Thursday, April 8, 2010

GIÁO DỤC THỜI ... BẤT NHÂN

GIÁO DỤC THỜI… BẤT NHÂN

truongduynhat

08 Apr, 2010, 06:22
http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/224302

Như vậy là ông Nhân (Nguyễn Thiện Nhân) đã rời ghế Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo. Nghe đồn ông được cắt cái đuôi giáo dục để chuẩn bị cho ghế Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao (!?) Giáo dục triều ông Nhân để lại ấn tượng gì, và dự báo cho giáo dục thời bất Nhân (không còn ông Nhân) sẽ ra sao?

.

Tháng 6- 2006, khi đương ngồi ghế Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Nhân bất ngờ được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo. Ngồi chưa ấm ghế, một năm sau, ông tiếp tục được Quốc hội phê chuẩn làm Phó thủ tướng Chính phủ, vẫn kiêm chức Bộ trưởng GD- ĐT.

Trước sự chìm khuất của các đời Bộ trưởng tiền nhiệm, ông Nhân đột nhiên nổi như một vị Bộ trưởng có trách nhiệm và có tâm, có khao khát, ước vọng thật sự ở việc “làm mới” sứ mạng giáo dục. Hàng loạt ý tưởng và chính sách từ ông đã thật sự cuốn thổi mặt bằng giáo dục sôi sóng. Đây là những chủ trương, phong trào đã trở thành “thương hiệu” cho giáo dục thời Nguyễn Thiện Nhân: cuộc vận động hai không: "Nói không với tiêu cực trong thi cử và nói không với việc chạy theo thành tích"; rồi sau thêm mấy không nữa như: "nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc "ngồi nhầm lớp" (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp), và "nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội"…

Mặc dù càng nói “không” thì nó càng nhan nhản, càng hò hét chống bệnh hình thức thì những chủ trương, chính sách và ý tưởng kia càng hình thức hơn lúc nào hết.

Thêm nữa, chính ông Nhân cũng là người đưa ra ý tưởng khá kỳ cục gây nhiều bàn cãi: Ghi số tiền vay nợ vào bằng tốt nghiệp của sinh viên. Cũng chính ông làm được điều mà các đời Bộ trưởng trước không dám làm hoặc không làm được: tăng học phí!

Chưa thấy thời nào, triều đại nào mà ngành giáo dục lại phơi bày một khuôn diện nhem nhuốc, bầm vấy như thời ông Nhân. Học sinh đâm chém nhau, đâm trọng thương cả thầy cô giáo, nữ sinh cũng bè hội đồng đánh nhau để… quay clip chơi, bỏ học dắt nhau vào nhà trọ “thí nghiệm” như người lớn, cô giáo thì dán băng keo bịt miệng đến chết con trẻ, thầy giáo thì bán điểm gạ tình, mua trinh, hiếp dâm học trò…

Mức độ thành công và sự chuyển hóa của nền giáo dục thời ông Nhân đến đâu vẫn còn phải đợi… thời gian, cho dù ông đã đi khỏi Bộ Giáo dục. Ngay cả những dấu ấn được coi là thành công của ông vẫn đang được dư luận bàn xét và nhìn nhận theo hai chiều trái ngược. Người bảo ông có công. Nhưng cũng không ít lại bảo chính ông làm xấu đi khuôn diện giáo dục vốn đã quá nhiều tì vết và nhem nhuốc.

Với tôi, đọng lại là hình ảnh một vị Bộ trưởng Giáo dục thích viết thư (cứ có dịp là viết, khai trường, bế giảng, ngày nhà giáo, cuối năm, đầu năm… viết thư cho học sinh sinh viên, cho thầy cô giáo, cho phụ huynh, cho lãnh đạo các tỉnh thành cả nước…) và chuộng các phong trào hình thức.

Nhưng dù gì, công bằng mà nói, trong 4 năm ông Nhân đã gây dựng được một hình ảnh ấn tượng, cho cả cá nhân ông cũng như cho ngành giáo dục, ở cả hai nghĩa: cộng lẫn trừ.

Bao ý tưởng, chủ trương và nhiệt huyết dán mác Nguyễn Thiện Nhân bỗng nhiên thành dang dở. Tất nhiên, con người nhiệt huyết và ăn nói trôi chảy, học hàm học vị… sáng như ông, có thể phải cần cho một sứ mạng mới nặng nề và cao cả hơn. Nhưng rồi con tàu giáo dục sẽ tiếp tục bơi như thế nào trong thời… bất Nhân?

Ông Luận (Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng thường trực hiện đang được giao tạm thời phụ trách). Liệu đại hội tới ông Luận có vào được trung ương để ngồi ghế Bộ trưởng, hay sẽ lại có một nhân vật khác từ bên ngoài được điều về nắm Bộ? Nếu giữ được cái ghế đương tạm giữ, liệu ông Luận có tiếp nối để hoàn thiện hàng loạt loạt lớp lớp những ý tưởng và phong trào thời ông Nhân để lại? Tôi dám chắc rằng không! Bao nhiêu năm ngồi ghế Phó thường trực phò ông Nhân, cơ hội đến, ông Luận sẵn sàng tạo “phong trào” khác ngay để gây ấn tượng, chứng tỏ rằng bao năm qua ông không chỉ đơn thuần là kẻ giúp việc, mà cũng xứng đáng được cầm lái và lái được.

Còn nếu người khác về, tôi cũng đồ rằng những ý tưởng và hàng núi phong trào dở dang dán mác Nguyễn Thiện Nhân cũng sẽ bị xếp lại. Khó có ai chịu ăn sẵn theo một ý tưởng của người trước, nhất là khi tính đúng được - thiệt thua của nó vẫn còn là điều phải bàn cãi.

Như vậy thì báo nguy chăng? Giáo dục sẽ ngược quay lại thời trước ông Nhân chăng? Bao cố gắng đắp vun, bao ý tưởng, chương trình và nhiệt huyết của ông Nhân bỗng thành công cốc?

Hay biết đâu đấy, nhờ sự ra đi của ông Nhân lại tạo cơ hội cho sự xuất hiện của một nhân vật nào khác biết nghĩ khác và làm khác hơn, thổi vào con tàu giáo dục đang chòng chành một luồng gió mới hơn, khác lạ hơn, bẻ ngoặt sang một hướng có… nhân hơn?

Theo bạn, thầy Nhân (Nguyễn Thiện Nhân) ra đi là mừng hay lo cho nền giáo dục? Con tàu giáo dục thời… bất Nhân sẽ tiếp tục chạy ra sao?

.

.

.

No comments: