Monday, April 19, 2010

CHUYỆN MỘT PHỤ NỮ ĐÔNG ĐỨC và CHUYỆN CHỊ TẠ PHONG TẦN

Luật pháp: Chuyện một phụ nữ Đông Đức và chuyện chị Tạ Phong Tần

Hoàng Linh Vương

20/04/2010 1:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=19229

Người viết hy vọng bài bình luận ngắn này đến được tay nhiều bạn đọc ở trong nước để chúng ta cùng kiểm nghiệm và trao đổi về dân chủ và sự thi hành dân chủ trong đời sống hằng ngày.

________________

.

Tôi rất ít khi đọc báo Bild ở Đức (chỉ coi… hình là chính) vì báo này nổi tiếng là “lá rất cải” nhưng lại “có duyên” nên bán rất chạy. Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại là báo Bild này chỉ lá cải về hình thức thôi, còn nội dung thì cũng thật như ai, nên tin được. Cứ như duyên với nợ, vô tình trên một chuyến xe lửa, tôi vớ được một tờ báo Bild đề ngày 16.04.2010 của một hành khách nào đó vừa để lại. Lật ra đọc, ấn tượng nhất với tôi là một cột tin ngắn, xin được chép nguyên văn:

Amtlich! “Ossis” kein eigener Volkstammm

Stuttgart – Ostdeutsche können sich nach Auffassung des Arbeitsgerichts Stuttgart nicht als eine ethnische Minderheit betrachten. Mit dieser Bewertung wies das Gericht die Klage einer Frau aus Ostberlin ab. Die Frau hatte einen Fensterhersteller aus Baden-Wüttemberg auf 5000 Euro Schadenersatz verklagt, weil sie eine Bewerbung als Buchhalterin mit dem Vermerk “(-) Ossi” zurückerhalten hatte.

Tạm dịch:

Chính thức! “Dân Đông kỳ” không phải là một chủng tộc riêng

Stutttgart – Theo quan điểm của Tòa án Lao động Stuttgart thì người Đức miền Đông không thể tự coi mình là một chủng tộc thiểu số được. Với sự phán quyết này, toà đã bác bỏ đơn kiện của một người phụ nữ ở Đông Berlin. Bà đã đòi một công ty sản xuất cửa sổ ở tiểu bang Baden-Wüttemberg bồi thường 5000 Euro vì bộ hồ sơ xin làm kế toán cho hãng này của bà bị trả lại với lời ghi chú “(-) người Đông kỳ”.

Trước hết để hiểu rõ được cột tin này, tôi xin dẫn giải – cho độc giả không sống ở Đức, nhất là độc giả ở Việt Nam – vài từ “chuyên môn” như sau: Sau khi nước Đức thống nhất, người dân Đức, nói chung, trong bối cảnh “hai nền văn hóa”, đã gọi nhau là Ossi(s), dịch nôm na ra tiếng Việt là người Đông kỳ, chỉ những người sinh trưởng ở Đông Đức cũ, còn Wessi(s)người Tây kỳ, chỉ những người sinh trưởng ở Tây Đức cũ. Cũng giống như ở Việt Nam, chúng ta thường gọi nhau là dân Bắc kỳ hay dân Nam kỳ để phân biệt. Có trường hợp những cụm từ này được sử dụng mang ý nghĩa thật, là xác định về địa lý, nhưng có nhiều trường hợp được sử dụng không thuần điạ lý nữa. Có khi nó hàm ý khen hoặc chê, chẳng hạn khi nói dân Bắc kỳ thì đó có thể là một lời khen như “nhận thức sâu sắc” mà cũng có thể là một sự phê phán như “bản chất lựa giẹo”. Oái oăm thế! Từ Ossi(s)Wessi(s) cũng được sử dụng “nhập nhằng” như vậy, tùy bối cảnh sử dụng, để hiểu ý tích cực hay tiêu cực.

Trở lại vấn đề, người phụ nữ Đông kỳ này cho rằng công ty sản xuất cửa sổ nói trên ở tiểu bang Baden-Wüttemberg (miền Tây nước Đức) dùng từ Ossi với bà ở đây là mang tính kỳ thị, hạ thấp danh dự của bà, nên bà đã làm đơn kiện đòi bồi thường. Tòa án thì nhìn không thấy (hoặc chưa thấy, hoặc không rõ ràng) biểu hiện kỳ thị chủng tộc trong ghi chú “(-) Ossi” của công ty sản xuất cửa sổ, nên đã bác bỏ đơn kiện với lời giải thích: “Người Đông kỳ không phải là một chủng tộc riêng” (vì thế từ Ossi trong trường hợp này có thể mang tính kỳ thị ở khía cạnh nào đó khác, nhưng không thuộc về phạm vi kỳ thị chủng tộc).

Điều đáng chú ý thứ nhất là mọi công dân – như người phụ nữ Đông kỳ kia – ở trên nước Đức có quyền công khai lên tiếng trước pháp luật nếu thấy có bất công, qua hình thức tố tụng. Dù không thắng kiện – có thể vì chủ quan – nhưng trước pháp luật bà đã nói được điều mình muốn nói và nhà chức trách – ở đây là tòa án – đã phải trả lời bà theo luật pháp với lời diễn giải phải hợp tình hợp lý. Nếu không được như thế, toà án có thể bị bà kiện lại vì lý do vô trách nhiệm trước hiến pháp.

Điều đáng chú ý thứ hai là cơ quan tư pháp của nước Đức – ở đây là tòa án – phải có bổn phận trả lời, hoặc xa hơn nữa là phải tiến hành thủ tục theo luật pháp để vụ việc được xét xử nghiêm minh. Tuyệt đối không tạo điều kiện cho sự quy chụp, cũng không bao che cho sự xúc phạm, và luôn luôn công khai, bênh vực lẽ phải. Ngoài ra lời dẫn giải của tòa án lại còn phải mang tính chất thông tin và giáo dục về dân chủ – như câu trả lời của Tòa án Lao động tiểu bang Baden-Wüttemberg. Đó là cái tính chất căn bản của luật pháp dân chủ. Thế mới biết luật pháp được làm ra để con người bảo vệ con người chứ không phải để con người ép con người vào “dân chủ trong khuôn khổ” do mình tự qui hoạch.

.

Hiện nay, chúng ta đang được đọc nhiều bài viết của một số nhà trí thức trong nước lên án cách hành xử không xứng tầm của những người thi hành pháp luật, tức nhà cầm quyền Việt Nam. Những nhà trí thức này bị công an ập vào nhà riêng khống chế cưỡng cung, lấy tư liệu tùy tiện, không có lệnh của tòa án (tức là chưa hề bị truy tố), rồi bị nhận “giấy mời làm việc”, bị gọi lên gọi xuống rất rầy rà phiền toái, chỉ để dụ ngọt hoặc đe dọa (trường hợp giáo sư Nguyễn Huệ Chi v.v…), theo dõi và bao vây từng đường đi nước bước (trường hợp luật sư Lê Thị Công Nhân v.v…); tệ hơn nữa là còn bị các băng nhóm đầu gấu của xã hội đen đến “hỏi thăm sức khỏe”, mục đích là doạ nạt, răn đe kiểu Chí Phèo, nói lý không lại thì chơi bằng nạng gỗ (trường hợp ông Phạm Hồng Sơn).

Nhưng chưa ăn thua, ấn tượng nhất là cách đây mấy ngày, nữ nhà báo tự do Tạ Phong Tần bị cưỡng ép câu lưu nguyên ngày 13.04.2010 vừa qua. Các bạn hãy tưởng tượng một người phụ nữ sáng sớm tinh sương đang ở trong nhà, mắt còn nhắm mở, còn đang mặc áo ngủ hai dây, quần đùi mỏng ngắn, chưa kịp đánh răng, bị công an ập đến bắt đưa về đồn mà chẳng lệnh chẳng tòa gì cả, chằm chặp tra khảo từ sáng đến chập tối, rồi thả ra đường – y nguyên hiện trạng từ sáng sớm – để trông giống như một người đàn bà điên xuống phố, thì mới thấy được sự tồi bại không kém phần dã man đối với phụ nữ của những “anh công an” thời đại, là những cán bộ nhà nước, và sự nhẫn tâm giữa con người với nhau, mới thấy sự chà đạp lên nhân phẩm con người của cả hệ thống nhà nước Việt Nam hiện nay, chưa cần nói đến việc tìm hiểu vai trò của dân chủ và tác động trong pháp lý hiện hành.

Cái ngày số 13 trong tháng Tư vừa qua với ai và ra sao thì tôi không biết, nhưng đối với chị Tạ Phong Tần thì quả thực là ngày “xui tận mạng”. Tôi xin chân thành được chia sẻ sự bị sỉ nhục cùng chị.

So sánh chuyện về người phụ nữ ở miền Đông nước Đức và chuyện của chị Tạ Phong Tần ở đây mới thấy được sự khác nhau ở đầu thế kỷ 21 giữa người và ta khi đề cập đến sự nhận thức và thực thi dân chủ ở cấp chính quyền.

© 2010 Hoàng Linh Vương

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: