Tuesday, April 6, 2010

ĐÌNH CÔNG LAN RỘNG TẠI VIỆT NAM

18,500 người xưởng giày Đài Loan đình công ở Biên Hòa, kẹt quốc lộ

Monday, April 05, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=111016&z=2

BIÊN HÒA (TH) - Khoảng 18,500 công nhân của hãng giày Pouchen ở Biên Hòa tiếp tục đình công sang ngày thứ 6, làm đình trệ giao thông trên quốc lộ 1K trong khi một cuộc đình công khác của khoảng 1,500 công nhân bắt đầu ở Quảng Nam.

Hãng giày Pouchen, vốn đầu tư 100% của Ðài Loan, chuyên gia công giầy dép cho hãng Nike của Mỹ đặt tại xã Hóa An, thành phố Biên Hòa. Công nhân đã bắt đầu đình công từ ngày 31 tháng 3, 2010, với lý do công ty đã ép công nhân làm việc quá giờ, chậm tăng lương, không trả tiền thâm niên và trong khi khẩu phần ăn trưa quá tồi tệ.

Trong buổi sáng ngày 5 tháng 4, 2010, thay vì đứng trong phạm vi của công ty để đình công, công nhân đã tràn ra đường lộ, gây trở ngại lưu thông trên quốc lộ 1K suốt nhiều giờ.

Theo tin tờ Tuổi Trẻ, một nhân công đã bị bắt vì bị cáo buộc “quá khích, tham gia tấn công cảnh sát.”

“Vào thời điểm này, công nhân đã tràn lên đoạn chợ Hóa An bao vây cảnh sát và yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ thả ra. Sau đó, hàng ngàn công nhân tiếp tục quay trở lại trụ sở công ty, tiếp tục đứng tràn ra quốc lộ và kéo băng rôn “Công nhân đại đoàn kết.” Theo tin báo Tuổi Trẻ.

Theo tờ Tuổi Trẻ, ban giám đốc chỉ đề nghị tăng lương có 5% nên cuộc đình công tiếp diễn.

Mặt khác, theo bản tin báo VietnamNet, gần 1,500 công nhân công ty giày Rieker VN bắt đầu đình công từ ngày 5 tháng 4, 2010 để “phản đối điều kiện làm việc, thu nhập không thể chịu đựng nổi.” Công ty giày Rieker VN (100% vốn FDI, cơ sở tại khu công nghệ Ðiện Nam-Ðiện Ngọc, huyện Ðiện Bàn, Quảng Nam, cách Ðà Nẵng 15km) đã từng bị công nhân đình công trước đây đòi cải thiện chế độ làm việc và tăng lương.

VietnamNet nói, “Theo phản ánh của công nhân, với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng thì họ không thể sống được bởi vật giá, tiền thuê nhà trọ... đều đang liên tục tăng cao. Công nhân đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng, nhưng khi công ty không có hàng, họ phải nghỉ ở nhà thì lại không được trả lương thất nghiệp. Khi bị đau ốm trong lúc làm việc, công nhân chỉ được đưa lên văn phòng nằm nghỉ 15-20 phút rồi phải trở lại làm việc chứ không được cho về. Và mặc dù phải đóng bảo hiểm y tế hàng tháng nhưng khi đau ốm thì công nhân không được cấp thuốc mà phải ra ngoài mua.”

VietnamNet thuật lại những lời tố cáo của công nhân cho thấy “khi công ty tăng ca, công nhân phải vào làm việc từ lúc 6g sáng. Nhiều người ở xa, đi trễ 1 phút thì bị trừ 1 tiếng đồng hồ tiền lương, còn đi trễ 5 phút thì ngày đó không được chấm công dù vẫn phải làm việc. Lẽ ra mỗi công nhân chỉ làm một công đoạn trong dây chuyền sản xuất thì gần đây lãnh đạo công ty buộc phải làm thêm 2-3 công đoạn nhưng tiền lương lại không tăng. Khẩu phần ăn trưa của công nhân quá tệ, không thể nuốt nổi dù được tính giá 7,000 đồng/suất. Không những không đủ chất dinh dưỡng mà còn bữa sống, bữa chín và đã từng xảy ra tình trạng ngộ độc thức ăn. Mặc khác, công ty quy định thời gian ăn trưa và nghỉ trưa của công nhân chỉ 30 phút là quá khắc nghiệt...”

Thay mặt các công nhân, chị Ðặng Thị H. cho biết, việc công nhân đình công là “giọt nước tràn ly” sau rất nhiều lần phản ảnh, kiến nghị nhưng lãnh đạo công ty vẫn phớt lờ, không quan tâm giải quyết. Ngay sau khi xảy ra vụ đình công, đại diện Phòng LÐ-TB-XH huyện Ðiện Bàn đã có mặt tại hiện trường để nắm tình hình và chờ Thanh Tra Sở LÐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam ra làm việc.

Ðến lúc này, lãnh đạo công ty giày Rieker VN mới tập hợp công nhân để lấy ý kiến giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, do không được giải quyết thỏa đáng nên tất cả công nhân đã bỏ ra về và cho biết họ sẽ tiếp tục đình công đến khi nào lãnh đạo công ty đáp ứng các yêu cầu chính đáng của họ về việc cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập.

Theo một bản phân tích thời sự Việt Nam của Reuters hôm 1 tháng 4, 2010, dẫn lời một viên chức cao cấp Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư Việt Nam, các vụ đình công trong năm nay có thể gia tăng so với năm ngoái vì lạm phát gia tăng, công nhân không đủ sống.

.

.

.

No comments: