Saturday, April 17, 2010

KẺ ĐỒNG THỜI, ĐỌC THƠ NGƯỜI RA CHIẾN TRẬN

Kẻ đồng thời, đọc thơ người ra chiến trận

Trần Văn Nam

17/04/2010 12:31 chiều Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=18873

Mũ nhẹ nên coi đời cũng nhẹ

Chiến tranh. Thì cũng tựa phù vân.

Trần Hoài Thư

.

Lấy vị trí một người cùng lứa tuổi, cùng thời chiến với Trần Hoài Thư, ta thử song hành cùng người lính Trần Hoài Thư qua thi ca… Song hành nghe thấy, vì chiến tranh hiện diện mọi nơi bằng âm vang, bằng ảnh hưởng, không ai thoát ra ngoài cái lưới lồng lộng của nó. Gặp gỡ không cùng đi một đường, mà là song hành giữa người nơi hậu phương và người lính tác chiến. Xin lấy cái riêng làm cái chung, vì cuộc gặp gỡ này cũng là của nhiều người, chỉ khác chi tiết mà thôi. Một cuộc song hành qua chữ nghĩa sách báo, vì đến khi viết bài này, người viết chưa một lần gặp mặt tác giả Trần Hoài Thư.

Gặp gỡ đầu tiên là khi đọc trên tuần báo Đời (hay tuần báo Sống, không nhớ) ở Sài Gòn khoảng năm 1969 hay 1970 gì đó (hình như chủ nhiệm, chủ bút cũng là nhà thơ Nguyên Sa, giống như tạp chí Đời xuất hiện sau này tại California), tôi có dịp biết đến bài phóng sự chiến trường của Trần Hoài Thư nói về cái chết của Tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn Ó Biển. Chết vì mất máu do sự chần chờ không lên trực thăng đưa về quân y viện Nha Trang, muốn ở lại cao nguyên cùng chiến hữu đang lâm trận tại đó. (Sau này, ở hải ngoại, có sĩ quan cùng tiểu đoàn viết hồi ký nói tiểu-đoàn-trưởng vướng phải mìn phòng thủ do chính quân mình gài, khi dẫn quân chiếm lại vị trí bị thất thủ). Tiểu Đoàn Trưởng là Trung tá Võ Anh Tài, một người anh đang trong gia đình tôi. (Anh là con bà trước, tôi là con bà sau, cũng không phải là cùng cha, nhưng chúng tôi cùng ở chung một nhà ngay từ thời thơ ấu tại Nha Trang.) Ai cũng có người thân quen mất mát trong chiến tranh. Từ đó tôi biết tên Trần Hoài Thư, rồi sau này đọc nhiều truyện của ông trên các tạp chí Văn tại Sài Gòn trước 1975. Khoảng năm 1972, tôi nhận được một tập truyện của ông gởi tặng, mà tôi nhớ chắc không lầm là gởi từ Châu Đốc, khi ấy tôi đang ở tại bến phà Mỹ Thuận, Vĩnh Long, nhưng làm việc thì ở tỉnh Sa Đéc. Kể chuyện riêng cũng không ngoài ý hướng lấy cái riêng làm cái chung: người hậu phương đọc thơ người ra chiến trận để cùng nghe thấy âm vang của một thời, bối cảnh của đất nước, làm người song hành dân sự và quân sự, nói cho long trọng hơn, là làm chứng nhân cho những hình ảnh buồn vui đời lính hiện diện trong thơ Trần Hoài Thư.

Trần Hoài Thư là một trung đội trưởng đóng quân tại quận lỵ, quận Bồng Sơn tỉnh Bình Định. Đơn vị quận thời chiến tranh là nơi có những hoạt động quân sự rất bận rộn, nơi xuất phát các cuộc tảo thanh; có đồn pháo binh yểm trợ; có ban cố vấn quân sự Mỹ; có tiểu đỉnh Hoa Kỳ trú đóng nếu quận lỵ ven sông; và cũng là nơi thường hứng bích kích pháo của đối phương bắn vào ban đêm. Tôi cũng là người từng ở quận lỵ, quận Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Hình ảnh chiến tranh ở quận lỵ nào cũng giống nhau, cũng gần như giới nghiêm lúc 5 giờ chiều, cũng có những người tản cư từ vùng sâu ra mang theo tin tức quân địch hiện diện, làm áp lực bao vây. Cuộc sống của người dân làm ăn mua bán đầy lo âu. Cũng những xôn xao khi các tiểu đoàn ở tỉnh đổ về để giải tỏa áp lực. Bồng Sơn ở Bình Định cận kề các mật khu Đệ Đức hay Tam Quan. Trà Ôn ở Vĩnh Long cận kề các mật khu quanh vùng Tam Bình hay Cầu Kè. Đã từng ở đơn vị quận mới sống lại cái không khí chiến tranh nặng nề đè lên nếp sống của người dân tại đây:

Những quán bên đường nghèo trống gió

Những cô hàng buồn như tản cư

Bồng Sơn mùa nước dâng Sông Lại

Ngày sũng loang trên những mảng dừa

Mặt trận đổ theo bìa Đệ Đức

Nghe cận kề lửa hướng Tam Quan

Khi ra sống ở tỉnh, áp lực như xa dần, nhưng những hoạt động chiến tranh vẫn tiếp tục. Người làm việc dân sự thông cảm những biệt ly ra đi, nghe vang vọng buồn thương của tiếng quân xa qua vỉ cầu sắt, biết nỗi niềm của ánh đèn gia binh nhạt nhòa giữa đêm khuya khi đoàn quân xa ra khỏi cổng trại, hiểu được chất bi tráng cố giữ sự bình tĩnh của những điếu thuốc chuyền tay nhau của người sắp ra trận:

Tôi qua Phù Cát, qua Cầu Sắt

Miếng vỉ cầu rền nghiến bánh lăn

Những chiến xe đi về mặt trận

Những người đợi một chuyến ra quân

Nửa đêm kẻng giục quân ra trận

Kinh động cả lòng đêm tối bưng

Nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy

Không buồn, chỉ một chút bâng khuâng

Lên xe, bỏ lại đồi thiên cổ

Bỏ trại gia binh lạnh ánh đèn

Cùng lên chiếc xe mười bánh

Cùng mồi điếu thuốc chuyền nhau.

Những hình ảnh quen thuộc: quân xa qua vỉ cầu sắt, cơm gạo sấy, xe nhà binh mười bánh, trại gia binh, điếu thuốc chuyền tay nhau, bi đông rượu đế, hỏa châu đồng minh bắn, đêm trăng quận đường, lính trùm Poncho ngồi bên bờ ruộng nước, lính ngồi châm điếu thuốc bên đường xe lửa… gợi lại thời của một đoàn quân bận rộn với các cuộc hành quân, trực thăng vần vũ…

Lại gặp gỡ với Trần Hoài Thư ở đơn vị quận, bấy giờ là lúc Trần Hoài Thư về chiến trường vùng 4 nên sự gặp gỡ gần gũi hơn, vì lúc ấy tôi cũng đang làm việc tại miền Tây Nam Phần. Quen thuộc ở đây là những quán nhậu ven sông mà khi đóng quân người lính nào cũng vào ra giải buồn, tìm cái quên giây lát khi xa gia đình. Bi tráng thật sự, vì sống chết không biết lúc nào đối với người lính thời chiến tranh vào lúc căng thẳng sau Tết Mậu Thân, không phải chỉ là bắt chước câu thơ xưa: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Như tôi đã thấy cái vội chia lìa của một chi-khu-phó (chi-khu-trưởng là quận trưởng, cấp bậc đại úy lo về hành chánh; chi-khu-phó cấp bậc trung úy thường trực tiếp dẫn quân đi tảo thanh hay tiếp cứu giải vây). Vào lúc 9 giờ sáng còn ngồi với chúng tôi trong quán ăn, vậy mà khoảng 11 giờ thì có tin ông đã tử trận khi dẫn quân băng đồng. Vì vậy xin làm chứng nhân cho một trường hợp thời chiến, nghe thấy y như Trần Hoài Thư đã nói trong thơ:

Chiến tranh thì vẫn là tranh chiến

Mặc. Kéo nhau vào quán chị Hai

Mặt trời đỏ ối trên vàm sáng

Banh áo. Ngâm bài thơ cổ lai.

Trần Hoài Thư là trung đội trưởng tác chiến nên đơn vị thường vãng lai ở quận, đêm đêm nằm ngoài đồng phòng ngự cho quận đường. Có những đêm, sau khi phân phối cho quân mai phục đâu đó ngoài vườn ngoài ruộng, ông cùng vài người bạn, có thể là viên chức của quận phải ở lại ban đêm, có thể là các giáo chức ở ngôi trường lân cận đêm đêm phải đến trường ngủ làm công tác nhân dân tự vệ, họ bày ra một cuộc vui nhỏ, trải chiếu trong quận đường hay trước sân trường một đêm trăng, nhấm nháp rượu đế với con khô mực hay trái ổi trái xoài. Hình như đây là niềm vui nhỏ, có vẻ thơ mộng, của đời lính đóng quân nơi buồn tẻ, nên Trần Hoài Thư đã nhắc lại một đôi lần trong hai tập Thơ Trần Hoài ThưQua sông mùa mận chín:

Thấy như thể đêm qua về quận lỵ

Vài ba thằng trải chiếu dưới đêm trăng

Dăm trái ổi và bi đông rượu đế

Con cá thiều chia chút tình thân

Có phải trái xoài trái ổi

Đêm trăng trải chiếu quận đường

Bên kia ngôi trường có cô giáo thật dễ thương

Muốn làm quen mà miệng đành câm nín…

Nơi vui nho nhỏ như vậy đôi khi lại cận kề dấu vết chiến tranh mới xảy ra cách đó không lâu. Tôi đã từng gặp trường hợp cuộc vui nhỏ này trước sân trường quận Đức Tôn, tỉnh Sa Đéc. Cũng trung úy trung-đội-trưởng sau khi cho lính nằm kích ngoài ruộng và chung quanh ngôi chùa cổ, đến rủ giáo chức trực phiên nhân dân tự vệ nhậu chơi, tìm thấy niềm vui khi bàn luận về văn chương thi ca như thời còn đi học ở đại học Sài Gòn trước khi động viên nhập ngũ. Sau đó trung úy kể ngôi trường này chính là nơi quàn những người lính tử trận trong một trận đánh vào quận đường đối diện với trường học bên kia đường, xảy ra khoảng ba tháng trước. Ta nghĩ tâm trạng người trung úy là đi tìm cái vui nhỏ, quên đi nỗi buồn chiến tranh vừa mới chứng kiến. Ta nghĩ Trần Hoài Thư cũng cùng tâm trạng như vậy. Song hành nghe thấy, song hành chứng kiến, vì ta cùng thời cùng lứa tuổi với Trần Hoài Thư. Không ai thoát ra ngoài cái lưới lồng lộng của chiến tranh. Các giáo chức hành nghề dân sự ở ngôi trường này chẳng hạn, có kẻ đi học quân sự 9 tuần lễ rồi cho biệt phái trở lại trường dạy học, có người phải học hết các giai đoạn quân sự để trở thành chuẩn úy mới được biệt phái, có người phải thi hành quân dịch sau một thời gian rồi mới biệt phái; đó là tùy theo quy chế đổi thay của các chính phủ Việt Nam Cộng hòa, luân phiên điều chỉnh từ Bộ Quốc phòng khi chiến sự tăng gia khốc liệt.

Đọc những bài thơ trong hai thi phẩm đã kể trên và một số truyện ngắn trong các tập truyện xuất bản ở hải ngoại của Trần Hoài Thư, ta nhận ra một sự giằng co giữa ý hướng vinh danh sự hào hùng của người lính Việt Nam Cộng hòa và ý hướng muốn hồi ức một cách hiện thực, muốn phơi bày sự thật những yếu đuối rất nhân bản của con người nơi chốn hiểm nguy, mà thường thường thì Trần Hoài Thư phơi bày cái yếu đuối của chính mình trước tiên. Như trong một truyện ngắn hồi ức ngày mới chỉ huy trung đội đụng trận lần đầu trong đời lính. Trong khi theo lệnh xung phong tiến tới, Trần Hoài Thư thầm mong người lính mang máy truyền tin đừng chạy cập kè với mình, vì như thế ông trở thành mục tiêu nhắm bắn của quân địch vốn đã kinh nghiệm trung đội trưởng là người luôn luôn ở gần máy truyền tin, và càng dễ lộ nếu trên tay lại cầm bản đồ. Các bông mai cấp bậc của quân đội có màu đen thêu trên áo, đó cũng là để tránh cho các sĩ quan thành mục tiêu nhắm bắn của quân địch. Trần Hoài Thư hồi ức những vụng về pha lẫn với nhát sợ của mình lần đầu tiên nhảy trực thăng đánh trận:

Thằng Mỹ lái tàu chơi mất dạy

Hai càng chưa hạ đã bay cao

Ta nhìn xuống thấp, run không nhảy

Mày đạp ông, ông phải té nhào

Lính cũ chỉ đường ta đánh trận

Quân bò, ta lại chạy khơi khơi.

Em có biết không, tôi giấu yếu mềm

Thèm bị thương, được nằm bệnh xá

Đâu đó trong suốt hai tập thơ, ta thường bắt gặp những hồi ức thành thật như vậy, trái ngược với những từ “hào hùng, ngang tàng” cũng của chính Trần Hoài Thư nói về thơ của mình. Hồi ức sống động trộn lẫn với nỗi buồn xa nhà, sinh ly tử biệt thời chinh chiến. Vì điều ấy xảy ra thường xuyên, coi như cái nghiệp buổi sinh ly. Chấp nhận, có lẽ chưa sát nghĩa với “ngang tàng”:

Nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy

Không buồn, chỉ một chút bâng khuâng

Mũ nhẹ nên coi đời cũng nhẹ

Chiến tranh. Thì cũng tựa phù vân.

Anh có mang theo lòng thống hận

Hay là cái nghiệp buổi sinh ly

Hãy cố làm sao điều chỉnh kính

Thêm nỗi buồn lẫn cả cô đơn

Phóng viên đưa máy hồn run rẩy

Hốt hoảng người che mặt ngỡ ngàng

Ôi cả cuộc đời đi đánh giặc

Chỉ xin làm một kẻ tầm thường.

Lính đứng trên xe, hầm hừ chĩa súng

Mỗi đứa một phần, hứng lấy rủi may

Bởi anh đã tiêu pha một thời tuổi trẻ

Bằng những nỗi buồn thế hệ chiến tranh

Trần Hoài Thư không chỉ nói cái yếu đuối đôi khi đã có với ông lúc hành quân tác chiến, mà thỉnh thoảng ông cũng nói chung cho cả toán quân, ít nhất ông đã thấy nơi đại đội hay trung đội ông chỉ huy. Điều này gây ra một sự giằng co khi thể hiện trong thơ mà ta sẽ phân tích sau đây. Trong bài “Ta lính miền Nam” thì bạn của ông là những người tình nguyện đầu quân:

Khóa của ta

Trên mấy trăm thằng tình nguyện

Đi nhảy dù, thủy bộ, thám báo “ác ôn”

Có đứa mang bằng kỹ sư về nước

Chọn Cọp Ba Đầu Rằn làm lính tiền phong.

Nhưng trong bài “Đồi xưa”, Nguyễn Bắc Sơn thấy chiến tranh Việt Nam chỉ là tai trời ách nước:

Chửi thề mấy tiếng trong tầm pháo

Thế hệ sinh lầm thuở rối ren.

Trong bài “Đêm đột kích ở Nho Lâm”, sự khựng lại của toán quân mới chỉ là một sự nghi ngại, chưa thể hiện trong đó rõ ràng tính chất miễn cưỡng hành quân, khựng lại do bản năng tự vệ trước nguy hiểm rình rập:

Ai dẫn đường đi sao khựng lại

Trời đen không thấy một vì sao

Bốn bề thăm thẳm lau cùng sậy

Những rặng tre mờ in bóng sao

Hàng quân rạp xuống trên đồng lụt

Che đi hình tượng những hồn âm

Hỏa châu hối hả đồng minh bắn

Tiếng nổ cầm canh buồn mênh mông

Nhưng trong bài “Trung đội”, đăng trên tạp chí Văn học số 138, tháng 10/1997, sự khựng lại của toán quân đi liền theo sau là những ý tưởng “mang oan nghiệp”, chẳng khác trong thơ Nguyễn Bắc Sơn “chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi” (ta nhận ra sự trùng hợp một lần nữa). Nhưng trong thơ Nguyễn Bắc Sơn không có sự giằng co giữa ý hướng làm thơ hào hùng và ý hướng hồi ức trung thực bản năng sinh tồn của bất cứ con người nào:

Người lính dẫn đầu không dám bước

Toán quân dồn cục, đầu ngóp ngoi

Có ai hụt cẳng trong đầm lụt

Trắng mắt quân đi, đội súng dài.

Đêm của âm binh về xứ khổ

Giày da bùn đặc trệ đôi chân

Rút lên như thể mang oan nghiệp

Dẫm xuống như còng kiếp tử sinh.

Thì đi, ngụp mãi trong đồng sậy

Người ở đâu sao người không ra

Sao người cứ ẩn làm ma xó

Ta đuổi hoài giữa bãi tha ma.

Kẻ bỏ ra đi người ở lại

Chiến tranh thì cái nghiệp oan chung

Chiếc xẻng cá nhân đào hối hả

Poncho trùm che dãy Cù Mông.

Có thể vì thấy viết như vậy thì không mấy hào hùng, nên trong bài “Trung đội” in trong thi phẩm Thơ Trần Hoài Thư, tác giả bỏ các đoạn này hoặc sửa vài câu cho bớt tính chất hồi ức có sao thì nói ra. Sự điều chỉnh này là dấu mốc cho ta biết Trần Hoài Thư không có ý định làm thơ phản chiến như Nguyễn Bắc Sơn; mà phản chiến làm gì khi đã tàn cuộc chiến, đã sống nơi hải ngoại. Trần Hoài Thư chỉ muốn làm thơ có tính chất hồi ức sống thực của một trung đội trưởng từng hành quân tác chiến. Chắc đó cũng là ý định Trần Hoài Thư muốn xác định một vị trí trong văn học Việt Nam hải ngoại, một vị trí riêng biệt không giống ai, nói riêng là không giống Nguyễn Bắc Sơn.

Chỉ riêng một bài thơ “Trung đội” đã có nhiều hình ảnh sống thực khi đi hành quân. Trần Hoài Thư muốn hồi ức sống thực, đầy đủ, nên ông đã thêm thắt nhiều lần, hoặc sửa lại câu thơ, bớt đoạn này, thêm đoạn kia; chẳng hạn lần thứ ba tôi đọc trong tuần báo Saigon Times vùng thung lũng San Gabriel thuộc Los Angeles, thấy có thêm những câu:

Trung đội đã lâu rồi không nghỉ

Lâu rồi, xuống núi, về bên kia

Bên kia cũng vẫn là sinh tử

Một chuyến đi ai biết trở về

Người lính dẫn đầu không dám bước

Toán quân dồn cục, mình ngóp ngoi

Người sau níu giữ người đi trước

Bì bõm quân đi súng đội đầu.

Kẻ bỏ ra đi, người ở lại

Chiến tranh thì cái nghiệp oan chung

Chiếc xẻng cá nhân đào hối hả

Đạn pháo gầm hướng dãy Cù Mông.

Những sửa đổi hay thêm như trên cho thấy: một là Trần Hoài Thư có sự giằng co giữa hào hùng và trung thực với đôi lúc yếu đuối của mình; hai là Trần Hoài Thư muốn hồi ức đầy đủ hết những sống động nơi chiến trường. Đối với những người đã từng xông pha ngoài trận mạc thì những đoạn thơ của Trần Hoài Thư chỉ là nhắc lại, có khi không linh động bằng, vì Trần Hoài Thư là trung đội trưởng, chưa phải là nhiều kinh nghiệm chiến trường như đại-đội-trưởng hay tiểu-đoàn-trưởng… Nhưng với người đi song hành trong thời chiến, song hành giữa dân sự và quân sự, thì thơ Trần Hoài Thư đã dồi dào chất hiện thực của đời lính tác chiến.

Nếu chỉ có như vậy thì thơ Trần Hoài Thư là bức tranh thời chinh chiến, chinh chiến ngoài trận mạc. Thật ra, thơ Trần Hoài Thư còn rất nhiều chất tươi mát, đó là hình ảnh người em gái. Phải nói là dồi dào, không phải chỉ là điểm xuyết. Đời lính đi đó đây, gặp gỡ thoáng hiện thoáng lướt qua, bận bịu làm gì khi thường xuyên di động hết chiến trường này đến chiến trường khác. Thơ Trần Hoài Thư thể hiện lẽ tất yếu tình yêu như một bóng mây đó. Ta thử trích vài câu đặc sắc trang điểm cho đời lính niềm vui tao ngộ:

Gặp em trong chuyến xe về muộn

Trăng đã lên trên khu Hàng Xanh

Đường qua Gia Định chia trăm ngả

Có ngả nào em hiểu tình anh?

Mẹ vo nồi gạo trắng

Em ra vườn hái bông

Nồi canh chua điên điển

Ấm chút tình non sông.

Bên kia trường có cô giáo thật dễ thương

Muốn làm quen mà miệng đành câm nín.

Xin cô hàng thêm một két bia

Hôm nay lãnh lương tôi đãi hết

Cô hàng ơi, một mai tôi chết

Ai tiêu dùm, ba tháng tiền lương

Ngày ta lên rừng làm lính cao nguyên

Quen em ê-đê từ rừng xuống chợ

Em khờ khạo nhìn thị thành nhộn nhịp

Con gái Thượng nguồn, vú ngực thiên nhiên.

Đó là chưa trích thơ người yêu thời tuổi trẻ phố Đà Nẵng, rồi người yêu xứ Huế, rồi người tình phụ rẫy: “Con sóc dại khờ gậm hoài trái đắng. Và anh dại khờ nên mới yêu em”. Nhân vật nữ thời tuổi trẻ, nhân vật nữ thời chinh chiến, rồi cũng đã qua. Nhưng một nhân vật nữ tác giả xin hỏi cưới, chịu đi làm rể xa ở đồng bằng sông Cửu Long, từ thời chiến đến bây giờ, hiện diện trong nhiều bài thơ của Trần Hoài Thư; pha trộn lãng mạn, tình nghĩa và lịch sử:

Cảm tạ em, người em Cửu Long

Em cho anh hơi thở đồng bằng

Từ trong lòng dậy nguồn ơn lượng

Của chập chùng cam khổ tiền nhân.

Viết xong ngày 15 tháng 5 năm 2000

© 2010 Trần Văn Nam

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: