên nối liền phía đông thành phố Thượng Hải với phi trường quốc tế Phố Đông (Pudong) trong vòng 30 phút, với vận tốc 431 km/giờ.
Trong cuộc triển lãm quốc tế World Expo 2010 Shanghai China này, riêng phía Nhật Bản đã có 22 xí nghiệp tư nhân và hai tỉnh của Nhật tham dự. tài trợ với danh xưng "Gian hàng kỹ nghệ Nhật Bản". Ban lãnh đạo gian hàng dự đoán cuộc triển lãm Thượng Hải sẽ làm thay đổi phong cách mua bán của người Trung Quốc. Với chủ đề "Thành phố tốt đẹp hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn" người Nhật tin rằng văn hóa tiêu thụ của các quốc gia tiền tiến sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến người Trung Quốc. Hàng hóa Nhật Bản được triển lãm dưới chủ đề "Cảm giác J" đem lại các ý thức sạch sẽ, dễ thương, dễ chịu và mang lại sự êm dịu trong cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Trung Quốc.
Từ thập niên 1970, giới chính trị và doanh nhân Nhật đã nhìn rõ vấn đề và vạch ra một chiến lược mới đối với Trung Quốc : giúp quốc gia này ra khỏi nghèo khổ để thành một đối tác dài hạn cho mai sau. Chính vì thế, mặc dù bị dư luận và một số nhân vật chính trị trong đảng cộng sản Trung Quốc chống đối, Nhật vẫn tiếp tục giúp đỡ Trung Quốc. Ngày nay mục tiêu đã đạt được, lợi tức đầu người Trung Quốc từ 300 USD/năm trong thập niên 1970 đã lên 3.000 USD/năm (2008), doanh nhân Nhật đang nhìn Trung Quốc như một thị trường tiêu thụ hàng hóa cao cấp lớn : TV màu rộng và dẹp, xe hơi điện, máy lạnh...
Nhưng mục tiêu chính của "Gian hàng kỹ nghệ Nhật Bản" là giới thiệu những kỹ thuật sản xuất hiện đại mà giới doanh nhân Nhật muốn bán cho Trung Quốc như kỹ thuật sản xuất xe hơi điện, đóng tàu sạch (giảm chất thải CO2). Qua những kỹ thuật này, doanh nhân Nhật tin chắc rằng họ sẽ vẫn nắm chặt thị trường 1,4 tỷ người này trong tầm tay, ít nhất trong một vài thập niên nữa, vì Trung Quốc chưa đủ khả năng phát minh hay sáng chế ra những kỹ thuật cao cấp tiết kiệm nặng lượng và ít gây ô nhiễm.
Người Nhật tin rằng nếu dân chúng Trung Quốc quen dần với cuộc sống tiện nghi và sạch sẽ, họ sẽ quí trọng tự do và hòa bình, qua đó tôn trọng sự khác biệt chính kiến và văn hóa. Đó cũng là ước muốn chung của các quốc gia khác.
Kiêm Hương
© Thông Luận 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment