Saturday, April 3, 2010

BIỂN ĐÔNG KHÓ TRỞ THÀNH ĐIỂM XUNG ĐỘT LỚN Ở ĐÔNG Á

Biển Đông khó trở thành một điểm xung đột lớn ở Đông Á

Nguyễn Trung Washington, DC

Thứ Bảy, 03 tháng 4 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/Geopolitics-and-Maritime-Territorial-disputes-in-the-South-China-Sea-04-03-10-89839547.html

Thưa quý vị, Hà Nội mới lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh ‘thả ngay và vô điều kiện’ các ngư dân Việt Nam mà lực lượng hải quân Trung Quốc đã bắt giữ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở biển Đông, khu vực địa chính trị được coi là quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương, thời gian qua đã dậy sóng trở lại vì một loạt các động thái mới của các nước tuyên bố chủ quyền. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với Tiến sĩ Ralf Emmers thuộc Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), người cho rằng địa chính trị là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm giúp hiểu rõ vấn đề tranh chấp ở biển Đông cũng như để tránh gia tăng căng thẳng ở khu vực này.

VOA: Ông từng cho rằng các quyền lợi kinh tế, chính trị và chiến lược tác động tới bước đi của các nước liên quan tới vấn đề biển Đông. Yếu tố địa chính trị quan trọng như thế nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa các quốc gia?
Tiến sĩ Ralf Emmers: Tôi nghĩ rằng để hiểu rõ vấn đề tranh chấp biển Đông cần phải cân nhắc ba yếu tố chính. Một là, bản thân cuộc tranh chấp này tác động ra sao tới tinh thần dân tộc tại một số quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này, đặc biệt là tại Trung Quốc, Việt Nam và có lẽ cả Philippines nữa. Yếu tố thứ hai liên quan tới năng lượng. Người ta cho rằng khu vực biển Đông là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn. Nhân tố này rõ ràng cũng góp phần vào cuộc tranh chấp. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng cần phải đánh giá vấn đề tranh chấp biển Đông trong bối cảnh quan hệ quốc tế và địa chính trị rộng lớn hơn như sự gia tăng sức mạnh hải quân của Trung Quốc cũng như sự đón nhận của các nước Đông Nam Á khác về sự lớn mạnh này.
Tôi tin rằng khi nắm được ba yếu tố này cũng như sự tương tác giữa chúng, chúng ta có thể hiểu vấn đề tranh chấp lãnh hải biển Đông một cách rõ ràng hơn.

VOA: Vậy chính sách nội địa của các nước đóng vai trò như thế nào trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông, thưa ông?
Tiến sĩ Ralf Emmers: Điều quan trọng tôi cần phải nhấn mạnh rằng tranh chấp lãnh hải ở biển Đông sẽ tác động tới nội tình các nước. Nó là một phần của tinh thần dân tộc tại nhiều nước Đông Nam Á, và cả Trung Quốc nữa.
Đây là một yếu tố quan trọng bởi lẽ nó khiến cho các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông khó đưa ra bất kỳ một sự nhượng bộ nào. Tôi nghĩ rằng bất kỳ một sự nhân nhượng nào sẽ bị nhìn nhận là một sự nhu nhược trên trường quốc tế, cũng như đóng vai trò quan trọng trên chính trường nội địa. Sự nhân nhượng đó có thể bị phe đối lập ở trong nước sử dụng để lên tiếng phản đối.
Chính bởi lẽ đó, các quốc gia tranh chấp chủ yếu ở biển Đông không có nhiều lựa chọn khi đàm phán về vấn đề này. Họ không thể tạo ấn tượng rằng họ không theo đuổi quan điểm cứng rắn. Các quốc gia này cần phải chứng tỏ với cộng đồng quốc tế và người dân trong nước rằng họ bảo vệ quyền lợi của đất nước mình.

VOA: Thưa ông, việc Trung Quốc chiếm giữ Bãi đá Vành Khăn hồi những năm 90 đã gây quan ngại về chuyện Bắc Kinh có thể tìm cách thống trị biển Đông bằng vũ lực. Lo ngại này còn có cơ sở không, thưa ông?
Tiến sĩ Ralf Emmers: Hồi những năm 90, tranh chấp ở biển Đông rõ ràng đã minh họa cho hình ảnh về sự đe dọa của Trung Quốc cũng như phản ánh ý kiến cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục gia tăng sức mạnh đồng thời hành động như là một cường quốc theo ‘chủ nghĩa xét lại’ (revisionist), thay vì là một cường quốc ‘muốn giữ nguyên hiện trạng’ (status quo). Bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) – nơi Trung Quốc chiếm đóng hồi năm 1995 - luôn được coi là một chỉ dấu cho thấy hành động có thể của Trung Quốc trong những thập niên tới, tức là nước này có thể dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng thực tế.
Nhưng điều chúng ta cần nhớ rằng sự việc đó xảy ra hồi năm 1995. Kể từ hồi đó, Trung Quốc đã thay đổi quan điểm rất nhiều. Nước này không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền, nhưng những gì Trung Quốc làm cho thấy họ sẵn lòng có các bước tiếp cận mang tính hòa giải và xây dựng cũng như thương thảo vấn đề với các nước ASEAN liên quan ở cấp độ đa phương nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước thành viên của Hiệp hội.
Nhìn chung, thời kỳ sau 1995, có thể thấy rằng Trung Quốc đã thay đổi chính sách ngoại giao một phần vì nước này nhận thấy rằng vụ việc liên quan tới Bãi đá Vành Khăn đã gây ra nhiều quan ngại từ chính quyền các nước Đông Nam Á, trong đó có Hà Nội và Manila. Nhưng không may là, kể từ năm 2007, chúng ta lại chứng kiến một sự gia tăng căng thẳng ở biển Đông. Điều tôi hy vọng là Trung Quốc sẽ duy trì chính sách ‘giữ nguyên hiện trạng’. Tôi cho đó là quan điểm đúng đắn nhằm duy trì ổn định và hòa bình ở khu vực.

VOA: Hồi năm 2002, Trung Quốc đã ký vào Tuyên bố chung về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea), và động thái này được đánh giá rằng Bắc Kinh sẵn lòng tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN. Nhưng đồng thời cũng có chỉ trích cho rằng Tuyên bố này chưa hiệu quả và đủ mạnh. Ông nghĩ sao về ý kiến đó?
Tiến sĩ Ralf Emmers: Tôi đồng quan điểm với đánh giá này. Tôi cho rằng Tuyên bố chung về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông ký hồi năm 2002 rõ ràng là một bước đi đúng hướng. Hồi đó, Trung Quốc cho thấy họ sẵn lòng thể hiện sức mạnh một cách kiềm chế, và tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN. Thiện chí này đã được khẳng định lại một năm sau đó khi Trung Quốc trở thành nước không thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (Treaty of Amity and Cooperation).
Theo tôi, việc làm này mang tính biểu tượng, và nó cho thấy rằng Trung Quốc đã thay đổi quan điểm nếu so với hồi cuối những năm 90. Tuy nhiên, Tuyên bố đó cũng có những điểm yếu và hạn chế. Nó chỉ là một tuyên bố thuần túy chính trị và không bao gồm một cơ chế ngăn chặn tranh chấp lãnh hải leo thang cũng như tranh chấp về đánh bắt cá ở biển Đông. Trên thực tế, Tuyên bố chung đó nhằm hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử mang tính chất cưỡng hành. Nhưng kể từ năm 2002, tiến trình thảo luận mang lại ít tiến bộ.

VOA: Ông đánh giá như thế nào về sự phân chia sức mạnh hải quân ở khu vực biển Đông hiện nay, và các nước nhỏ như Việt Nam cần phải làm gì?
Tiến sĩ Ralf Emmers: Điều chúng ta chứng kiến trong 10 hay 15 năm qua là sự gia tăng nhanh chóng sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Điều này không trực tiếp liên quan tới vấn đề tranh chấp biển Đông, mà là kết quả từ việc Trung Quốc đang trỗi dậy, trở thành một cường quốc trên thế giới. Chính vì thế, họ nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình. Tôi cho rằng Trung Quốc thực hiện điều này chủ yếu nhằm bảo đảm sự an toàn các tuyến hàng hải của nước này, nhằm tiếp cận các nguồn khoáng sản tự nhiên từ Trung Đông và châu Phi.
Nhưng dĩ nhiên, việc Trung Quốc hiện đại hóa hải quân cũng nhằm để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở vùng biển Đông Trung Hoa, Đài Loan và Nam Trung Hoa. Những gì chúng ta chứng kiến là một sự gia tăng sức mạnh nhanh chóng và điều đó rõ ràng đã làm thay đổi sự phân chia quyền lực ở biển Đông. Đó là một yếu tố quan trọng, đặc biệt đối với các nước như Việt Nam.
Việc Việt Nam mua tàu ngầm của Nga là nhằm hiện đại hóa hải quân của nước này, nhưng cũng đồng thời có yếu tố biển Đông trong đó. Tôi nghĩ rằng điều các nước muốn tránh bằng mọi giá là tình trạng đối đầu an ninh đang hình thành, trong đó có chuyện một quốc gia vừa mua một loại khí tài cụ thể, một nước khác ngay lập tức đáp lại bằng việc mua vũ khí tương tự. Điều các nước muốn tránh ở biển Đông, theo tôi, là một cuộc chạy đua vũ trang. Việc vũ trang hóa các tranh chấp ở biển Đông sẽ khiến khó giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình.
Tôi cho rằng điều các nước cần làm là các bước đi xây dựng lòng tin, các biện pháp ngoại giao phòng vệ, các nỗ lực đa phương và song phương nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Tôi nghĩ đó là vấn đề cơ bản.

VOA:
Ông từng nghiên cứu về các biện pháp ngoại giao phòng vệ cũng như nguy cơ xung đột ở biển Đông. Ông nhận định như thế nào về nguy cơ này?
Tiến sĩ Ralf Emmers: Tôi cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột hải quân ở khu vực biển Đông ngày nay không lớn. Điều tôi quan ngại là nguy cơ xảy ra các vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng giữa các nước. Tôi cho rằng cho tới nay, các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông kiểm soát vấn đề này tương đối tốt. Chúng ta đã chứng kiến căng thẳng ở đây đó, nhưng các bên đã nhanh chóng trở lại hiện trạng ban đầu nhằm ngăn cản tình hình xấu đi.
Trong thời gian ngắn hạn và trung hạn, tôi không nghĩ biển Đông trở thành một điểm xung đột lớn ở Đông Á. Tôi cho rằng các bên cần phải nhận thức về các nguy cơ xảy ra các vụ việc liên quan tới vấn đề đánh bắt hải sản mà có thể dẫn tới căng thẳng và khủng hoảng song phương và đa phương giữa các nước. Nói chung, tôi nghĩ nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột ở biển Đông là không nhiều.
Xin cám ơn Tiến sĩ Ralf Emmers. Đến đây cũng đã kết thúc chương trình 'Câu chuyện Việt Nam' tuần này. Nguyễn Trung xin hẹn gặp lại Quý vị tuần sau. Nếu Quý vị muốn chia sẻ các câu chuyện cùng thông tin hấp dẫn từ nơi mình sinh sống, xin gửi về địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin chân thành cám ơn.

.

.

.

No comments: