Sunday, April 18, 2010

CHUYỆN TĂNG LƯƠNG

Lương... Lương... Lương...
Liêu Thái

17.04.2010

http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=78778A475BF290631B9F72EB5DAD12DE?action=viewArtwork&artworkId=10376

Chuyện nghe hoài: ...lương

Mới sáng mở mắt ra, ngồi vào máy check mail, mở thêm vài webside để lướt lướt tin tức, bắt gặp một cái tin của Chính phủ và Bộ Giáo dục đào tạo Việt Nam nói về dự án tăng lương cho giáo viên vào năm 2016.

Mệt, đóng máy lên đường uống cà phê, ngồi một chút lại nghe chuyện lương! Mà chuyện lương lần này (của mấy ông bạn giáo viên) còn bạo hơn, nghe đinh tai nhức óc hơn chuyện đọc mạng lúc nãy, chẳng biết nên ngồi hay nên về!

Ngồi một chút, gọi thằng em ra uống chung cho vui, thằng này không làm cho nhà nước, trước đây từng đi buôn rong mơ biển, mỗi chuyến xuất khẩu kiếm vài ngàn dollar Mỹ, mỗi tháng đi vài chuyến là êm ruột, nhưng sau đó đùng cái bỏ ngang không thèm làm vì nó phát hiện té ra lâu nay mình đã nhầm, rong xuất sang Trung Quốc, nó ngồi lại suy nghĩ và nghiệm ra được rằng cây rong mơ vốn là chỗ cá chuồn, cá thu, cá ngừ và một số sinh vật khác chui vào đó đẻ trứng, cắt nó đi cũng đồng nghĩa với việc phá tổ các loài cá ở khắp bờ biển Việt Nam. Nó quay ra chửi bọn Trung Quốc lừa mị, chửi bản thân ngu ngốc, chửi thằng nào còn ngu ngốc bán đứng sinh thái Việt Nam và thề sẽ vặn cổ bất kì thằng nào cắt rong mơ nếu nó nhìn thấy. Nói thì nói vậy chứ nó nghỉ nghề rong mơ rồi thì ở nhà “tu thiền” với con vợ mới cưới, có đi đâu mà vặn cổ với bẻ tay!

Thằng em đến, ngồi được vài phút lại nói về chuyện lương, không phải của nó mà là của vợ nó! Nó bảo bây giờ em thất nghiệp, con vợ nó tăng được mấy đồng cũng mừng cho nó, nó khỏi phải dạy thêm, khỏi phải nhém bớt kiến thức để dạy riêng, dạy kèm... Haiz, lại lương!

Vì sao phải nghe?

Vì thật ra, cái điều làm cho người nhà giáo bây giờ trăn trở lại phần lớn rơi vào chữ lương thực chứ không phải chữ lương tri. Dường như chữ ấy đã bị một loài sâu nào đó nấp trong tâm hồn gặm nhấm dần dà khiến họ mất khả năng điều chỉnh lương tri hoặc giả vì một thứ sâu ngoại căn nào đó đang âm ỉ công phá não bộ khiến lương tri bị xén mất mà không hay biết. Nên chuyện đến quán cà phê, đến giảng đường, đến văn phòng khoa nghe người ta nói toàn chuyện lương (thực) mà chẳng bao giờ gặp hoặc rất hiếm gặp những người nhắc đến lương tri trong những chỗ này! Lạ!

Và những gói sản phẩm của ngành giáo dục nói lên được gì về mặt nhân tâm, lương tri hoặc...?

Chuyện này lâu lắm rồi, lẽ ra không nên nhắc thêm nữa nhưng cũng đành phải nhắc lại một chút là ngành giáo dục vốn xài những gói sản phẩm quá cũ mốc, vừa không có tính hữu dụng lại vừa không có tính khai trí. Chính vì lẽ này mà những người nếm/nhấm nó đều trở nên ù lì, trì trệ và chậm phát huệ (nếu không cập nhật tin tức, tri thức ngoài giáo dục!).

Một học sinh lớp 9 khi thả ra ngoài cuộc đời, dường như nó chẳng làm được gì với những kiến thức nghe rất kêu như Hình Học, Đại Số, Vật Lý, Địa Lý, Đạo Đức, Anh Ngữ... Giỏi lắm thì đi lao động phổ thông như bốc vác, làm phụ hồ, kéo xe bò và một vài công việc lao động bằng chân tay hoặc biến tướng thành trộm cướp, trộm cắp, côn đồ đâm thuê chém mướn đầu đường xó chợ, đầu bến cuối sông... Chẳng làm được việc gì lớn hơn với vốn liếng từng học nghe oai ra phếch và hứa hẹn nhân cách ra phếch (Đạo Đức).

Một học sinh lớp 12 (đạt chuẩn xoá mù chữ, điều này cũng nói lên rằng chuẩn giáo dục ở Việt Nam bây giờ rất cao, cỡ “ông Tú” chỉ là xoá mù chữ thôi!) thì cũng chẳng làm gì được ngoài cái việc đi làm công nhân các xí nghiệp, làm thuê cho các khu chế xuất nước ngoài đầu tư và không ít lần phải chịu ép công lao động, không ít lần phải đình công đòi quyền lợi tối thiểu vì bị giới chủ đánh đập, lường gạt lương, ép giờ lao động...

Và, trong tất cả các môn học, ngoài những môn căn bản, họ còn được học thêm một môn thể hiện tính ưu việt của đất nước họ đang sống, của lịch sử - đó là môn Giáo dục công dân – môn này hoàn toàn dựa trên căn bản Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Cộng Sản, tư tưởng Vô Sản... Một tinh thần và tư tưởng được tuyên truyền là “tiến bộ, cấp tiến nhất của lịch sử nhân loại”! Với kiến thức nền là ông cử, bà cử, với “tư tưởng tiến bộ nhất nhân loại” để ra đời lơ ngơ, lệch nghệch, lao động thuê cho những người thuộc về thế giới tư bản – thế giới được tuyên truyền là “lạc hậu” hơn cái điều mình đang có, đã học!

Vậy cái sự học ở Việt Nam giúp gì cho việc củng cố lương tri thời hậu chiến tranh, thời mà con người chưa kịp hết bàng hoàng trước máu, bom đạn, cái chết và sự man rợ? Dường như chẳng giúp được gì ngoài những não bộ bị trì độn sau mười hai năm học và cái bụng lúc nào cũng kêu reo khiến cho tay chân phải làm lấy làm để... cho có cái nhét vào đó!

Rồi chương trình đại học, lại thêm môn học Chủ nghĩa xã hội khoa học, Triết học Mác– Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh... Tất cả những môn học này giúp được gì cho sinh viên sau gần hai mươi năm đào tạo? Tốt hơn hết là nhìn vào đời sống sinh viên, quan niệm sống của họ, nhìn vào tư cách của sinh viên Việt để thấy rõ hơn hiệu ứng học đường, hiệu ứng môn học, hiệu ứng tri thức của họ!

Hơn 40% gái gọi có độ tuổi từ 19 đến 25 là sinh viên, sống trong các khu ngoại trú gần các trường đại học, đi khách bằng cách liên lạc qua điện thoại di động và những đầu mối hoặc cũng là sinh viên nhưng “già nghề” hơn hoặc là các má mì.

Hơn 20% các vụ đâm chém là của các nam sinh viên, hơn 60% các vụ bạo lực học đường đều do các sinh viên thù hận nhau, gây gổ nhau và sát phạt nhau.

Và phần lớn những vụ tham nhũng, móc ngoặc, tham ô tài sản nhà nước, tài sản nhân dân đều có bàn tay của những cựu sinh viên tham gia, dự phần! Thử nghĩ, với kiến thức rộng hơn những người cấp trên có xuất phát điểm rúc rừng, tham gia chiến tranh, bình dân học vụ, chuyên tu, tại chức... Thì làm sao họ (những cựu sinh viên) có thể bị qua mặt trong vấn đề sổ sách, kế hoạch, hoạch toán để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nếu không có sự đồng thuận, đồng loã?!

Và chuyện lương trở nên nhức nhối, vì sao?

Vì những giáo viên dù muốn hay không muốn, trong sâu thẳm ý thức họ cũng có một sự so sánh ngầm những “giá trị tri thức” mình đang thủ đắc trước mức thu nhập (chỉ đủ tồn tại) với những người khác làm trong bộ máy hành chính nhà nước có lượng tri thức mỏng, chắp vá (nhưng lại có mức thu nhập cao, có cơ hội xây nhà cao cửa rộng, đi xe bốn chỗ, tránh được khói bụi...) hiện hành.

Và một khi từ sâu thẳm những người làm công tác giáo dục cảm thấy mình bị đối xử bất công, mình được trả ngày công lao động với mức thấp kém thì tự thân sẽ phát sinh sự nỗ lực thu vật chất, nỗ lực tăng thu nhập...

Đến một lúc nào đó, tâm thức của giáo viên đã bị thị trường hoá hoàn toàn thì hình ảnh nhà giáo trở nên mờ nhạt, họ cũng chỉ là một trong những kẻ bán (chữ) trước hàng vạn người mua (chữ). Và đến lúc này, người mua (chữ) bỏ tiền ra, họ nhận ra được mình là người mua, là thượng đế, họ bắt đầu thể hiện thái độ thị trường... Cũng sòng phẳng thôi!

Hệ quả của tiến trình (tâm thức) này là học sinh xem thường giáo viên, giáo viên trục lợi từ học sinh. Học sinh với học sinh thi đua nhau bằng cách mua chuộc giáo viên, giáo viên và giáo viên thi đua nhau bằng bảng lương, mức thu nhập, bằng phương tiện vật chất và những thứ không hề liên quan đến tri thức, như ăn ở nhà hàng nào, chơi ở đâu và hẹn hò với ai...

Chuyện tăng lương nói lên điều gì?

Thật ra, chuyện này không cho một tín hiệu tiến bộ nào, vì lẽ, khi cái ăn còn chi phối, khi những thứ vật dục còn làm cho con người bị trăn trở, vui buồn... thì câu chuyện về lương tri còn xa lắm!

Cái điều cần làm nhất và có tính sinh tồn nhất của ngành giáo dục chính là tạo ra được một đội ngũ trí thức có lương tri, dẫn nhập tư duy học sinh vào con đường khoa học, mở mang tri thức và dạy họ cách làm người, cách sống tử tế, cách yêu thương đồng loại, cách tiếp cận khoa học và sáng tạo. Muốn có những điều này, việc duy nhất cần làm là có một hệ thống giáo trình mang tính khoa học chứ không mang tính chủ nghĩa. Việc tăng lương mà không có sự thay đổi về mặt giáo trình, thay đổi về cách nhìn, hướng nhìn trong giáo dục, suy cho cùng cũng chẳng khác nào cho một đàn cừu ăn thật no để chúng tiếp tục sinh đẻ và cho những bộ lông, rồi lại sinh đẻ... ra những con cừu con!

.

.

.

No comments: