Thursday, April 1, 2010

HOA KỲ SẮN SÀNG HỢP TÁC VỚI VIỆT NAM VỀ HẠT NHÂN

Hoa Kỳ 'sẵn sàng hợp tác' với VN

Hà Mi

BBC Việt Ngữ

Cập nhật: 20:50 GMT - thứ tư, 31 tháng 3, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100331_us_ambassador_nuclear_viet.shtml

Việt Nam và Hoa Kỳ vừa ký Bản Ghi nhớ ký hôm thứ Ba 30/03 đề cập tới các vấn đề như an toàn hạt nhân và sử dụng hạt nhân vì mục đích dân sự.

Trong tháng 4, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về an toàn hạt nhân do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì tại Washington.

Chuyến đi được giới quan sát coi là dấu hiệu để ông Dũng và các nhà lãnh đạo Việt Nam ủng hộ ông xác tín xu hướng tăng cường hội nhập quốc tế, cụ thể là với Hoa Kỳ.

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông Michael Michalak, cho Hà Mi, phóng viên BBC Việt Ngữ, từ London qua điện thoại ngày 31/03, biết đánh giá của ông về quan hệ song phương, thể hiện trước hết qua thỏa thuận hợp tác nguyên tử:

Đại sứ Michalak: Đây là một thỏa thuận thêm nữa mà chúng tôi ký với Chính phủ Việt Nam liên quan tới việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân. Cho tới nay chúng tôi đã có một vài thỏa thuận ký với Việt Nam về cùng đề tài này, nhưng là ở phạm vi hẹp hơn, chỉ là về an ninh và an toàn và mới chỉ ở mức giữa các cơ quan, tổ chức với nhau như giữa Bộ năng lượng hai nước..

Đây là thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ và nó cho phép chúng tôi, ngoài hợp tác về an ninh và an toàn, có thể bàn thảo những nhu cầu hay các yếu tố cần thiết về năng lượng hạt nhân tại Việt Nam.

Và nó cũng cho thấy ý định của Việt Nam muốn sử dụng thị trường quốc tế về cung ứng năng lượng cho lò phản ứng của họ trong tương lai. Do vậy thỏa thuận này có yếu tố chống phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng chủ yếu là về năng lượng hạt nhân tại Việt Nam và điều đó chúng tôi cho là một bước tiến rất quan trọng trong việc Việt Nam tiếp tục tìm cách phát triển ngành năng lượng hạt nhân tại nước này.

Chúng tôi tin rằng thỏa thuận này là nền tảng để tiến tới Thỏa thuận 123, một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý và có thể bàn về vấn đề bảo đảm an ninh các thông tin kỹ thuật...

BBC: Vậy liệu sẽ phải mất bao lâu sau Thỏa thuận này để hai nước có thể có được những thỏa thuận cụ thể hơn cho phép sự tham gia của các công ty Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại Việt Nam?

Đại sứ Michalak: Thường phải mất khoảng 6 tháng tới một năm để thương thuyết Thỏa thuận 123 và nó tất nhiên phụ thuộc vào quá trình thương thuyết. Việt Nam có các nhà thương thuyết rất giỏi và tôi có thể hình dung là họ sẽ cẩn trọng trong các thương thuyết này do vậy cứ phải bước vào thương thuyết rồi xem nó sẽ kéo dài bao lâu. Hiện nay thì Việt Nam đang yêu cầu thêm các thông tin về Thỏa thuận 123, một việc làm cẩn trọng. Tôi cũng không rõ nó sẽ kéo dài bao lâu, vì nó tùy thuộc vào chính phủ Việt Nam, hy vọng là vài tháng, và sau đó là chúng tôi sẽ bước vào đàm phán.

BBC: Liệu chính phủ Mỹ ủng hộ Việt Nam cho một dự án xây dựng một lò phản ứng hạt nhân, cũng như trong việc cung cấp nhân sự kỹ thuật để quản lý lò phản ứng này?

Đại sứ Michalak: Chúng tôi sẵn sàng làm việc đó. Chúng tôi cung cấp lò phản ứng và kỹ thuật hạt nhân cho rất nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng tôi có những cơ chế đảm bảo an toàn nhất định và Thỏa thuận 123 chính là một trong những cơ chế bảo đảm an toàn này. Nhưng tôi nghĩ rằng qua một số dự án trong 2-3 năm qua đã cho thấy cam kết của Việt Nam về các tiêu chuẩn quốc tế chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Chúng tôi đang làm việc với họ trong việc chuyển đổi một lò phản ứng hạt nhân dạng nghiên cứu, và cũng làm việc với họ trong lĩnh vực các tiêu chí về an ninh và an toàn hạt nhân, cũng như hỗ trợ kỹ thuật khi họ soạn luật năng lượng nguyên tử mà Việt Nam mới thông qua hồi năm ngoái. Chúng tôi tin là các điều kiện tiên quyết đã có và chúng tôi trông đợi tham gia vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại Việt Nam

BBC: Vậy theo ông thì liệu các khoa học gia Mỹ có thể đem lại những gì cho Việt Nam trên phương diện an toàn hạt nhân và đào tạo nhân lực trong bối cảnh Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác với các nước khác như Nga, Pháp, và Trung Quốc...?

Đại sứ Michalak: Tôi cho rằng kỹ thuật hạt nhân của Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với bất kỳ nước nào trên thế giới, cả về giá cả và đặc biệt về độ an toàn và độ tin cậy. Các khoa học gia của chúng tôi có khả năng giúp đào tạo trên bất cứ phương diện cần thiết nào để hỗ trợ cho ngành năng lượng nguyên tử tại đây.

BBC: Ông có hình dung là liệu khi nào thì sẽ có sự hiện diện của Mỹ tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân thưa ông?

Đại sứ Michalak: Ồ, đây là ở Việt Nam. Chúng tôi luôn làm việc theo thời gian biểu của Việt Nam và về cơ bản điều đó có nghĩa là chúng tôi không rõ sẽ phải mất bao lâu nữa (cười). Nó phụ thuộc vào việc đàm phán, và mỗi cuộc đàm phán có đặc điểm riêng của nó và sẽ phải mất thời gian. Tôi cho rằng Việt Nam nóng lòng muốn sử dụng năng lượng hạt nhân như một phần trong các nguồn năng lượng của họ. Trên thực tế, thỏa thuận chúng tôi vừa ký với Việt Nam sẽ cho phép cùng làm việc với họ và hy vọng có thể cung cấp năng lượng hạt nhân cho Việt Nam.

BBC: Ông cũng công bố tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân do Tổng thống Barak Obama chủ trì tại Washington vào tháng tới. Vậy chuyến đi này của Thủ tướng Dũng có tầm quan trọng như thế nào đối với cả Việt Nam và Hoa Kỳ?

Đại sứ Michalak: Tôi cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia. Thủ tướng Dũng đã tới Hoa Kỳ hồi năm 2008 và tôi đã đi cùng ông trong chuyến đi tuyệt vời đó và chuyến này tôi thấy cũng có nhiều yếu tố sẽ là một chuyến đi rất tuyệt. Tôi nghĩ là ông sẽ có rất nhiều điều hay có thể trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân với việc ký kết Bản Ghi nhớ vừa rồi, việc chuyển đổi nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân từ dạng sử dụng nhiên liệu độ dầu cao sang dạng độ dầu thấp và chúng tôi cũng đang ở giai đoạn đàm phán thỏa thuận việc lắp đặt thiết bị phát hiện phóng xạ hạt nhân tại Việt Nam nhằm ngăn chặn việc vận chuyển trái phép vật liệu hạt nhân. Việt Nam đã tham gia tích cực trong các cuộc thảo luận chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Trên phương diện quan hệ song phương thì Thủ tướng Dũng sẽ có điều kiện bàn thảo với nhiều quan chức cao cấp của Mỹ và nó sẽ tăng cường thêm quan hệ hợp tác tốt đẹp mà chúng tôi đã có được với chính phủ Việt Nam trong 15 năm qua, đánh dấu đúng 15 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

BBC: Liệu có những chỉ dấu nào cho thấy là Tổng thống Barak Obama sẽ có thể tiếp riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam hay không thưa ông?

Đại sứ Michalak: Có lẽ bà là người thứ 1000 hỏi tôi câu đó (cười) và tôi có lẽ chỉ có thể nói rằng vào thời điểm này chúng tôi đang trong quá trình sắp xếp lịch trình cho chuyến đi. Tất cả mọi chuyện đang còn bàn và không ai có thể biết được sẽ diễn ra những gì mà phải cho tới gần sát thời điểm chuyến đi.

BBC: Ông nhắc tới kỷ niệm 15 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, vậy liệu trong tương lai sẽ có những hợp tác khác nữa ở cấp chính phủ giữa hai nước?

Đại sứ Michalak: Chắc chắn là chúng tôi mong như vậy. Năm 2008 khi Thủ tướng Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ, chúng tôi đã mở rộng thảo luận sang các vấn đề chính trị, an ninh, hợp tác giáo dục và hợp tác về biến đổi khí hậu. Tôi tin rằng Việt Nam càng hòa nhập vào hệ thống toàn cầu thì sẽ càng có nhiều cơ hội hợp tác. Mặc dù vẫn còn các quan ngại về vấn đề nhân quyền, chúng tôi vẫn rất tin tưởng rằng nhìn chung mối quan hệ giữa hai nước là rất tốt và chúng tôi có ý định mở rộng và thắt chặt trong tương lai.

.

.

.

No comments: