Wednesday, April 14, 2010

GÓP Ý THẲNG THẮN CHO ĐẢNG, NHƯNG BẰNG CÁCH NÀO ?

Góp ý thẳng thắn cho Đảng, nhưng bằng cách nào?

Nguyễn Hùng

2010-04-13, 17:47

http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/2010/04/gop-y-thng-thn-cho-dng-nhng-bn.html

Những ngày này cư dân mạng bàn tán nhiều về bức thư của một tiến sỹ, cựu chiến binh, đóng góp ý kiến cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thư của Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ được lan truyền rộng rãi ít ngày sau khi đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thúc giục người dân "tích cực đóng góp ý kiến thẳng thắn và tâm huyết vào các văn kiện của Đảng."

Tiến sỹ Thọ nói với BBC ông đã cố gắng gửi thư điện tử tới website của Đảng Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng.

Tuy nhiên thư dài bốn trang của ông đã bị gửi trả lại vì bị nghi là thư rác.

Nhưng kể cả trường hợp lá thư dài bốn trang của ông tới được những địa chỉ trên, ít có khả năng nó sẽ được công bố.

Lý do là ông đòi "loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng."

Ông viết: "Chính vì chúng ta 'phản bội' lại CN Mác-lênin mà đất nước mới được như bây giờ."

Mù mờ

Ông Thọ nói sự 'u u minh minh' của định hướng xã hội chủ nghĩa và sự "mù mờ" của hệ tư tưởng hiện nay là nguyên nhân của tham nhũng và "bịt miệng".

Nhưng vị tiến sỹ cầu đường, người cũng từng bốn năm làm lính pháo binh những năm cuối Cuộc chiến Việt Nam, nói ông vẫn tin Đảng Cộng sản Việt Nam có thể thay đổi và không ủng hộ đa nguyên đa đảng.

Ngay cả như vậy lá thư của ông cũng không có chỗ trên truyền thông chính thống: Truyền hình, truyền thanh, báo chí, hệ thống loa phóng thanh phường... mà chỉ tồn tại trong không gian ảo.

Điều này cho thấy sự chật vật mà các ý kiến "trái chiều" của Việt Nam phải trải qua để được đọc, nghe và bàn luận.

Một mặt các quan chức cao cấp về mặt chính thức khuyến khích người dân đóng góp ý kiến xây dựng.

Mặt khác tất cả các ý kiến của người dân đều phải trải qua những bộ lọc của hệ thống thông tin "lề phải" mà người dân không sở hữu và không có ảnh hưởng tới bất kỳ đài báo nào.

Điều này làm cho những ý kiến thẳng thắn và nhạy cảm chỉ còn cách dựa vào không gian ảo.

Nhưng cũng không có gì đảm bảo không gian ảo là nơi hạ cánh an toàn cho các ý kiến trái chiều.

Vụ trang Bauxite phải ngừng hoạt động và những lời than phiền của người dùng Facebook Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy sự ngột ngạt lan rộng.

Sợ

Nếu nhìn vào các phản hồi cho các bài báo trên trang mạng VietnamNet hôm 13/4 có thể thấy, độc giả hoặc tránh né, hoặc ít quan tâm tới các đề tài chính trị.

Mặc dù vậy Đảng Cộng sản vẫn tỏ ra bất an trước những ý kiến đóng góp của một thiểu số.

Trong phỏng vấn được đăng ngày hôm nay (13/4) trên VietnamNet, Tiến sỹ Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cũng đặt câu hỏi tại sao Đảng Cộng sản lại sợ một số ý kiến đóng góp.

Ông được trích lời nói:

"Hồi xưa, chúng ta đi tuyên truyền mới chỉ là truyền đơn, mới chỉ nói vào tai người ta thôi, nhưng chính sự hy sinh của những người làm cách mạng đã làm cho quần chúng hiểu được chính nghĩa của mình.

"Chẳng lẽ bây giờ chúng ta lại sợ một vài người nói trái chiều?

"Chúng ta chỉ sợ khi không đủ tự tin, không có đủ lý lẽ để thuyết phục."

'Cơm ăn, áo mặc'

Nhưng cũng có thể điều Tiến sỹ Lê Kiên Thành nói là đúng.

Đảng Cộng sản có lẽ vừa không đủ tự tin và lý lẽ của Đảng cũng không thuyết phục nổi các đảng viên như Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ chứ chưa nói tới công chúng.

Người dân thường không muốn gì hơn là có 'cơm ăn, áo mặc', con cái họ được học hành, bộ máy cai trị và hành chính không lấy việc 'hành là chính', tiếng nói của họ được tôn trọng và tiền thuế họ đóng nuôi nhà nước và nuôi Đảng không bị bòn rút.

Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam làm được như vậy, họ không có lý do gì phải sợ và có thể lấy hành động thay lý lẽ nhằm thuyết phục người dân.

Bằng không nhân 1000 năm Thăng Long, có lẽ Đảng Cộng sản nên bố trí 1000 cái trống trên khắp mọi miền đất nước và cử 1000 quan liêm chính (nếu có đủ) tới coi sóc và tiếp người dân tới kêu oan.

Và người dân thì có thể đánh trống bỏ dùi, nhưng các quan nếu thực sự vì dân thì không thể.

.

.

.

No comments: