Quốc Việt
Tháng Ba 13, 2010
http://ptdcvn.wordpress.com/2010/03/13/ban-v%E1%BB%81-%E2%80%9Cai-nuoi-ai%E2%80%9D/
Vừa rồi, tôi có đi dự một buổi tiệc tất niên của các anh em “đồng chí” phòng P38 (chống báo loạn) – CA TP.HCM . CA của ta có nhiều P lắm (P-Police).
Trong buổi tiệc các anh em đã rất vui, vì được lì xì – thưởng tết. Mở đầu là lời “diễn văn” của đồng chí cán bộ trường phòng. Bài đã được viết sẵn, và khá dài. Nhưng tóm lại nội dung là: “Trong một năm qua, các đồng chí đã dũng cảm hi sinh, đấu tranh trên mặt trận chống diễn biến hòa bình, chống bạo loạn… Chúng ta đang sống là nhờ ân huệ của Đảng, Đảng đã cho chúng ta miếng cơm manh áo… cho nên chúng ta phải hết sức phục vụ để bảo vệ Đảng, bảo vệ lý tưởng XHCN”.
Sau vài ly bia chúc mừng nhau ở cơ quan. Các anh em kéo nhau đi “tăng 2”, ở quán nhậu Hai Lúa – một quán rất sang trọng của TP.HCM, mọi chi phí đều ghi “hóa đơn đỏ” về cơ quan thanh toán lại. Biết tôi là một nhà báo, các anh em cũng có phần “nể trọng”. Sau một hồi nâng ly chúc mừng nhau. Khi anh em đã hơi ngà ngà say, tôi hỏi “anh bạn” tên Trường – mang quân hàm Đại úy – vừa mới làm quen trong bàn nhậu: “thế một năm qua, anh đã làm được gì cho PC38”. Anh Trường cũng đã say say, nên hình như là nói thật: “có làm được gì đâu, ở TP.HCM thì làm gì có bạo loạn, bạo động gì đâu mà chống. Ngày lên cơ quan toàn đọc bào, rồi nghe cấp trên giảng thuyết về các hình thức chống diễn biến hòa bình, bạo loạn…”. Tôi vặn tiếp: “thế không làm gì sao được nhận lương?”. Anh ta chậm rãi: “Nói thật, làm công việc này chán lắm, ở xứ ta làm gì có ai dám biểu tinh, hay bạo loạn gì đâu. Nhưng ‘ăn cây nào thì rào cây đó’. Đến tháng, Đảng phát lương cho, thì mình phải phục vụ cho Đảng?”.
.
Ai nuôi ai?
À! thế lá quá rõ. Cuộc sống của những người chiến sĩ CA ở xứ ta đang nổi lên một cụm từ: “Ai nuôi ai? Và ta phải phục vụ cho ai?”. Trong bàn nhậu với các anh PC38, tôi cũng gật đầu “đồng ý” với suy nghĩ của các anh.
Nhưng trong giới hạn bài viết nhỏ hẹp này. Tôi xin bàn thêm về việc “Ai nuôi ai? Và ta phải phục vụ cho ai?” để các chiến sĩ CA được rõ. Mong rằng các anh sẽ đọc được bài viết này, để hiểu thêm rằng, các anh đang “lầm đường lạc lối”.
Đúng là chuyện miêng cơm manh áo là chuyện hệ trong. Nên khi các anh “ăn lương của Đảng, Đảng nuôi các anh thì các anh phục vụ cho Đảng” cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng có bao giờ các anh nghĩ, hay dám nghĩ: “Có thật là Đảng nuôi các anh không? Các anh ăn lương của Đảng hay ăn lương của nhân dân? Các anh phải phục vụ ai là đúng nhất?”.
Biết là chuyện này là “động trời”, nhưng thiết tưởng phải nói cho các anh hay, để đừng mãi mê ngu muội dấn thân vào con đường lạc lối.
Tôi lấy ví dụ cụ thể.
Trong một dịp đi công tác ở Singapo cách đây vài tháng, tôi đến một cửa hàng mua chiếc áo khoác. Sau khi chọn và thử một chiếc có giá 97đôla Singapor (SGD), tôi trả tiền bằng tờ bạc 100SGD. Người bán hàng nói còn thiếu, tôi chỉ vào biển ghi giá thì được giải thích là giá này còn phải cộng thêm 10% thuế mà người tiêu dùng đóng cho Nhà nước. Tìm hiểu thêm, tôi được biết ở các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp… đều có cách tính thuế tương tự đối với hàng hóa và dịch vụ.
Tôi nêu vấn đề với các chuyên gia kinh tế sở tại: Ở Việt Nam, thuế hàng hóa được thu ngay khi hàng xuất xưởng và được gọi là thuế gián thu (thu gián tiếp) vì thu từ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nhưng thực chất tiền thuế ấy đánh vào người tiêu dùng. Thay vì thu rải rác khi có người mua hàng, nay thu gọn một nơi, một lúc khi hàng xuất xưởng chẳng tiện hơn sao?
Còn nhân viên bán hàng giải thích về cách thu thuế của họ (ở Singapor) như sau: Trước hết đây là thuế mà người tiêu dùng đóng nên khi nào hàng được tiêu thụ thì mới tính thuế; nếu thu trước từ người sản xuất mà ở khâu bán lẻ, hàng không bán được thì sao? Lẽ thứ hai, chúng tôi muốn người dân biết rõ và luôn luôn nhớ là mình đóng thuế nuôi Nhà nước; thuế thu nhập cá nhân cũng nhắc nhở điều đó, nhưng mỗi tháng hoặc mỗi quý chỉ một lần nộp, còn thuế hàng hóa, dịch vụ thì hầu như ngày nào dân cũng đóng. Chính vì thế nên giá hàng khi niêm yết là giá chưa có thuế hàng hóa để người mua tự tính thêm.
Đối với thuế mà người tiêu dùng phải nộp, cách thu trực tiếp hay thu gián tiếp hợp lý và có lợi hơn, tôi không phải chuyên gia về thuế nên không dám so sánh, song thấy rất ấn tượng về cái lẽ thứ hai mà họ giải thích. Nguồn thu của ngân sách nhà nước là do dân đóng góp dưới nhiều hình thức; viện trợ không hoàn lại của nước ngoài chiếm một tỷ lệ cũng không lớn; thu từ tài nguyên cũng là nguồn thu do tài sản thuộc sở hữu toàn dân mang lại; bội chi ngân sách được bù đắp bằng các khoản vay trong và ngoài nước, rút cuộc cũng do dân trả nợ trong các năm sau. Ở nước ta, kinh phí hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội cũng dựa vào ngân sách nhà nước toàn bộ hoặc phần lớn, nên có thể nói dân ta nuôi cả hệ thống chính trị.
Cách thu thuế như các nước tiên tiến nhằm thường xuyên nhắc nhở người dân hiểu và nhớ rằng: mình nuôi Nhà nước là một biện pháp thiết thực tôn trọng người dân, cổ vũ dân chủ. Người dân ý thức rõ là bộ máy nhà nước do dân nuôi nên bộ máy này phải phục vụ dân; người nuôi bộ máy có quyền đòi hỏi các cơ quan công quyền phải thực hiện đúng quy chế công khai, minh bạch và được dân giám sát.
Thử làm một cuộc thăm dò ở nước ta xem bao nhiêu phần trăm công dân biết rằng Nhà nước do mình nuôi bằng thuế? Có thể nói chắc là tỷ lệ không cao. Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu treo trên đường phố hoặc viết chữ to ở bảng đầu làng, đầu ngõ tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân khi nộp thuế; hiếm khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà nước. Gần đây, một số cửa hàng lớn, khách sạn, nhà hàng, công ty dịch vụ… ghi rõ trong phiếu thu tiền phần giá hàng hóa, dịch vụ và phần thuế mà người tiêu dùng phải nộp. Tuy nhiên đối với đông đảo nhân dân, nhất là ở nông thôn, không mấy người biết rằng khi mua hàng (từ hàng tiêu dùng đến máy móc, vật liệu… sản xuất trong nước và nhập khẩu), người mua đã đóng thuế cho Nhà nước trong giá mua hàng.
Không chỉ người dân thường mà không ít người trong bộ máy công quyền cũng không ý thức được rằng: mình được dân nuôi. Ở nước ta mỗi khi người dân có được thành tựu, hoặc được được hưởng một lợi ích nào đó thì thường nói là ơn Đảng, ơn Chính phủ.
Chúng ta biết rằng một chủ trương, chính sách đúng của Đảng và Nhà nước được tổ chức thực hiện tốt thì đem lại lợi ích cho dân. Muốn hoạch định đúng chủ trương, chính sách, phải dựa vào trí tuệ, kinh nghiệm và ý kiến đóng góp của dân. Thế nhưng ở VN ta, người dân chưa “có quyền” làm việc này.
Trong mọi lĩnh vực hoạt động, nhất là về kinh tế, xã hội, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dù quan trọng đến đâu cũng chỉ vạch hướng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của dân, không thể trực tiếp tạo ra kết quả cụ thể trong sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần nếu không có sự đồng thuận và tích cực thực hiện của dân. Như vậy, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phải do nỗ lực hoạt động của dân. Ngay cả khi Nhà nước đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức, doanh nghiệp của Nhà nước để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người dân, thì nhà nước cũng sử dụng các nguồn lực của dân để làm việc đó, và trong nhiều trường hợp, chất lượng, hiệu quả lại không bằng người dân tự tổ chức làm.
Về vai trò quyết định của dân đối với sự phát triển của đất nước, mọi người đều công nhận và thường xuyên nhắc tới. Tuy nhiên, trong nhận thức và hành động thực tế có không ít trường hợp điều đó bị lãng quên mà chỉ thấy sự lãnh đạo và quản lý của Đảng, của Nhà nước.
.
Một ví dụ khác
Báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ đầu tháng 01/2010 vừa qua về tình hình kinh tế – xã hội tháng 6 tháng đầu năm 2009 có câu mở đầu như sau: “Nhờ sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và sự nố lực của các ngành, các cấp, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong 6 tháng có thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực”. Như vậy, những cố gắng của dân không được tính đến. Cách suy nghĩ này cũng khá phổ biến trong nhiều cơ quan và cả trên báo chí.
Chúng ta biết rằng khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm và lạm phát do những yếu kém bên trong và chịu tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính – kinh tế trên thế giới từ bên ngoài, thì dân và doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân, là người gặp nhiều khó khăn nhất, phải vật lộn rất gay go mới có thể tồn tại và phát triển. Những chính sách và biện pháp tình thế của Chính phủ nếu đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tế thì chỉ có thể làm giảm bớt khó khăn và tạo thêm điều kiện cho việc làm ăn của dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp phải vận động tự thân là chính.
Đây chính là tiềm năng to lớn nhất cho sự phát triển. Mọi người đều đánh giá nền nông nghiệp và nông dân nước ta trong năm 2009 đã duy trì tốt đà tăng trưởng, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế, tạo thuận lợi cho các ngành và lĩnh vực hoạt động khác. Trong thành tựu của nông nghiệp, có phần nhờ tác động của các chính sách và đầu tư từ nhiều năm nay của Nhà nước; song nói riêng về các biện pháp kích cầu để vượt qua khó khăn, ngăn chặn suy giảm kinh tế thì đến tháng 12/2009. Chính phủ mới có chính sách ưu đãi đối với nông dân và việc thực hiện còn phải có thời gian. Vì vậy đối với một số chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nếu chỉ thấy “sự chỉ đạo tập trung kiên quyết của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp” thì đó là cách nhìn rất phiến diện vì không đánh giá đúng những cố gắng rất to lớn của dân và doanh nghiệp.
Nhận thức sâu sắc vai trò và tiềm năng to lớn của dân là nền tảng về tư duy để hoạch định chính sách đổi mới và phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu rõ: “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân”. Để thực hiện yêu cầu đó, câu hỏi: “Ai nuôi Nhà nước và cả hệ thống chính trị ở Việt Nam?” cần được mọi người trong bộ máy công quyền cũng như mọi người dân trả lời rõ và ghi nhớ trong lòng.
.
Thay lời kết
Quay lại vấn đề đầu bài: “Ai nuôi các chiến sĩ CA, và toàn bộ máy chính quyền?”. Xin thưa: không ai khác, chính nhân dân đã nuôi toàn bộ chính quyền, đã trả lương cho các anh, nuôi các lực lượng vũ trang. Mang tên Quân đội nhân dân và CA nhân dân là rất đúng. Họ là con em của nhân dân do dân nuôi, vì vậy họ là của dân, do dân và vì dân. Họ không phải là quân đội hay CA riêng của một Đảng phái chính trị nào cả, kể cả Đảng Cộng Sản đang nắm quyền.
Lý tưởng cao cả nhất của lực lượng vũ trang là trung thành với tổ quốc, với nhân dân chứ không phải là với một đảng Cộng Sản.
Mong rằng các anh – những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang của tổ quốc hãy hiểu rõ điều này. Đừng mãi mê ngu muội, hay cố tình mãi mê “không biết, không hiểu” mà đưa cả một dân tộc Việt Nam đến chỗ tụt hậu.
Quốc Việt gởi từ Sài Gòn
Nguồn: Tập san Dân Chủ 01/2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment