Ba Lan mất đi nhiều nhân vật từng đấu tranh chống cộng sản
Thứ tư 14 Tháng Tư 2010
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20100414-ba-lan-mat-di-nhieu-nhan-vat-tung-dau-tranh-chong-cong-san
Ngoài những chính khách đương nhiệm, người dân Ba Lan chợt nhận ra rằng họ vừa mất đi cả một mảng của lịch sử nước họ, bởi vì trong chuyến bay tuần trước, tháp tùng tổng thống Kaczynski, còn có một số nhân vật đã đóng vai trò trọng yếu trong thời kỳ đấu tranh chống chế độ cộng sản.
.
Ngày thứ bảy tới đây, Ba Lan sẽ tưởng niệm 96 nạn nhân tai nạn máy bay tổng thống Kaczynski tại Nga và ngày hôm sau, chủ nhật, hai vợ chồng tổng thống Ba Lan sẽ được mai táng trong một buổi lễ với sự tham dự của nhiều lãnh đạo ngoại quốc. Hôm nay, hàng ngàn người dân Ba Lan, tuy trời đang mưa, nhưng vẫn kiên nhẫn xếp hàng mấy tiếng đồng hồ, để được đặt bó hoa hoặc nghiêng mình trước linh cửu tổng thống Kaczynski và phu nhân.
Hôm qua, có một hình ảnh sẽ mãi mãi ghi khắc trong tâm trí người dân Ba Lan: 18 chiếc ghế để trống của các dân biểu tử nạn, chỉ có bức chân dung của họ và bó hoa đặt kế bên. Hôm qua, trong một phiên họp đặc biệt, các dân biểu Quốc Ba Lan đã đau đớn tưởng niệm các đồng nghiệp đã vĩnh viễn ra đi trong tai nạn bi thảm nhất trong lịch sử nước này.
Nhưng ngoài những chính khách đương nhiệm, người dân Ba Lan bây giờ mới chợt nhận ra rằng họ vừa mất đi cả một mảng của lịch sử nước họ, bởi vì trong chuyến bay định mệnh ngày thứ bảy tuần trước, tháp tùng tổng thống Kaczynski, còn có một số nhân vật đã đóng vai trò trọng yếu trong thời kỳ đấu tranh chống chế độ cộng sản.
.
Những nhân vật Ba Lan đấu tranh chống chế độ cộng sản
Đầu tiên phải kể đến ông Ryszard Kaczorowski, tổng thống Ba Lan cuối cùng sống lưu vong. Sau cuộc tấn công của Đức Quốc xã ngày 1/9/1939, khởi đầu cho Thế chiến thứ hai, chính phủ dân chủ Ba Lan thời đó đã lưu vong, đầu tiên là ở Rumani, Pháp, rồi cuối cùng đặt trụ sở ở thủ đô Anh quốc. Sau khi chấm dứt Thế chiến thứ hai, Ba Lan lại rơi vào tay Cộng sản, cho nên chính phủ lưu vong quyết định vẫn ở lại Luân Đôn và duy trì ngọn cờ chủ quyền Ba Lan. Trong suốt gần nữa thế kỹ, bên cạnh chế độ cộng sản Vacxava, được nhiều quốc gia công nhận, vẫn tồn tại chính phủ lưu vong Luân Đôn.
Sau khi Hồng quân Liên Xô tấn công vào Ba Lan ngày 17/9/1939, ông Kaczorowski, lúc ấy là thành viên một tổ chức hướng đạo hoạt động bí mật, đã bị cảnh sát mật vụ Liên Xô bắt giữ. Sau 100 ngày nằm trong phòng giam dành cho tử tù, ông bị kết án 10 năm khổ sai ở Siberi. Được Staline ân xá năm 1941, ông phục vụ trong quân đội Ba Lan được thành lập ở Liên Xô. Sau chiến tranh, ông sang sống lưu vong ở Luân Đôn và đến năm 1989 lên làm tổng thống chính phủ Ba Lan lưu vong.
Nhưng chỉ vài tháng sau đó, chế độ cộng sản sụp đổ, nền Cộng hòa Ba Lan thứ ba ra đời, với cựu lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết Lech Walesa được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên vào tháng 12/1990. Liền sau đó, chính phủ lưu vong Luân Đôn tuyên bố tự giải tán và ngày 22/12, ông Kaczorowski trở về quê hương để, một cách tượng trưng, trao quyền lại cho tân tổng thống Lech Walesa.
Cùng lứa tuổi 80 với ông Kaczorowski là bà Anna Walentynowicz, cũng là một nhân vật lịch sử quan trọng đã bỏ mạng trong tai nạn máy bay ở Nga. Bất mãn chế độ cộng sản, bà Walentynowicz đã gia nhập hàng ngũ đối lập dân chủ từ thập niên 70 và một trong những người sáng lập Công đoàn Đoàn kết, công đoàn tự do đầu tiên trong khối cộng sản. Làm việc tại xưởng đóng tàu Gdansk, nhưng do tham gia hoạt động chính trị, bà Walentynowicz đã bị sa thải 5 tháng trước khi đến tuổi về hưu. Vụ sa thải này đã làm dấy lên phong trào đình công dẫn đến sự hình thành Công đoàn Đoàn kết.
Cùng tử nạn trong chiếc máy bay của tổng thống Kaczynski còn có ông Arkadiusz Rybicki, 57 tuổi. Cũng làm việc tại xưởng đóng tàu Gdansk và cũng tích cực tham gia phong trào đối lập dân chủ, Rybicki đã cùng với một người bạn khắc trên một mảnh gỗ 21 yêu sách của các công nhân xưởng đóng tàu, trong đó yêu sách đầu tiên là ra các đạo luật về công đoàn độc lập. Năm 2003, bản yêu sách khắc trên gỗ này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
.
.
.
No comments:
Post a Comment