Tuesday, April 20, 2010

CHUYỆN CŨ

Chuyện cũ

Hồ Phú Bông

21/04/2010 12:23 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=19116

.

Làng tôi hồi đó gia đình nào lo được cho con ra tỉnh học thật là hiếm. Đàng nầy tôi lại thi đậu vào một trường trung học công lập lớn nhất tỉnh nên rất nhiều người bàn tán. Cậu học trò nhà quê trước khi mon men những bước chân đầu đời trên vỉa hè phố đã phải bỏ lại sau lưng đầy ắp kỷ niệm. Đàn bò, mà tôi đã đặt mấy cái tên thật ngộ nghĩnh cho từng con. Con Quặp, có cặp sừng cong ngược vào đôi tai. Con Nguýt, khi ngoạm được miếng cỏ dài thì huơ huơ trong không khí với cái liếc mắt đưa tình. Con Bạnh, cái bụng lúc nào cũng chang bang. Con Nghé Ngọ, đẹp như chú nai tơ, có cái đốm trắng giữa trán được tôi cưng nhất… giờ đây là dĩ vãng. Dĩ vãng cực, thế mà thương. Gian khổ, thế mà gắn bó. Còn đó. Không mất. Không bao giờ phai nhạt.

Hai năm đầu bậc trung học, thiếu tôi, cha mẹ tôi đã cáng đáng công việc đồng áng mệt đến đứt hơi. Mỗi tháng mẹ tôi lò dò ra được phố để cung cấp chút ít thực phẩm và tiền cho tôi khó thể đúng hẹn. Chiến tranh ùa đến từng nhà, từng lối mòn, từng bờ bụi ở quê tôi. Ban đêm nghe tiếng gõ nhè nhẹ vào phên vách, ra lệnh phải giết hết chó. Tiếng gõ như không hề có âm thanh đó lại có mãnh lực kinh người! Cả làng đều không còn chó. Ban ngày lính quận, kết hợp với cán bộ xây dựng nông thôn, thăm viếng, tìm hiểu và dặn dò phải gõ mõ, đập thùng thiếc hay bất cứ thứ gì để báo động, khi nghe tiếng người xuất hiện. Trò chơi nầy cứ diễn đi diễn lại. Đôi lúc cả làng um lên đủ loại tiếng báo động, cứ như là một trò chơi của lũ trẻ. Mọi người quên, đây là trò chơi giết người! Hai bên rình mò nhau. Súng nổ đầu làng. Mìn bẫy cuối thôn. Thanh niên đứa bên nầy, đứa bên kia. Chết chóc và máu đổ tràn lan. Bên dưới tấm phản gỗ lim, đặt trước bàn thờ căn giữa nhà, là cái hầm cha tôi đào. Chặt thêm cây chêm phía trong, đắp thêm đất, tròn như một nấm mộ để tránh đạn. Ông nói mọc-chê rơi xuống đụng mái nhà, rồi tới tấm phản đỡ trước sẽ an toàn hơn nơi khác. Gian giữa không còn trang nghiêm thờ tự, tiếp khách, mà là hang ổ của một loại động vật mới trong chiến tranh!

Mọi điều đều bất trắc như thế nhưng lúc nào gặp tôi, mẹ cũng cố gắng nuôi sự tự tin cho tôi. Bước vào năm thứ ba, bậc trung học đệ nhất cấp, tôi bắt đầu âm thầm tự lo vì thu nhập của gia đình gần như không có. Chỉ việc áo quần đồng phục ở trường đã là cả một vấn đề! Bạn học cùng lớp đều biết nên nói với cha mẹ họ để mai mối, giới thiệu cho tôi một chỗ kèm dạy trẻ tại tư gia.

Tôi được ăn ở trọ miễn phí trong một gia đình để kèm học cho cậu Út, vừa thi đậu vào cùng trường với tôi. Chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã được sự tin tưởng của bà mẹ, mà sau nầy bà cũng coi tôi như con. Kết quả học hàng tháng của cậu Út bao giờ cũng xuất sắc. Bà mừng. Tôi cũng mừng. Sau khi đậu bằng trung học đệ nhất cấp, hí hửng lên đệ tam nhờ trường mới vừa mở thêm lớp, thật oai. Tôi lân la tìm thêm lớp dạy kèm bên ngoài để kiếm tiền tiêu vặt. Sắm được đôi sandal quai trắng là ước mơ. Cắc củm chút tiền còm để dám ăn một tô phở, hay mua tấm vé xem chiếu bóng, là cả một kế hoạch! Thời gian nầy Vân Hùng, chứ chưa phải La Thoại Tân, đang đóng cặp với Kim Cương, tôi mê lắm, nhưng vé thì quá đắt! Khi có phim hay, đoàn kịch hoặc gánh cải lương về, chiếc xe hơi cà rịch cà tang mang mấy tấm áp phích to tướng chạy khắp phố phường với nhạc và loa trống inh tai, phân phát tờ quảng cáo. Thành phố dịp nầy như mới tỉnh giấc ngủ triền miên. Tôi giữ lại những tờ quảng cáo, xếp thành tập dày để dành xem ảnh tài tử, nhớ từng nội dung, rồi vào mấy tiệm sách so sánh với tờ Điện ảnh. Những khi gia đình bà chủ chuẩn bị đi đến rạp hát là lúc tôi lặng lẽ lỉnh ra nơi khác, vì không muốn được thương hại.

Bà mẹ của cậu Út là một công chức cấp tỉnh. Nhân dáng, cử chỉ và ngôn ngữ của bà đều có vẻ Tây học. Buổi sáng trước khi đi làm, bà trang điểm rất cẩn thận. Tóc kẹp gọn, thoạt nhìn khá giống mái tóc đàn ông, đây là kiểu tóc rất Tây vào thời đó. Cây dù bà thường kẹp bên hông, hoặc chống chống xuống đường khi đi bộ đến sở làm, cũng là một nét đặc biệt. Trò chuyện với tôi, thỉnh thoảng bà đệm thêm vài tiếng Pháp, có lẽ do ảnh hưởng từ cụ ông. Cha bà là một thông ngôn. Ở trong nhà không lâu, tôi đã hiểu tính tình thẳng thắn và rất đàn ông của bà. Vì thế nên khó tìm được nét yểu điệu thường có của một người phụ nữ bình thường nơi bà. Tôi nghe kể về chức vụ và cung cách xử sự của bà nơi sở làm cũng rất ngay thẳng nên bà rất có uy tín. Có thể nhờ tinh thần quốc gia rất trong sáng, nên dù có tin đồn chồng bà đi tập kết, nhưng không bao giờ bà bị cơ quan an ninh quấy rầy. Chị An, con gái lớn của bà lúc đó vừa được bổ đi dạy học. Hội, người kế tiếp, còn ở trường nhưng ít khi cầm sách vở. Lúc nào gặp, Hội cũng có điếu thuốc nơi tay. Dáng vẻ Hội khá bất cần đời. Nguyên do thì về sau nầy tôi mới hiểu.

Cây hoa ngọc lan trong sân nhà rất lớn nhưng không có thang để leo lên hái bông. Ban đêm hương ngọc lan thơm ngát. Tôi để ý từ lúc hoa vừa chớm nụ ở những cành thấp có thể với tới. Đợi dài cổ đến khi thành búp, rồi những cánh thon dài, trắng mịn he hé nở, thơm ngát, tôi ngắt cho chị An. Tôi thích nhìn chị cười với cái nheo mắt khi nhận được hoa.

Chính sự 1963 bùng nổ. Anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết. Trường tôi học gần như hỗn loạn. Không một ai còn gọi đảng Cần lao Nhân vị đúng như cái tên của nó. Người ta chỉ gọi ngắn gọn là “bọn Cần lao”. Danh sách “bọn” lúc nầy nhiều người dính lắm. Phong trào tranh đấu rất rầm rộ nên trường phải tổ chức bầu đại diện học sinh. Diễn đàn đặt giữa sân, có nhiều liên danh ứng cử. Tranh luận nổ ra sôi nổi, hơn hẳn các ứng cử viên chính trị khi ra tranh cử thật. Thành phố nhỏ nháo nhào như sóng cuộn. Học trò tụm năm tụm ba bàn tán, không đứa nào nhắc chuyện học hành, thi cử.

Cả trường lúc nầy chưa ai có xe gắn máy, ngoại trừ chiếc mobylette của thầy hiệu trưởng, thế nhưng ông giám học, từ đâu đó mới đổi về, lại có chiếc xe hơi con bọ (Beetle), hiệu Volkswagen bóng loáng. Điều nầy thật xui xẻo cho ông! Cũng có thể vì ông áp dụng kỷ luật rất nghiêm nên học trò ghét, do đó tên ông nằm trong danh sách “bọn”. Một nhóm học sinh tụ lại bàn tính, chỉ tích tắc chiếc xe bị lật nghiêng, cháy phừng phừng ngay trước văn phòng, rồi mạnh ai nấy chạy.

Thời gian nầy tôi đang theo đuổi cô học sinh trường khác. Cô là Phật tử, rất siêng đi lễ. Gần như đêm nào chùa cũng có thuyết pháp. Giữa rừng người, tôi theo cô vào lễ Phật. Mùi trầm hương cùng với tiếng chuông hình như không còn đủ khả năng lan tỏa làm lắng đọng tâm hồn. Cảnh chùa rất thanh tịnh ngày trước biến mất, thay vào là mùi người, mùi tranh đấu cứ hừng hực. Hai đứa bạn thân của tôi nằm trong số những người nhiệt tình trong đội ngũ Phật tử tranh đấu của chùa. Tuổi trẻ và nhiệt huyết trong sáng của hai đứa bạn đôi lúc cũng lây lan qua tôi.

Mượn được cơ sở của trường, bốn lớp đêm bình dân giáo dục, từ đệ thất đến đệ tứ, dành cho các bậc anh chị cô chú, được ra đời là công khó của bao nhiêu lần vận động của bọn tôi. Dạy sinh ngữ Pháp cho hai lớp đệ ngũ và đệ tứ, không ai trong bọn tôi đủ khả năng nên đánh liều, kéo nhau đến nhà riêng của thầy PK., vị giáo sư nổi tiếng nhất trường, và được ông sẵn lòng giúp đỡ. Ông cuốc bộ, đầu hớt cua, ôm cặp da cũ rích, miệng thì nhai trầu… đi dạy! Ông là người mà về sau, giữa cơn biến động cùng cực, nghe nói được chính phủ trực tiếp mời ra làm tỉnh trưởng nhưng bị ông từ chối. Các lớp học tiến triển thật tốt đẹp, gần như mơ ước. Bọn tôi đang ấp ủ chờ đợi kết quả trong kỳ thi cuối niên khóa thì biến cố xảy đến. Một đêm trong ánh đèn vàng vọt của các lớp, chúng tôi phát hiện khá nhiều truyền đơn, rơi rớt cả trên sân cỏ bên ngoài.

Hai hôm sau đó, công an đến văn phòng trường, đang giữa giờ học bọn tôi từng đứa bị gọi ra điều tra. Dù không đứa nào bị nghi ngờ nhưng trường phải đóng cửa bốn lớp học. Các cô chú bác tìm gặp bọn tôi, nói như muốn khóc!

Những tờ truyền đơn của Việt cộng như những chiếc lá khô gom lại, thừa đủ để thiêu rụi giấc mơ nhỏ bé đầu đời của bọn tôi về công tác xã hội!

Mấy tháng sau đêm đó, hai đứa bạn thân của tôi, đã sinh hoạt đắc lực trong gia đình Phật tử tại chùa, mất tích. Có tin đồn là đã vô bưng, tin khác là bị thủ tiêu nhưng chưa tìm được xác. Tôi liên lạc với gia đình họ ở vùng quê cũng chỉ nghe khóc lóc, than thở chưa có gì rõ ràng. Thời điểm nầy trong thành phố thường xảy ra ám sát bằng súng hay lựu đạn, đôi lúc gần như công khai, mà dư luận cho là vì lý do đảng phái!

Lạnh cẳng, tôi đành bỏ trường trốn vô Sài Gòn tiếp tục học, dù chỉ còn mấy tháng nữa là thi Tú tài 2. Tôi biền biệt quê hương từ đó!

*

Chị An mở đầu: “Nói chuyện với diệt cộng đây, biết không?” Tôi cười: “Việt hay diệt chị phát âm cũng giống nhau, ai hiểu được?” Hơn 40 năm sau, cho dù giọng nói của chị không còn trong như ngày xưa, nhưng âm sắc cũng có thể ngờ ngợ nhận ra được. Cuối câu vẫn ngắn gọn, không có độ rung, bù lại là cái nheo mắt vẫn còn đó. Hơn 40 năm biền biệt, không biết ai còn ai mất, ai trôi giạt tứ xứ. Chúng tôi đã lên hàng lão nhưng câu chuyện cứ như thuở thanh niên.

Chị kể: “Mấy tuần, trước khi thành phố rơi vào tay cộng sản, ba chị có cho Trung tá Thủy đến báo tin, dặn má chị phải chạy ngay vào Sài Gòn để lánh nạn. Má không đi.” “Vì sao?” “Chị không hiểu. Cũng có thể má nghĩ là đã có ba, có ba thằng Út. Hoặc má thấy công việc của má cũng không trực tiếp gây tổn thất máu xương gì cho họ.” “Sao chị gọi Ià “họ”? Còn ba chị, ba thằng Út nữa (!) ba nào nhiều quá vậy?” Chị phớt lờ: “Lúc chị và Hội được năm bảy tuổi gì đó, má đã đem vô bưng sống với ba trong vùng lục tỉnh. Ba là chính trị viên. Ở đó một thời gian, về lại Sài Gòn, rồi lại trở vô bưng thì má bị bắt. Chi tiết chị không biết nhiều, chỉ biết là má bị giam. Sau đó họ đưa má từ trại giam ra đối chứng rất gay gắt trước một cuộc họp đông người. Cuối cùng má bị buộc phải xé bỏ tờ hôn thú trước sự chứng kiến của ba, như là một thái độ dứt khoát. Dứt khoát với ai? Cho má? Cho ba? Hay cho “tổ chức”? Chị không hiểu. Má yên lặng thi hành lệnh. Ba cũng yên lặng nhìn. Tình nghĩa thế là xong. Họ đưa má về lại trại giam hơn 9 tháng nữa. Sau nhờ ông trưởng công an huyện thương má, nên đứng ra bảo lãnh, ba biết rõ chuyện nầy. Má trở thành vợ ông công an và mang bầu thằng Út.” “Có thể má chị bị tù vì nghi là gián điệp nhưng ba chị không thể thủ tiêu, hoặc còn thương, nên dàn cảnh để giải thoát?” “Má không nói gì về việc nầy cả.” Tôi Iập luận: “Bằng chứng là mười mấy năm sau ba chị cho Trung tá Thủy đến báo tin và dặn má chị phải di tản vào Sài Gòn trước khi miền Nam sụp đổ? Chị lắc đầu: “Chịu thôi. Không thể có ý kiến.”

“Em biết cái xứ mình rồi mà! Cộng sản, quốc gia, quốc gia, cộng sản, hai chiến tuyến rõ rệt, nên vô cùng ngạt thở! Má bị bắt đi học tập cải tạo. Chồng chị là sĩ quan, được biệt phái về dạy học, cũng tù. Họ nghĩ hai chữ “biệt phái” là loại gián điệp nằm vùng của CIA, càng nguy hiểm hơn.” “Còn ba chị, ba thằng Út đâu mà không can thiệp?” “Ai lo phần nấy! Mấy ông bây giờ đều quyền cao chức trọng, trong lúc má lại như một thứ vi trùng, nếu dây vào e ảnh hưởng đến con đường tiến thân đang sáng chói của họ!” Tôi cười: “Bây giờ chị cũng biết dùng loại ngôn ngữ mỉa mai rồi phải không?” “Đó là sự thật. Mình nói sự thật! Má tù hơn sáu năm thì được cho về. Ba chị, ba thằng Út không hề hỏi thăm, đừng nói chi đến thăm viếng hay bảo lãnh! Trong tập hồi ký tù cải tạo của một nữ tù nhân, có nhắc đến tên má, chắc em biết rồi?”

“Má về trong hoàn cảnh nghiệt ngã và bệnh tật. Nhà cũ đã bị người trong gia đình chiếm đoạt. Công an khu vực hạch sách, khó dễ. Gia đình anh chị cũng vô cùng khốn quẫn. Sống trong một xã hội mà mọi người đều bị hành hạ tinh thần và đói thì không ai có thể lo cho người khác được! Má đến ở với anh chị, nhưng thấy cảnh đau lòng quá nên bà bỏ vô Sài Gòn, ở tạm với thằng Út một thời gian” “Ừ nhỉ, em quên! Thằng Út bây giờ chắc ngon lành! Ba là cán bộ công an cao cấp, bản thân lại có bằng cấp thứ thiệt của Ngụy mà!” “Cũng không khá hơn gì! Ba nó với nó gặp nhau là cãi! Nó là nạn nhân tiêu biểu của cha và mẹ khác chiến tuyến. Của cộng sản và quốc gia! Trước đó nó đâu biết cha? Chỉ biết mẹ. Mẹ cưng và lo cho nó từng chút, từng chút như em đã rõ! Bây giờ mẹ bị cha nhốt tù, bỏ đói, em nghĩ sao?”

Hai chữ “nghĩ sao” chị buông ra như một dấu lặng thật bất ngờ giữa một đoạn nhạc sôi nổi. Ngừng lại. Rồi lặng im. Câu chuyện giữa chị và tôi chợt tắt ngang. Đứt đoạn. Trống lốc. Trống ngột ngạt. Khô khốc. Yên lặng kéo dài. Yên lặng ngột ngạt. Cái yên lặng bao trùm lên thân phận nạn nhân của một cuộc nội chiến tương tàn. Không yên lặng thì làm gì? Nói gì? Những người thương yêu nhau lại hành hạ nhau. Đoạn tình. Đoạn nghĩa. Ảo tưởng. Không đâu. Còn gì để nói?

Chị An tiếp: “Má kể lại câu chuyện trao đổi với ba thằng Út: Ông thắng. Tôi bại. Tôi thua nên bị tù. Nhưng với thằng Út thì thắng hay bại? Trong lúc tôi thừa điều kiện để bước thêm bước nữa nhưng tôi hy sinh. Vì nó. Tôi lãnh lương tháng từ chính phủ là để lo cho nó. Nuôi nó. Trách nhiệm của người mẹ trong tôi, tuy không hoàn hảo, nhưng nó đã nên người tốt. Có học. Có đạo đức. Tôi không ân hận. Còn ông? Ông đã làm gì? Trách nhiệm bây giờ ở nơi ông! Sự bất hòa giữa ông và nó là tự nhiên, không phải do tôi đầu độc. Mẹ nó bị tù, bị đày ải, chỉ vì cha nó chiến thắng! Ông nghĩ sao? Nó chưa thấy bổn phận người cha bình thường nơi ông. Ngược lại, ông tìm cách dạy dỗ một người đã trưởng thành và có học như nó, khống chế tư tưởng nó bằng loại lý thuyết của ông nên sự xung đột phải xảy ra! Tôi hiểu vì ông không thể thuyết phục được nó, nên mới chọn giải pháp cuối cùng. Ông đứng ra bảo lãnh để nó được “đi lao động hợp tác”, trả nợ chiến tranh ở Đông Âu! Đấy chỉ là để tránh mặt nhau. Tôi không muốn xa con, mất con, nhưng đến lúc nầy đành bất lực!”

Chị An hờ hững: “Biến cố Đông Âu 1989, thằng Út trốn sang Tây Đức ở luôn! Ba nó và con cái của bà sau kêu nó về để phụ lo mấy công ty bạc tỉ mà gia đình đang làm chủ nhưng nó nhứt định không nghe. Ba nó còn sống và gia đình vẫn đang ở PT.”

“Còn ba ruột của chị?” Chị mở xách tay lấy đưa cho tôi bản copy lá thư má chị gửi cho ông cụ, sau khi bà ra tù. Nét chữ thật sắc và cứng đập vào mắt tôi. “…Ông trách tôi tại sao để Hội đi lính Ngụy là không đúng! Người của ông đã không thuyết phục được nó theo ông, chứ không phải tôi cấm. Con đã trưởng thành, nó tự do chọn lựa. Tôi tôn trọng quyết định đó. Giải pháp cuối cùng của người mẹ là tôi phải gìn giữ mạng sống cho con. Đó là lý do nó tốt nghiệp trường quân y. Nếu đi tác chiến, biết đâu nó phải đối đầu với ông ngoài mặt trận? Mà bom đạn thì vô tình, mấy ai biết trước? Và trong cuộc chiến, thật sự nó không bị thương tích gì, ngoại trừ vết thương trong tâm hồn. Sau khi chị em nó lặn lội đường rừng đến trại giam thăm nuôi tôi về, cơn say đã giết chết nó, mà chính tôi cũng không được vuốt mắt con! Tôi muốn nói cho nó hiểu lý do… nhưng không bao giờ còn có dịp…”

Tôi thẫn thờ nghe chị kể tiếp: “Chị không có liên lạc gần gũi gì nhiều với ba chị. Má mất trong vòng tay anh chị và các cháu. Không có tin của ông. Không an ủi. Không chia buồn. Cũng năm bảy năm sau đó ông mới qua đời tại lục tỉnh, nhưng chắc có trối trăn lại. Vì thế mấy đứa con đời sau mới biết và hẹn gặp chị được mấy tiếng đồng hồ, trước khi chị đi. Tụi nhỏ cư xử rất đàng hoàng. Một đứa ở LĐ, đứa khác ở VT. Tự tụi nó liên lạc và sắp xếp để về Sài Gòn gặp chị!” “Có nhắn gửi gì khi chị đi không?” “Không biết. Hay chị không cảm thấy vì đang âu lo chuyến ra đi mà.” “Có nhắc gì đến Hội và mấy đứa con Hội không?” “Không. Nhưng còn ở trong nước nên dễ thôi, nếu muốn. Có điều “lá rụng thì về cội”, nhưng không biết cái “cội” bây giờ đang nằm ở đâu để tìm về?”

Lúc chia tay, tôi dặn: “Khi nào chị về nhớ đặt trên mộ bà cụ giúp em một bó hoa. Bó hoa phải có 4 đóa hồng nhung. Một cho chị. Một cho em. Một cho Hội. Và một cho thằng Út.” Chị bảo: “Dẫu có đắng cay thì mọi chuyện cũng đã qua rồi. Má đã yên nghỉ. Thời gian, chỉ có thời gian mới xóa được mọi dấu vết. Tụi mình nên khép lại.” “Ờ, cho nó qua đi chị ạ! Tụi mình cũng đầu bạc cả rồi!” Rồi tôi chợt hỏi lại: “Ờ, biết vậy rồi! Vẫn biết vậy mà tại sao câu chuyện tụi mình kể cứ như mới vừa xảy ra hôm qua?”

(4/2010)

© 2010 Hồ Phú Bông
© 2010 talawas

.

.

.

No comments: