Thursday, April 8, 2010

CHÍNH TRỊ TIÊU CHUẨN và TIÊU CHUẨN...CHÍNH TRỊ

Chính trị tiêu chuẩn và tiêu chuẩn… chính trị

Nguyễn Hoàng Văn

09/04/2010 6:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=18681

Bàn đến câu chuyện ồn ào much ado about nothing về Sợi xích của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, nhà thơ Lý Đợi nhận định:

“Thông thường ở các nước phát triển, các NXB (nhà xuất bản), các cơ quan truyền thông có tên tuổi thường biết từ chối và phân loại các sản phẩm, các tác phẩm không đủ đẳng cấp hoặc không phù hợp với tiêu chí của mình. Ở Việt Nam thì thật là khó, vì từ các chuyên mục, các chương trình nhỏ đến các NXB, các cơ quan truyền thông lớn… thì đẳng cấp và tiêu chí không bao giờ được giữ vững.

Các chương trình phỏng vấn định kỳ trên các phương tiện truyền thông là dễ nhận thấy sự đánh lận này nhất; ví dụ hôm trước phỏng vấn một chuyên gia đầu ngành, có nhiều đóng góp thì hôm sau lại phỏng vấn một người mà trong giới biết tỏng là ‘đạo chích’, chẳng có công trình nào mà lại không dùng ‘thủ pháp’… đạo văn, thì đâu cần phải nói tới đẳng với cấp!

Cho nên, trước câu hỏi là phải “phán xét” thế nào với Sợi xích? Có lẽ cách trả lời dễ nghe là chẳng có gì phải phán xét cả, vì ở Việt Nam chuyện này đang diễn ra hàng ngày.”[1]

Thì chẳng có gì để phán xét với tự thân câu chuyện. Nhưng khi những câu chuyện tương tự cứ “diễn ra ngày ngày”, bình thường tới mức “chẳng có gì phải phán xét” thì hẳn phải có cái gì đó không bình thường với ý niệm “đẳng cấp” và “tiêu chí”. Mà “đẳng cấp” nào thì có “tiêu chí” ấy, do đó vấn đề có thể rút gọn lại ở khái niệm “tiêu chí”.

“Tiêu chí”, theo Từ điển tiếng Việt (2004) của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, là “tính chất, dấu hiệu làm căn cứ để nhận biết, xếp loại một sự vật, một khái niệm”. Tôi đã thử tra và phát hiện rằng “tiêu chí” xuất hiện khá muộn hay ít ra là không được ghi nhận sớm hơn. Từ điển Khai Trí Tiến Đức không có. Từ điển Đào Duy Anh không có. Từ điển của Thanh Nghị hay của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cũng không có. Chỉ có “tiêu chuẩn” và, trước sau, cũng chỉ được hiểu như là “Cái nêu và cái thước để làm chừng mực / Sự chừng mực để noi theo”, là “Nêu và đích / Cái làm mức, chừng mực” hay “Cây nêu và cây thước, vật đo / Chừng mực, mực thước” vậy thôi.

Nhưng theo sự xuất hiện của “tiêu chí” thì “tiêu chuẩn”, trong cuốn từ điển chính thống nói trên, phải chịu cảnh… bể dâu. Vừa là “điều quy định làm căn cứ để đánh giá, phân loại”, bây giờ “tiêu chuẩn” còn è cổ ra gánh vác một ý nghĩa hoàn toàn khác như là “mức quy định được hưởng, được cung cấp theo chế độ”.

Vấn đề cần đặt ra là nguyên ủy của chuyện bể dâu “đau đớn lòng” này. Tại sao, tại sao “cái nêu và cái thước làm chừng mực” có thể chuyển mình một cách trái cựa như thế để trở thành “quyền lợi theo chế độ”?

“Được cung cấp theo chế độ” là một thứ đặc quyền. Để được ban cấp những đặc quyền ấy thì cần phải chứng tỏ những tiêu chuẩn nào đó, để được đánh giá và xếp lọai vào những thứ hạng nào đó. Mà sự “chứng tỏ” này không phải là chuyện một sớm một chiều: nó là cả một quá trình, một “quá trình phấn đấu” đầy thử thách hay một quá trình luồn cúi ê chề.

Hơn thế nữa, nếu “tiêu chuẩn” là mức “được hưởng theo chế độ” thì yếu tố then chốt ở đây là… chế độ, từ “chế độ” nghĩa hẹp như một quy định/chính sách đến “chế độ” nghĩa rộng như một hệ thống chính trị. Càng được đánh giá cao là càng hợp với những “tiêu chuẩn” xếp lọai cao. Càng được xếp loại cao thì “tiêu chuẩn” đặc quyền càng cao. Hai ý nghĩa tưởng là toàn khác nhau nhưng lại có mối quan hệ rất là biện chứng với nhau. Mà “tinh thần biện chứng” này chính là tinh thấn cốt tủy của … chế độ: nó rất cần những thành viên có tiêu chuẩn xếp lọai cao, và nó sẵn sàng đầu tư tài nguyên để dung dưỡng cái giai tầng “tiêu chuẩn” cao này.

Nếu Karl Marx phân chia giai cấp theo tình trạng sở hữu “tư liệu sản xuất” thì chính chế độ nêu cao khẩu hiệu xoá bỏ giai cấp của Marx, có thể nói, đã giai cấp hoá xã hội bằng… “tiêu chuẩn”. Như cái xã hội “giai cấp hoá” trong cộng đồng báo chí xã hội chủ nghĩa theo hồi ức của ông Đinh Phong, người có thời là Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, chẳng hạn:

“Một lần được anh Hoàng Tùng giao đi làm tin Thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi chuyên gia. Tôi được đi cùng Tổng Biên tập đến Nhà hát lớn, nhưng khi đến cổng, nhân viên lễ tân không cho vào. Anh Hoàng Tùng nói thế nào họ cũng khăng khăng giấy mời Tổng Biên tập, không phải cho phóng viên. Tôi trở về, không viết được tin. Sáng hôm sau, Văn phòng Thủ tướng hỏi: sao không đưa tin Thủ tướng tiếp khách? Anh Hoàng Tùng cho biết vì không có giấy mời, đến xin vào cũng không cho. Nghe nói sau đó Vụ Lễ tân bị phê bình, còn tôi thì ‘trắng án’.

Sở dĩ có sự kiểm soát đó, ngoài các nguyên nhân về an ninh còn có nguyên nhân ‘sợ’ phạm tiêu chuẩn cho phép. Lúc đó do khó khăn, lễ tân nhà nước quy định: phóng viên không được dự các cuộc chiêu đãi. Chúng tôi đến các cuộc tiếp khách phải ngồi ngoài cửa, chỉ được uống nước trà, không được vào bàn ăn. Thậm chí ở các cuộc họp lớn, còn quy định: phóng viên nước ngoài được uống bia, phóng viên trong nước chỉ được uống nước trà.”[2]

Hay rõ hơn là hồi ức về “Ngày xưa xa thế” của Trần Đức Chính, nguyên là phó Tổng Biên tập báo Lao Động:

“Đã là vào nghề thì phải cao thấp, sư phụ, đồ đệ, đại ca, tiểu đệ. Các phóng viên tầm cỡ thường được dành phần viết các anh hùng. Phóng viên èng èng chỉ được viết đến cỡ chiến sĩ thi đua nhiều năm liền là cùng. Anh nào yếu hơn có khi chỉ được viết lao động tiên tiến.

[…] Ngày ấy làm báo chỉ viết các nguồn tin trong nước là chính. Tin nước ngoài chủ yếu do Việt Nam Thông Tấn Xã phát. Có quy định những người hưởng lương chuyên viên II trở lên mới được đọc các bản tin tham khảo. Muốn vươn tới chuyên viên II (được khám bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô, có phiếu thực phẩm loại C, tháng mua cả cân đường, cân thịt lợn) phải qua chuyên viên I. Muốn lên chuyên viên I phải qua 6 bậc cán sự, tức 6 bậc phóng viên. Nếu không được đề bạt làm một chức vụ nào đó thì đến lúc về hưu nhiều nhà báo vẫn chưa mon men được đến phiếu C.

[…] Ấy thế mà khi tôi mở BBC để tham khảo tin, ông quản trị khu tập thể đến góp ý: đồng chí không nên mở đài địch công khai như vậy. Tôi nhận lỗi và báo cáo: cháu là nhà báo, mới được lên phó ban, có phiếu C rồi. Lúc đó ông ta mới tha, không báo lên trên, nhưng dặn tôi phải mở bé, đủ nghe, anh em các phòng xung quanh họ chưa đủ tiêu chuẩn nghe đâu (!).

[…] Dăm năm trở lại đây làm ‘quản lý’, ngồi phòng máy lạnh, có tiêu chuẩn nước khoáng, tôi vẫn phụ trách mục phóng sự, mỗi năm tổ chức anh em viết dăm trăm cái, dùng độ hơn hai trăm.”[3]

Đường “hoạn lộ” như thế thì kể cũng khá hanh thông. Thời bao cấp đã là chuyên viên bậc hai, không chỉ có phiếu C mỗi tháng “mua cả” cân đường cộng cân thịt lợn mà còn được nghe cả “đài địch” BBC. Đến thời “kinh tế thị trường”, khi hồi tưởng về “ngày xưa xa thế” trong cuốn sách xuất bản năm 2001, thì đã là nghiễm nhiên “ngồi phòng máy lạnh, có tiêu chuẩn nước khoáng”. Cách kể chuyện của tác giả vừa có vẻ mãn nguyện của kẻ đang ngây ngô tự đắc về thành đạt nghề nghiệp của mình và cả những thành đạt trong “tiêu chuẩn” hưởng thụ của mình. Tôi ngờ rằng niềm tự hào ngây ngô của ông phó Tổng Biên tập này đã nói lên yếu tố then chốt trong sự biến nghĩa của từ “tiêu chuẩn”.

Trong một hệ thống như thế thì những tầng bậc “tiêu chuẩn” như ăn thịt hay uống trà, cân đường cộng cân thịt không chỉ đơn thuần là vật chất để hưởng thụ mà còn là… nhân phẩm nữa. Chưa đủ “tiêu chuẩn” mỗi tháng một cân thịt lợn cũng có nghĩa là chưa đủ trình độ nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị để “đọc tin tham khảo” hay “nghe đài địch”. Phải xơi mỗi tháng ít nhất một cân thịt lợn và cân đường thì mới đủ “trình độ” để viết về người tốt việc tốt tầm cỡ “anh hùng”. Như thế thì cân thịt và cân đường đã trở thành “nhân phẩm”, thành những thứ “nêu và đích” để những thành viên năng nổ của hệ thống “phấn đấu” để đạt tới. Khi thịt hay đường trở thành “nêu và đích” để họ đạt tới hay “sự chừng mực” để họ noi theo thì chúng đã nghiễm nhiên trở thành … “tiêu chuẩn”.

Điều đáng nói là trong khi thứ “tiêu chuẩn” ở ý nghĩa quyền lợi này được bảo vệ một cách chặt chẽ thì thứ “tiêu chuẩn” kia, trong ý nghĩa của “tiêu chí”, đã không được tôn trọng.

Như trường hợp ông Phạm Văn Đồng, chẳng hạn. Là Thủ tướng, ông ta là người chịu trách nhiệm cao nhất cho những quy định chi li về quyền ăn và quyền uống nói trên v.v… Nhưng cũng trong vai trò Thủ tướng, ông ta đã ra lệnh kiểm điểm những thuộc cấp đã hành xử cứng nhắc, không chịu du di những “tiêu chuẩn” mà ông ta ấn định.

Mấu chốt của vấn đề cũng là quyền lợi. Hệ thống có thể du di tất cả “tiêu chuẩn” hay “tiêu chí” miễn là sự du di đó không va chạm đến quyền lợi. Và khi không thể không va chạm quyền lợi thì, hẳn nhiên, bao giờ người ta cũng có thể du di quyền lợi bé để “kiên định” với quyền lợi lớn.

Chỉ đi ăn tiệc thôi mà xuất hiện trên trang nhất báo Nhân Dân thì có nghĩa là một đặc quyền hay một “tiêu chuẩn chính trị”. Để được tham dự “quốc tiệc” tại Nhà hát lớn suông thôi, không lên tin trên báo thì tự thân việc tham dự chỉ có một ý nghĩa thấp hơn, thiên về khía cạnh kinh tế. Ông Phạm Văn Đồng bảo vệ “tiêu chuẩn kinh tế” của những cán bộ cao cấp bằng những quy định chặt chẽ về điều kiện tham dự buổi chiêu đãi. Nhưng ông ta cũng muốn bảo vệ cái “tiêu chuẩn chính trị” còn cao hơn mấy bậc cho riêng mình trên trang nhất báo Nhân Dân. Chính vì thế có chuyện kiểm điểm những kẻ không chịu du di trong những “tiêu chuẩn kinh tế” thấp hơn.

Đó chính là cái “chính trị tiêu chuẩn” của hệ thống tòan trị, cái hệ thống có thể du di mọi “tiêu chuẩn” nhưng luôn cứng nhắc với “tiêu chuẩn của chính trị” của nó. Sẽ không có gì hiểu khi Nhà Xuất bản Hội Nhà văn thản nhiên du di những tiêu chuẩn mỹ học để đứng tên xuất bản Sợi xích của Lê Kiều Như nhưng tuyệt không dám du di, tự trói chặt mình trong sợi xích của “tiêu chuẩn chính trị” với hồi ký của Trần Vàng Sao hay hồi ký của Trần Độ.

Trên lý thuyết thì cách mạng vô sản là để xoá bỏ cách biệt giai cấp. Cũng trên lý thuyết thì cách mạng phải thực hiện chuyên chính vô sản để bảo vệ quyền lợi giai cấp. Như thế thì, theo logic thông thường, ngay từ đầu “cách mạng” đã tự mâu thuẫn với mình bởi, khi giai cấp vô sản đã có “quyền lợi”, thậm chí quyền lợi đó được bảo vệ bằng cả một nền chuyên chính, nó đâu còn là… vô sản nữa? và nền chuyên chính ấy cũng đâu còn là “vô sản” nữa?

Sinh thời nhà sử học Trần Quốc Vượng kể chuyện thời còn trẻ học trung học trong vùng kháng chiến của mình: ông được hiệu trưởng Trần Văn Giàu chú ý vì khẳng khái từ chối suất du học theo “tiêu chuẩn của bố”. Bố ông là một viên chức quan trọng trong bộ máy hành chính kháng chiến, do đó có được cái “tiêu chuẩn con đi du học”, thế nhưng nhà sử học tương lai khẳng khái rằng nếu được đi du học thì ông phải đi bằng năng lực của mình chứ không muốn làm một thứ sinh viên “tập ấm”, được chọn đi du học theo “tiêu chuẩn” của bố.

Thế có nghĩa là một thứ quan cách mạng, với những bổng lộc cách mạng, ngay trong thời kháng chiến. Về thứ quan kháng chiến này còn có một câu chuyện sinh động khác của nhà văn Vũ Thư Hiên:

“Lần đầu tôi được thấy tận mắt trong quân đội cách mạng cũng có lính hầu là ở trạm Quảng Nạp, một trong cửa ngõ vào an toàn khu từ ngả Thái Nguyên. Trước đó tôi không bao giờ hình dung có người đi làm cách mạng chỉ để hầu ai đó. Trong quân đội Việt Nam cũng có các vệ sĩ, hồi mới kháng chiến còn gọi là gác-đờ-co nhưng họ hoàn toàn không phải là lính hầu. Cơn sốt rét rừng bất chợt buộc tôi phải nằm lại trạm này đã cho tôi có dịp quan sát mấy đoàn cố vấn Giải phóng quân đi ngang. Những cố vấn Trung Quốc, thường là cấp tướng, đến Việt Nam mang theo cả đoàn lính hầu nhộn nhịp, nào bảo vệ, nào cần vụ, nào cấp dưỡng, nào giám mã. Khi cố vấn lên đường công tác, anh cấp dưỡng quảy nồi niêu xoong chảo lên vai, anh cần vụ lỉnh kỉnh chăn màn gối đệm trên vai, anh giám mã chạy tới cúi gập mình xuống làm cái kê cho cấp trên đạp lên lưng mình mà leo lên ngựa. Cố vấn đến nơi cần nghỉ ngơi thì cần vụ kê giường trải nệm, bày ra nào chậu nào thau cho cấp trên rửa mặt rửa chân, cấp dưỡng te tái lo nấu cơm nấu nước, bảo vệ lăm lăm súng đứng gác, giám mã te tái đi cắt cỏ ngựa. Răm rắp, răm rắp, không chê vào đâu được.

Nhìn cảnh đó tôi vừa ngạc nhiên vừa ghê tởm. Có lẽ không có quân đội nào trên thế giới có thứ lính hầu khốn khổ khốn nạn như lính cần vụ Trung Quốc.

Ăn uống trong quân đội Trung Quốc cũng phân biệt rõ rệt theo cấp bậc, hay nói cho đúng hơn, theo đẳng cấp. Lính trơn cho tới cấp chỉ huy trung đội thì ăn tiêu chuẩn đại táo, tức là mức ăn phổ thông, thấp nhất. Trên đại táo là trung táo, dành cho cấp chỉ huy đại đội tới tiểu đoàn. Tiểu táo là mức ăn dành cho cấp trung đoàn trở lên. Cao nhất là đặc táo, dành riêng cho các nhà lãnh đạo, để đãi khách, bữa nào cũng như tiệc.

Nỗi kinh ngạc của chúng tôi kéo dài không lâu – cả về mặt này quân đội Việt Nam cũng nhanh chóng tiếp cận quân đội đàn anh. May mắn thay, cái sự phân biệt các thứ táo tồn tại không lâu, và ở mức độ thấp hơn nhiều. Ở ngoài mặt trận không ai dám liều lĩnh sao chép nguyên bản cái trật tự đẳng cấp kỳ cục ấy. Trước mặt người lính là kẻ thù xâm lược, người lính có thể nổi giận. Mà ở chiến trường thì chẳng ai biết được người lính nổi giận sẽ hành động thế nào. Ðiều chắc chắn là sức chiến đấu của quân đội sẽ giảm sút.”[4]

Thời chiến thì họ không nhưng thời bình thì họ dám. Và không chỉ là quân đội mà là cả hệ thống chính trị như có thể thấy trong cái lớp lang “tiêu chuẩn” quanh bàn tiệc của ông Phạm Văn Đồng. Như thế thì, bên cạnh các phương thức “đảng trị”, “công an trị”, hệ thống còn có phương thức “tiêu chuẩn trị”.

Hệ thống khăng khăng bảo vệ quyền lợi giai cấp. “Giai cấp” thì khăng khăng bảo vệ… “tiêu chuẩn”. Bằng những “tiêu chuẩn” đặc quyền, hệ thống tạo ra một giai tầng đặc quyền. Để bảo vệ đặc quyền của mình, giai tầng ấy bảo vệ hệ thống như là bảo vệ chính sinh mạng của mình. Mà để vươn tới những giai tầng đặc lợi, toàn bộ những thành viên của nó phải bám vào hệ thống, phải vận hành như những thứ ốc vít hay con rối đúng theo tiêu chuẩn của hệ thống.

Phương thức “tiêu chuẩn trị” này, không chừng, còn là cội rễ sâu xa nhất của căn bệnh tham bất trị hiện tại. Và khi hệ thống toàn trị thừa nhận rằng bệnh tham nhũng là bất trị thì có nghĩa là nó cũng mặc nhiên thừa nhận rằng, để bài trừ tận gốc nạn tham nhũng, thì phải bài trừ tận gốc cái hệ thống toàn trị.[5]

Vì hệ thống, vốn dĩ, là… vô sản, còn tài nguyên lại là sở hữu quốc gia. Tài sản quốc gia nhưng bị trưng dụng như một thứ “tiêu chuẩn” riêng của hệ thống, và từ “tiêu chuẩn của chúng ta” đến “tiêu chuẩn của riêng ta” chỉ là một bước đi rất ngắn. Mỏng như sợi tóc.

Cao nhất trong “tiêu chuẩn của chúng ta” “tiêu chuẩn cầm quyền”, thể hiện qua Điều 4 Hiến pháp và đây chính là một hành động “tham nhũng chính trị” không hơn không kém. Hành động tham nhũng tập thể này được bảo đảm bằng sức mạnh của cả hệ thống công an trị, được tự nhiên hoá và chính đáng hoá bằng cả một hệ thống giáo dục và tuyên truyền. Khi mà cả hệ thống xem trò “tham nhũng” tập thể này là chính đáng, là tự nhiên, là “tiêu chuẩn” ắt có của nó thì những thành viên của nó cũng sẽ xem chuyện tham nhũng cá nhân như là “tiêu chuẩn” tự nhiên của mình.

Triết lý và hành động “tham nhũng chính trị” đã thai nghén nên cái “chính trị tham nhũng” đã trở thành bất trị như thế. Ngày nay, khi “phấn đấu” hay luồn cuối để vươn tới một vị trí nào đó thì, trong thâm tâm, đa số những thành viên năng nổ nhất của hệ thống cũng chi lăm lăm “phấn đấu” và luồn cuối để vươn tới những địa vị có đặc quyền tham nhũng. Đạt đến một “tiêu chuẩn chính trị” cao hơn cũng có nghĩa là đạt đến một “tiêu chuẩn tham nhũng” cao hơn. Họ cố vươn lên với mối ám ảnh về “tiêu chuẩn tham nhũng”. Cũng giống như các đồng chí đàn em ngày xưa cố vươn lên với mối ám ảnh về “tiêu chuẩn ăn tiệc”, cái về cái ngày họ có được cái quyền bước vào bàn tiệc ê hề thịt rượu bên trong, không phải ngồi chò hỏ bên ngoài uống trà suông, tưởng tượng cảnh các đồng chí đàn anh bên trong nhồm nhoàm chén chú chén anh.

Mà, khi có thể vạch ra một quy định chi ly buộc kẻ này phải ngồi ngoài uống trà nhìn kẻ kia vào trong ăn tiệc cho dù tất cả đều gọi nhau là đồng chí, chính cái hệ thống toàn trị đã khai sinh ra cái thói hành xử mà ngày nay chúng ta gọi là “bệnh vô cảm”.

Sự “vô cảm” thành bệnh bởi đó chính là… “tiêu chuẩn đạo đức” của hệ thống. Với hệ thống thì vô cảm đến đâu cũng mặc, là đừng chạm đến “tiêu chuẩn chính trị”. Cái “chính trị tiêu chuẩn” và “chính trị tham nhũng” của hệ thống là thế. Cãi chày cãi cối hay ngậm miệng ăn tiền thì qua chuyện và những quan lại hay hào lý và trương tuần cách mạng ăn chặn tiền bạc và phẩm vật cứu trợ nạn nhân bão lụt vẫn an nhiên tại vị. Họ ăn chặn năm này sang năm khác, từ mùa bão lụt này tới mùa bão lụt khác nhưng hầu như chẳng có ai thực sự ra toà và chẳng có ai thực sự đối diện với những hình thức truy bức và đàn áp của hệ thống công an trị. Khác hẳn những những blogger đi bên lề trái. Khác hẳn những công dân dám đá động đến chuyện chủ quyền trên biển.

Hẳn nhiên, hệ thống cũng có cách để bào chữa cho hành động truy bức những công dân lương thiện và yêu nước nhất của mình. Cũng giống như thời bao cấp, lúc những nhà báo có phiếu C mỗi tháng “mua cả” cân thịt lợn thì mới có tiêu chuẩn “nghe đài địch”, những kẻ như thế đã phạm lỗi vì họ chưa đạt đến “tiêu chuẩn” để đề cập đến những chuyện “nhạy cảm” như thế. “Tiêu chuẩn” ấy phải thuộc phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao.

Thế nhưng, xét cho cùng, “tiêu chuẩn phản đối” của viên chức này cũng chỉ là nói đi nói lại cái câu phản đối cái câu nói như đã được thu băng, chưa mở miệng đã biết nói gì: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…” Nếu lịch sử dân nhạc Việt Nam có “Sáu câu vọng cổ thì mai này lịch sử giữ nước của dân tộc sẽ ghi nhận thêm “Một câu phản đối” của hệ thống toàn trị bởi “tiêu chuẩn phản đối” của viên chức ấy cũng không thể vượt xa hơn câu nói trăm lần như một.

“Tiêu chuẩn phản đối” của viên chức ấy không thể vượt qua là chuyện tự nhiên. Nó cũng tự nhiên như “tiêu chuẩn xe” của ông ta hay bà ta, nếu có, sẽ không được phép vượt qua, giống như xe đại sứ thì không được vượt qua 65 ngàn đô la, xe tổng lãnh sự thì 50 ngàn đô la…[6]

Sydney 5.4.2010

© 2010 Nguyễn Hoàng Văn

© 2010 talawas


[1] Lý Đợi, “Phán xét thế nào với Sợi xích?”

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100323_lydoi.shtml

[2] Đinh Phong, “Từ báo Nhân dân đến báo Giải phóng”, trong Thời gian và Nhân chứng, Hà Minh Đức, chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia., tr. 410.

[3] Trần Đức Chính (2001), “Ngày xưa xa thế”, Thời gian và Nhân chứng, tr. 121, 122, 12 và 140, sđd.

[4] Cuốn này được phổ biến khá rộng rãi trên mạng Internet, có thể tham khảo ở Chương 9, tại địa chỉ: http://doquynhgiao.tripod.com/hkdgbn/vthuhien.htm

[5] Xin dẫn ba câu chuyện vui vui về mối quan tâm đến “quốc nạn tham nhũng” của những nhà lãnh đạo cộng sản.

I. Nguyễn Văn Chi, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng:

“Các cấp ủy viên được bầu trong nhiệm kỳ này phải là những cán bộ không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng”.

Nghĩa là cán bộ đảng viên tham nhũng tràn lan và tham nhũng thì chẳng sao cả, chỉ là không đựợc bầu vào cấp ủy thôi!

Xem: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/09/870365/

II. Trương Tấn Sang, Thường trực Bộ Chính trị

“Những quy định của Đảng và Nhà nước đã phù hợp nhưng do tổ chức, điều hành yếu kém, cần phải kiên quyết thay người phụ trách, điều hành. Cạnh đó, cần cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy “không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng”.

Nghĩa là chỉ cần “tiêu chuẩn cấp ủy không tham nhũng” thôi, còn “tiêu chuẩn đảng viên” thì không làm khó, tha hồ mà tham nhũng!

Xem: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/361177/Phong-chong-tham-nhung-Chon-nguoi-trong-sach-dung-dau.html

III. Lê Khả Phiêu, cựu tổng bí thư:

“Đảng phải đổi mới trong công tác cán bộ, từ việc bố trí, sắp xếp, đề bạt, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo ở Trung ương, các đoàn thể cho đến các địa phương. [..] Nhất thiết không giới thiệu, không đưa vào danh sách, không bầu cử những người tham nhũng và thiếu trách nhiệm trong chống tham nhũng, những người không kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không có khả năng thực tế, thiếu gắn bó với nhân dân, không dũng cảm tự phê bình và phê bình. Đấu tranh loại bỏ tệ chạy chức, chạy quyền, mua lòng nhau để kiếm phiếu.”

Nghĩa là tham nhũng không sao cả, không bị ra toà hay bị khai trừ đảng, chỉ không được “bố trí, sắp xếp, đề bạt, tuyển chọn” và các chức vụ “lãnh đạo ở Trung ương” thôi!

Xem:http://vietnamnet.vn/chinhtri/201002/Nguyen-Tong-Bi-thu-va-nhung-tran-tro-chinh-don-Dang-893032/

[6] Quyết định số 30/2010/QĐ-TTg do Thủ tướng Việt Nam ký ngày 15/3/2010 quy định xe của đại sứ không quá 65.000 đô la, xe của tổng lãnh sự thì không quá 60.000 đô la. Không rõ xe của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao là bao nhiêu.

Xem: http://legal.moit.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=34&news_id=502

.

.

.

No comments: