Sunday, April 11, 2010

CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM - CÁI BÓNG MỜ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Công đoàn Việt Nam –Cái bóng mờ của người lao động

Trần Vương

Đăng bởi bxvnpost on 11/04/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/04/11/cong-doan-viet-nam-%e2%80%93cai-bong-mo-cua-nguoi-lao-dong/#more-4491

Nhân đọc bài viết liên quan đến “Công đoàn” của GS.TS. Nguyễn Thu, xin được bàn thêm về hai chữ “Công đoàn” và hoạt động của tổ chức Công đoàn ở Việt Nam.

I. Lịch sử hình thành.

Xã hội Việt Nam chuyển tiếp từ xã hội phong kiến lên Xã hội chủ nghĩa. Do vậy, tổ chức Công đoàn ở Việt Nam còn non trẻ so với những nước công nghiệp Âu Mỹ, những nước mà tổ chức Công đoàn đã hình thành từ thế kỷ XIX. Vào thế kỷ XIX, giới chủ nhân ở các nước công nghiệp phát triển muốn người làm thuê phải làm nhiều giờ, nhiều sản phẩm, và chỉ trả ít lương cũng như giảm thiểu những quyền lợi khác. Tổ chức Công đoàn được hình thành để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

II. Hoạt động của tổ chức Công đoàn (hay Nghiệp đoàn).

Ở những nước văn minh có luật pháp đàng hoàng thì người lao động được luật pháp đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Luật pháp bảo vệ chung cho tất cả mọi người trong xã hội. Như việc ấn định mức lương thấp nhất mà công ty phải trả cho người làm thuê là một ví dụ. Luật này được áp dụng cho tất cả mọi công dân, không kể nam hay nữ, già hay trẻ. Hay luật cấm phân biệt giới tính, phân biệt tuổi tác khi xin việc là một ví dụ thứ hai về sự bảo hộ của luật pháp đến công dân của mình.

Ngoài việc luật pháp đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động, còn có những tổ chức hay hiệp hội khác đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Và Công đoàn (Union hoặc Labor Union) là một trong những tổ chức này. Một tổ chức Công đoàn phải hội đủ những tiêu chí căn bản sau đây:

- Thứ nhất. Tổ chức Công đoàn là một tổ chức hoạt động “độc lập” với Chính quyền. Chính quyền không thể “chỉ thị” hay “ra lệnh” cho tổ chức này. Lãnh đạo các đảng phái đang nắm quyền không thể “chỉ thị” cho các tổ chức này.

- Thứ hai. Tổ chức Công đoàn là một tổ chức hoạt động “độc lập” với giới chủ nhân, hay những ai hưởng lợi từ các công ty mà thành viên của tổ chức Công đoàn đang làm việc.

- Thứ ba. Chính phủ không trả lương cho những người làm trong một tổ chức Công đoàn. Lương bổng của nhân viên thuộc tổ chức Công đoàn được trích từ tiền nguyệt liễm do thành viên của tổ chức Công đoàn đóng hàng tháng.

- Thứ tư. Tổ chức Công đoàn được thành lập để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong một hoặc nhiều công ty cùng hoạt động trong một lĩnh vực nào đó. Như Công đoàn thợ tiện, Công đoàn thợ lắp ráp xe hơi, v.v. ở Mỹ. Lãnh đạo của Công đoàn đại diện cho tập thể người lao động để đứng ra đấu tranh với giới chủ, đem về quyền lợi cho thành viên trong tổ chức của mình. Tổ chức Công đoàn chỉ đấu tranh và bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia trong tổ chức Công đoàn đó.

Nhìn sơ qua bốn tiêu chí căn bản trên đây thì tổ chức Công đoàn của Việt Nam chưa bao giờ là một tổ chức Công đoàn đúng nghĩa vì:

- Công đoàn Việt Nam chưa bao giờ hoạt động độc lập với chính quyền.

- Công đoàn Việt Nam là một bộ phận của công ty.

- Những người làm công tác Công đoàn ăn lương nhà nước.

- Công đoàn Việt Nam chưa thực hiện được chức năng quan trọng nhất là đứng ra đấu tranh với giới chủ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Như vậy, không chỉ riêng ở Việt Nam, mà tất cả các quốc gia đi theo con đường XHCN đều chưa có tổ chức Công đoàn đúng nghĩa.

Khi mà chế độ bao cấp còn hiện hữu tại Việt Nam thì tất cả là một sự “xin cho, ban phát”. Lại thêm nền kinh tế của Việt Nam trong suốt mấy chục năm dựa vào nông nghiệp là chính. Dù mô hình hoạt động tập thể của hợp tác xã đã được áp dụng nhưng không đem lại thành công. Như vậy, nhìn ở công nghiệp cũng như nông nghiệp, chưa bao giờ có sự liên kết thật sự giữa những người làm chung ngành nghề, làm chung một công việc để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong ngành nghề đó.

Sau hàng chục năm trời thử nghiệm và rút ra bài học về sự tụt hậu của đất nước và biết chắc rằng nền kinh tế bao cấp không thể thành công, Đảng Cộng sản đã chuyển hướng sang nền “kinh tế thị trường”, một điều chính người khởi xướng ra thuyết Cộng Sản cũng chưa hề nghĩ tới vì kinh tế thị trường là mô hình của các quốc gia theo chế độ tư bản. Hãy thử nhìn xem. Công ty Cổ phần, giá thị trường, cung cầu, chứng khoán…. tất cả những từ ngữ này đều sặc mùi “tư bản chủ nghĩa”! Có nghĩa là Việt Nam hôm nay đang đi trên con đường mà những nước tư bản đã bước qua cách đây hàng trăm năm trước.

Nhưng có lẽ “không đành” từ bỏ học thuyết XHCN đầy hấp dẫn từ hàng trăm năm trước nên cái tên kinh tế thị trường được gắn thêm mác “theo định hướng XHCN”! Từ khi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN được hình thành thì các công ty tư nhân mọc lên như nấm sau cơn mưa.

Tiếp bước các công ty trong nước là những công ty có vốn đầu tư của nước ngoài vào thuê người lao động Việt Nam làm việc. Và như vậy, người lao động trong các xí nghiệp, công xưởng Việt Nam hôm nay, nhất là công xưởng do nước ngoài bỏ vốn, về một phương diện nào đấy hình như đang sống trong tình trạng của thế kỷ thứ XIX, thế kỷ của sự bóc lột vì giới chủ nhân muốn người làm thuê phải làm nhiều giờ, cho ra nhiều sản phẩm tốt, và chỉ trả ít lương cũng như giảm thiểu những quyền lợi khác.

Chuyện công nhân bị ngược đãi, đánh đập là chuyện bình thường tại các công ty có vốn của nước ngoài. Nhất là ở các công ty giày da của Hàn Quốc và Đài Loan. Cộng thêm sự lỏng lẻo của luật pháp, người lao động bị phân biệt về giới tính, tuổi tác khi đi xin việc là điều thường thấy tại Việt Nam lúc này.

Ở các nước văn minh Âu Mỹ, các công ty sợ nhất là làm mếch lòng tổ chức Công đoàn. Công ty General Motor của Mỹ khánh kiệt một phần cũng do Công đoàn. Thợ lắp ráp xe cho công ty này được trả lương cao ngất ngưởng. Theo CNN thì các công ty GM, Ford, và Chrysler phải trả chừng 73USD cho một giờ làm việc của một người công nhân thuộc tổ chức Công đoàn xe hơi (United Auto Workers), bao gồm cả tiền lương và tất cả các chi phí quyền lợi như lương hưu và bảo hiểm sức khỏe…

Năm 2008, tổ chức Công đoàn thợ tiện đình công 57 ngày liên tiếp đã khiến Công ty Boeing điêu đứng. Vụ đình công này đã làm cho Boeing mất đi 38% tiền lời của tam cá nguyệt cuối của năm 2008. Chỉ một trong tháng đầu của vụ đình công, Boeing đã thiệt hại 1,3 tỉ đô la.

III. Thay cho lời kết.

Công đoàn Việt Nam đang ở đâu? Câu hỏi quả là hết sức ngớ ngẩn. Vì Công đoàn có mặt ở hầu hết ở các công ty. Người lao động Việt Nam có Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam. Tuy nhiên, Công đoàn Việt Nam chưa bao giờ làm đúng vai trò của mình để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tệ hơn nữa, một khi giới chủ nhân được sự hậu thuẫn từ cơ quan công quyền sau khi “chung chi” đầy đủ thì tổ chức Công đoàn vô hình trung đã bị vô hiệu hóa. Cộng thêm những luật lệ cấm đoán đình công và sự lệ thuộc từ chính quyền của những người lãnh đạo tổ chức Công đoàn, tổ chức Công đoàn Việt Nam chỉ là cái bóng mờ của người lao động mà thôi.

TV

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

(1) http://www.boxitvn.net/bai/2596

(2) http://eh.net/encyclopedia/article/friedman.unions.us

(3) http://ezinearticles.com/?The-History-of-Labor-Unions&id=1119684

(4) http://www.goiam.org/

(5) http://www.uaw.org/

(6) http://en.wikipedia.org/wiki/United_Auto_Workers

(7) http://vieclam.tuoitre.vn/vi/ung-vien/sales-engineer-ky-su-ban-hang.35A643CA.html

(8) http://www.cnsnews.com/Public/Content/article.aspx?RsrcID=39499

(9) http://socialistworker.org/2008/11/04/boeing-strike-ends-in-win

.

.

.

No comments: