Monday, April 5, 2010

BÁO VIỆT NAM KHÔNG ĐƯA TIN LỄ PHỤC SINH

Báo Việt Nam không đưa tin Lễ Phục Sinh

Tạ Phong Tần
Sunday, April 04, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110969&z=1

Người ta thường nói Việt Nam có hơn 700 đầu báo lớn nhỏ do Nhà nước quản lý, tạm không nói đến các tờ báo cấp tỉnh nhỏ nhỏ, các tờ phụ trương, nguyệt san, tạp chí... tính riêng nhật báo được coi là “lớn” ra mỗi ngày vừa báo in vừa báo điện tử có những cái tên sau: Sài Gòn Giải Phóng (của Thành Ủy Thành phố HCM), Tuổi Trẻ (của Thành Ðoàn TP HCM), Phụ Nữ thành phố (của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ TP), Người Lao Ðộng (của Liên Ðoàn Lao Ðộng TP), Thanh Niên (của Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam), Lao Ðộng (của Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam), Pháp Luật Thành phố (của Sở Tư Pháp), Pháp Luật (của Bộ Tư Pháp), Ðại Ðoàn Kết (của Mặt Trận Tổ Quốc), Dân Trí (của Hội Khuyến Học) Tiền Phong (của Trung ương Ðoàn Thanh niên), Nhân Dân (của Ðảng CSVN), ba tờ báo ngành Công an của TP HCM, CAND, ANTG... Sơ sơ cũng đến 15 cái tên nổi trội. Nhưng thôi, “tiết mục điểm... tên báo” đến đây tôi tạm ngưng, chớ liệt kê ra nhiều quá e làm chán ngấy người đọc.

Thứ Bảy, ngày 3 tháng 4, 2010 vừa qua là ngày lễ Phục Sinh - ngày lễ trọng lớn nhất trong năm của tín đồ Kitô Giáo. Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 6 triệu tín đồ Kitô Giáo. Khắp 64 tỉnh thành, nơi đâu có nhà thờ, nơi đó đều có tổ chức lễ Phục Sinh long trọng mừng Ðức Chúa Giê-su sống lại một cách rầm rộ.

Tại Sài Gòn, nơi tập trung nhiều nhà thờ lớn nổi tiếng cả nước như: nhà thờ Chính tòa Vương cung Thánh đường Ðức Bà màu ngói đỏ, nhà thờ Antôn (cầu Ông Lãnh) ở trung tâm quận 1, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, nhà thờ Tân Ðịnh, nhà thờ Mẹ Hằng Cứu Giúp (Kỳ Ðồng), nhà thờ Thánh Phao-lô ở quận 3, nhà thờ Thánh Ða Minh (nhà thờ Ba Chuông) quận Phú Nhuận, nhà thờ Thanh Ða quận Bình Thạnh (theo lời kể của một tín hữu thì Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã khen đây là nhà thờ đẹp nhất Sài Gòn), nhà thờ Mạc Ty Nho gần ngã tư Hàng Xanh, nhà thờ Chợ Quán, nhà thờ Ngã Sáu (nhà thờ Thánh Jeanne d'Arc), nhà thờ Cha Tam (nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê), nhà thờ Huyện Sĩ (Chợ Ðũi) với nhiều giai thoai,... theo sách thì có đến 47 nhà thờ ở khu vực Sài Gòn.

Bắt đầu từ ngày 28 tháng 3 (lễ Lá), các nhà thờ giáo xứ đã tổ chức Tuần Thánh cho đến ngày 3 tháng 4, 2010 (Thứ Bảy) là ngày lễ chính Vọng Phục Sinh. Tối Thứ Bảy, theo thông báo lễ trọng bắt đầu lúc 21 giờ, nhưng mới 20 giờ 30 phút, tôi đến nhà thờ Kỳ Ðồng đã thấy sân nhà thờ tràn ngập người đi lễ. Phía trong Thánh đường ngày thường rất rộng rãi thoáng mát nay chật ních, đông dày người ngồi hết các hàng ghế, xung quanh hành lang người ta cũng xếp ghế nhựa không đai ngồi chen chúc, ngoài sân xi măng cũng chen chúc ghế nhựa với người là người. Tôi chạy tìm mãi mới được một cái ghế nhựa đem vào ngồi ghé ngay cửa ra vào. Ước tính, số tín đồ có mặt trong buổi lễ khoảng mấy ngàn người. Người nào cũng ăn mặc trang trọng, đẹp đẽ, trên tay cầm ngọn nến trắng đặt bên trong chiếc lồng đèn bằng giấy có in hình Ðức Giê-su và Ðức Mẹ Maria.

Ngoài sân, phía trước cửa chính Thánh đường đã thấy chuẩn bị sẵn một bàn thờ phủ khăn trải bàn trắng, một bó củi gỗ lớn. Ðúng 21 giờ, nghi thức buổi lễ được tiến hành theo sự điều khiển của Cha chủ tế, sau những lời kinh chúc lành, ban phúc được đọc lên là nghi thức làm phép nước, làm phép nến và thắp nến Phục Sinh. Ðèn điện được tắt hết, nhường chỗ chỗ cho ánh đêm dịu mát, chỉ còn một ngọn đèn nhỏ soi sáng trang sách trong tay Cha chủ tế. Bó củi lớn trên bàn thờ giữa sân được châm cháy bùng lên sáng rực cả một khoảng trời, không phải bằng lửa từ chiếc hộp quẹt gas, mà là lửa từ hòn đá được đánh lên theo kiểu lấy lửa truyền thống ngày xưa, với ý nghĩa lửa Phục Sinh được lấy xuống từ Trời. Sau những nghi thức hành lễ khác thì tín đồ bắt đầu chuyền tay nhau lấy lửa Phục Sinh từ bó đuốc đang cháy bừng bừng thắp lên ngọn nến trắng đang cầm trên tay. Hàng ngàn cánh tay lung linh ánh nến giơ lên trong tiếng kinh cầu, tiếng hát Thánh ca trầm trầm âm vang khắp cả một vùng. 23 giờ, buổi lễ kết thúc, mãi đến 23 giờ 30 phút tôi mới có thể lấy được xe máy của mình ra khỏi hầm gởi xe bởi có quá nhiều xe chen chúc dày đặc trong đó.

Một sự kiện tôn giáo lớn như thế, nếu tính về quy mô tổ chức, về số lượng người tham gia, về tính văn hóa, tính trang nghiêm, lại được tổ chức định kỳ hàng năm không thay đổi, hẳn lễ Phục Sinh là một sự kiện xã hội mà tầm quan trọng của nó trong đời sống người dân hơn đứt show trao giải Cù Nèo Vàng cho nữ diễn viên Kiều Oanh, tin về buổi tưởng niệm 9 năm ngày mất Trịnh Công Sơn của nhóm ca sĩ - nhà báo (vô danh) tổ chức quán café On ở Hà Nội hay tại Café sách Phương Nam (Gò Vấp, Sài Gòn), thì không thể nói rằng cánh báo chí Nhà nước không hay biết.

Ðiều lạ là sự kiện nghệ sĩ Việt kiều Kiều Oanh được trao giải và buổi tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ do một nhóm nhỏ tổ chức ở một phạm vi nhỏ hẹp, ít người tham gia, nhưng đã xuất hiện tin bài với tầng suất dày đặc lặp đi lặp lại trên tất cả các tờ báo trong nước (mà tôi đã liệt kê tên ở phần trên), nào là tường thuật lễ trao giải, nào là phòng vấn nghệ sĩ, nào là quảng cáo cho “sự trở lại” của “cây hài” này. Còn sự kiện tôn giáo lớn nhất trong năm là lễ Phục Sinh, được tổ chức trong phạm vi cả nước, với số người tham gia khoảng 6 triệu người, nhưng không thấy báo chí Nhà nước đăng tải thông tin.

Ai khen Kiều Oanh là ý thích riêng của người ta, với tôi, Kiều Oanh diễn hơi bị... vô duyên, cô cố gắng vặn vẹo thân thể, mặt mày, tay chân trên sân khấu một cách quá mức đến mất tự nhiên, nhiều đến độ tôi thấy cô quằn quại trên sân khấu giống như con trùn bị chế nước sôi, còn lời thoại với kịch bản thì nhạt nhẽo, nếu không muốn nói là có phần “phô” không phù hợp với văn hóa Á Ðông.

Trong khi đó, ở chuyên mục Xã Hội của các báo điện tử VnExpress, báo Tuổi Trẻ làm một bài dài nhằng về vụ Hiệu trưởng trường có học sinh đánh bạn xin nghỉ việc, còn báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài về lễ đặt đá xây dựng tượng Bồ Tát Quan Thế Âm xảy ra ở tít tận tỉnh Kon Tum (mới chỉ có cục đá). Báo Người Lao Ðộng đăng bài Biệt Ðộng Tư Ẩn nói về một người đàn ông “từng tham gia Ðội Biệt Ðộng Sài Gòn với bí danh Tư Ẩn,” báo Lao Ðộng có bài nói về phòng tập thể dục thẩm mỹ “lơ là sức khỏe học viên.”

Riêng báo Dân Trí có đăng loạt ảnh chủ đề “Thế giới đón mừng lễ Phục Sinh” từ Nga qua Ý, sang Bungari, Tây Ban Nha, El Salvador, Hungary, Guantemala, Ðức, Hà Lan, Anh, nhưng lễ Phục Sinh ở Việt Nam như thế nào thì hổng thấy.

Dĩ nhiên, người Công Giáo cũng chẳng ham hố gì được báo chí Nhà nước đăng tin về sinh hoạt tôn giáo của mình, họ đã có hệ thống truyền thông Công Giáo riêng của họ, báo Nhà nước có đăng tin về họ hay không cũng thế thôi.

Tôi có cảm giác người ta làm (ra vẻ) như không nghe, không thấy, không biết 6 triệu người cộng đoàn Kitô hữu đang tổ chức nghi lễ gì, nhưng người ta rất chú ý coi đâu đó nếu có dựng lên vài cây Thánh giá thì sẽ nhanh chóng dùng vũ lực bứng đi. Cùng với sự kiện Thái Hà, sự kiện Tam Tòa, sự kiện Ðồng Chiêm mới xảy ra trong thời gian gần đây, khiến người ta có ý nghĩ truyền thông Nhà nước không đưa tin về lễ Phục Sinh chỉ vì lễ Phục Sinh là lễ của người Công Giáo???

.

.

.

No comments: